Hà Nội: Bồi đắp niềm tin của nhân dân trong cuộc chiến chống COVID-19
TCCS - Trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch COVID-19, hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở đã tuyên truyền, vận động, bồi đắp niềm tin của nhân dân vào cấp ủy, chính quyền, chung sức, đồng lòng triển khai đưa các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, tạo sức mạnh tổng hợp trong phòng, chống dịch bệnh.
Với vai trò đoàn kết, tập hợp nhân dân xung quanh Đảng, hệ thống dân vận thành phố Hà Nội đã “khéo” vận động, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm các chủ trương của Trung ương và thành phố về phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, các tổ dân vận cơ sở đã tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức vận động nhân dân, chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã kịp thời ban hành nhiều chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, yêu cầu các cấp ủy, chính quyền sớm triển khai những mô hình hiệu quả tại cơ sở như: Cách ly “3 lớp”, “4 tại chỗ”, “thực hiện nghiêm túc 5K” thôn làng, tổ dân phố, khu dân cư tự quản…; trong đó, luôn nhấn mạnh vai trò của công tác vận động nhân dân.
Trên toàn thành phố, từng chi bộ, từng tổ dân phố, Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố Yên Phúc, phường Phúc La (quận Hà Đông) Đỗ Đăng Ninh chia sẻ, tháng 7-2021, Phúc La đã xây dựng những “vùng xanh” đầu tiên của quận Hà Đông. Ban đầu, tổ dân phố Yên Phúc chỉ có 20 người tham gia các tổ COVID-19 cộng đồng, ứng trực tại các chốt kiểm soát “vùng xanh”. Qua vận động, tuyên truyền, 50 người dân đã tình nguyện tham gia bảo vệ “vùng xanh”, hằng ngày ứng trực 4 ca, từ 7h đến 22h, giữ nghiêm kỷ luật giãn cách xã hội, đến nay không phát sinh ca F0. Bí thư Đảng ủy phường Phúc La Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, với 40 chốt trực tại 19 tổ dân phố và sự tham gia tích cực của những cán bộ cơ sở, đặc biệt là các bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân vận tại khu dân cư đã khiến người dân cảm phục và tình nguyện tham gia công tác phòng, chống dịch của địa phương.
Cùng với phường Phúc La, phường Mai Động (quận Hoàng Mai) đã thiết lập những vùng an toàn, không dịch bệnh từ rất sớm. Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận khu dân cư số 9 (phường Mai Động) Nguyễn Văn Vo nhớ lại, sau khi phát hiện hai ca F0 vào đầu tháng 8-2021, cùng với việc khẩn trương khoanh vùng, truy vết, chi ủy chi bộ khu dân cư số 9 đã chỉ đạo thiết lập “vùng xanh”, ngăn không cho người lạ tự ý đi vào khu dân cư và hạn chế người dân ra ngoài khi không có việc cần thiết. “Thời gian đầu, nhiều người khó chịu với các quy định nghiêm ngặt để bảo vệ “vùng xanh”. Song, chính việc giữ vững, không để phát sinh thêm ca F0 đã khiến lòng dân đồng thuận, chấp hành nghiêm mọi quy định để bảo vệ sự an toàn của khu dân cư”, ông Nguyễn Văn Vo chia sẻ. Chị Nguyễn Thị Lan Anh, ngõ 13 Lĩnh Nam (phường Mai Động) phấn khởi cho biết: “Mô hình “vùng xanh” đã mang lại sự an toàn cho khu dân cư. Tôi và nhiều gia đình tích cực hưởng ứng, đã tổ chức đi chợ hộ, hỗ trợ các gia đình là các cụ cao tuổi để mọi người yên tâm ở nhà”…
Hiệu quả từ mô hình “vùng xanh” của quận Hoàng Mai đã được Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng biểu dương, đồng thời chỉ đạo nhanh chóng tổ chức phổ biến ở địa bàn dân cư. Từ đó, “vùng xanh” được phát triển mạnh mẽ, phù hợp với từng địa phương, đơn vị. Tại quận Tây Hồ, mô hình “Tổ dân phố xanh an toàn, chung cư xanh an toàn” đã được triển khai đồng bộ tại 8/8 phường. Đến cuối tháng 8-2021, toàn quận có 266 “vùng xanh” tương ứng với 266 điểm trực chốt. Trưởng ban Dân vận Quận ủy Tây Hồ Trần Thị Thu Hường cho biết, chủ trương xây dựng mô hình “Tổ dân phố xanh an toàn, chung cư xanh an toàn” của Thường trực Quận ủy Tây Hồ đã được phổ biến sâu rộng đến từng địa bàn dân cư, được nhân dân toàn quận hưởng ứng, tình nguyện tham gia.
Tại quận Long Biên, việc siết chặt kỷ luật phòng chống dịch đã giúp quận trở thành một trong những “vùng xanh” an toàn của Thủ đô. Nhớ lại thời điểm gỡ phong tỏa cách ly y tế tại ngõ 193 phố Bồ Đề, Bí thư Đảng ủy phường Bồ Đề (quận Long Biên) Nguyễn Ngọc Quang cho biết, sau khi nhận thông tin về ca F0 tại ngõ 193, phố Bồ Đề, Ủy ban nhân dân phường đã khẩn trương cách ly y tế ngõ 193. Sau 2 lần xét nghiệm có kết quả xét nghiệm âm tính và 14 ngày cách ly, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường quyết định kết thúc cách ly y tế ngõ 193 theo quy định. Có 2 tập thể và 3 cá nhân là cán bộ cơ sở có thành tích xuất sắc trong đợt cao điểm phòng, chống dịch COVID-19 đã được Ban Thường vụ Quận ủy Long Biên khen thưởng đột xuất. Chính sự đồng thuận chấp hành nghiêm quy định xét nghiệm sàng lọc, cách ly y tế của người dân đã giúp “điểm nóng” tại phường Bồ Đề nhanh chóng bình yên trở lại.
Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị ở cơ sở với những đóng góp quan trọng của lực lượng làm công tác dân vận đã giúp các quận, huyện, thị xã: Phúc Thọ, Long Biên, Đan Phượng, Hoài Đức… ngày càng có thêm nhiều “vùng xanh”. Đặc biệt, mô hình “Gia đình an toàn COVID-19” của quận Hai Bà Trưng đã được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu nhân rộng ra toàn thành phố. Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh thần của người dân, khiến những phong tục lâu đời như việc hiếu, việc hỷ cũng buộc phải thay đổi nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.
Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân vận thôn Trung, xã Hồng Sơn (huyện Mỹ Đức) Trần Văn Tại cho biết, thôn có 296 hộ với trên 1.200 nhân khẩu. Trong bối cảnh thành phố thực hiện giãn cách xã hội, tổ dân vận đã tích cực vận động các gia đình tạm hoãn đám cưới để bảo đảm không tập trung đông người. Các đám hiếu cũng được tổ chức theo mô hình lễ tang văn minh, chỉ có tối đa 5 người thân thiết trong gia đình tham dự để hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Trưởng ban Dân vận huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Thị Thúy Hòa thông tin, 8 tháng năm 2021, phong trào thi đua dân vận khéo trên địa bàn huyện được triển khai gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của thành phố, của huyện, đặc biệt là công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nổi bật, huyện đã vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Trong đó, riêng cuộc vận động “Toàn dân thực hiện tang văn minh, tiến bộ” đã đưa số ca hỏa táng trên địa bàn đạt tỷ lệ 61%.
Là một trong những địa bàn thuộc “vùng đỏ” của thành phố do dịch bệnh diễn biến phức tạp, hệ thống dân vận huyện Thanh Trì đã nỗ lực cùng các cấp ủy, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chống “giặc” COVID-19; tham gia duy trì hoạt động của 241 chốt kiểm soát phòng, chống dịch. Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay, các tổ trưởng tổ dân vận đều là thành viên nòng cốt của tổ COVID-19 cộng đồng, tích cực tham gia thành lập nhóm Zalo tại khu dân cư, vận động trên 80% hộ gia đình trên địa bàn huyện tham gia. Thông qua nhóm Zalo đã góp phần cùng lực lượng chức năng truy vết nhanh các ca F0 và người liên quan, hạn chế để dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng.
Đánh giá vai trò của hệ thống dân vận toàn thành phố trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, 8 tháng năm 2021, Ban Dân vận Thành ủy đã tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội về công tác dân vận, gắn với thực hiện trọng tâm công tác dân vận “Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”, chủ đề công tác năm của thành phố đó là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Cùng với cả hệ thống chính trị, Ban Dân vận Thành ủy đã bám sát nhiệm vụ trọng tâm của thành phố để chỉ đạo Ban Dân vận các quận, huyện, thị ủy nỗ lực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đặc biệt, 4.753 tổ dân vận ở thôn, tổ dân phố đã thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tăng cường tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các tổ dân vận cũng đã chủ động phối hợp với các tổ COVID-19 cộng đồng giám sát việc chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương; phối hợp thành lập tổ kiểm soát dịch tại các khu dân cư, vận động nhân dân cam kết tham gia thực hiện “cá nhân an toàn”, “gia đình an toàn”. Thông qua đó đã kịp thời nắm bắt và giải quyết những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là việc ổn định đời sống nhân dân trước tác động của dịch COVID-19.
Hoạt động của hệ thống dân vận thành phố thời gian qua đã góp phần đắc lực cùng cả hệ thống chính trị thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và thành phố Hà Nội về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với đó, hệ thống dân vận thành phố cũng nỗ lực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội triển khai những mô hình “Dân vận khéo” nhằm hỗ trợ người dân, giúp nhân dân vững tin, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19./.
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc đang sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam  (14/09/2021)
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng: Thành quả của sức mạnh đoàn kết và chung ý chí quyết tâm  (14/09/2021)
Petrovietnam: Khó khăn không chỉ từ dịch bệnh COVID-19  (14/09/2021)
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch COVID-19  (13/09/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam