Có hay không nguy cơ quân sự hoá vũ trụ?

Nguyễn Nhâm
11:26, ngày 15-07-2008

Khám phá và khai thác vũ trụ phục vụ cho lợi ích của nhân loại là nhu cầu khách quan, phản ánh sự tiến bộ của con người trong quá trình nhận thức thế giới. Cho đến nay đã có hơn 130 nước tham gia các hoạt động trên vũ trụ. Hầu hết các nước, nhất là các nước lớn, các nước có khả năng khám phá vũ trụ đều tuyên bố không theo đuổi mục tiêu quân sự hoá vũ trụ. Tuy nhiên, trên thực tế các hoạt động của nhiều nước trong những thập kỷ gần đây lại gây lo ngại sâu sắc cho nhân loại. Bằng việc gia tăng các hoạt động được gọi là “bảo vệ các vệ tinh và phi thuyền của họ trong không gian vũ trụ”, họ từ chối không tham gia vào hiệp ước cấm quân sự hoá vũ trụ của cộng đồng quốc tế. Có hay không nguy cơ quân sự hoá vũ trụ?

1. Đối tượng tác động lên vũ trụ

Lịch sử khám phá vũ trụ của con người cho đến nay, có thể nói, hầu như đều xuất phát từ công nghệ quân sự hoặc công nghệ lưỡng dụng có thể ứng dụng trong quân sự và dân sự. Phương tiện được phóng lên vũ trụ lần đầu tiên chính là tên lửa đường đạn được cải tiến; phi công vũ trụ, phi hành gia, nhân viên kỹ thuật vũ trụ... phần lớn đều xuất thân từ quân nhân hoặc các viên chức hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng. Nhiều phát minh khoa học nổi tiếng về vũ trụ, thậm chí môn vũ trụ học cũng bắt nguồn từ lĩnh vực quân sự và vũ trụ học quân sự có vai trò quan trọng. Kính viễn vọng vũ trụ Hubble cũng dựa vào công nghệ và kinh nghiệm tình báo, thực chất công cụ này là một vệ tinh trinh sát không gian vũ trụ.

Các ý tưởng về thương mại cũng nảy sinh từ các dự án quân sự. Việc phát triển phổ biến các phương tiện truyền thông qua vệ tinh rõ ràng là ứng dụng quan trọng nhất của công nghệ vũ trụ. Năm 1957, sau khi Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo đầu tiên thì câu lạc bộ vệ tinh thương mại Intersputnik cũng ra đời. Năm 1958, Mỹ phóng thành công vệ tinh thương mại đầu tiên, liền sau đó tổ chức vệ tinh Viễn thông quốc tế Intelsat cũng ra đời. Sự ra đời của hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của không quân Mỹ đã kéo theo sự phát triển, ứng dụng vào lĩnh vực thương mại như định vị chính xác cho các loại phương tiện trên bộ, trên biển, trên không trong lĩnh vực dân dụng và thương mại. Đến khi hệ thống GPS thực tế được đặt dưới sự kiểm soát của giới quân sự Mỹ thì châu Âu cũng quyết định phát triển một hệ thống mới có tên là Galileo để cạnh tranh.

Trong khi đó, tại nhiều nước, Bộ Quốc phòng đã trở thành một khách hàng khổng lồ của dịch vụ vệ tinh thương mại và ảnh vũ trụ có độ phân giải cao. 4/5 nhu cầu của quân đội Mỹ là sử dụng các vệ tinh thương mại để yểm trợ trong cuộc chiến tranh với I-rắc. Mỹ còn sử dụng các vệ tinh thương mại để phóng máy bay không người lái Global Hawk từ cách xa nửa vòng trái đất. Tuy đã có sự phân chia trên danh nghĩa các chương trình dân sự và quân sự ở Mỹ, song giữa hai lĩnh vực này thường có những tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau. Các yêu cầu của Lầu Năm góc đã chi phối nhiều mặt thiết kế của tàu vũ trụ con thoi, vì thế mà tàu con thoi mang nhiều thiết bị phục vụ cho mục đích quân sự và thực hiện nhiều nhiệm vụ hoàn toàn bí mật. Không quân, Lục quân, Hải quân, cục Các dự án nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (DARPA) và Văn phòng trinh sát (NRO) đã phát triển các công nghệ cơ bản qua các hệ vũ trụ nhỏ. Cái vỏ bọc này cho phép tiến hành các chương trình vũ trụ quân sự một cách ráo riết với những nguồn lực to lớn được đáp ứng; thậm chí, một số chương trình vẫn tồn tại mặc dù không có nhiều triển vọng và đã nhiều lần thất bại.

Trong tác chiến hiện đại, vũ trụ ngày càng có vai trò quan trọng. Những lợi thế mà vệ tinh mang lại cho cảnh giới, truyền thông, dự báo thời tiết, lập bản đồ, dẫn đường và bắt mục tiêu nhiều khi mang tính quyết định. Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991 có thể được coi như cuộc “Chiến tranh vũ trụ” đầu tiên. Một thập kỷ sau đó, trong cuộc xâm lược của Mỹ vào I-rắc lần thứ 2, việc sử dụng bom đạn chính xác dẫn bằng hệ GPS trở nên thông dụng đến mức làm thay đổi cách đánh của không quân Mỹ. Các nhà lập kế hoạch không còn phải nghĩ đến việc đánh một mục tiêu cần bao nhiêu lần xuất kích, mà ngược lại, một lần xuất kích đánh được bao nhiêu mục tiêu. Và ngày nay, nếu không nói đến vai trò của không gian vũ trụ, thì khái niệm tác chiến lấy mạng làm trung tâm là một quan niệm vô nghĩa.

Trong cuộc chạy đua vào vũ trụ, Liên Xô trước đây đã đi trước Mỹ trong việc phóng vệ tinh nhân tạo và đưa người lên quỹ đạo, nhưng Mỹ lại đi trước Liên Xô trong việc ứng dụng vào lĩnh vực quân sự những thành tựu quan trọng nhất về vệ tinh như: truyền thông dẫn đường, trinh sát và thời tiết. Mặt khác, tuy khởi đầu muộn hơn trong việc đưa lên quỹ đạo các vệ tinh trinh sát, song Liên Xô đã đưa lên quỹ đạo hàng trăm phương tiện vũ trụ quân sự và tình báo. Đến nay, hai nước Mỹ, Nga vẫn là những cường quốc hàng đầu về vũ trụ. Tuy nhiên, những nước khác cũng đã và đang ưu tiên phát triển các phương tiện vũ trụ phục vụ cho an ninh quốc gia, có những vệ tinh lưỡng dụng phục vụ cho cả lực lượng vũ trang và các hoạt động phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội.

2. Những ưu tiên giành cho lĩnh vực quân sự

Trong 50 năm phát triển công nghệ vũ trụ, ứng dụng quan trọng nhất là trong lĩnh vực tình báo. Năm 1958, trinh sát vệ tinh có tên gọi là Corona của Mỹ với sự ra đời của hàng loạt vệ tinh Discoverer, sau đó là các phương tiện vũ trụ trinh sát ảnh: KH-1 đến KH-9. Ngày 18-8-1960, Corona quay được cuốn phim đầu tiên trong vũ trụ, với những hình ảnh thu được nhiều hơn tất cả các chuyến bay của máy bay do thám U-2 cộng lại. Cuối những năm 1970, Mỹ cho ra đời các vệ tinh trinh sát KH-11, các ca-me-ra của chúng dùng các thiết bị ghép đôi tải trọng. Ngoài ưu thế không bao giờ hết phim, một hệ như vậy có thể truyền ảnh theo thời gian thực. Độ phân giải quang học đủ tinh vi để phân biệt kiểu ô-tô này với kiểu ô-tô khác, trong phạm vi 11cm. Cuối những năm 1990, Mỹ cho phép công nghiệp tư nhân bán ảnh vũ trụ có độ phân giải cao hơn những ảnh trước đây từ các vệ tinh cảm biến từ xa dân dụng trong phạm vi 1,0 - 0,5 mét. Chính phủ nắm giữ quyền kiểm soát khả năng đặt một số khu vực trái đất thuộc phạm vi cấm đối với khách hàng thương mại. Song, trong những năm 1980, Mỹ bắt đầu cho ra-đa có khẩu độ tổng hợp bay vào trong vũ trụ, đặt trên cả vệ tinh lẫn tàu con thoi.

Hệ thống dẫn đường và định vị toàn cầu bằng vệ tinh của Mỹ (NAVSTAR) cho phép định vị chính xác hạm tàu, cung cấp thông tin cho tên lửa hạt nhân của tàu ngầm. Những vệ tinh sớm nhất là Transit, được phóng từ năm 1959. Những năm sau và cho đến nay (thử nghiệm năm 1978 và hoạt động đầy đủ năm 1995), hệ GPS được sử dụng cho cả nhu cầu quân sự và dân sự. Hệ thống bao gồm 24 vệ tinh dẫn đường xác định thời điểm cung cấp dịch vụ miễn phí, thông qua đó, người sử dụng máy thu trên bộ có thể xác định vị trí của họ ở bất cứ nơi nào trên hành tinh trong phạm vi 100 mét (cho nhu cầu dân dụng) và 22 mét cho nhu cầu quân sự. Cùng công dụng, Nga vận hành hệ thống Glonass, tuy nhiên, hiện nay Nga cũng đang có chủ trương xây dựng lại chùm vệ tinh dẫn đường thế hệ mới.

Nhiều nước sử dụng rộng rãi các phương tiện vũ trụ để lập bản đồ chi tiết (vệ tinh KH-9 của Mỹ). Dữ liệu được sử dụng cho nhiều loại phương tiện, lực lượng khác nhau như máy bay không người lái, tên lửa hành trình...

Tương tự như đối với dẫn đường, quân đội nhiều nước đã ứng dụng vệ tinh trong truyền thông trên biển. Quân đội Mỹ có vệ tinh truyền thông rất sớm và từ những năm 1980, bắt đầu ký hợp đồng thuê vệ tinh truyền thông thương mại của tổ hợp Hughes, trong một chương trình gọi là Lesat. Công nghệ vệ tinh dành riêng cho quân sự đạt đỉnh cao với vệ tinh Milstar, là các vệ tinh địa đồng bộ vững bền trước bức xạ được thiết kế để cung cấp truyền thông an toàn ngay cả trong trường hợp có xung đột hạt nhân.

Giới quân sự cũng được lợi với các chuyến bay vũ trụ có người lái. Năm 1963, Mỹ bắt đầu nỗ lực nhằm xây dựng một trạm vũ trụ quân sự gọi là MOL (phòng thử nghiệm trên quỹ đạo có người lái). Tiếp đó là các tàu con thoi vũ trụ, trong đó đa số đã triển khai vệ tinh. Cùng thời gian này, Liên Xô lại đi theo hướng hơi khác: tập trung vào xây dựng các trạm vũ trụ trên quỹ đạo. Các chuyên gia phương Tây thậm chí còn tung tin rằng, các trạm vũ trụ dành riêng cho mục đích quân sự của Liên Xô (được gọi là Almaz) còn mang theo pháo ca-nông để các nhà du hành vũ trụ thử nghiệm chống các mục tiêu vệ tinh.

3. Những ý tưởng và tham vọng về vũ trụ

Từ giữa những năm 70 của thế kỷ trước, do các phương tiện vũ trụ có tầm quan trọng ngày càng tăng đối với an ninh quốc gia, các chuyên gia quân sự bắt đầu nghĩ đến việc bảo vệ phương tiện của mình và ngăn chặn đối phương tiếp cận. Trong đó, khâu bảo vệ được coi là khó khăn hơn nhiều so với ngăn chặn. Điều gây lo ngại nhất là các phương tiện ứng dụng công nghệ la-de và chùm hạt tích điện, là những công nghệ có thể cho phép dễ dàng tiêu diệt các loại phương tiện quân sự trên mặt đất, trên không và cả trên vũ trụ. Tháng 3-1983, Tổng thống Mỹ lúc đó là R.Ri-gân đã đề xướng “Sáng kiến phòng thủ chiến lược” (SDI) mang mật danh khá hoa mỹ là “Chiến tranh giữa các vì sao”, với mục đích “Trả đũa tức khắc để răn đe Liên Xô tấn công, thông qua đánh chặn và tiêu diệt các tên lửa đường đạn chiến lược trước khi chúng bay tới lãnh thổ Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ". Ý tưởng khai thác phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp, gồm các phương tiện đặt trên bộ, trên không, trên biển và trên vũ trụ.

Hiện nay, có nhiều loại vũ khí được đưa lên vũ trụ. Chẳng hạn: vũ khí la-de, vũ khí chùm hạt là vũ khí thực sự được bố trí trên quỹ đạo, được coi như những chiếc loa phụt "tia chết" nhằm vào vệ tinh của đối phương; hệ thống thu nhận tín hiệu xen-xơ để phát hiện vệ tinh của đối phương; những vệ tinh cực nhỏ được lắp chương trình điều khiển, được ví như những "viên cuội thông minh” bay "lang thang" trong vũ trụ để va chạm với vệ tinh của đối phương, nhằm phá huỷ hoặc cản đường chuyển động của chúng.

Tuy nhiên, do nhiều yếu tố bất khả thi mà chương trình SDI tiêu phí hàng chục tỉ USD đã không thực hiện được và bị cho là phù phiếm. Chính người Mỹ cũng lo ngại rằng, chỉ cần một tên lửa trong một đợt phóng, chui qua được “cái ô” được xây dựng từ SDI có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh hạt nhân tổng lực, có hại ngay cho nước Mỹ. Tuy nhiên, ngày nay nước Mỹ đang triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) và hệ thống phòng thủ chiến trường (TMD) có sự điều khiển từ các phương tiện hoạt động trên vũ trụ.
 
4. Sự lo ngại của thế giới
 
Như vậy, “quân sự hoá vũ trụ” là một khái niệm rất rộng từ các phương tiện tình báo bí mật đến vệ tinh trinh sát, phương tiện phóng; vệ tinh truyền thông, thương mại, khí tượng... phục vụ cho nhu cầu quân sự. Vũ trụ có thể trở thành “trận chiến trên cao”, một lợi thế mà các nước, nhất là các nước phát triển và cả các nước đang phát triển đua nhau tìm kiếm, “góp phần” làm cho thế giới ít an toàn hơn.

Theo dự báo của các nhà nghiên cứu quân sự có uy tín, đến năm 2010, số lượng các phương tiện vũ trụ thuộc hệ thống vũ khí chính xác cao của các quốc gia đứng đầu thế giới có thể đạt từ 30 đến 50 nghìn, và đến 2020 con số đó là 70 nghìn đến 90 nghìn.

Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ đã chi ngân sách cho vũ trụ quân sự ngang bằng với chi cho phần cứng của ngân sách hoạt động vũ trụ dân dụng, thương mại (năm 2009, Mỹ dự chi 0,7 tỉ USD) để bảo đảm cho hơn nửa ngàn tên lửa của họ.

Tư lệnh lực lượng phòng không Nga, Đại tướng A-lếch-xăng-đrơ Dê-lin (Alexcandr Zelin) cũng cho rằng, nước Nga đang đứng trước nguy cơ đe doạ an ninh từ vũ trụ. Các nhà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Nga trong khuôn khổ chương trình vũ trang đến năm 2015, đã đưa ra chương trình chế tạo hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tổ hợp đa mục tiêu. Trong "Chiến lược phòng thủ đường không - vũ trụ của Nga đến năm 2016" đã được Tổng thống Nga V.Pu-tin phê chuẩn, nước Nga hợp nhất chức năng phòng không của Không quân với Phòng không quốc gia vào Bộ chỉ huy phòng không - vũ trụ.

Cho đến nay, Mỹ và Nga là hai nước có tiềm năng và thực lực khám phá, khai thác vũ trụ lớn nhất hành tinh. Với việc đồng sở hữu trạm quỹ đạo quốc tế ISS, hai nước có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm tăng lên hay giảm đi nguy cơ quân sự hoá vũ trụ, cũng như mối lo ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ vũ trụ bị quân sự hóa./.