Kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đúng định hướng. Thời gian qua, Đảng bộ Nam Định đã làm tốt công tác kiểm tra, góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.

Ngay sau khi Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW, ngày 14-2-1998, Về tăng cường công tác kiểm tra của Đảng, Đảng bộ tỉnh Nam Định khóa XV đã tổ chức quán triệt và hiện thực hóa Chỉ thị quan trọng này trong thực tiễn lãnh đạo của mình, bằng việc ban hành Kế hoạch số 24-KH/TU, ngày 28-3-1998. Việc tổ chức học tập Chỉ thị của Trung ương, Kế hoạch của Tỉnh ủy đã được triển khai nghiêm túc. Tỷ lệ cán bộ, đảng viên tham gia học tập ở các tổ chức cơ sở đảng đạt trung bình 88,7%; Đảng bộ các huyện Xuân Trường, Nghĩa Hưng, Hải Hậu và thành phố Nam Định... tỷ lệ đảng viên tham gia học tập trên 95%. Đến tháng 6-1998, Đảng bộ Nam Định đã hoàn thành việc quán triệt Chỉ thị 29-CT/TW.

Từ đó đến nay, được sự hướng dẫn của ủy ban Kiểm tra Trung ương, Đảng bộ Nam Định đã tiến hành sơ kết vào năm 2002, qua đó làm cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng, đẩy mạnh việc thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và nhân dân Nam Định.

Góp phần trực tiếp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ tỉnh - nhân tố quan trọng phát triển kinh tế - xã hội...

Cùng với những thành công trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ vững trật tự an toàn xã hội; việc tiến hành có kết quả công tác kiểm tra của Đảng, theo tinh thần Chỉ thị số 29-CT/TW, đã góp phần làm nên thành công của các kỳ đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ XVI và XVII - biểu hiện tập trung nhất sự vững mạnh toàn diện của Đảng bộ tỉnh.

Các kỳ đại hội đã diễn ra đúng thời gian quy định, tuân thủ nghiêm các quy định và Điều lệ Đảng, bầu ra được Ban Chấp hành gồm các đồng chí đủ năng lực, phẩm chất có khả năng đảm đương nhiệm vụ ngày càng nặng nề của sự nghiệp xây dựng Nam Định thành tỉnh phát triển toàn diện.

Bên cạnh đó, thực hiện sâu rộng công tác kiểm tra đã tạo ra một sự thay đổi, một sức sống mới, nếp nghĩ mới trong sinh hoạt Đảng và trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên toàn tỉnh. Các tổ chức đảng và từng đảng viên xác định rõ rằng, nhiệm vụ kiểm tra là của toàn Đảng bộ, mà trước hết là của các cấp ủy, của Ủy ban Kiểm tra các cấp, cũng như trách nhiệm của mỗi đảng viên, dù ở bất kỳ cương vị nào.

Chúng tôi nhận thấy rõ, làm tốt công tác kiểm tra trong Đảng bộ tỉnh chính là một động lực giúp cho mọi hoạt động của Nam Định có khởi sắc, mà trước hết là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị.

Căn cứ nhiệm vụ chính trị, theo yêu cầu của công tác kiểm tra, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI xây dựng Chương trình một số vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân nhiệm kỳ 2001 - 2005; trong đó, giao cho Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì thực hiện đề án Tăng cường công tác kiểm tra, nhiệm kỳ 2001 - 2005. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xây dựng chương trình kiểm tra toàn khóa và 10 chương trình kiểm tra hằng năm với hơn 60 chuyên đề. Từ đó, 16 huyện ủy, thành ủy và đảng ủy trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả 218 chương trình kiểm tra với 462 chuyên đề; các cấp ủy cơ sở đã xây dựng và tổ chức thực hiện 4.544 chương trình kiểm tra với 5.200 chuyên đề. Trên 85% số các đảng bộ, chi bộ cơ sở xây dựng chương trình hành động thực hiện các nghị quyết của Đảng. Từ 86% đến 95% số cán bộ, đảng viên tham gia học tập chỉ thị, nghị quyết của Đảng.

Thường trực cấp ủy định kỳ mỗi quý, mỗi tháng nghe Ủy ban Kiểm tra các cấp báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra và cho ý kiến chỉ đạo kịp thời; yêu cầu đồng chí cấp ủy viên bám sát, trực tiếp tiến hành kiểm tra đối với lĩnh vực và địa bàn được phân công. Trước những vấn đề quan trọng, phức tạp, tập thể cấp ủy nghe báo cáo chi tiết để ra quyết định kịp thời và chính xác. Các đồng chí đảng viên là thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế - xã hội... báo cáo kịp thời và đầy đủ tình hình mọi mặt với cấp ủy. Lãnh đạo các cơ quan, các tổ chức đảng, đoàn thể thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của nhân dân. Đây chính là cơ sở để thực hiện tốt cuộc cải cách hành chính, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, hiệu lực và hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp và sức mạnh của hệ thống chính trị ở Nam Định.

Tỉnh đã tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử lý nghiêm những vi phạm của các tập thể và cá nhân trong các lĩnh vực: quản lý kinh tế, thực hiện Luật Đất đai, Luật Thuế, quản lý các khoản đóng góp của nhân dân, thực hiện các chính sách xã hội, công tác xây dựng cơ bản. Từ 1998 đến nay, đã tiến hành 357 cuộc kiểm tra với 1.059 tổ chức cơ sở đảng và 111 đảng viên.

Qua kiểm tra cho thấy, việc mua sắm và sử dụng tài sản công cơ bản thực hiện đúng quy định, đồng thời từ đây tỉnh có quy định về việc quản lý và sử dụng bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Đầu tư xây dựng cơ bản có nhiều cố gắng, chấp hành nghiêm túc quy định, trình tự, thủ tục, tiết kiệm cho ngân sách 50.216 triệu đồng. Từ các cuộc thanh tra trên nhiều nội dung, trong đó có việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, đã thu hồi về ngân sách 19,717 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đều thực hiện kiểm tra và chỉ đạo công tác cán bộ. Từ năm 1998 đến nay, chúng tôi đã tiến hành hơn 100 cuộc kiểm tra về nội dung này. Việc làm tốt công tác kiểm tra, trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức và thực hiện đúng nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ, quản lý đội ngũ cán bộ; đồng thời, đề cao trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị đối với công tác cán bộ. Đây cũng chính là biện pháp tích cực góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Để giữ nghiêm kỷ luật đảng, thông qua Ủy ban Kiểm tra các cấp, các cấp ủy đã thi hành kỷ luật bằng các hình thức với 4.047 đảng viên và 80 tổ chức đảng. Nhờ đó, thời gian qua, số đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt nhiệm vụ tăng từ 74,9% lên 77%; số vi phạm tư cách giảm từ 2% xuống còn 0,7%. Qua đó, góp phần tích cực vào công tác xây dựng đảng, chính quyền và các đoàn thể trong sạch, vững mạnh; thực hiện thắng lợi nghị quyết của các cấp ủy về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Điều cần nhấn mạnh là, kết quả công tác kiểm tra trong thời gian qua của Đảng bộ Nam Định đã góp phần quan trọng củng cố niềm tin của nhân dân toàn tỉnh vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo, thúc đẩy việc đạt những chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng. Trong những năm 2001 - 2005, GDP tăng bình quân 7,6% (chỉ tiêu đề ra từ 7 đến 7,5%); GDP bình quân đầu người đạt 5,3 triệu đồng, (chỉ tiêu đề ra từ 4,9 đến 5 triệu đồng/người). Vốn đầu tư nước ngoài và trong nước tăng khá; cơ sở hạ tầng của tỉnh có bước phát triển nhanh chóng, phục vụ tốt cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị giảm từ 6,1% xuống 4,8%, bình quân hằng năm tạo thêm 38.000 chỗ làm việc. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 14,5% xuống còn 6,8%, vượt chỉ tiêu đề ra (dưới 8%). Các hoạt động văn hóa - xã hội đem lại sức sống mới cho đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh, góp phần thực hiện thành công nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Công tác quốc phòng, an ninh được bảo đảm, nhân dân yên tâm sản xuất và sinh hoạt, thực hiện các nghĩa vụ với địa phương và đất nước.

Nhìn lại năm 2006 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII của Đảng bộ tỉnh, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 24,6% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp đạt giá trị bình quân 38 triệu đồng/ha/năm. Giá trị xuất khẩu của sản xuất công nghiệp và nông nghiệp đều tăng, ước đạt 145,9 triệu USD. Đầu tư từ các nguồn tiếp tục được thu hút phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với số lượng lớn hơn năm trước... Tất cả những kết quả đó trước hết chứng tỏ sự đúng đắn của các chủ trương của đại hội đảng bộ các cấp, sự vững mạnh và ý thức phục vụ nhân dân của hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của công tác xây dựng đảng, chính quyền nói chung, của công tác kiểm tra được tiến hành một cách nghiêm túc và hiệu quả nói riêng.

Tích cực triển khai công tác kiểm tra, giám sát - bảo đảm xây dựng Đảng bộ tỉnh vững mạnh, động lực cho sự phát triển toàn diện của Nam Định

Ngày 24-11-2006, Bộ Chính trị khóa X đã ban hành Quyết định số 25-QĐ/TW, hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng theo Chương VII và Chương VIII của Điều lệ Đảng khóa X. Quyết định này tạo thêm sức mạnh cho công tác kiểm tra, tăng cường sự giám sát trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức đảng và mỗi đảng viên; đồng thời, qua đó phát huy vai trò của mỗi đảng viên và tổ chức đảng, góp phần củng cố bản lĩnh chính trị và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ.

Thời gian tới, cùng với việc tổ chức thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, Đảng bộ Nam Định tổ chức học tập và quán triệt đầy đủ và sâu sắc nội dung, cụ thể hóa Quyết định này trong các chương trình hành động cụ thể. Đây là công việc có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mỗi tổ chức đảng của Đảng bộ. Chúng tôi nhận thức rõ rằng, việc thực hiện ngày càng có kết quả công tác kiểm tra, giám sát theo Quyết định 25-QĐ/TW ở mỗi tổ chức cơ sở đảng và trở thành hành động thực tế của mỗi đảng viên chính là bảo đảm thực hiện có kết quả nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ.

Tỉnh ủy chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng thực hiện nghiêm chương trình làm việc toàn khóa, từng năm của các cấp ủy. Thực hiện nghiêm chương trình làm việc chính là tuân thủ nghiêm nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp. Đây chính là thước đo của sự tuân thủ kỷ luật đảng. Từ nội dung làm việc toàn khóa của Đảng bộ, chúng tôi xây dựng chương trình kiểm tra định kỳ cho cấp ủy các cấp, trong đó tập trung vào các nội dung chính của công tác kiểm tra như: kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội; tiến hành công tác cán bộ; quản lý tài chính, tài sản công. Đây là công việc nhạy cảm, rất phức tạp, liên quan tới rất nhiều lĩnh vực, đòi hỏi phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, sự tinh thông nghiệp vụ, phẩm chất trong sáng và phương pháp làm việc khoa học của người cán bộ làm công tác kiểm tra. Do đó, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra các cấp để có thể đáp ứng yêu cầu công việc là vô cùng quan trọng và khó khăn. Cùng với sự nỗ lực của mình, chúng tôi mong có sự giúp đỡ hiệu quả từ phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng các ban, ngành có liên quan để xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra ngang tầm nhiệm vụ.

Bám sát vào chương trình làm việc của cấp ủy các địa phương, đơn vị, Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành chương trình làm việc định kỳ, theo chủ đề. Yêu cầu nổi bật chính là làm rõ được năng lực lãnh đạo toàn diện của người lãnh đạo, của tổ chức đảng, việc chấp hành kỷ luật đảng, tuân thủ pháp luật của Nhà nước. Từ đó, góp phần vào thành công của nhiệm vụ chính trị toàn Đảng bộ, đồng thời nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Thứ hai, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phải luôn sâu sát tình hình địa phương, đơn vị mình. Đây cũng chính là một trong những yêu cầu của các cấp ủy đối với Ủy ban Kiểm tra các cấp. Ban Thường vụ trực tiếp lãnh đạo, đôn đốc Ủy ban Kiểm tra các cấp kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh. Cấp ủy các cấp, trước hết là đồng chí bí thư, phó bí thư, ban thường vụ cấp ủy phải tích cực, chủ động và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các cuộc kiểm tra của cấp ủy theo kế hoạch đề ra. Đồng chí bí thư, phó bí thư, thường trực cấp ủy phải định kỳ ít nhất mỗi quý một lần nghe Ủy ban Kiểm tra báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và cho ý kiến chỉ đạo kịp thời. Các đồng chí cấp ủy viên phải trực tiếp thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đối với lĩnh vực và địa bàn được phân công phụ trách. Lãnh đạo các cấp định kỳ hoặc bất thường xuống cơ sở để kiểm tra, nắm chắc tình hình, giải quyết kịp thời, có hiệu quả công việc đảm nhận.

Ban Thường vụ cùng với Ủy ban Kiểm tra các cấp chủ động nắm bắt thông tin, phát hiện dấu hiệu vi phạm để kịp thời kiểm tra, ngăn ngừa tiêu cực và xử lý vi phạm. Kinh nghiệm cho thấy, luôn sâu sát, nắm chắc tình hình chính là chủ động ngăn ngừa các sai phạm có thể xảy ra trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Cùng với thường xuyên tiến hành công tác tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, việc tiến hành các biện pháp chủ động phòng ngừa cũng chính là góp phần thực hiện có hiệu quả việc giữ vững phẩm chất đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Thứ ba, thực hiện tốt tự phê bình và phê bình cùng các chế độ sinh hoạt của Đảng là điều kiện tiên quyết để tiến hành có hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Qua việc thực hiện nghiêm túc hoạt động phê bình và tự phê bình và các chế độ sinh hoạt đảng, mỗi đảng viên được nhắc nhở về trách nhiệm của người đảng viên trước Đảng. Mọi hoạt động của tổ chức đảng và đảng viên luôn được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát và đánh giá của tập thể. Tuy nhiên, điều cần nhấn mạnh là, phải thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình theo đúng tinh thần người đảng viên, bảo đảm làm cho đồng chí của mình giữ vững phẩm chất người đảng viên cộng sản, làm cho Đảng ngày càng vững mạnh, ngăn chặn việc lợi dụng nguyên tắc này để thực hiện mục đích cá nhân không trong sáng.

Các ban của Đảng, các ban cán sự đảng, đảng đoàn phải chủ động kiểm tra, giám sát lĩnh vực được phân công phụ trách, báo cáo đầy đủ, kịp thời với cấp ủy và cấp trên theo quy định. Đảng viên là thủ trưởng các cơ quan, các tổ chức kinh tế - xã hội có trách nhiệm báo cáo tình hình đầy đủ và kịp thời với cấp ủy, tạo mọi điều kiện thuận lợi phục vụ tốt cho công tác kiểm tra, giám sát. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong giám sát việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước thông qua việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Lãnh đạo chính quyền các cấp thực hiện nghiêm túc việc tiếp dân, lắng nghe ý kiến của dân và có trách nhiệm giải quyết kịp thời những khiếu nại, tố cáo của nhân dân. Lãnh đạo các ban, ngành cần nghiêm túc, chủ động phối hợp với cán bộ kiểm tra để hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện có kết quả.

Đảng bộ Nam Định quyết tâm thực hiện đạt kết quả tốt nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo tinh thần Nghị quyết Đại hội X và trước mắt là nội dung Hội nghị Trung ương 3 (khóa X). Chúng tôi coi đây là một trong những điểm tựa cho sự thành công của sự nghiệp xây dựng Nam Định thành một điểm sáng về kinh tế vững mạnh, chính trị ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.

* Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nam Định