Văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới là một bộ phận trong công cuộc đổi mới đất nước, vừa là kết quả vừa là động lực của công cuộc đổi mới ấy. Từ 1986 đến nay, nền văn học đã có những biến đổi sâu sắc trên nhiều mặt, từ ý thức nghệ thuật đến sáng tác, từ nội dung đến phương thức biểu đạt, từ lý luận, phê bình đến sự tiếp nhận của công chúng.

Nhìn lại 20 năm văn học đổi mới, có thể nhiều người còn băn khoăn vì chưa có nhiều thành tựu xuất sắc trong sáng tác, chưa có nhiều tài năng văn học có tầm cỡ. Những băn khoăn ấy không phải là không có lý. Điều quan trọng, theo chúng tôi, là nền văn học trong 20 qua đã vận động theo xu hướng mới, tích cực và phù hợp với xu thế của thời đại. Đồng thời, xu hướng vận động tích cực ấy đã thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo và đã có không ít thành công.

Nhìn trên tổng thể tiến trình văn học Việt Nam trong thế kỷ XX và cho đến nay, có thể thấy ba thời kỳ lớn với xu hướng vận động khác nhau ở mỗi thời kỳ. Từ đầu thế kỷ XX đến năm 1945, văn học vận động theo hướng hiện đại hóa, và đó là đặc điểm bao trùm toàn bộ nền văn học thời kỳ này, làm nên sự thay đổi cơ bản về phạm trù văn học từ trung đại sang hiện đại. Trong 30 năm tiếp theo, từ năm 1945 đến năm 1975, có thể nói đại chúng hóa và cách mạng hóa là xu hướng vận động cơ bản của nền văn học cách mạng trong hoàn cảnh chiến tranh. Còn từ sau năm 1975, nhất là từ giữa những năm 80 trở đi, dân chủ hóa là xu thế lớn của xã hội và trong đời sống tinh thần của con người, cũng đã trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học. Xu hướng ấy hình thành ngay trong chặng đầu thời kỳ đổi mới, phải vượt qua nhiều trở ngại, nhưng đã ngày càng mạnh mẽ, thấm sâu vào mọi cấp độ và biểu hiện trên các bình diện của đời sống văn học, làm thay đổi căn bản diện mạo và đặc điểm của nền văn học nứoc nhà.

Trên bình diện ý thức nghệ thuật, đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa của các quan niệm về vai trò, vị trí và chức năng của văn học, về nhà văn và quan niệm về hiện thực. Văn học trong giai đoạn trước chủ yếu được nhìn nhận như là vũ khí tư tưởng của cách mạng phục vụ cho mục tiêu và đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Vì thế, phục vụ nhiệm vụ chính trị, cổ vũ chiến đấu, hướng về quần chúng công nông binh, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khẳng định cuộc sống mới, con người mới..., là mục tiêu và nhiệm vụ của nền văn học cách mạng. Bước vào thời kỳ đổi mới, văn học càng nhận thức rõ vai trò vũ khí tinh thần, nhưng nó được nhấn mạnh trước hết ở khả năng khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự báo, dự cảm. Các chức năng của văn học cũng được nhận thức toàn diện hơn. Văn học được nhận thức rõ hơn trong bản chất văn hóa và tính nhân văn của nó. Nghị quyết 05 Bộ Chính trị Trung ương Đảng (khóa VI) đã xác định văn học "là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hóa, thể hiện khát vọng của con người về chân, thiện, mỹ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội...".

Văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại cộng đồng mà còn có thể là phát ngôn của mỗi cá nhân nghệ sĩ, là phương tiện tự biểu hiện bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm chính kiến của nhà văn về xã hội và con người. Tương ứng với biến đổi trong quan niệm văn học là sự thay đổi quan niệm về nhà văn. Trong suốt mấy chục năm, nền văn học cách mạng đã sản sinh và đào luyện một đội ngũ nhà văn chiến sĩ rất đáng tự hào, làm tròn trách nhiệm trước đòi hỏi của cách mạng và dân tộc, trong đó có những người cầm bút đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng không chỉ bằng tài năng tâm huyết mà còn bằng cả sinh mạng của mình. Trong nền văn học sử thi thời kỳ chiến tranh, nhà văn phải là người phát ngôn cho ý thức cộng đồng, cho tư tưởng và khát vọng của dân tộc. Nói như Chế Lan Viên, người cầm bút lúc ấy "bay theo đường dân tộc đang bay" và "nghĩ trong những điều Đảng nghĩ". Nhưng điều đó có thể cũng dẫn đến nguy cơ là tác phẩm văn học dừng lại ở việc minh họa cho những đường lối, chính sách mà thiếu đi sự tìm tòi, phát hiện, kiến giải riêng của người viết. Xu hướng dân chủ hóa của thời kỳ đổi mới coi trọng tự do sáng tác, khuyến khích và yêu cầu nhà văn mạnh dạn tìm tòi sáng tạo. Nhưng chính vì thế mà càng đòi hỏi cao ở nhà văn trong trách nhiệm của một người cầm bút. Nhà văn thực sự phải là người có tư tưởng, có cách nhìn riêng và những khám phá, sáng tạo mới mẻ, kết quả của sự nghiền ngẫm và trải nghiệm đời sống của chính người viết. Cố nhiên, tư tưởng và kinh nghiệm riêng của mỗi người viết không phải lúc nào cũng đúng đắn, chính xác. Nhưng người đọc ngày nay tìm đến văn học không phải để tiếp nhận những chân lý hiển nhiên đã rõ ràng, mà tìm đến ở tác phẩm sự mời gọi đối thoại, kích thích suy nghĩ, tìm kiếm chân lý đời sống. Trong hàng ngũ đông đảo các nhà văn thuộc nhiều thế hệ của văn học nước ta hiện nay, đã có thể nhận ra những cây bút có được tư tưởng, quan niệm, cách nhìn riêng, tạo nên những phong cách rõ nét. Số đông người viết chưa phải đã được như vậy, nhưng ý thức về cá tính, sự chăm lo để có bản sắc riêng vẫn là điều có thể thấy rõ ở hầu hết mọi người cầm bút.

Cùng với những biến đổi trong quan niệm văn học và quan niệm về nhà văn thì mối quan hệ giữa văn học với công chúng, nhà văn với độc giả cũng có những thay đổi theo hướng dân chủ hóa. Trong thời kỳ chiến tranh, văn học cách mạng coi trọng chức năng giáo dục, đề cao nhiệm vụ cổ vũ, tuyên truyền, củng cố niềm tin của quần chúng vào sự nghiệp đấu tranh và thắng lợi cuối cùng. Người đọc đến với tác phẩm văn chương cũng với tâm thế để được động viên, khích lệ từ những tấm gương cao cả, tuyệt đẹp, để củng cố niềm tin tưởng và quyết tâm phấn đấu cho sự nghiệp chung, cho mục tiêu chung của dân tộc và cách mạng. Trong hoàn cảnh lịch sử và tâm lý tiếp nhận như thế, mối quan hệ giữa văn học và công chúng, nhà văn và độc giả mang tính một chiều truyền đạt - tiếp nhận. Trong tinh thần dân chủ thì nhà văn chủ yếu giữ vai trò là người đối thoại, đưa ra những nhận xét, đề nghị với người đọc, để cùng suy nghĩ, tìm kiếm, có thể cả tranh luận. Không ít tác phẩm mà trong đó người đọc không thể tìm thấy lời giải đáp sẵn có, thậm chí người viết đưa ra nhiều cách nhìn, nhiều quan niệm khác nhau, những biểu tượng đa nghĩa. Vì thế, người đọc ngày nay cũng không thể là một độc giả thụ động, chỉ quen tiếp nhận và đánh giá văn học theo những quan niệm và giá trị đã quen thuộc tưởng như bất biến. Mối quan hệ nhà văn - bạn đọc đã trở nên bình đẳng và dân chủ hơn, người đọc được tôn trọng hơn, nhưng vì thế mà cũng phải tự nâng mình lên và thay đổi chính mình, để trở thành chủ thể tiếp nhận sáng tạo.

Một trong những biểu hiện tập trung của xu thế dân chủ hóa trong văn học đổi mới chính là sự mở rộng quan niệm về hiện thực và biến đổi trong quan hệ văn học với hiện thực. Suốt mấy chục năm trước, cả dân tộc phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ sống còn của đất nước, dân tộc, thì nền văn học cũng phải hướng vào hiện thực lớn của cách mạng, mà chủ yếu là hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hiện thực ấy được nhìn nhận và đánh giá theo tiêu chí lợi ích của cách mạng và được miêu tả theo nguyên tắc của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, phải miêu tả đời sống trong quá trình phát triển cách mạng. Nhưng cũng chính vì thế mà nhiều bình diện của đời sống, nhất là đời sống riêng tư - thế sự hàng ngày không được quan tâm thể hiện thỏa đáng, hoặc nếu có thì cũng chịu sự chi phối chặt chẽ của hiện thực lịch sử, của lợi ích cộng đồng.

Từ sau 1975, hiện thực trong văn học đã ngày càng được mở rộng phạm vi, biên độ, nhất là đã đề cập tới những mặt từng bị khuất lấp, bỏ qua trong văn học thời chiến tranh. Từ thời kỳ đổi mới, quan niệm về hiện thực càng trở nên đa dạng, đa chiều. Hiện thực không phải chỉ là những gì đã biết, mà còn chứa đựng những phức tạp, bí ẩn chưa thể khám phá và chưa thể biết hết.

Trong nhiều sáng tác ở giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Lê Lựu, Nguyễn Khắc Trường và nhiều người khác, thể hiện rõ một khuynh hướng nhận thức lại về hiện thực với khát vọng nhận thức sự thật toàn vẹn, vượt qua cách nhìn giản đơn, sơ lược, dễ dãi. Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà đó còn là hiện thực của đời sống hàng ngày với các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp chằng chịt đan dệt nên những mạch nổi và mạch ngầm của đời sống. Hiện thực đó còn là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận nhân cách, với khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch; là thế giới tinh thần phong phú, phức tạp, bao gồm cả bề sâu bí ẩn của tâm linh, tiềm thức, vô thức. Không còn bị lệ thuộc vào quan niệm phản ánh hiện thực một cách giản đơn, văn học ngày nay coi trọng vai trò của chủ thể sáng tạo, và từ đó nhà văn được tự do hơn trong quan hệ với hiện thực. Điều quan trọng với tác phẩm không còn là ở đề tài, ở hiện thực được phản ánh rộng hay hẹp, mà chủ yếu là ở chiều sâu và cái mới trong sự khám phá, soi sáng của nhà văn về hiện thực đó, ở sức khái quát, ở tầm tư tưởng của vấn đề mà người viết đặt ra qua bức tranh hiện thực ấy. Trong nhiều trường hợp, phản ánh hiện thực không còn là mục tiêu của sáng tác, mà là nghiền ngẫm, đề xuất những giả thuyết về hiện thực. Kiểu tư duy hiện thực chủ nghĩa và bút pháp miêu tả hiện thực như nó vốn có cũng không còn vị trí độc tôn. Nhiều cây bút ưa thích sử dụng thủ pháp kỳ ảo, huyễn tưởng, huyền thoại hóa, vượt qua quy luật lôgíc thông thường, để đạt tới sự khái quát hóa cao về đời sống. Bên cạnh cái điển hình, trong văn học cũng xuất hiện ngày càng phổ biến những hình tượng cá biệt, nghịch dị. Hiện thực không chỉ được thể hiện trong tính quy luật hợp lý, mà còn hiện ra trong cả vô số những ngẫu nhiên bất thường, nghịch lý. Sự thay đổi quan niệm về hiện thực, như nói ở trên, đã mở rộng và làm biến đổi hệ thống đề tài, chủ đề trong văn học. Không dừng lại ở cái hiện thực bề mặt, bên trên và những hiện tượng mang tính thời sự, văn học cố gắng đào xới vào những tầng sâu của đời sống, khám phá những mạch ngầm, khái quát những vấn đề và quy luật của lịch sử, của nhân sinh, cả trong quá khứ và hiện tại. Trong xu thế mở rộng quan niệm về hiện thực, cũng không tránh khỏi những hiện tượng cực đoan, rơi vào sự thiên lệch, chỉ nhấn mạnh mặt tiêu cực đưa đến một cái nhìn bi quan, thái độ hoài nghi con người và xã hội. Lại có những trường hợp miêu tả con người chỉ khai thác sâu vào phần vô thức, tuyệt đối hóa bản năng hoặc nhân danh sự giải phóng cá nhân mà vứt bỏ mọi chuẩn mực đạo đức nhân cách.

Xu hướng dân chủ hóa của văn học đã mở ra một không gian rộng rãi cho sự tìm tòi, thể nghiệm mọi phương thức biểu đạt, hình thức nghệ thuật trong các thể loại văn học. Từ khát vọng đổi mới xã hội, văn học ngày càng có ý thức tự đổi mới chính mình. Các thể loại văn học đều có những biến đổi rất đáng kể trong cấu trúc và thi pháp thể loại. Nhiều khuynh hướng nghệ thuật đa dạng với mọi thủ pháp nghệ thuật xuất hiện. Trong sự giao lưu văn hóa, văn học được mở rộng, những ảnh hưởng của các trào lưu nghệ thuật trên thế giới, kể cả các trào lưu hiện đại chủ nghĩa và hậu hiện đại ở phương Tây, đã có tác động và ảnh hưởng đáng kể đến những tìm tòi, thể nghiệm cách tân của văn học Việt Nam vài mươi năm lại đây, đặc biệt là với thế hệ người viết xuất hiện từ thời kỳ đổi mới. Trong văn xuôi ngày nay, các thủ pháp như dòng ý thức, kết cấu ghép mảnh, xáo trộn trật tự thời gian, không gian, các yếu tố kỳ ảo, biểu tượng... đã ngày càng được sử dụng rộng rãi và không còn xa lạ với người đọc. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và cho đến gần đây, thơ cũng đã tìm đến nhiều xu hướng khác nhau với khát vọng cách tân thơ. Tính chất phi sử thi hóa, hướng vào đời sống thế sự và cá nhân đã làm xuất hiện nhiều dạng thức mới của cái tôi trữ tình trong thơ từ sau 1975.

Khi khuynh hướng sử thi không còn là đặc điểm bao trùm nền văn học và trong xu thế dân chủ hóa ngày càng sâu rộng, nhà văn tiếp cận đời sống ở cự ly gần và với thái độ thân mật, "suồng sã" chứ không phải chỉ tôn kính, thì ngôn ngữ văn chương cũng phải thay đổi. Từ thứ ngôn ngữ sang trọng, mực thước chuyển sang thứ ngôn ngữ đời thường, đậm tính khẩu ngữ thông tục. Đặc biệt, những cây bút thuộc thế hệ đến với văn học từ thời kỳ đổi mới, do ít bị chi phối bởi thói quen ngôn ngữ của giai đoạn trước, đã tạo được sự cách tân rõ rệt về ngôn ngữ, văn chương. Xuất phát từ tinh thần dân chủ và ý thức cá tính, họ có một cách ứng xử ngôn ngữ tự do hơn, với tinh thần coi trọng sự sáng tạo phương diện bản chất nghệ thuật ngôn từ của văn học.

Nhìn lại 20 năm văn học đổi mới, có nhiều ý kiến khác nhau về thành tựu và những vấn đề tồn tại của chặng đường văn học ấy. Nhiều người có thể còn băn khoăn vì chưa có nhiều những đỉnh cao, những tác phẩm xuất sắc và những tài năng lớn. Quả thực, những cái đó vẫn là đòi hỏi và mong ước của công chúng, của xã hội với nền văn học hiện thời. Nhưng 20 năm vừa qua, nhìn trong cả tiến trình văn học dân tộc, thì cũng chỉ mới là chặng khởi đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ mà nền văn học Việt Nam hội nhập ngày càng đầy đủ hơn vào quá trình văn học thế giới. Xu hướng dân chủ hóa đã tạo ra những điều kiện để nền văn học được phát triển phong phú, đa dạng, thúc đẩy mọi tìm tòi sáng tạo của nhà văn. Đó vừa là một thành tựu của văn học trong chặng đầu thời kỳ đổi mới, vừa là tiền đề cho sự phát triển ở những chặng đường tiếp theo, chuẩn bị cho sự ra đời của những tác phẩm lớn, tài năng lớn.