Tháng 11-2000, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 lần thứ tư được tổ chức ở Xin-ga-po, các nhà lãnh đạo của 13 nước Đông Á (10 nước ASEAN, 3 nước Đông - Bắc Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) đã bày tỏ nguyện vọng xây dựng một Cộng đồng Đông Á hoà bình, thịnh vượng và tiến bộ, đặt trên cơ sở sự phát triển đầy đủ của mọi dân tộc trong khu vực, đóng góp tích cực đối với phần còn lại của thế giới.

Trong những năm qua, các nước ASEAN + 3 đã nỗ lực phấn đấu nhằm từng bước hiện thực hóa nguyện vọng trên. Việc xây dựng thành công Cộng đồng Đông Á (EAC) sẽ nâng cao vị thế của Đông Á trong nền chính trị và kinh tế thế giới. Đông Á sẽ xuất hiện với tư cách là trung tâm thứ ba của văn minh nhân loại.

Với mục tiêu dài hạn cùng những nỗ lực nhằm hiện thực hóa Cộng đồng Đông Á (EAC), các nước ASEAN + 3 sẽ phải làm gì?

Tìm kiếm các biện pháp nhằm hiện thực hoá EAC

Một nhóm nghiên cứu Đông Á (EASG) đã được thành lập với nhiệm vụ phân tích và lựa chọn những biện pháp cụ thể có tính khả thi cao. Trong Báo cáo tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN + 3 được tổ chức tại Phnôm Pênh (tháng 11-2002), EASG đã đề xuất 26 biện pháp cụ thể, trong đó, 17 biện pháp được thực hiện ngay với ưu tiên cao, 9 biện pháp ở tầm trung và dài hạn.

Về hợp tác kinh tế, khoa học - công nghệ, EASG đề xuất thành lập Hội đồng kinh doanh Đông Á; thiết lập Hệ thống ưu đãi chung (GSP) và đối xử ưu đãi đối với các nước kém phát triển; thúc đẩy môi trường đầu tư hấp dẫn; thiết lập mạng thông tin đầu tư Đông Á; cung cấp viện trợ và hợp tác trong 4 lĩnh vực ưu tiên (hạ tầng cơ sở, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập kinh tế khu vực của ASEAN); hợp tác thông qua chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ chung; phát triển hạ tầng cơ sở viễn thông, hỗ trợ cho việc cung cấp mạng In-tơ-nét tốt hơn.

Về chính trị - an ninh, EASG kêu gọi thiết lập Diễn đàn Đông Á (EAF) bao gồm đại diện của chính phủ và phi chính phủ; tăng cường các cơ chế hợp tác về lĩnh vực an ninh phi truyền thống.

Về hợp tác phát triển, thực hiện chương trình phát triển nguồn nhân lực toàn diện cho Đông Á; tập trung chủ yếu vào giáo dục cơ sở, đào tạo kỹ năng và xây dựng năng lực; xây dựng các chương trình giảm nghèo; tiến hành các bước đi phối hợp nhằm bảo đảm chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho người dân.

Về văn hoá, xúc tiến công tác tại các viện văn hoá, giáo dục nhằm thúc đẩy mạnh mẽ ý thức về bản sắc và nhận thức về Đông Á.

Xây dựng khuôn khổ thể chế nhằm triển khai các hoạt động hợp tác

Cho tới nay, hợp tác Đông Á được tiến hành thông qua 3 cơ chế: ASEAN + 3, các ASEAN + 1 và Thượng đỉnh Đông Á (EAS).

Vai trò và chức năng của các cơ chế trên đã được các nhà lãnh đạo của các nước thành viên tuyên bố tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN + 3 lần thứ 9 tổ chức ở Cu-a-la Lăm-pơ (12-2005) với mục tiêu hiện thực hóa Cộng đồng Đông Á thông qua tiến trình ASEAN + 3. EAS cùng với ASEAN +3 và các tiến trình ASEAN + 1 được coi là có vai trò quan trọng trong việc xây dựng Cộng đồng trong khu vực, nhất là, ASEAN + 3 với vị trí đáng kể trong hợp tác Đông Á, sẽ tiếp tục là cỗ xe chính để đạt tới mục tiêu Cộng đồng Đông Á.

Việc thể chế hoá tiến trình ASEAN + 3 đã có bước tiến mới với quyết định của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN + 3 lần thứ 10 (tháng 7-2000). Theo quyết định, hợp tác kinh tế do Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 (EAM +3) tiến hành; hợp tác tài chính, tiền tệ do Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN+3 phụ trách; hợp tác về chính trị, an ninh và các lĩnh vực khác do Bộ Ngoại giao đảm nhiệm. Kết quả của tất cả các Hội nghị trên sẽ báo cáo lên Hội nghị Thượng đỉnh.

Sau 9 năm hoạt động, các thể chế hợp tác trong khuôn khổ ASEAN + 3 ngày càng được mở rộng. Cho tới nay đã có 48 cơ chế hoạt động, 16 lĩnh vực hợp tác được điều phối, bao gồm kinh tế, tiền tệ - tài chính, chính trị - an ninh, du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng và công nghệ thông tin liên lạc...

Các tiến trình ASEAN + 1 (ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Nhật Bản, ASEAN - Hàn Quốc) có nhiệm vụ thực hiện những chủ trương và biện pháp do các hội nghị ASEAN + 3 đề ra.

Triển khai một số hoạt động hợp tác cụ thể

Tại các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các quan chức cao cấp của ASEAN + 3 và ASEAN + 1 đã tiến hành đối thoại và tham khảo ý kiến về những vấn đề cùng quan tâm. Các nước ASEAN + 3 đã hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia (bao gồm vận chuyển ma tuý bất hợp pháp, buôn bán người, cướp biển, buôn lậu vũ khí, rửa tiền, tội phạm kinh tế quốc tế và tội phạm tin học).

Để triển khai hợp tác Đông Á trong lĩnh vực kinh tế, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN + 3 (10-2000) đưa ra quyết định tập trung vào 3 hoạt động chính: đẩy mạnh buôn bán đầu tư và chuyển giao công nghệ; khuyến khích hợp tác kỹ thuật trên các phương diện kỹ thuật tin học và thương mại điện tử; phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp đồng bộ.

Các dự án hợp tác trong khuôn khổ ASEAN+ 3 được xem xét dựa trên các nguyên tắc: bảo đảm lợi ích cho tất cả các thành viên tham gia vào EAM + 3; khuyến khích sự tham gia tối đa của các nước thành viên. Tuy nhiên, những dự án này cần thu hút ít nhất sự tham gia của hai nước thành viên ASEAN và hai thành viên trong số 3 nước Đông - Bắc Á.

Trong hợp tác tài chính, các hiệp định cung cấp tài chính khu vực, được gọi là Sáng kiến Chiềng Mai (CMI) đã được ký kết. CMI bao gồm việc mở rộng Hiệp định hoán đổi của ASEAN (ASA) và một mạng lưới các hiệp định hoán đổi song phương (BSA) giữa các nước thành viên ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngoài CMI, năm 2003, các Bộ trưởng Tài chính ASEAN + 3 đã thúc đẩy Sáng kiến về Thị trường Trái phiếu châu Á (ABMI). Hội nghị đã quyết định thành lập 6 nhóm tình nguyện, thảo luận một số vấn đề chủ chốt nhằm phát triển các thị trường trái phiếu khu vực.

Theo Ban thư ký ASEAN, đã có 14 biện pháp ngắn hạn được triển khai thực hiện, trong đó 4 biện pháp đã được hoàn thiện. Trên cơ sở đó, các nhà lãnh đạo ASEAN + 3 đã thoả thuận thực hiện toàn bộ biện pháp ngắn hạn vào năm 2007. Đây cũng là dịp 10 năm thành lập cơ chế hợp tác ASEAN + 3.

Trong số các biện pháp trung và dài hạn, biện pháp xây dựng Khu mậu dịch tự do Đông Á (EAFTA) đã được các nước ASEAN + 3 đặc biệt chú ý. Một nhóm chuyên gia bao gồm các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu (EAVG) đã được thành lập nhằm nghiên cứu tính khả thi của EAFTA. Bên cạnh đó, trong các tiến trình ASEAN + 1, việc thiết lập các khu mậu dịch tự do song phương giữa từng đối tác Đông - Bắc Á với ASEAN đang được xúc tiến xây dựng hoặc đang trong quá trình đàm phán. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN được tổ chức ở Cam-pu-chia (tháng 11- 2002), ASEAN và Trung Quốc đã ký Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai bên. Mục tiêu nhằm thành lập khu vực tự do thương mại (FTA) ASEAN - Trung Quốc. Theo dự kiến, FTA này sẽ được hoàn thành vào năm 2010 giữa Trung Quốc và 6 nước ASEAN (Bru-nây, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin, Xin-ga-po và Thái Lan); và vào năm 2015 với các nước ASEAN còn lại (Cam-pu-chia, Mi-an-ma và Việt Nam) .

ASEAN và Trung Quốc còn nỗ lực thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghệ thông tin, phát triển nguồn nhân lực, giao thông, vận tải, du lịch, tài chính, ngân hàng, bảo hộ sở hữu trí tuệ và phát triển lưu vực sông Mê Công...

Trong tiến trình ASEAN + 1 giữa ASEAN và Nhật Bản, các hoạt động nhằm tiến tới khu mậu dịch tự do cũng đang được thúc đẩy. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN- Nhật Bản (tháng 12 - 2003), hai bên đã ký Hiệp định về quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN - Nhật Bản (CEP). Nhật Bản và 3 nước Xin-ga-po,Thái Lan và Ma-lai-xi-a đã tuyên bố bắt đầu thương lượng về FTA.

Bên cạnh hai khu mậu dịch tự do trên, khu mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc cũng đang trong quá trình đàm phán.

Những thành tựu bước đầu của hợp tác Đông Á

Trong lĩnh vực chính trị, những hội nghị thượng đỉnh thường niên đã giúp các nhà lãnh đạo 13 nước Đông Á có cơ hội tiếp xúc thường xuyên và trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Một trong những minh chứng về kết quả của hợp tác Đông Á trong lĩnh vực chính trị là đề xuất của Đông Á mở rộng ASEM được đưa ra ở Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu lần thứ 5 được tổ chức tại Hà Nội (tháng 10 - 2004).

Hợp tác chính trị cũng góp phần xây dựng lòng tin giữa các quốc gia Đông Á. Hiệu quả của hợp tác được thể hiện rõ trong nhận thức của hầu hết các nước Đông Á đối với Trung Quốc. Theo Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-si-lô, sự trỗi dậy của Trung Quốc với vai trò lãnh đạo chính trị và kinh tế trong khu vực không chỉ có lợi cho In-đô-nê-xi-a mà có lợi cho cả Đông-Nam Á. Bộ trưởng cao cấp Gô Chu Tông của Xin-ga-po khẳng định sự trỗi dậy của Trung Quốc không chỉ là một hình mẫu để các nước châu Á noi theo mà còn đưa tới những thay đổi ở châu Á.

Trong lĩnh vực tài chính, thành tựu nổi bật nhất của hợp tác Đông Á là triển khai Sáng kiến Chiềng Mai. Cho tới Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN +3 (tháng 5 – 2004), đã có 16 hiệp định hoán đổi song phương (BSA) được ký kết giữa các nước Đông Á với tổng số tiền lên tới 35,6 tỉ USD.

Hợp tác kinh tế - thương mại thông qua các tiến trình ASEAN + 3 và ASEAN + 1 đã góp phần thúc đẩy quá trình liên kết giữa các nền kinh tế Đông Á. Buôn bán nội khối trong khu vực không ngừng tăng lên. Trong giai đoạn 1985 - 2001, buôn bán giữa các nước Đông Á với nhau đã tăng 35%. Cũng trong thời gian trên, các nước Đông Á đã chuyển 11% buôn bán với thế giới về buôn bán trong khu vực. 80 % buôn bán trong khu vực diễn ra giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Quý 1-2005, ASEAN đã trở thành đối tác buôn bán lớn thứ tư của Trung Quốc.

Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các nền kinh tế Đông Á đã làm cho khu vực này hiện trở thành một trong ba trung tâm kinh tế lớn nhất trên thế giới. Nếu các nền kinh tế Đông Á được kết nối với nhau thông qua một hiệp định tự do hoá thương mại như đề nghị của EAVG và EASG, sức mạnh kinh tế của khu vực này sẽ còn tăng lên gấp bội. Tiếng nói của các nước Đông Á sẽ có trọng lượng hơn tại các diễn đàn kinh tế khu vực và quốc tế.

Những kết quả hợp tác trên không chỉ góp phần vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định trong khu vực cũng như vào sự phát triển của mỗi đối tác thành viên mà còn nuôi dưỡng những tình cảm khu vực giữa các dân tộc vốn có sự khác biệt về văn hoá, chế độ chính trị, trình độ phát triển và các mục tiêu quốc gia. Cùng với thời gian, những tình cảm khu vực này sẽ phát triển để trở thành ý thức về khu vực và một chủ nghĩa khu vực được tất cả các dân tộc tại đây cùng chia sẻ./.
 
 
* PGS, TS Viện Nghiên cứu Đông Nam Á