Một số đặc điểm nổi bật trong cục diện chính trị - an ninh Đông Bắc Á hiện nay
TCCS - Đông Bắc Á là một trong những khu vực có vị trí địa - chiến lược quan trọng trên thế giới. Trong thời gian qua, cục diện chính trị - an ninh tại khu vực này có nhiều biến động nhanh chóng và khó lường. Từ những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại của các nước lớn trong khu vực đến những thay đổi trong quan hệ giữa các chủ thể, tạo nên những nét mới trong bức tranh về chính trị - an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, các “điểm nóng” trong khu vực với những diễn biến phức tạp tiếp tục là những thách thức đe dọa đến hòa bình và ổn định của khu vực.
Những điều chỉnh về chính sách đối ngoại của các nước lớn trong khu vực
Đối với Trung Quốc, có thể nói Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào tháng 10-2017 đã đưa nước này bước vào một giai đoạn phát triển mới, tác động sâu sắc đến cục diện chính trị - an ninh tại khu vực Đông Bắc Á nói riêng và cục diện thế giới nói chung. Thành quả của hơn 40 năm cải cách, mở cửa đã đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, tạo đà cho những bước phát triển tiếp theo về chính trị. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIX của Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua hai “mục tiêu 100 năm”, cho thấy Trung Quốc muốn vươn lên trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, đóng vai trò chủ đạo đối với các vấn đề của khu vực và toàn cầu. Trung Quốc đã chuyển từ phương châm đối ngoại “giấu mình chờ thời” sang “tích cực hành động”, theo đó, Trung Quốc điều chỉnh hoạt động đối ngoại theo hướng chủ động và quyết liệt hơn nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình. Từ đó, có thể khẳng định sự thay đổi tương quan so sánh lực lượng và điều chỉnh chính sách đối ngoại của các nước lớn sẽ là một trong những thách thức địa - chính trị đối với khu vực Đông Bắc Á trong thời gian tới.
Tại Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Mun Chê-in lên nắm quyền từ năm 2017 đã bước đầu đưa ra những điều chỉnh chính sách để cải thiện tình hình trong nước và ứng phó với những biến động khó lường của tình hình khu vực và thế giới. Bên cạnh những thay đổi về đối nội, Tổng thống Mun Chê-in đã cụ thể hóa chính sách đối ngoại của mình thông qua “Chính sách phương Bắc mới” và “Chính sách phương Nam mới”. Trong đó, Chính sách phương Bắc mới tích cực đẩy mạnh trao đổi, hợp tác với CHDCND Triều Tiên và các nước phương Bắc khác là Trung Quốc và Nga, còn Chính sách phương Nam mới tập trung phát triển quan hệ giữa Hàn Quốc với Ấn Độ và các nước ASEAN lên ngang tầm quan hệ giữa Hàn Quốc với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và Nhật Bản(1). Mục tiêu của những chính sách này nhằm hướng tới kết nối một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng và trách nhiệm tại khu vực, tạo nền tảng quan trọng cho tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Điều này cho thấy vai trò và nỗ lực của Hàn Quốc trong gần hai năm qua là không thể phủ nhận trong việc xoa dịu tình trạng căng thẳng tại khu vực, kết nối các bên đàm phán, tạo ra những đột phá trong tiến trình giải quyết vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Đối với Nhật Bản, do tính chất nhạy cảm của lịch sử và mối ràng buộc trong quan hệ liên minh với Mỹ(2), Nhật Bản không có nhiều cơ hội để thể hiện sức mạnh của một nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc và những mối đe dọa về an ninh trong khu vực mà tiêu biểu là tình hình trên bán đảo Triều Tiên, nước này đã có những nhìn nhận lại vai trò và sức mạnh của mình, trong đó có sức mạnh về quân sự. Một trong những dấu ấn là việc chính quyền của Thủ tướng S. A-bê sửa đổi Hiến pháp Nhật Bản, cho phép nước này được dùng quyền phòng vệ, triển khai lực lượng ra nước ngoài để hỗ trợ các đồng minh trước sự tấn công của bên ngoài. Chính quyền của Thủ tướng S. A-bê quyết tâm “đưa Nhật Bản trở lại bình thường” để sẵn sàng đảm nhận vai trò lớn hơn trong việc duy trì hòa bình và ổn định không chỉ tại khu vực Đông Bắc Á mà còn trên toàn thế giới. Những điều chỉnh chính sách của Nhật Bản nhằm đưa quốc gia này vươn xa hơn hình ảnh của một cường quốc kinh tế, từ đó nâng cao vai trò và tầm ảnh hưởng về chính trị trong quá trình định hình cấu trúc chính trị - an ninh của khu vực.
Quan hệ giữa các cường quốc ghi nhận những diễn biến mới trong khu vực
Cục diện chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á chịu tác động bởi mối quan hệ giữa các cường quốc chủ chốt trên thế giới, trong đó có quan hệ Mỹ - Trung Quốc. Với Mỹ, Đông Bắc Á có ý nghĩa đặc biệt khi tại đây có hai đồng minh thân cận của Mỹ là Hàn Quốc và Nhật Bản, cũng như tồn tại các vấn đề chứa đựng lợi ích của Mỹ. Quan trọng hơn, Đông Bắc Á là một trong những khu vực ưu tiên hàng đầu của Mỹ trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Với Trung Quốc, Đông Bắc Á là địa bàn truyền thống, là “sân nhà” mà Trung Quốc có thể phát huy tối đa vị thế của một cường quốc khu vực, từ đó vươn lên cường quốc toàn cầu. Trước năm 2017, cả Mỹ và Trung Quốc đều coi việc ổn định và phát triển quan hệ giữa hai nước là mục tiêu hàng đầu trong chính sách đối ngoại của mỗi nước, tuy nhiên từ năm 2017, sự cạnh tranh chiến lược giữa hai cường quốc trở nên gay gắt. Minh chứng điển hình cho sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc là cuộc chiến thương mại giữa hai quốc gia này bắt đầu từ năm 2018 và cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm đã thực thi chính sách thương mại cứng rắn đối với Trung Quốc khi áp thuế quan cao với các hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc lấy cắp công nghệ của Mỹ, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Để đáp trả, sau mỗi lần tăng thuế quan của Mỹ, Trung Quốc cũng lần lượt nâng mức áp thuế quan đối với các mặt hàng mà quốc gia này nhập khẩu từ Mỹ, áp dụng hàng loạt biện pháp phi thuế quan khác. Gần hai năm kể từ khi cuộc chiến thương mại diễn ra, thiệt hại đối với mỗi bên là không hề nhỏ nhưng Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể đi đến một thỏa thuận nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu căng thẳng này. Nguyên nhân là do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc không chỉ nhằm giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong thương mại song phương hay sự minh bạch trong vấn đề sở hữu trí tuệ mà thực chất là sự thể hiện của chiến lược kiềm chế lẫn nhau giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế - thương mại, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung Quốc còn được biểu hiện rõ nét thông qua các chiến lược nhằm tập hợp lực lượng của mỗi bên. Phía Trung Quốc cho rằng việc Mỹ công bố và triển khai “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là nhằm bao vây và kiềm chế Trung Quốc, trong khi đó Sáng kiến “Vành đai, con đường” của Trung Quốc được Mỹ xem như biện pháp chiến lược nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực. Trên mặt trận quân sự, cả hai bên cũng tích cực gia tăng chi phí quốc phòng, tăng cường các cuộc tập trận quy mô lớn tại Biển Đông và biển Hoa Đông nhằm phô diễn sức mạnh quân sự và răn đe lẫn nhau.
Trong quan hệ giữa Mỹ với Nhật Bản và Hàn Quốc, thời gian qua, những liên minh này tiếp tục khẳng định tính bền chặt. Trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Đ. Trăm triển khai “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, Nhật Bản trở thành một trong những mắt xích quan trọng quyết định thành công của chiến lược này. Trong khi đó, quá trình hội đàm và tham vấn liên tục giữa các lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc liên quan đến vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên trong gần hai năm qua cho thấy, Hàn Quốc là nhân tố không thể thiếu trong các nỗ lực của Mỹ nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản cũng là mối quan hệ song phương rất quan trọng, tác động đến cục diện chính trị - an ninh của khu vực Đông Bắc Á. Đều là những nước lớn đang trên con đường khẳng định vị trí hàng đầu tại châu Á nói chung và Đông Bắc Á nói riêng nên tính chất cạnh tranh trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản ngày càng sâu sắc. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa hai quốc gia này vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những vấn đề lịch sử, như vấn đề ngôi đền Y-a-su-ku-ni, vấn đề tranh chấp quần đảo Sen-ka-ku/Điếu Ngư... Tuy nhiên, khoảng một năm trở lại đây, quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản có xu hướng được cải thiện hơn so với thời kỳ trước đó. Chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản S. A-bê (tháng 10-2018) và chuyến thăm dự kiến Nhật Bản của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào đầu năm 2020 cho thấy thiện chí của hai bên trong việc tăng cường quan hệ hợp tác. Sự cải thiện trong quan hệ Trung Quốc - Nhật Bản xuất phát từ nhu cầu thiết thực của mỗi bên khi Trung Quốc hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nhật Bản, đồng thời mối quan hệ tốt với Nhật Bản là một trong những phương cách giúp Trung Quốc giảm bớt rủi ro từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Trong khi đó, quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc thời gian gần đây lại có xu hướng xấu đi, chạm mức thấp nhấp trong hơn 50 năm qua kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Từ giữa năm 2019 đến nay, Hàn Quốc và Nhật Bản liên tục có những hành động trả đũa lẫn nhau liên quan đến bất đồng về việc cuối năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đã ra phán quyết buộc các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong khi đó, Nhật Bản khẳng định nước này đã đáp ứng các khoản bồi thường cần thiết cho Hàn Quốc theo Hiệp ước hữu nghị mà hai nước đã ký kết năm 1965. Do bất đồng không được giải quyết, Nhật Bản đã sử dụng các biện pháp trừng phạt thương mại để phản đối, như hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc một số loại vật liệu công nghệ cao dùng trong các lĩnh vực điện tử mũi nhọn của Hàn Quốc, đưa Hàn Quốc ra khỏi “Danh sách trắng” gồm các nước được hưởng quy chế ưu đãi thương mại. Trong khi đó, Hàn Quốc sử dụng các biện pháp an ninh để trả đũa, như thông báo quyết định không gia hạn Hiệp định bảo đảm thông tin quân sự chung (GSOMIA) với Nhật Bản, đình chỉ chương trình “Giao lưu cán bộ nguồn” của lục quân hai nước. Sự căng thẳng trên trong quan hệ Nhật Bản - Hàn Quốc không chỉ ảnh hưởng sâu sắc đến tình hình chính trị, an ninh, kinh tế của hai nước này mà còn tác động không nhỏ đến môi trường hòa bình, ổn định của khu vực Đông Bắc Á vốn đang gặp nhiều thách thức.
Đối với quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc, sau khi Hàn Quốc quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ vào giữa năm 2017, kéo theo một loạt hành động trả đũa kinh tế từ phía Trung Quốc, quan hệ giữa hai quốc gia này lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Tuy nhiên, kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Hàn Quốc Mun Chê-in đã có những động thái nhằm hàn gắn quan hệ hai nước, xây dựng lòng tin vì mục tiêu chung là duy trì hòa bình và an ninh tại khu vực Đông Bắc Á. Tiêu biểu trong những nỗ lực đó là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Mun Chê-in diễn ra vào tháng 12-2017 đã đưa quan hệ Hàn Quốc - Trung Quốc trở lại giai đoạn tốt đẹp. Bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ về kinh tế, vai trò quan trọng của cả Hàn Quốc và Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là những nhân tố khiến quan hệ giữa hai quốc gia này tiếp tục duy trì trạng thái ổn định.
Các “điểm nóng” tại khu vực vẫn chứa đựng nhiều nguy cơ gây mất ổn định
Đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề thống nhất hai miền và tiến trình phi hạt nhân hóa của CHDCND Triều Tiên mặc dù đã ghi nhận những chuyển biến tích cực, song vẫn chưa đi đến được giải pháp triệt để và bền vững. Trong năm 2018, quan hệ liên Triều đã có những bước tiến triển đột phá phản ánh phần nào mong muốn hòa giải và hòa hợp dân tộc của nhân dân hai miền kể từ khi bị chia cắt bởi Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). Việc hai nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh liên tiếp chỉ trong vòng 6 tháng là những chuyển động chưa từng có trên bán đảo Triều Tiên. Nội dung trong các tuyên bố chung đưa ra sau các cuộc gặp thượng đỉnh cũng đã thể hiện mối quan tâm toàn diện và tinh thần tích cực của hai bên trong việc đề ra những phương hướng chung và những hành động cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại trong quan hệ hai miền bấy lâu nay. Tuy nhiên, kể từ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3 (tháng 9-2018) cho đến nay, quan hệ giữa hai miền dường như vẫn chưa đạt được thêm bước tiến nào so với những cam kết mà hai bên đã đưa ra trước đó.
Kể từ cuộc khủng hoảng hạt nhân đầu tiên diễn ra trên bán đảo Triều Tiên vào năm 1993, vấn đề phi hạt nhân hóa luôn là một “điểm nóng” trên bàn nghị sự trong suốt hơn 20 năm qua. Tình hình trên bán đảo Triều Tiên từ đó cho đến nay cũng đã chứng kiến diễn biến thăng trầm, có những thời điểm cho thấy triển vọng lạc quan với những thỏa thuận tích cực đạt được giữa các bên, nhưng cũng có những giai đoạn căng thẳng leo thang đến mức tột đỉnh đưa tình hình khu vực đứng bên bờ một cuộc chiến tranh hạt nhân. Đặc biệt, kể từ khi Tổng thống Mỹ Đ. Trăm lên nắm quyền vào năm 2017, vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đã có những diễn biến đảo chiều một cách nhanh chóng, khó lường. Trong suốt năm 2017, thế giới chứng kiến liên tiếp các vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên và kèm theo là các tuyên bố đầy cứng rắn của Tổng thống Mỹ về khả năng có thể áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiềm chế mối đe dọa an ninh đến từ Triều Tiên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, tình hình trên bán đảo Triều Tiên lại thay đổi theo chiều hướng ngược lại. Hai hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra vào tháng 6-2018 và tháng 2-2019 lần lượt tại Xin-ga-po và Việt Nam, cùng với cuộc gặp ngắn giữa hai nhà lãnh đạo tại Khu phi quân sự (DMZ) vào tháng 6-2019 thể hiện thiện chí của cả hai bên, tạo nên bầu không khí tích cực trong tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, tại thời điểm hiện nay, quá trình đàm phán đang trong tình trạng bế tắc với việc không có một thỏa thuận nào với những bước đi cụ thể được đưa ra do sự bất đồng quan điểm giữa các bên về tiến trình thực hiện phi hạt nhân hóa. Bên cạnh đó, sự bế tắc trong việc giải quyết vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên một phần do đây là vấn đề xung đột về lợi ích của nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực, không chỉ liên quan trực tiếp đến Mỹ, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên mà các nước lớn khác, như Trung Quốc, Nga và Nhật Bản cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Bên cạnh các hội nghị thượng đỉnh với Mỹ, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Châng-un cũng đã thực hiện chuyến thăm đến Nga, hội đàm với Tổng thống Nga V. Pu-tin và đặc biệt là liên tiếp thực hiện nhiều chuyến thăm đến Trung Quốc để trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Với vai trò là “vùng đệm” an ninh ở phía Đông Bắc của Trung Quốc và là cơ hội để thông qua đó Nga dần lấy lại vị thế của mình ở khu vực, Triều Tiên có ý nghĩa quan trọng trong tính toán chiến lược của hai cường quốc Nga và Trung Quốc. Do đó, tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên không thể không tính đến ảnh hưởng của hai quốc gia này.
Bên cạnh những thách thức nổi bật, an ninh của khu vực Đông Bắc Á còn chứa đựng những nguy cơ gây mất ổn định khác, như các tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật Bản và Trung Quốc, tranh chấp bãi đá Tô Nham/Ieodo giữa Trung Quốc và Hàn Quốc, tranh chấp quần đảo Dokdo/Takeshima giữa Hàn Quốc và Nhật Bản... Nói tóm lại, cục diện chính trị - an ninh tại khu vực Đông Bắc Á trong thời gian vừa qua đã ghi nhận nhiều diễn biến mới nhanh chóng và phức tạp. Các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có những điều chỉnh về mặt đối ngoại theo hướng ngày càng chủ động hơn trong các công việc của khu vực và quốc tế, tích cực khẳng định vị thế trong quá trình định hình cấu trúc an ninh khu vực. Trong khi đó, quan hệ giữa các cường quốc tại khu vực cho thấy nhiều thay đổi quan trọng với các mặt cạnh tranh và hợp tác đan xen, tác động lớn đến sự vận động của cục diện chính trị - an ninh khu vực Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, các “điểm nóng” trong khu vực vẫn là các thách thức hàng đầu đe dọa đến sự ổn định và hòa bình của khu vực. Có thể nói, những diễn biến mới diễn ra trên lĩnh vực chính trị - an ninh tại khu vực Đông Bắc Á thời gian qua đã có tác động sâu sắc đến mối quan hệ giữa các chủ thể trong khu vực, góp phần làm cho cục diện chính trị - an ninh Đông Bắc Á vận động theo những chiều hướng mới./.
------------------------------
(1) Nguyễn Thị Thắm: “Chính sách ngoại giao đa phương và tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên dưới chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in”, Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9, 2018, tr.10 - 12
(2) Trần Bách Hiếu, Cục diện chính trị Đông Á giai đoạn 1991 - 2016, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr. 135
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước
- Bảo vệ, phát huy giá trị tài nguyên di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên