Một khuyến nghị cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong khó khăn của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu
Với số tiền được thông báo tới gần 80.000 tỉ đồng đã được phân phối tới doanh nghiệp Việt Nam theo chương trình hỗ trợ lãi suất trong thời gian từ ngày 23-1 đến ngày 20-2-2009, tính đến ngày 9-3-2009 số tiền giải ngân hưởng chế độ ưu đãi lãi suất 4% đã lên đến trên 110.000 tỉ đồng..., như vậy, “máu của nền kinh tế đã chảy thông”. Việc này được thế giới và các kinh tế gia gọi là "mở van tín dụng".
Nhưng điều đáng nói là tín dụng không “chảy như nước”, theo cách mà chúng ta vẫn nhìn thế giới làm ăn thực và mô tả trực quan, dễ hình dung. Tín dụng chảy có điều kiện. Tập điều kiện ấy đang gia tăng thêm các thông số, ngày càng nhiều hơn, khắt khe hơn, khi bối cảnh khủng hoảng, thất nghiệp và phá sản có nguy cơ tăng cao hơn.
Hiệu quả đồng vốn vẫn là điều người ta nhắc đến, trước tiên và trên hết. Ngoài phía doanh nghiệp, đó còn phải là hiệu quả của giới tài chính và ngân hàng - hiện là “kẻ tội đồ” của toàn cầu. Hiệu quả ấy, xét một cách toàn diện, còn liên quan tới “con chim báo bão” mà Việt Nam đã gặp: lạm phát. Lượng tiền lớn trong lưu thông hiển nhiên sẽ gọi con chim ấy bay nhanh hơn.
Ngân hàng nhà nước đã rất tích cực chỉ đạo triển khai việc giải ngân trong chính sách kích cầu vừa rồi. Nhưng dư luận xã hội còn e ngại về hiệu quả và hướng của dòng chảy tín dụng. Nó phản ánh nguyên nhân sâu xa, không hẳn mọi người đã tin rằng, vấn đề các khoản nợ ngân hàng cấp cho nền kinh tế đã đúng chuẩn rủi ro, và vì thế, sẽ tới lúc “bóng ma” kém thanh khoản của chính ngân hàng quay lại. Hiệu ứng kép của thiếu thanh khoản, thường trực với phá sản kỹ thuật và lạm phát vẫn lởn vởn. Tỉnh táo mà nói, chúng phải được giải quyết quyết liệt như với triển khai chương trình kích cầu. Đó là nguyên lý kiểm tra - giám sát ở nghĩa trung thực nhất của đời sống kinh tế.
Vậy ngoài việc xử lý cái van qua việc cắt, cắt và cắt lãi suất, các hướng khác tận dụng công cụ chính sách tiền tệ là cái cần bàn lúc này.
Về công cụ thông tin và khoảng chênh lãi suất. Cách đây 4 năm, Ngân hàng nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại xây dựng định mức phân loại rủi ro. Đây là ứng dụng bậc nhất của công nghệ thông tin. Nó vừa giúp xóa tình trạng bất cân đối thông tin, vừa nới rộng khoảng lãi suất, và phân nhóm chất lượng tín dụng. Ngoài chuyện Basel II bắt buộc chuẩn xếp hạng tín dụng khách hàng, ý nghĩa lành mạnh tài chính của công việc bắt buộc này thừa đủ để bắt tất cả phải quyết tâm. Nhưng trên thực tế, mức độ co cụm của dải lãi suất hiện nay là đáng lo ngại, vì suốt 20 năm nay, khoảng chênh quá hẹp giữa các khách hàng cho thấy hầu như quyết định của ngân hàng thương mại dừng ở: có cho vay hay không; chứ không phải vay ở lãi suất nào, tương ứng với từng nhóm rủi ro. Một khi việc kích cầu qua lãi suất chấm dứt, nguyên lý này sẽ quay trở về chỗ đứng số 1 của nó trong định giá các khoản vay.
Về xử lý tài sản què quặt. Tài sản xấu là vấn nạn đằng sau tất cả những gì đang diễn ra ở Việt Nam cũng như toàn cầu. Nợ xấu gây ra đủ mọi chuyện. Nhưng các phương án xử lý nợ xấu hiện chưa thật yên tâm. Ý tưởng có thể nghĩ tới hiện tại là xây dựng cơ cấu công - tư phối hợp để mua và góp vốn bằng nợ xấu có quy mô lớn. Để làm được điều đó, định giá lại khoản nợ và xếp nhóm tốt - xấu là việc cần phải làm. Nhưng những việc này, trên thực tế không khó khăn về mặt kỹ thuật. Một cơ cấu pháp lý cho nó mới là chuyện phải bàn. Nhưng Quốc hội và Chính phủ sẽ còn ưu tiên gì hơn nếu không phải bàn về nó, vào ngay lúc này!
Về củng cố thị trường vốn. Hiện nay, doanh nghiệp lớn đang mất đi một nguồn vốn quan trọng từ thị trường vốn, cả thị trường chứng khoán lẫn giao dịch tự do. Một trong những việc Ủy ban Chứng khoán nhà nước và các sở giao dịch ở Việt Nam có thể làm và làm tốt nhất là: thúc đẩy chuẩn mực nghiên cứu khoa học và công bố thông tin. Việc này liên quan tới một mệnh đề quan trọng: Cải cách luật và tăng cường chế tài, giám sát. Vì tín dụng có liên quan trực tiếp, có lẽ đây phải là việc phối hợp trọng trách của Ngân hàng nhà nước và Ủy ban chứng khoán nhà nước, không thể tách rời. Hãy xem điều mà G20 và IMF đang chủ trương. Hãy giám sát các tổ chức tài chính lớn và tài sản của họ một cách mạnh nhất có thể, vì họ là tác nhân chính thúc đẩy hay kéo sụp thị trường chứng khoán. Không làm việc này, chúng ta và các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đứng ngoài cuộc chơi toàn cầu.
Để mắt tới lạm phát và sự xuống giá của tài sản tài chính chính phủ. Để kích cầu, Chính phủ sẽ phải vay xã hội. Bội chi và tăng tiền phát hành là những khả năng có thể thấy. Ở đây có một mối quan hệ với tỷ giá hối đoái, vì công cụ điều chỉnh tỷ giá nội tệ thấp đi, có ý nghĩa không gói gọn trong cạnh tranh giá hàng so sánh tương đối, mà còn kích hoạt dòng chảy tiền trong quan hệ tín dụng doanh nghiệp với mức lãi suất thực tế thấp đi. Điều này giúp tránh gia tăng nguy cơ lạm phát do số lượng tiền tuyệt đối tăng lên.
Kích thích khởi nghiệp. Bằng việc này, Chính phủ sẽ chỉnh khái niệm hẹp của kích cầu, vốn là chủ trương của điều chỉnh điểm cân bằng kinh tế kiểu Keynes từ những năm 1940 của thế kỷ XX. Ngày nay, "stimulus" (kích thích) của điều hành vĩ mô nói chung cần được hiểu rộng hơn là "kích thích kinh tế tổng thể" vì chúng ta đang sống trong bối cảnh hậu Keynes.
Xin khuyến nghị kích thích khởi nghiệp với nội dung quan trọng nhất là tạo không gian tín dụng và thuế đặc cách cho khởi nghiệp và tái khởi nghiệp. Để không trùng lắp với chính sách hỗ trợ lãi suất, có lẽ nó nên tập trung vào các đặc tính sau đây:
Thứ nhất, nới lỏng điều kiện tín dụng, chẳng hạn tài sản thế chấp (mặc dù lãi suất có thể cao hơn, phù hợp nguyên tắc xác định rủi ro). Lúc này, tư tưởng cho vay dự án có lẽ phù hợp nhất, thay vì dựa trên tài sản bảo đảm.
Thứ hai, khuyến khích đầu tư cho khởi nghiệp bằng việc miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp trong vòng 3 năm, một chu kỳ cần thiết để tạo lãi, hoặc tương ứng với một mức lợi nhuận và tổng đầu tư nào đó, chẳng hạn 5 tỷ. Điều này tương đương với việc miễn cả thuế lợi tức trên các khoản tín dụng hay đầu tư của các ngân hàng và nhà đầu tư quốc tế cho khởi nghiệp. Về mặt kỹ thuật, điều này không khó thực hiện. Về mặt luật pháp, nó đang phù hợp với các chính sách dãn thuế và hỗ trợ lãi suất hiện hành.
Thứ ba, số lãi này nếu được rút ra để tái đầu tư chưa vượt quá hạn mức 3 năm, thì nên tiếp tục được miễn thuế./.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Nhà nước Cô-oét  (11/03/2009)
Những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội  (10/03/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 2-3-2009 đến 8-3-2009)  (10/03/2009)
Lễ phát động Chương trình “Điện Biên cất cánh”  (10/03/2009)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên