Phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa mà cốt lõi là toàn cầu hóa kinh tế đã trở thành một xu thế khách quan của thế giới, tác động và ảnh hưởng sâu sắc đến vận mệnh các quốc gia cũng như diện mạo của thế giới. Là một chủ thể trong thế giới hiện đại, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã và đang chịu sự tác động, chi phối mạnh mẽ của toàn cầu hóa về mọi mặt.
1. Thách thức đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
Những thay đổi của cục diện thế giới cùng sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa sau “chiến tranh lạnh” đã làm cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế rơi vào khủng hoảng nặng nề. Đó là sự khủng hoảng về lý luận, đường lối phát triển, về cơ cấu giai cấp - xã hội, đặc biệt là cơ cấu giai cấp công nhân - lực lượng xã hội nền tảng cho phong trào này.
Phong trào còn chịu sự chống phá của các thế lực thù địch; mất đi một phần sự tín nhiệm, ủng hộ của các lực lượng truyền thống trước đây. Các Đảng Cộng sản bị công kích, chèn ép trong cơ chế đa nguyên chính trị của các chính phủ tư sản, từ đó dẫn đến nhiều thua thiệt trong tranh cử.
Toàn cầu hóa tạo ra tình trạng cạnh tranh quyết liệt về việc làm, điều kiện sống... làm nảy sinh mâu thuẫn, dẫn đến phân hóa trong nội bộ giai cấp công nhân ở từng nước cũng như trên phạm vi khu vực và toàn cầu, gây chia rẽ khối đoàn kết thống nhất của giai cấp công nhân.
Thực trạng trên đòi hỏi các Đảng Cộng sản muốn tồn tại và phát triển phải tự đổi mới về lý luận, cơ cấu tổ chức, hình thức tập hợp lực lượng cũng như phương thức đấu tranh. Nói cách khác, Đảng Cộng sản phải tự đổi mới từ chính đảng mác xít truyền thống thành chính đảng mác xít hiện đại đáp ứng với yêu cầu của thời kỳ mới.
2. Sức sống mới của chủ nghĩa xã hội
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, các nước xã hội chủ nghĩa không chỉ kiên định trụ vững, mà còn từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục thực hiện cải cách, đổi mới thắng lợi về mọi mặt và nâng cao vị thế quốc tế của mình. Con đường cải cách và đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa đã đóng góp nhiều thành tựu về lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội. Các nước xã hội chủ nghĩa đã, đang và sẽ là những chủ thể quốc tế quan trọng trong quá trình thúc đẩy sự hình thành trật tự thế giới mới sau “chiến tranh lạnh”.
Thành tựu cải cách và đổi mới của các nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua đã chứng tỏ sức sống và khả năng tự đổi mới để đi lên chủ nghĩa xã hội là rất mãnh liệt. Sự khai phá, tìm tòi con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước có một giá trị nhân đạo cao cả, đóng góp cả về mặt lý luận và thực tiễn giúp các Đảng Cộng sản vững niềm tin trong việc lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Tại Hội thảo quốc tế "Phát triển và sáng tạo: chủ nghĩa xã hội thế giới đầu thế kỷ XXI" được tổ chức ở Bắc Kinh (Trung Quốc, tháng 10-2004), học giả nhiều nước đánh giá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội thông qua kinh tế thị trường mà các nước xã hội chủ nghĩa đang tiến hành đã làm cho các Đảng Cộng sản - công nhân và cả thế giới phải chú ý. Tỷ trọng các nước xã hội chủ nghĩa hiện nay trong nền chính trị và kinh tế quốc tế đã vượt xa thời kỳ Liên Xô đầu thế kỷ XX (1).
3. Các Đảng Cộng sản và công nhân càng nhận thức rõ hơn về bản chất của chủ nghĩa tư bản
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, những mâu thuẫn vốn có của xã hội tư bản càng trở nên sâu sắc hơn. Mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất xã hội hóa cao với quan hệ sản xuất chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất ngày càng trở nên gay gắt. Toàn cầu hóa hiện nay không "san lấp" mà còn "đào sâu thêm hố ngăn cách" giàu nghèo. Toàn cầu hóa đang làm nảy sinh những vấn đề toàn cầu cấp bách, môi trường sống của con người đang bị phá hủy nghiêm trọng. Do đó, trong mỗi quốc gia, đặc biệt là các nước tư bản phát triển đã và đang xuất hiện nhiều phong trào xã hội hoài nghi về sự “trường cửu” của chế độ tư bản và đấu tranh nhằm khắc phục chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới bền vững.
Toàn cầu hóa hiện đang dẫn đến tình trạng cường quyền, hiếu chiến ngày càng tăng của chủ nghĩa đế quốc. Lợi dụng cuộc chiến chống khủng bố sau “sự kiện 11-9-2001”, Mỹ đã tiến hành cuộc chiến tranh quy mô lớn ở Áp-ga-ni-xtan (2001) và I-rắc (2003). Năm 1999, Mỹ tiến hành can thiệp quân sự ở bất cứ nơi nào trên thế giới mà Mỹ cho là ở đó có biểu hiện “vi phạm” dân chủ, nhân quyền. Cuối năm 2002 - Mỹ lại thông qua học thuyết “đánh đòn phủ đầu” đối với những lực lượng, những quốc gia mà Mỹ coi là mối đe dọa đến lợi ích chiến lược của Mỹ. Hiện nay, Mỹ "bật đèn xanh”, dung túng cho I-xra-en đàn áp phong trào giải phóng dân tộc của người Pa-le-xtin, gây chiến tranh với Li-băng, đe dọa Xy-ri và I-ran... làm cho tình hình Trung Đông càng thêm căng thẳng...
Những biểu hiện trên càng làm cho nhân loại tiến bộ và trước hết là những người cộng sản nhận rõ hơn bản chất thực của chủ nghĩa tư bản. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, các trào lưu đấu tranh nhằm khắc phục chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới, nhân văn, nhân đạo hơn đã xuất hiện ở nhiều nước. Hướng tới thời đại mới, xã hội mới sau tư bản chủ nghĩa, theo nhận định của các học giả tham dự hội thảo nói trên, là tiếng nói chung của các khu vực rộng lớn ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh. Các trào lưu nhân văn, khắc phục chủ nghĩa tư bản sẽ liên kết với nhau tạo thành những biến động quyết liệt trong thế kỷ XXI. Điều này là cơ sở thúc đẩy sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nhân loại tiến bộ trên thế giới nói chung và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế nói riêng.
4. Toàn cầu hóa tạo ra những tiền đề mới của chủ nghĩa xã hội
Toàn cầu hóa, một mặt, tăng cường quyền lực của tư bản, mặt khác, làm sâu sắc thêm những mâu thuẫn nội tại của chủ nghĩa tư bản và chuẩn bị những tiền đề của chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng chủ nghĩa tư bản. Những tiền đề đó là:
Thứ nhất, xu hướng thị trường xã hội ngày càng chiếm ưu thế. Để khắc phục những hậu quả của thị trường tự do, từ giữa thế kỷ XX một số nước tư bản đã thực hiện xây dựng thị trường xã hội. Lịch sử phát triển đã xác nhận, thị trường giữ một vai trò to lớn trong sự phát triển của xã hội, nhưng để thị trường phát huy tốt vai trò của mình thì cần đặt nó trong một khuôn khổ điều tiết nhất định. Nhà nước kiểm soát nền kinh tế thị trường bằng nhiều giải pháp như: tạo lập khung cho nền kinh tế; bảo đảm quyền tham quyết của người lao động; bảo đảm các nghĩa vụ xã hội trong thị trường và người tiêu dùng tác động trực tiếp vào quan hệ thị trường. Nói cách khác, nhà nước thực hiện điều tiết kinh tế thị trường bằng sức mạnh kinh tế, tạo ra sự kiểm soát xã hội đối với thị trường, làm giảm thiểu các tác động của khủng hoảng. Công cuộc cải cách, đổi mới của Trung Quốc và Việt Nam theo hướng xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong thời gian qua là một đóng góp to lớn vào lý luận xây dựng nền kinh tế thị trường xã hội chung trên thế giới.
Hiện nay, trong các nước tư bản vẫn tồn tại hai xu hướng: thị trường tự do và thị trường xã hội, nhưng thị trường xã hội ngày càng chiếm ưu thế. Thị trường được kiểm soát, điều tiết bởi nhà nước, bảo đảm phúc lợi xã hội, do vậy, mặt trái của thị trường phần nào được hạn chế, an ninh xã hội được bảo đảm và phẩm giá con người được tôn trọng hơn. Nói một cách khác, chủ nghĩa nhân đạo đã được thực hiện ở một mức độ nào đó trong hiện thực.
Thứ hai, xu hướng kinh tế tri thức tạo tiền đề khắc phục tha hóa lao động. Quá trình toàn cầu hóa làm nảy sinh kinh tế tri thức - nền kinh tế mà mọi việc từ sản xuất, lưu thông, phân phối, đến tiêu thụ sản phẩm đều dựa trên cơ sở sử dụng tri thức và thông tin. Đó là nền kinh tế mà trong đó sản xuất, truyền bá và sử dụng tri thức là động lực chủ yếu nhất của sự tăng trưởng, tạo ra của cải, việc làm trong tất cả các ngành kinh tế. Đó là nền kinh tế mà nguồn lực chủ yếu nhất đối với hoạt động và phát triển là tri thức con người. Tri thức trở thành tư liệu sản xuất chủ yếu, người lao động là nguồn lực của tri thức, trí tuệ của họ chính là tư liệu sản xuất chủ yếu, không tách rời họ, thuộc về họ. Như vậy là, kinh tế tri thức đã tạo cho con người vừa là người lao động, vừa là người sở hữu tư liệu sản xuất của mình mà không ai có thể tước đoạt được. Chính nội dung này nói lên rằng, trong quá trình toàn cầu hóa, kinh tế tri thức tạo điều kiện và cho phép khắc phục được sự tha hóa lao động, phát triển tự do và toàn diện con người như mục tiêu của chủ nghĩa xã hội khoa học đã xác định.
Thứ ba, văn minh chính trị tạo ra tiền đề khắc phục tha hóa quyền lực. Các nhà lịch sử tư tưởng triết học, chính trị học từ thời cổ đại đến nay đã dày công phân tích và chứng minh: Quyền lực công là của xã hội, của mọi người. Khi xã hội phân chia thành giai cấp và đấu tranh giai cấp thì quyền lực ấy được tổ chức thành nhà nước và do giai cấp thống trị nắm giữ, nó ngày càng đứng trên và xa lạ với xã hội, đồng thời trở thành công cụ đàn áp nhân dân. Giai cấp thống trị dùng quyền lực ấy mưu lợi cho mình, còn nhân dân thì đấu tranh đòi giai cấp thống trị dùng quyền lực ấy vì lợi ích chung của xã hội. Thực chất đó là cuộc đấu tranh đòi dân chủ của nhân dân và kết quả đưa đến sự tiến hóa của các nền dân chủ, đưa đến văn minh chính trị. Nền văn minh chính trị đạt được trong xã hội hiện đại của quá trình toàn cầu hóa đã tạo ra những tiền đề để khắc phục sự tha hóa quyền lực.
Toàn cầu hóa càng phát triển càng tạo điều kiện cho dân chủ hóa chính trị và càng tạo ra đầy đủ hơn những tiền đề để thực hiện mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đồng thời đây cũng chính là những tiền đề để phong trào cộng sản và công nhân quốc tế xem xét, lựa chọn tiến tới con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội khoa học - một xã hội nhân đạo hoàn bị.
5. Xuất hiện khả năng tập hợp lực lượng mới cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế
Toàn cầu hóa là một quá trình đầy mâu thuẫn, trong đó mâu thuẫn giữa các lực lượng lợi dụng toàn cầu hóa để mở rộng sự bóc lột về kinh tế, áp đặt về chính trị với các lực lượng đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa, bảo vệ độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Hiện nay, xuất hiện nhiều phong trào xã hội mới đấu tranh chống mặt trái của toàn cầu hóa với tên gọi chung là "Phong trào chống toàn cầu hóa". Phong trào này đã phần nào thức tỉnh được ý thức công dân toàn cầu trước những vấn đề cấp bách về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường... của nhân loại hiện nay. Mục tiêu đấu tranh chung của phong trào là chống lại việc chủ nghĩa tư bản lợi dụng toàn cầu hóa để áp đặt một kiểu toàn cầu hóa tiêu cực, phi nhân tính; chống lại sự lũng đoạn của hệ thống quyền lực tư bản độc quyền quốc tế, đồng thời hướng tới xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ, công bằng và bình đẳng hơn. Mục tiêu bao trùm đó đã được cụ thể hóa thành những mục tiêu cụ thể như: chống đói nghèo, bất công xã hội, chống chủ nghĩa tự do mới, chống nền chính trị cường quyền... hoặc, đòi xóa nợ cho các nước nghèo và kém phát triển, bảo vệ môi trường sống, dân chủ hóa cơ cấu và cơ chế của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB).
Là một lực lượng mới trong nền chính trị thế giới ngày nay, phong trào chống toàn cầu hóa đã góp phần lên án và ngăn chặn sự bành trướng tư bản chủ nghĩa trên phạm vi toàn cầu, do đó nó hàm chứa những nhân tố mang tính cách mạng, trở thành "bạn đồng minh tự nhiên" với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trong cuộc chiến chống cường quyền tư bản chủ nghĩa. Đây là yếu tố quan trọng để các Đảng Cộng sản - công nhân thống nhất hành động, xây dựng liên minh với các lực lượng, các phong trào chính trị xã hội khác, tăng cường hợp tác quốc tế chống toàn cầu hóa tư bản chủ nghĩa và tiến tới lựa chọn con đường xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa nhân văn, nhân đạo. Tập hợp lực lượng trong quá trình toàn cầu hóa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và các phong trào, đảng phái tiến bộ khác cùng thảo luận, phân tích những đặc điểm tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của thế giới hiện đại; về đường lối chiến lược, phương thức đấu tranh sao cho có hiệu quả chống lại chủ nghĩa tư bản; làm rõ con đường, mô hình, biện pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong tình hình mới, đồng thời cùng giải quyết các vấn đề toàn cầu. Sự phối hợp, tập hợp lực lượng này sẽ được xúc tiến trên cơ sở một "chủ nghĩa quốc tế mới". Theo đó, không chỉ đoàn kết giai cấp vô sản mà đoàn kết nhân dân tất cả các nước bị đế quốc áp bức thành một khối thống nhất. Điều này sẽ làm cho sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội trở nên hiện thực và có sức hấp dẫn cao.
Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phong trào cộng sản và công nhân quốc tế luôn chịu sự tương tác tổng hợp, đan quyện vào nhau, vừa trực tiếp vừa gián tiếp của hàng loạt nhân tố khách quan và chủ quan. Những nhân tố đó tác động nhiều mặt đến sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của các Đảng Cộng sản, tạo ra những tiền đề cho việc xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa. Đành rằng, sự phục hưng của chủ nghĩa xã hội trong thế kỷ XXI là một quá trình từ từ, lâu dài, khúc khuỷu, thậm chí có thể xuất hiện những bước lặp đi lặp lại mới, nhưng quy luật cơ bản phát triển của xã hội loài người là tiến tới chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị - chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Do đó, chủ nghĩa xã hội tất yếu sẽ thay thế chủ nghĩa tư bản. Tiến trình đó là không thể đảo ngược.
(1) Thông tin những vấn đề lý luận, số 6, tháng 3-2006, tr 19
Nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp - thực trạng và một số giải pháp  (07/06/2007)
Nâng cao nhận thức của đội ngũ nhà báo về hệ thống chính trị cơ sở  (07/06/2007)
Giới thiệu chính sách mới trên các số công báo từ ngày 15-5-2007 đến ngày 26-5-2007  (06/06/2007)
Nền kinh tế khu vực đồng euro tiếp tục tăng trưởng  (06/06/2007)
Xuất khẩu nông, lâm sản đạt gần 3,7 tỉ USD  (06/06/2007)
Đoàn đại biểu Tạp chí Cộng sản sang thăm và làm việc tại Trung Quốc  (06/06/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển