Huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân
TCCS - Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình) lần thứ XXVII đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện xuống dưới 2%. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình đã đạt được những kết quả nổi bật về công tác xóa đói, giảm nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.
Hoàn thành nhiều chỉ tiêu về giảm nghèo
Nho Quan là huyện miền núi nằm ở phía tây bắc tỉnh Ninh Bình, địa bàn rộng, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,3%. Huyện Nho Quan xác định giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm, gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, công tác giảm nghèo của huyện Nho Quan được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Theo đó, Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025; ban hành các kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nho Quan… Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các cấp, Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững nói chung, đặc biệt là chỉ đạo các phòng, ban chức năng tổ chức triển khai kịp thời các nội dung công việc thực hiện các dự án, tiểu dự án lồng ghép với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Các kế hoạch bám sát các văn bản hướng dẫn, đặc biệt là Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, trong đó ưu tiên người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định); ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo… Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, huyện Nho Quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xóa đói, giảm nghèo đến với người dân, trong đó chú trọng các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ cho vay, nhà ở, chính sách đối với người nghèo…
Theo chuẩn nghèo đa chiều, bước vào đầu giai đoạn 2022 - 2025, huyện Nho Quan còn 2.175 hộ nghèo, chiếm 4,71% số hộ trong toàn huyện, đến cuối năm 2023, còn trên 1.200 hộ nghèo, chiếm 2,57% số hộ theo tiêu chí đa chiều. Các chính sách giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện Nho Quan đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khó khăn, như giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế, chợ, nước sinh hoạt... với 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ xã có lưới điện quốc gia đến trung tâm xã chiếm 100%, trên 98% số hộ dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các xã có hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đạt chuẩn quốc gia… Từ năm 2019 đến năm 2023, có trên 3 nghìn học sinh thuộc hộ nghèo được miễn, giảm học phí, chi phí học tập và các khoản hỗ trợ khác với tổng kinh phí 2 tỷ đồng. Từ năm 2019 đến năm 2024, huyện Nho Quan thực hiện cấp phát thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số,... với tổng số 96.178 thẻ.
Bên cạnh đó, các chính sách đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, như Chương trình 135; Dự án ổn định sản xuất, đời sống và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách đối với người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai thực hiện nghiêm túc. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc trong huyện đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia. Phong trào thi đua phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tiếp tục được quan tâm chỉ đạo thực hiện, giá trị sản phẩm được nâng lên. Đặc biệt, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay kịp thời giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo mạnh dạn đầu tư sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Từ năm 2019 đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã giải quyết cho gần 900 hộ nghèo vay vốn sản xuất với tổng số tiền 46,2 tỷ đồng; cho trên 40 trường hợp vay để xuất khẩu lao động với số tiền gần 2 tỷ đồng… Qua đó, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Thực hiện Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND, ngày 10-3-2023, của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình “Ban hành quy định chính sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023 - 2025”, Ủy ban nhân dân huyện Nho Quan đã tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết số 43/2023/NQ-HĐND đến các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn huyện. Năm 2023, huyện Nho Quan có tổng số hộ nghèo đề nghị hỗ trợ nhà là 154 hộ (trong đó: xây mới: 111, sửa chữa: 43); tổng số kinh phí đề nghị: 13.2 tỷ đồng (trong đó: xây mới: 11,1 tỷ đồng, sửa chữa: 2.1 tỷ đồng). Huyện Nho Quan xác định các hộ được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở trong năm 2023 phải được thực hiện xong trước mùa mưa bão. Đến đầu tháng 6-2023, huyện Nho Quan đã khởi công xây mới: 77/111 nhà (đạt 69,4%); số nhà đã đủ điều kiện đề nghị tạm ứng kinh phí (hoàn thành xong phần móng đối với nhà xây mới): 54/77 (đạt 70,1%). Số nhà đã khởi công sửa chữa: 19/43 nhà (đạt 44,2%); số nhà đã đủ điều kiện đề nghị tạm ứng kinh phí (đạt từ 30% khối lượng công việc trở lên đối với nhà sửa chữa): 7/19 (đạt 36,8%). Kết quả rà soát năm 2024, 2025: Hộ nghèo có nhu cầu xây mới, sửa chữa giai đoạn 2024 - 2025 là: 85 hộ (trong đó: xây mới 41 nhà, sửa chữa 44 nhà); hộ nghèo còn thiếu tính pháp lý về quyền sử dụng đất nhưng có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà ở giai đoạn 2024 - 2025 là: 79 hộ (trong đó: xây mới 52 nhà, sửa chữa 27 nhà).
Hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Nho Quan phối hợp với các phòng, ban, ngành, ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác xã hội hóa, phát động phong trào xây dựng Quỹ “Vì người nghèo”, huy động các nguồn lực từ những tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở; các xã, thị trấn đã huy động Đoàn thanh niên, các tổ chức đoàn thể hỗ trợ ngày công cho các hộ để xây, sửa chữa nhà ở.
…Bằng việc lồng ghép nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp
Có thể thấy, các chính sách giảm nghèo triển khai kịp thời đã, đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, qua đó, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo và các đối tượng chính sách từng bước được nâng cao, giảm nghèo bền vững.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nho Quan lần thứ XXVII đề ra mục tiêu đến cuối năm 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện Nho Quan xác định, trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai các giải pháp sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới. Huyện Nho Quan đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nông nghiệp hữu cơ, áp dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ cao, nâng cao chất lượng giá trị trên 1 ha đất canh tác.
Hai là, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội gắn với giảm nghèo bền vững. Với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, để phục vụ lợi ích chung của xã hội và điều tiết cho người nghèo; phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của Ninh Bình, đặc biệt là về du lịch, dịch vụ. Gắn mục tiêu giảm nghèo từng năm, từng giai đoạn cụ thể với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống của người nghèo, trước hết ở khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Ba là, nâng cao năng lực truyền thông về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, các gương điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh công tác dạy nghề, giải quyết việc làm, đặc biệt, chú trọng thực hiện có hiệu quả xuất khẩu lao động và du học nghề, tạo cơ hội cho người nghèo, hộ nghèo, xã nghèo tiếp cận nguồn lực phát triển kinh tế./.
Huyện ủy Nho Quan chủ trương phát huy nguồn lực văn hóa, con người, khai thác bền vững văn hóa truyền thống dân tộc trong xây dựng nông thôn mới  (05/11/2024)
Vai trò các tôn giáo trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Kim Sơn  (28/10/2024)
Công tác phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nho Quan, giai đoạn 2020 - 2025  (20/10/2024)
Kinh nghiệm thế giới trong xây dựng không gian xanh và một số kiến nghị chính sách cho Ninh Bình  (16/10/2024)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay