Mấy suy nghĩ về Đảng viên làm kinh tế tư nhân

Đàm Kiến Lập
14:36, ngày 22-01-2007

Vấn đề đảng viên làm kinh tế tư nhân là nội dung rất mới, quan trọng, nhưng cũng hết sức nhạy cảm, bởi nó liên quan tới lý luận và thực tiễn cách mạng ở nước ta hiện nay, tới lập trường chính trị và bản chất giai cấp của Đảng ta. Nó phản ánh thực chất cuộc đấu tranh giai cấp trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế.

1 - Cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là cần thiết, nhưng phải có điều kiện

Xét về mặt thực tiễn, nước ta từ một nước nghèo, kém phát triển, quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa; đang xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế thị trường ở nước ta hiện nay vẫn còn ở trình độ thấp, sơ khai và tính chất, nhân tố xã hội chủ nghĩa vẫn còn hạn chế, non yếu. Trong điều kiện, hoàn cảnh như thế thì thành phần kinh tế tư nhân vẫn còn phù hợp với tính quy luật "lịch sử - tự nhiên", cho nên nó có vai trò tích cực đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Ở các nước kinh tế thị trường phát triển, kinh tế tư nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với nền kinh tế. Kinh tế hàng hóa là giai đoạn thấp của kinh tế thị trường, khi nào sản xuất hàng hóa phát triển cao mới thực sự là nền kinh tế thị trường. Cho nên nhìn vào thực tiễn nước ta, cần khuyến khích phát triển thành phần kinh tế này và nên cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân(1), nhằm động viên họ góp phần phát triển đất nước. Trong dự thảo Báo cáo Chính trị tại Đại hội X của Đảng có ghi: "Đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô phải gương mẫu chấp hành Điều lệ Đảng, pháp luật, chính sách của Nhà nước và quy định cụ thể của Ban Chấp hành Trung ương".

Thế nhưng, hiện nay không ít ý kiến phản đối quyết liệt chủ trương này vì cho rằng như thế là trái với chủ nghĩa Mác và với mục tiêu, lý tưởng, bản chất của Đảng, từ đó sẽ dẫn đến biến chất Đảng, đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đề ra chủ trương dù là phù hợp với thực tiễn, nhưng lại trái với những vấn đề có tính nguyên tắc của Đảng và cách mạng xã hội chủ nghĩa thì rõ ràng là chưa ổn. Điều đó cho thấy nếu chỉ bằng kinh nghiệm, thực tiễn hoặc vận dụng lý luận máy móc, giáo điều đều chưa thể lý giải thấu đáo vấn đề.

Mặt khác, không ít ý kiến cho rằng kinh tế thị trường là đầy cám dỗ, rất dễ làm hư hỏng cán bộ, đảng viên khi tham gia làm kinh tế tư nhân; do đó bằng tinh thần đầy trách nhiệm với Đảng và sự nghiệp cách mạng, những ý kiến này đã kiên quyết phản đối việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân không giới hạn về quy mô.

Nếu vậy lại cũng mâu thuẫn với quan niệm của C. Mác và Ph.Ăng-ghen, rằng những người cộng sản phải tiên phong cả về lý luận và thực tiễn(2). Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Đảng ta xác định: phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm do đó đảng viên cần phải tiên phong trong nhiệm vụ trung tâm này. Cũng như trong kháng chiến trước đây, chiến trường là nơi sống chết, là nơi quyết định cho thắng lợi của cách mạng và đảng viên đã thể hiện rõ tính tiên phong của mình. Trong giai đoạn hiện nay, thị trường là nơi đầy cám dỗ, nhưng lại có vai trò quyết định, tại sao chúng ta lại không động viên, thúc đẩy đảng viên làm kinh tế tư nhân để thử thách, tôi luyện, mà lại chỉ sợ đảng viên hư hỏng. Chẳng lẽ lại để tình trạng đảng viên "đứng ngoài cuộc" đối với cuộc sống thật, khi chủ trương của Đảng thực hiện "dân giàu, nước mạnh...".

Theo tôi cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân là hết sức cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế, thử thách đảng viên, để lực lượng cách mạng giành được thắng lợi quyết định trên thị trường, thậm chí còn giúp tinh giản biên chế hiện nay. Song, cần giải quyết vấn đề lý luận cho phù hợp thực tiễn là đảng viên phải tiền phong, gương mẫu trên mặt trận mới - mặt trận xây dựng kinh tế, và làm sao phân biệt được sự khác nhau giữa đảng viên và tư nhân làm kinh tế cả về nội dung bản chất và hình thức thể hiện?

2 - Căn cứ chủ yếu để xác định thực chất sở hữu tư bản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa, để phân biệt kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa với kinh tế mang tính xã hội chủ nghĩa, suy đến cùng là ở chỗ ai được hưởng lợi ích

Để có thể tìm ra lời giải cho những vấn đề trên, trước hết cần trở lại căn nguyên lý luận của vấn đề. Chúng ta đều biết, việc phân biệt các tổ chức kinh tế thuộc những thành phần kinh tế khác nhau là dựa vào hình thức sở hữu của nó. Các doanh nghiệp, công ty thuộc thành phần kinh tế tư nhân tư bản chủ nghĩa là những tổ chức kinh tế dựa trên chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, theo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, bản chất của hình thức sở hữu này là bóc lột, do dựa vào chế độ phân phối theo tư bản.

Song, thực chất thế nào là tư hữu tư bản chủ nghĩa, thế nào là công hữu xã hội chủ nghĩa, cả lý luận và thực tiễn đều không phải đã phân biệt rạch ròi. Bởi quan hệ sở hữu không chỉ là quan hệ tuyệt đối như quan niệm phổ biến hiện nay mà nó còn mang tính tương đối rất rõ. Mỗi quan hệ sở hữu cụ thể đều có hai mặt nội dung và hình thức, hai mặt này có quan hệ biện chứng, chúng không phải bao giờ cũng thống nhất với nhau; điều đó làm cho các quan hệ sở hữu có tính tương đối và hình thức sở hữu đạt trình độ xã hội hóa càng cao thì tính tương đối của nó càng cao. Do đó, nếu chỉ căn cứ vào chỗ ai bỏ vốn đầu tư, người ấy là chủ sở hữu thì có khi chỉ mới đúng về mặt hình thức. Cho nên, muốn xác định thực chất của một quan hệ sở hữu cụ thể cần phải xem xét cả mặt hình thức và cả mặt nội dung của nó và đây là điểm mấu chốt thứ nhất để lý giải vấn đề. Thực tế cho thấy, sở dĩ còn lúng túng, vướng mắc, chưa lý giải được vấn đề này có lẽ chính là do quá chú trọng mặt hình thức của sở hữu.

Để hiểu rõ hơn tính tương đối hay thực chất của quan hệ sở hữu, cần xem xét cấu thành của nó. Theo quan niệm thông thường, quan hệ sở hữu chỉ do 3 yếu tố cấu thành là: chủ thể, đối tượng và nội dung các quyền sở hữu. Thế nhưng, từ những nhận thức mới về kinh tế chính trị(3) cho thấy quan hệ sở hữu có đến 4 yếu tố cấu thành và 3 yếu tố nói trên chỉ mới tạo nên mặt hình thức. Còn mặt thứ tư là những lợi ích vật chất và tinh thần mà các chủ thể tham gia quan hệ sở hữu mong muốn đạt được mới là yếu tố quyết định nội dung, thực chất của sở hữu. Nói cách khác, không phải người chiếm giữ, quản lý, sử dụng, định đoạt,... mà chính người được hưởng những lợi ích do việc thực hiện các quyền năng sở hữu mang lại mới là chủ sở hữu thực chất, đích thực của đối tượng sở hữu. Nói chung, sự thống nhất giữa mặt hình thức và nội dung, sự gắn kết giữa chủ thể với lợi ích sở hữu chỉ là tương đối, cho nên quan hệ sở hữu luôn có tính tương đối.

Do đó, trong thực tế người này có thể khai thác được lợi ích từ sở hữu của người khác. Vận dụng tính chất ấy của sở hữu, có thể cải biến một hình thức sở hữu này thành một dạng sở hữu khác về mặt thực chất, cụ thể là có thể chuyển hóa sở hữu tư nhân thành sở hữu thực chất của người lao động, mang tính chất xã hội chủ nghĩa và ngược lại. Tức là có thể cải tạo hòa bình các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa, hoặc làm biến chất thành phần kinh tế được gọi là nền tảng của chủ nghĩa xã hội. Thực trạng của nhiều doanh nghiệp nhà nước và liên doanh với nước ngoài ở nước ta, cũng như sự tan rã của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô cho thấy rất rõ điều đó.

Dựa vào căn cứ trên, chúng ta có thể phân biệt rõ thực chất thế nào là sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa và thế nào là sở hữu công cộng xã hội chủ nghĩa.

Bỏ qua mặt lực lượng sản xuất để đơn giản hóa vấn đề, có thể khái quát chủ nghĩa tư bản là xã hội dựa trên nền tảng của chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa. Đó là hình thức sở hữu, trong đó: chủ sở hữu phổ biến là những cá nhân cụ thể; đối tượng sở hữu chủ yếu là vốn, là tư bản; các quyền sở hữu do chủ sở hữu thực hiện hoặc chi phối; đặc biệt là thực hiện chế độ phân phối, phân chia kết quả sản xuất, kinh doanh dựa theo vốn, theo tư bản và đây là biểu hiện quan trọng nhất để xác định một hình thức sở hữu có phải thực chất là sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa hay không.

Trái lại, chủ nghĩa xã hội là xã hội "do nhân dân lao động làm chủ", dựa trên chế độ sở hữu công cộng xã hội chủ nghĩa. Trong chế độ sở hữu này: chủ sở hữu là toàn dân, hoặc Nhà nước, hoặc tập thể, nhóm dân cư,... nói chung là mang tính chất cộng đồng của những người lao động; coi lao động (cả trí óc và chân tay) là nhân tố quyết định, lấy sức lao động làm đối tượng sở hữu chủ yếu; người lao động được thực sự làm chủ việc chiếm giữ, quản lý, sử dụng và định đoạt các đối tượng sở hữu; đặc biệt là thực hiện chế độ phân phối theo lao động, chế độ này được hiểu là chế độ phân chia kết quả sản xuất, kinh doanh (cả lợi ích và trách nhiệm, lợi nhuận và rủi ro) cho người lao động căn cứ theo mức đóng góp lao động của họ, và đây là biểu hiện quan trọng nhất để xác định một hình thức sở hữu có phải thực chất là công hữu xã hội chủ nghĩa không.

Cũng cần lưu ý là, việc chia sẻ kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động không phải chỉ vì tính nhân đạo, hay mang tính chất ban ơn, mà chính là vì, như C. Mác đã khẳng định, giá trị thặng dư hay lợi nhuận, nói rộng hơn là kết quả sản xuất, kinh doanh là do người lao động tạo ra. Mặt khác, có phân chia, gắn chặt lợi ích và trách nhiệm của người lao động với kết quả sản xuất, kinh doanh thì mới phát huy được tối đa động lực và trách nhiệm làm chủ của họ. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả của các doanh nghiệp nói chung, đặc biệt các doanh nghiệp thuộc sở hữu công cộng, bởi vì đây chính là khâu mấu chốt làm cho hình thức sở hữu được coi là "vô chủ" này trở nên có chủ một cách thực chất, cụ thể.

3 - Chủ trương, chính sách cần động viên và tạo điều kiện cho đảng viên làm kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa

Về mặt lý luận như trên đã rõ, song trong thực tế cần có chủ trương công khai: khuyến khích đảng viên bỏ vốn ra thành lập các doanh nghiệp mang tính chất xã hội chủ nghĩa. Chủ trương này không những phù hợp với lý luận Mác - Lê-nin và thực tiễn đất nước, mà còn hoàn toàn phù hợp với quy luật ra đời và phát triển đặc thù của Đảng ta. Để thúc đẩy phát triển nhanh nền kinh tế nước ta theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước cần thực hiện một số chủ trương, chính sách cụ thể như sau:

Thứ nhất: Cần động viên và tạo điều kiện thuận lợi cho đảng viên được tự do kinh doanh như mọi công dân, không hạn chế quy mô vốn, lao động. Nhiều người đề nghị nên giới hạn quy mô kinh doanh để đảng viên không biến thành tư sản, nhưng thật là vô lý khi khống chế sự phát triển có lợi cho xã hội và như thế là hoàn toàn trái quy luật kinh tế. Song, tổ chức và hoạt động sản xuất, kinh doanh của đảng viên ngoài việc phải gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước, còn phải bảo đảm những điều kiện nhất định. Đó là phải ít nhiều thể hiện rõ tính ưu việt xã hội chủ nghĩa, tức phải thể hiện được tính tiên tiến nhất định về các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và tổ chức quản lý, nhất là phải có trách nhiệm cao đối với người lao động, bình đẳng và dân chủ trong quản lý, công bằng về lợi ích giữa chủ sở hữu với người quản lý, lao động trong doanh nghiệp. Có thể cụ thể hóa những điều kiện đó thành những tiêu chuẩn chủ yếu sau đây:

+ Về chủ thể sở hữu: đảng viên có thể một mình bỏ vốn đầu tư, nhưng tốt hơn nên đứng ra vận động nhiều người cùng góp vốn, góp công thành lập doanh nghiệp tập thể dưới nhiều hình thức như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, hợp tác xã... Bởi theo C. Mác, sự ra đời của công ty cổ phần "...là sự thủ tiêu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa ở ngay trong lòng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa"(4) và điều này "chứng tỏ sự xuất hiện công ty cổ phần về mặt lịch sử là bước tiến từ sở hữu tư nhân lên sở hữu tập thể của các cổ đông"(5).

+ Về quản lý: phải tôn trọng và phát huy trên thực tế quyền làm chủ của công nhân, lao động trong doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ được tham gia quản lý và phát huy tính năng động sáng tạo của họ.

+ Về phân phối: không những trả lương tương xứng với giá trị sức lao động mà còn thực hiện chế độ phân chia kết quả sản xuất, kinh doanh cho người lao động với tỷ lệ nhất định và ngày càng cao, nhằm biến quá trình phân phối thành quá trình xác lập quyền làm chủ thực chất của người lao động và từng bước biến họ trở thành các cổ đông, là những người chủ thực sự có cổ phần trong doanh nghiệp.

+ Về chính trị, văn hóa và xã hội: tạo điều kiện cho các tổ chức của Đảng, đoàn thể, các hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh được hình thành và phát triển thuận lợi. Quan tâm và chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho người lao động. Tích cực tham gia các hoạt động chính trị, xã hội, nhân đạo, từ thiện...

Thứ hai: Việc cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân phải có điều kiện. Cần thấy rằng những điều kiện đặt ra như trên cũng là yêu cầu và xu thế chung của sự phát triển sản xuất kinh doanh, chúng hoàn toàn không trói buộc, cản trở doanh nghiệp; trái lại, đó là những điều kiện mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần vươn tới để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất kinh doanh trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; cho nên chúng không làm cho các chủ doanh nghiệp ngại, mà còn cảm thấy tự hào khi có nhiều cống hiến cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Thứ ba: Đảng và Nhà nước cần có những chính sách ưu đãi về vốn, thuế, đất đai, đào tạo... để khuyến khích đảng viên làm kinh tế tư nhân theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng không bao cấp và phải bảo đảm tính độc lập tự chủ của các doanh nghiệp này. Đối với đảng viên có thể được tín chấp hoặc được tổ chức đảng xem xét bảo lãnh vay vốn. Tổ chức đảng và nhà nước nên mạnh dạn tham gia góp vốn để hỗ trợ cho các doanh nghiệp mang tính chất xã hội chủ nghĩa, thậm chí có thể cho mượn vốn để thực hiện những đề án thành lập doanh nghiệp hoặc dự án kinh doanh có ý nghĩa lớn về kinh tế - xã hội. Cần tổ chức rộng rãi, thường xuyên các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về sản xuất kinh doanh, về tổ chức quản lý doanh nghiệp, nhất là hình thức doanh nghiệp cổ phần,... cho đảng viên và mọi người. Đặc biệt, cần áp dụng lãi suất cho vay, giá thuê đất ưu đãi và giảm thuế thu nhập nhằm khuyến khích các doanh nghiệp chia lợi nhuận và chuyển phần lợi nhuận được chia đó thành cổ phần để tạo điều kiện cho người lao động tham gia làm chủ doanh nghiệp. Các doanh nghiệp của đảng viên cần tăng cường liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp nhà nước, các hợp tác xã để phát triển tạo ra lợi thế cạnh tranh, nhưng không được vi phạm pháp luật và chống độc quyền trong sản xuất kinh doanh.

Thứ tư: Khuyến khích đảng viên và mọi người làm kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ định kiến những người làm kinh tế thuần túy tư nhân. Bởi vì, như trên đã nói trong điều kiện hiện nay, kinh tế tư nhân và ngay cả các hình thức kinh tế cá thể, tiểu chủ vẫn còn có vai trò tích cực lâu dài đối với sự phát triển đất nước. Mặt khác, trong cùng một môi trường kinh tế, giữa các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tất yếu có sự tác động chuyển hóa theo hướng phát triển; do đó, các doanh nghiệp tư nhân muốn tồn tại cũng không thể giữ mãi sự "thuần túy" của mình. Điều quan trọng là cần phân biệt vấn đề đảng viên làm kinh tế với vấn đề cán bộ, công chức, viên chức làm kinh tế. Rõ ràng là đảng viên là công chức, viên chức cũng như công chức, viên chức nói chung làm kinh tế phải tuân thủ Pháp lệnh Cán bộ Công chức, tức là phải bảo đảm không được lạm quyền và lợi dụng vị trí, chức trách được Đảng và Nhà nước giao để gây ảnh hưởng nhằm vụ lợi cá nhân, vi phạm pháp luật.

Để đẩy nhanh sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng cần khuyến khích và tạo điều kiện cho đảng viên đứng ra vận động thành lập, hoặc tham gia thành lập, hoặc tự tổ chức để nhanh chóng hình thành ngày càng nhiều doanh nghiệp mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Điều quan trọng là cần phải mềm dẻo, linh hoạt nhưng kiên quyết không được từ bỏ nguyên tắc của Đảng, tức là thỏa hiệp phải có nguyên tắc như Lê-nin đã từng dạy. Có như vậy việc thực hiện chủ trương trên, không những bản chất của Đảng sẽ được giữ vững mà còn thêm sức sống mới cho đất nước ngày một phát triển nhanh, rút ngắn khoảng cách với các quốc gia khác trong khu vực và thế giới, làm cho "véc - tơ" về chống tụt hậu và đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế cùng chiều với định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó cũng chính là phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.


* ThS, Vụ địa phương II - Văn phòng Trung ương Đảng
(1) Thực tế nhiều đảng viên cũng đã làm và Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX cũng đã thừa nhận
(2) Xem: C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 4, tr 614-615
(3) Xem: Nguyễn Đình Kháng và Vũ Văn Phúc: "Những nhận thức kinh tế chính trị trong giai đoạn đổi mới ở Việt Nam", Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr 52 - 53
(4) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Sđd, Nxb Chính trị quốc gia Hà Nội, 1994, t 25, tr 670
(5) Lê Hữu Nghĩa- "Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam: Mấy vấn đề lý luận và thực tiễn" - Tạp chí Cộng sản, số 22, 2004, tr 10