Mấy đặc điểm mới của cuộc chạy đua vũ trang

Trần Trọng
11:15, ngày 10-04-2007

Trong điều kiện phức tạp của thế giới ngày nay, khi mà chủ nghĩa quân phiệt - thế lực chính trị đại diện tiêu biểu cho tổ hợp công nghiệp - quân sự hùng hậu đang trở thành những trung tâm siêu quyền lực, thao túng nhiều mặt về chiến lược và chính sách đối ngoại của nhiều quốc gia, thì chạy đua vũ trang được đà phát triển mạnh. Tìm hiểu đặc điểm mới của cuộc chạy đua vũ trang chúng ta sẽ thấy được rõ hơn bản chất vấn đề này.

Nhân loại sống trong những năm đầu của thế kỷ mới với hy vọng tràn trề và cũng đầy rẫy lo âu. Chưa bao giờ nguyện vọng khát khao giữ vững hòa bình để hợp tác và phát triển lại cháy bỏng như lúc này. Và cũng chưa bao giờ, các cuộc xung đột và chiến tranh lại dễ dàng bùng nổ và lôi kéo nhiều nước lớn, nhỏ dính líu vào dai dẳng như hiện nay. Theo một số thống kê, nếu tính cả cuộc chiến tranh I-xra-en - Li-băng vừa kết thúc, thì chỉ mới hơn 5 năm đầu tiên của thập kỷ mới, trên hành tinh chúng ta đã bùng nổ 43 cuộc xung đột và chiến tranh, tức là khoảng 9 cuộc/năm, cao gần gấp đôi mức bình quân của thập kỷ trước. Vì sao vậy? Lý giải điều đó, đã có nhiều luận thuyết khác nhau. Chỉ có điều mà số đông các "học giả", kể cả ở một số trung tâm nghiên cứu quốc tế, né tránh, không nói đến, đó là tác động nguy hiểm ngày càng tăng của cuộc chạy đua vũ trang.

Sản xuất và kinh doanh vũ khí là nhân tố cơ bản quyết định sự tồn tại và phát triển của chạy đua vũ trang. Có một đặc điểm rất mới là, chưa bao giờ các loại vũ khí tối tân và phương tiện chiến tranh hiện đại lại liên tiếp được cho ra đời nhiều như hiện nay. Trong số đó, có nhiều loại mà cuối thế kỷ trước, các nhà chỉ đạo chiến tranh và nghệ thuật quân sự chỉ nhìn thấy trong giấc mơ! Vậy mà bây giờ đã khác trước.

1 - Sự phát triển của công nghệ cao trong công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới và công nghệ máy tính thế hệ mới đã làm cho các ngành sản xuất vũ khí và phương tiện chiến tranh có bước tiến nhảy vọt. Các phương hướng phát triển chủ yếu của vũ khí học đều nhằm tập trung vào các mặt tạo ra độ chính xác cao (vũ khí siêu chính xác), uy lực lớn, có sức xuyên, sức công phá cực mạnh. Rô-bốt hóa, tự động hóa và tàng hình hóa. Từ chỗ cải tiến và trang bị riêng lẻ, ngày nay người ta đã tiến đến tàng hình hóa cả một phi đội máy bay, một phân đội xe tăng hoặc cả một tổ hợp tàu ngầm, tàu chiến... Đi đầu trong việc phát triển vũ khí công nghệ cao là Mỹ - nước có tổ hợp công nghiệp - quân sự mạnh hàng đầu thế giới. Ngoài việc liên tục thử nghiệm các hệ thống phòng thủ tên lửa, ngành sản xuất vũ khí của Mỹ đang phát triển nhiều loại vũ khí rất nguy hiểm, nhưng nghe rất "hiền lành", tưởng chừng như vô hại. Đó là các loại vũ khí "phi sát thương" như vũ khí chùm tia, vũ khí "gây sốc điện", vũ khí "âm thanh định hướng" công suất cao... Một số loại vũ khí mới, được báo chí phương Tây nói nhiều như bom xuyên siêu lớn có trọng lượng đến 13.608 kg/quả, chở bằng máy bay ném bom tàng hình B 1, được điều khiển bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS. Loại bom này có thể khoan sâu vào lòng đất đến 225m để phá hủy các hầm ngầm, kho chứa hạt nhân và địa đạo của đối phương. Một hướng phát triển nguy hiểm nữa là, theo báo chí Mỹ và phương Tây, Mỹ đã nghiên cứu và thử nghiệm nhiều loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ, theo tư tưởng chiến lược "bình thường hóa" và "phổ thông hóa" vũ khí hạt nhân, có thể dùng ở nhiều quy mô chiến tranh khác nhau để đảm bảo ưu thế tuyệt đối cho Mỹ trên chiến trường. Để tránh sự phản đối của dư luận, người ta còn khôn khéo xếp các loại vũ khí hạt nhân cỡ nhỏ đó vào danh mục "các loại vũ khí chống khủng bố". Theo Tạp chí Quân sự hoàn cầu (số 6-2006), hiện nay Mỹ đang tập trung nghiên cứu vũ khí hạt nhân thế hệ thứ 4 với dự tính sẽ chế tạo thành công loại vũ khí này trong 2 - 3 năm tới. Điều này đang làm cho giới khoa học quân sự thế giới rất quan tâm.

2 - Trước đây, việc sản xuất và kinh doanh vũ khí chỉ tập trung chủ yếu ở 2 trung tâm lớn là Mỹ và Liên Xô. Ngày nay, đã có thêm nhiều trung tâm khác tham gia sản xuất và kinh doanh vũ khí, đặc biệt là vũ khí công nghệ cao, vũ khí hạt nhân, tên lửa, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Nhật Bản, I-ran... và họ đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Ví dụ, Trung Quốc đã đạt đến trình độ không những đưa người vào vũ trụ mà còn nghiên cứu, tự sản xuất được các loại tàu ngầm, máy bay chiến đấu tầm xa, các loại tên lửa điều khiển và có nhiều cải tiến vũ khí đạt tiến bộ lớn. Theo Tạp chí JDW của Anh, cách đây mấy năm, Trung Quốc đã chào hàng các loại đạn pháo cỡ 155 mm mới, có tính năng nâng tầm bắn lên 50 km, hoặc tăng tầm nổ - phá của pháo lên 30 km, nghĩa là tăng uy lực của pháo lên gấp đôi so với trước. Cũng theo nguồn trên, Trung Quốc đang xúc tiến nhanh chương trình đưa tầm bắn của tên lửa hành trình hạm - đối - hạm lên vài trăm km. Ấn Độ vừa thử nghiệm thành công các loại tên lửa có tầm bắn 2.000 km và 2.500 km. Theo báo cáo của Quốc hội Mỹ, tổng kim ngạch mua bán vũ khí của Ấn Độ trong năm 2005 đã lên 5,4 tỉ USD (Roi-tơ, 11-2006); năm nay có thể còn cao hơn. Ngay cả một số nước trước đây không được coi là có tiềm năng kỹ thuật công nghệ quân sự lớn, ví dụ như I-ran, vừa qua đã sản xuất thành công máy bay chiến đấu và tàu ngầm tàng hình có trang bị tên lửa nhiều đầu đạn, làm cho giới hoạt động kinh doanh vũ khí phải kinh ngạc.

Đặc điểm này cho thấy đội ngũ các nước sản xuất vũ khí hiện đại bằng công nghệ cao đã và đang được mở rộng đáng kể. Sản lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh được sản xuất ra trên thế giới hiện nay ngày càng nhiều với chất lượng cao hơn trước gấp nhiều lần.

3 - Vũ khí sản xuất ra càng nhiều thì hiểm họa chiến tranh càng tăng. Lô-gíc này được thực tế chứng minh hoàn toàn đúng. Tổng sản lượng công nghiệp sản xuất vũ khí của những năm đầu thế kỷ này cao hơn trước, nên mức bình quân về xung đột vũ trang và chiến tranh cũng cao gần gấp đôi mức bình quân của thập kỷ trước. Nước Mỹ là trung tâm sản xuất và kinh doanh vũ khí lớn nhất thế giới và cũng là nước trực tiếp phát động 2 cuộc chiến tranh kéo dài trong nhiều năm (chiến tranh Áp-ga-ni-xtan từ tháng 10-2001 và chiến tranh I-rắc từ tháng 3-2003, là chiến tranh rất hiện đại, có sử dụng nhiều vũ khí kỹ thuật công nghệ cao). Dù được che đậy dưới danh nghĩa "chiến tranh chống khủng bố", "chiến tranh truy tìm vũ khí hủy diệt"... nhiều tài liệu và báo chí Mỹ đã tiết lộ những vấn đề lớn, rất mới, có quan hệ đến nền sản xuất vũ khí và phương tiện chiến tranh công nghệ cao của Mỹ. Áp-ga-ni-xtan và I-rắc là 2 chiến trường được dùng thí nghiệm các loại vũ khí công nghệ cao, như bom xuyên siêu lớn trọng lượng trên 16.000 kg, đạn pháo "giảm xạ u-ra-ni-om" (dùng thử nghiệm ở I-rắc, lính Mỹ cũng bị ảnh hưởng), rô-bốt chiến đấu thay cho người cầm súng trên chiến trường... Chiến tranh vừa là nơi tiêu thụ nhanh nhất, nhiều nhất các loại sản phẩm vũ khí, có khi đến hàng nghìn, hàng vạn tấn trong thời gian ngắn, vừa là nơi thực nghiệm tốt nhất các quy trình và hiệu quả của sản xuất vũ khí, làm cho công nghiệp sản xuất vũ khí phát triển mạnh mà không bị dư luận lên án. Hơn nữa, các loại vũ khí hiện đại, công nghệ cao đã được kiểm chứng qua thực tế chiến tranh, khi rao bán trên thị trường quốc tế thường cao giá và đắt khách hơn. Theo báo chí Mỹ và phương Tây, hiện nay chi phí chiến tranh của Mỹ cho cả 2 cuộc chiến tranh I-rắc và Áp-ga-ni-xtan đã lên tới trên 6,8 tỉ USD/tháng. Theo đánh giá của Ủy ban tư vấn của Quốc hội Mỹ, tổng chi phí cho chiến tranh I-rắc, tính đến đầu tháng 12-2006, đã là hơn 400 tỉ USD. Tất cả những điều nói trên cho thấy vì sao các nhà lãnh đạo công nghiệp quân sự thích làm chiến tranh, dù có bị mang tiếng là "hiếu chiến", bởi siêu lợi nhuận trong chiến tranh là cực lớn.

Một đặc điểm mới nữa làm cho cuộc chạy đua vũ trang ngày nay bị đốt nóng lên, đó là sự cạnh tranh và giành giật thị trường tiêu thụ vũ khí và trang thiết bị quân sự giữa các cường quốc (các trung tâm sản xuất vũ khí) diễn ra hết sức phức tạp và quyết liệt. Trên thực tế, việc cạnh tranh thị trường kinh doanh vũ khí luôn diễn ra từ nhiều thập kỷ nay. Điều khác với trước đây là, trong toàn cầu hóa, quy mô và hình thái cạnh tranh mở rộng hơn và được che giấu dưới nhiều hình thức "hợp pháp hóa". Việc duy trì và mở rộng khối quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một bằng chứng. Ai cũng biết, trong chiến tranh lạnh có 2 tổ chức quân sự đối địch nhau là NATO và Vác-xa-va. Sau khi Liên Xô sụp đổ, khối Vác-xa-va tan rã, vậy mà NATO vẫn được duy trì, được phát triển theo hướng "Đông tiến", kết nạp thêm nhiều nước, chủ yếu là các nước Đông Âu và một số nước thuộc Liên bang Xô-viết. Không phải chỉ có vậy, người ta còn tuyên bố chuẩn bị mở rộng NATO thành một "tổ chức toàn cầu"! Dĩ nhiên, làm như vậy còn bao hàm nhiều mục tiêu khác, như về địa - chính trị, địa - chiến lược... nhưng có một mục tiêu lớn là mở rộng hết mức thị trường kinh doanh vũ khí. Đã có những bằng chứng thực tế khẳng định điều đó. Đó là, ngay sau khi được kết nạp vào NATO, một số nước Đông Âu đã phải "bán đổ, bán tháo" cả máy bay, xe tăng, đại bác cùng nhiều loại trang bị, vũ khí khác do Liên Xô sản xuất theo tiêu chuẩn khối Vác-xa-va, để nhập các loại vũ khí mới từ các nguồn khác theo tiêu chuẩn NATO.

Điều rất mới nữa là, trong Hội nghị cấp cao của NATO vừa qua, người ta còn công khai tuyên bố rõ ý đồ mở rộng chức năng của tổ chức quân sự này lên một quy mô mới: biến NATO thành "NATO năng lượng toàn cầu"!

Nhiều nhà quan sát quốc tế gần đây phát hiện ra rằng, sự phát triển các kiểu liên minh chống khủng bố là một chủ trương chiến lược rất "cao tay" để mở rộng đáng kể thị trường kinh doanh vũ khí. Người ta thấy rằng, hầu như mỗi hiệp định liên minh chống khủng bố đều có kèm theo một phụ lục viện trợ trang bị vũ khí chống khủng bố (thực chất là mua bán vũ khí). Trong bảng danh mục các "vũ khí chống khủng bố" có đến trên 85% là các loại vũ khí thông thường, như súng trường, súng máy, xe tăng thiết giáp, xe bọc thép chở quân, pháo và súng cối các loại, máy bay vận tải quân sự... Đây chủ yếu là các loại vũ khí thông thường rất khó tiêu thụ, nếu đưa vào danh mục "vũ khí chống khủng bố" sẽ buộc các bạn hàng trong liên minh "chống khủng bố" phải chấp nhận "trọn gói".

Điều đáng lưu ý hơn là, việc bán vũ khí hiện đại cho một số đối tượng còn có tác dụng kích thích chạy đua vũ trang rất mạnh ở nhiều khu vực nhạy cảm của thế giới. Theo Tạp chí Quân sự văn trích của Hồng Công (số 6-2005), Đài Loan đã đưa ra một kế hoạch mua sắm vũ khí mới với tổng giá trị 15,5 tỉ USD. Mỹ đã bán cho Đài Loan 120 tên lửa không - đối - không AIM và 84 tên lửa có tốc độ cao HARM trang bị cho máy bay F 16, là các loại vũ khí lần đầu tiên Mỹ bán ra ngoài. Với sự trợ giúp bằng thiết bị và công nghệ mới, gần đây Đài Loan đã sản xuất được nhiều loại vũ khí mới như tên lửa Hùng Phong 2 E có tầm bắn tới trên 1.000 km, tương đương với tên lửa Trident của Mỹ, có khả năng mang nhiều đầu đạn bắn tới nhiều mục tiêu khác nhau. Tên lửa Hùng Phong 3 và tên lửa Thiên Kiếm 2 A có tốc độ gấp 4 lần tốc độ âm thanh...

Những đặc điểm mới trên cho thấy, cuộc chạy đua vũ trang trong toàn cầu hóa hiện nay đang phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu với tốc độ nhanh và quy mô lớn; các loại vũ khí được sản xuất ra có sức tàn phá và hủy diệt tăng gấp nhiều lần so với trước. Nếu chạy đua vũ trang không được ngăn chặn, thế giới này sẽ ra sao? Chắc chắn đó không phải là một lâu đài "toàn màu hồng" như các nhà lý luận theo "chủ nghĩa toàn cầu hóa muôn năm" ca ngợi mà là đầy hiểm họa. Bởi ngày nay, lý do để nổ ra chiến tranh rất đơn giản. Cuộc chiến tranh I-rắc nổ ra là để "tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt" mà thực tế là không có. Còn chiến tranh I-xra-en - Li-băng nổ ra chỉ vì có 2 binh sĩ I-xra-en bị "bắt cóc"! Chỉ thế thôi, nhưng sức tàn phá thì ghê gớm. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, tuy chỉ kéo dài có 34 ngày, nhưng cuộc chiến tranh I-xra-en - Li-băng đã tàn phá và đẩy lùi sự phát triển kinh tế của Li-băng mất 10 năm; còn cuộc chiến tranh I-rắc sẽ đẩy đất nước này thụt lùi đến tận đâu thì chưa ai tính được.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là hiểm họa đối với từng quốc gia đơn lẻ. Và sẽ là sai lầm nếu cách suy nghĩ của chúng ta chỉ dừng lại ở đó. Ai cũng hiểu nền kinh tế toàn cầu hóa hiện phát triển mạnh được là nhờ có vai trò đặc biệt quan trọng của năng lượng, cụ thể là dầu mỏ và khí đốt. Trung Đông được coi là kho dầu mỏ của thế giới, đồng thời là nơi tập trung dày đặc nhiều kho vũ khí mới rất hiện đại. Đó cũng lại là nơi hội tụ nhiều nước đang sẵn có nguy cơ bùng nổ xung đột và chiến tranh. Nếu cả Trung Đông bốc lửa ngùn ngụt thì điều gì sẽ xảy ra? Có thể nào một cuộc đại suy thoái kinh tế toàn cầu lại không đổ ập xuống?

Đây còn là bài học thế kỷ. Trong thế kỷ XX, nền công nghiệp sản xuất vũ khí của thế giới tuy đã có những bước tiến nhảy vọt nhưng còn kém xa sự phát triển ngày nay. Vậy mà đã nổ ra 2 cuộc chiến tranh thế giới. Lịch sử có lặp lại hay không? Trong những năm 20 - 30 sau chiến tranh thế giới thứ nhất, đã có một cuộc tranh luận xoay quanh câu hỏi đó. Người ta vừa kết luận: 10 triệu người chết và 20 triệu người tàn phế do chiến tranh - đủ rồi! Vậy mà chỉ 21 năm sau lịch sử đã lặp lại: Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, 54 triệu người chết!

Rõ ràng phải ngăn chặn chạy đua vũ trang mới mong tránh khỏi thảm họa chiến tranh. Đó không chỉ là nỗi lo lớn của nhân loại mà còn là một thách thức lớn có tính thời đại, đặt ra trước lương tri của cả loài người tiến bộ.

4 - Ai có trách nhiệm ngăn chặn chạy đua vũ trang? Đó là trách nhiệm chung của tất cả các dân tộc, quốc gia và vùng lãnh thổ lớn nhỏ. Nhưng trước hết ai cũng nghĩ ngay đến Liên hợp quốc. Điều đó rất đúng bởi Liên hợp quốc là tổ chức lớn nhất, có quyền lực nhất thế giới hiện nay. Hơn 60 năm qua, Liên hợp quốc đã có những đóng góp rất quan trọng vào việc duy trì hòa bình, ổn định và phát triển. Nhiều cuộc vận động cứu trợ nạn nhân thiên tai, dịch bệnh, giúp cho hàng triệu người thoát khỏi tai họa. Hàng vạn lượt quân gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc đã được phái đến hàng trăm nơi có xung đột. Hàng trăm bác sỹ, chuyên gia y tế của Tổ chức Y tế thế giới được Liên hợp quốc phái tới những nơi có dịch bệnh đã góp phần cứu sống hàng ngàn người. Đó là những đóng góp hết sức quan trọng và to lớn của Liên hợp quốc, được nhân dân nhiều nước đánh giá cao và mãi mãi ghi nhớ.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng, chức năng cơ bản và nhiệm vụ chủ yếu của Liên hợp quốc không phải là hoạt động từ thiện và nhân đạo, mà là phòng ngừa cho các thế hệ tương lai khỏi thảm họa của chiến tranh, như được ghi trong Lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc

Chính vì để khẳng định dứt khoát chức năng và vai trò ngăn ngừa chiến tranh mà các nước thành viên sáng lập đã nhất trí đặt tên cho cơ quan quyền lực cao nhất của Liên hợp quốc là Hội đồng Bảo an. Từ đó có thể thấy, nếu để cho chức năng ngăn ngừa chiến tranh của Liên hợp quốc biến thành chức năng nhân đạo, từ thiện thì đó là một sự biến chất nguy hiểm. Có thể vì vậy mà những năm qua, Liên hợp quốc có nhiều va vấp trong xử lý các vụ xung đột và chiến tranh, làm cho nhân dân số đông các nước trên thế giới mất niềm tin vào tổ chức này. Tổng Thư ký mới của Liên hợp quốc ngay ngày đầu nhậm chức đã phải tuyên bố mở Chiến dịch phục hồi niềm tin, không mắc phải sai lầm cũ mà điển hình cho những sai lầm đó là trong suốt nhiều năm, Liên hợp quốc không hề có một lời phê phán cuộc chiến tranh I-rắc - một cuộc chiến tranh có bản chất xâm lược rất rõ ràng.

Ngăn chặn chạy đua vũ trang đang là một đòi hỏi bức xúc của dư luận. Vì vậy, tháng 10-2006, ủy ban giải trừ vũ khí và an ninh quốc tế (DISC) của Liên hợp quốc đã bỏ phiếu thông qua kế hoạch lập ra Hiệp ước về kinh doanh vũ khí, nhằm xóa bỏ những kẽ hở trong các bộ luật hiện hành khiến cho vũ khí vẫn ngang nhiên ồ ạt đổ vào các khu vực có xung đột và chiến tranh. Phải thừa nhận rằng, chống chạy đua vũ trang là một công việc rất khó khăn và phức tạp, nhất là trong toàn cầu hóa. Ngay trong giới nghiên cứu khoa học cũng có nhiều người không nhất trí xếp chạy đua vũ trang vào hàng "mặt trái của toàn cầu hóa". Mặc dù, cách đây vài năm họ tỏ ra rất phẫn nộ khi tiếp nhận thông tin: toàn thế giới có hơn 2 triệu trẻ em dưới 14 tuổi phải cầm súng. Cái khó không chỉ ở chỗ phân định rạch ròi, dứt khoát ranh giới đâu là yêu cầu chính đáng về tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh quốc gia và đâu là chỉ giới chạy đua vũ trang, không được bước qua. Có một thực tế là, ở một số nước lớn, ngành kinh doanh quân sự gắn chặt với cơ chế chính trị - kinh tế - xã hội ở những mức độ nhất định, do vậy rất khó cải biến nếu phải chấm dứt chạy đua vũ trang. Có nhà nghiên cứu đã viết trên tờ báo Nhà quan sát mới (số tháng 10 & 11-2004) của Pháp rằng: "Không chỉ Quốc hội mà cả nước Mỹ sống nhờ vào các chi phí quân sự. Các nhà kinh tế cho rằng, những khoản kinh phí đó tạo ra ít nhất 1/3 mức tăng trưởng của Mỹ trong năm 2004". Thậm chí tác giả còn nói cụ thể: "Ở một số bang của nước Mỹ, công nghiệp quốc phòng là ngành duy nhất tạo ra việc làm". Ai cũng biết nước Mỹ là cường quốc đi đầu trong toàn cầu hóa kinh tế. Nhưng sự phát triển của kinh tế toàn cầu hóa của Mỹ lại chủ yếu dựa vào tiềm lực chất xám của giới công nghiệp quân sự. Bài báo trên đánh giá: "Các nhà nghiên cứu cũng sống nhờ vào các nhà quân sự. Năm 2005, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 65 tỉ USD cho công việc nghiên cứu. Đó là mức cao nhất từ trước đến nay, lớn hơn toàn bộ ngân sách quốc phòng của nước Pháp". Tin học là ngành mũi nhọn giữ vai trò cực kỳ quan trọng, giúp cho kinh tế phát triển mạnh. Trong lĩnh vực này, giới công nghiệp quân sự Mỹ đã "tài trợ đến 70% cho nghiên cứu tin học của nước Mỹ".

Chống chạy đua vũ trang là một cuộc đấu tranh quyết liệt, dai dẳng, đầy khó khăn. Vì vậy, tất cả các quốc gia, dân tộc, các tổ chức quần chúng xã hội và nghề nghiệp ở tất cả các nước, nhất là các phong trào đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội, phải cùng nhau xiết chặt hàng ngũ, đẩy mạnh cuộc đấu tranh, tạo nên khí thế mới, sức mạnh mới, kiên quyết chống chạy đua vũ trang.