Những dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Tạp chí Cộng sản
TCCS - Ấn tượng của PGS, TS Vũ Văn Phúc, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản về đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Với hơn 80 tuổi đời, hơn 55 tuổi Đảng, Đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của nhân dân.
Phóng viên: Kính thưa đồng chí, với tư cách từng là người đứng đầu Tạp chí Cộng sản, đồng chí có thể chia sẻ những cảm nhận về con người, nhân cách của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
Đồng chí Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: tôi muốn chia sẻ 3 điều về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thứ nhất, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, của dân tộc và cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của Đảng, Nhà nước, nhân dân, lợi ích của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh... Với hơn 80 tuổi đời, hơn 55 tuổi Đảng, Đồng chí đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, của nhân dân. Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến nay, Đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lãnh đạo, chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện công cuộc đổi mới đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đồng chí luôn luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên: trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng phải kiên định, vững vàng: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lốì đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đấy là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động” (Trích trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. 1, tr. 33).
Với tư cách là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Đồng chí cùng tập thể Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, bài bản, kiên quyết, kiên trì theo phương châm “không có vùng cấm, vùng trống, không có ngoại lệ, không có đặc quyền” và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đồng chí nhiều lần nhắc nhở: “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất...”; phải giữ thanh liêm, giữ liêm sỉ và giữ danh dự của người đảng viên... Theo Đồng chí, “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí” (Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 366).
Và bản thân Đồng chí suốt cuộc đời là tấm gương sáng về kiên định lập trường chính trị, suốt đời phấn đấu cho lý tưởng cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống giản dị, gần gũi với nhân dân và luôn được nhân dân tin yêu, kính trọng. Đồng chí luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, là tấm gương sáng mẫu mực về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Thứ hai, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà lý luận tài năng.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có nhiều công trình sách, bài viết thể hiện tầm cao lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng chí có tư duy sâu sắc, toàn diện, biện chứng, bằng những lập luận chắc chắn, đầy sức thuyết phục, những dẫn chứng thực tế phong phú, sinh động về những vấn đề mang tầm chủ trương, đường lối, chiến lược, nhìn xa trông rộng trên tất cả các lĩnh vực: xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng, phát huy nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển xã hội, con người Việt Nam; xây dựng, hoàn thiện đường lối đối ngoại, ngoại giao mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”; xây dựng, củng cố quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực... Có thể khẳng định: ở lĩnh vực lý luận nào Đồng chí cũng là Người am hiểu sâu sắc, lý giải thấu đáo, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong từng giai đoạn cách mạng.
Với cương vị là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ nhiệm kỳ Đại hội XI đến XIII Đồng chí luôn quan tâm chỉ đạo phát triển công tác lý luận của Đảng và bản thân Đồng chí là nhà lý luận tài năng với kiến thức chuyên sâu, có nhiều đóng góp cho hệ thống lý luận đổi mới của Đảng...
Thứ ba, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là nhà báo đại thụ.
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng có hơn 29 năm công tác ở Tạp chí Cộng sản - Cơ quan lý luận chính trị của Đảng, trưởng thành từ một biên tập viên đến Tổng Biên tập. Sau này trở thành lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Đồng chí rất chú trọng tới việc giữ vững và phát huy vai trò tiên phong của báo chí, xuất bản, là đội quân chủ lực trên mặt trận văn hóa - tư tưởng của Đảng, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí khẳng định: “Nhà báo trước hết phải hiểu đúng và nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của tờ báo mà mình phụng sự, cộng tác”. Đồng chí luôn chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phong phú của một nhà báo với cán bộ, biên tập viên. Đồng chí có rất nhiều bài viết thể hiện tầm nhìn chiến lược, tầm nhìn xa, trông rộng. Trong các bài viết của mình Đồng chí đã đề ra những vấn đề mang tầm chủ trương, đường lối, chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam; đồng thời chuyển tải, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Tài năng viết báo của Đồng chí thể hiện ở cách viết, cách diễn đạt những vấn đề tưởng như rất trừu tượng, lý luận cao xa thành những nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện... Nhờ vậy, Đồng chí đã tuyên truyền, đưa được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, đến với mọi tầng lớp nhân dân. Ngày 9-6-2012, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, Đồng chí về thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản với tình cảm thân thiết, gắn bó với Tạp chí, Đồng chí căn dặn cán bộ, phóng viên, biên tập viên Tạp chí Cộng sản. Thứ nhất: phải tiếp tục nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí Cộng sản. Thứ hai: về một số thành tựu đáng ghi nhận và những vấn đề gợi mở. Tạp chí Cộng sản có bề dày lịch sử và truyền thống rất vẻ vang. Từ Tạp chí Đỏ ra số đầu tiên (ngày 5-8-1930) đến Tạp chí Cộng sản (năm 1931), Tạp chí Bôn-sơ-víc (năm 1934), Tạp chí Cộng sản (năm 1941), Tạp chí Cộng sản (năm 1943), Tạp chí Sinh hoạt nội bộ (năm 1947) và Tạp chí Cộng sản (năm 1950). Sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc, Tạp chí Học tập ra đời tháng 12-1955 và xuất bản đều kỳ hằng tháng. Từ ngày 5-1-1977, Tạp chí Học tập được đổi tên là Tạp chí Cộng sản và tiếp tục ra đều kỳ cho đến ngày nay… Như vậy, với lịch sử 94 năm hoạt động và phát triển, đến nay Tạp chí Cộng sản là một tạp chí có lịch sử hoạt động lâu nhất ở nước ta. Trong đó sự nghiệp lý luận thì khó vô cùng. Nhiều đồng chí lãnh đạo đều nói: Viết một bài báo đã khó, viết một bài lý luận lại càng khó. Phải tích lũy thế nào mới viết được. Tằm chín đến độ nào mới nhả tơ được. Tài thánh mà một vài ngày cho ra mấy bài, chắc đó là những bài để tính số lượng thôi, không thể là bài có chất lượng được. Những bài viết theo kiểu về địa phương lấy một vài báo cáo, rồi “chỉnh sửa”, “mông má” lại thì làm sao có chất lượng cao được!
Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ những kỷ niệm, câu chuyện đặc biệt về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gắn với công tác của Tạp chí Cộng sản nói riêng, với sự phát triển công tác lý luận của Đảng nói chung?
Đồng chí Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Tôi còn nhớ trong lần đến thăm và làm việc với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, ngày 9-6-2012, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chia sẻ rằng, nhiệm vụ sắp tới của chúng ta còn khó khăn, nặng nề. Tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới vẫn diễn biễn phức tạp, khó lường. Có những sự kiện xảy ra ngoài dự báo. Hôm nay vừa nói thế này, nhưng có khi ngày mai nó lại diễn biến khác. Trong bối cảnh như vậy, lý luận làm thế nào thực hiện được sứ mệnh dẫn đường, định hướng, đi trước, dự báo? Hay lý luận lại chỉ là “anh hề đồng lóc cóc chạy theo cỗ xe tam mã”? Thực tiễn rất phong phú, đồ sộ, bởi vậy, lý luận phải làm thế nào, chứ không thì chỉ đuổi theo thực tiễn thôi...
Nói như vậy để thấy công cuộc đổi mới của nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, và công tác lý luận của chúng ta cũng có những thành tựu nhất định. Tất nhiên, còn nhiều vấn đề cần nghiên cứu, tổng kết, trao đổi, thảo luận. Chúng ta không chủ quan thỏa mãn. Cũng cần đề phòng những thế lực muốn chống phá chúng ta về đường lối, xuyên tạc Cương lĩnh, đường lối của Đảng ta. Tạp chí Cộng sản phải làm tốt hơn nữa việc nghiên cứu, tuyên truyền Cương lĩnh, đường lối của Đảng vì Tạp chí là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, là “phát ngôn viên” của Đảng. Tình hình còn rất khó khăn, phức tạp, yêu cầu nhiệm vụ lại rất cao, Tạp chí phải tiếp tục nâng cao hơn nữa cả về tính lý luận, tính chính trị, tính chiến đấu; cả về chất lượng nội dung, hình thức các ấn phẩm, nhất là ấn phẩm ra ngày 1 và 15 hằng tháng; cả trong nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn; cả trong hoạt động đối nội và đối ngoại; cả trong đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ của Tạp chí và xây dựng đội ngũ cộng tác viên.
Theo đó, về nội dung Tạp chí, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh, Tạp chí phải xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình; bám sát Cương lĩnh, Chiến lược, đường lối, quan điểm của Đảng, để nghiên cứu, tuyên truyền, đưa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng vào cuộc sống; đồng thời, bám sát thực tiễn để tổng kết lý luận, góp phần bổ sung, phát triển chủ trương, đường lối của Đảng; chủ động uốn nắn những nhận thức lệch lạc, tích cực đấu tranh phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái... Là chiến sĩ của Đảng trên mặt trận tư tưởng, mặt trận lý luận chính trị, Tạp chí Cộng sản phải giúp cho Đảng tuyên truyền, bảo vệ Cương lĩnh, đường lối; đấu tranh với các quan điểm sai trái, các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng.
Về hình thức, Đồng chí dặn dò kỹ, Tạp chí Cộng sản phải phấn đấu sao cho sinh động hơn, phong phú hơn, hấp dẫn bạn đọc hơn... Trong thời đại thông tin, số hóa hiện nay, các đồng chí cần đặc biệt chú trọng đến Tạp chí Cộng sản điện tử. Giờ đây, người ta đọc trên mạng nhiều hơn là đọc trên sách in. Vì vậy cần tập trung làm cho tốt các ấn phẩm cho có chất lượng; biên tập bài cho thật kỹ, cố gắng không để xảy ra sai sót. Anh chị em phóng viên, cán bộ biên tập của Tạp chí phải rèn luyện cho mình thói quen cẩn thận, tỉ mỉ này, vì Tạp chí Cộng sản được coi là chuẩn mực cơ mà. Không nên coi đó chỉ là kỹ thuật, vì nhiều khi “sai một ly, đi một dặm”. Chúng ta đã có không ít bài học về điều này.
Về công tác tổ chức bài, Đồng chí có lưu ý, để có được bài thật sự có chất lượng, thật sự sâu sắc, đòi hỏi phải công phu lắm, tỉ mỉ lắm, gian khổ lắm. Điều này đúng với cả bài tự viết của mình cũng như việc tổ chức bài viết của cộng tác viên. Ở Tạp chí Cộng sản, hơn ba phần tư bài đăng là của cộng tác viên, cho nên công tác cộng tác viên rất quan trọng. Phải biết huy động, khai thác trí tuệ của cộng tác viên, vì đội ngũ này quyết định sự phát triển của Tạp chí. Hơn nữa, Tạp chí là của toàn Đảng. Tạp chí cần chủ động nêu vấn đề, gợi mở, mời các đồng chí cộng tác viên đến trao đổi, đặt bài, thậm chí phải đặt trước hằng năm, vài năm ấy chứ. Tự nhiên mà đến đặt bài thì khó và làm sao có được bài chất lượng. Mỗi cán bộ biên tập của Tạp chí phải trở thành người thân thiết của cộng tác viên, thậm chí của gia đình cộng tác viên, trân trọng mời các đồng chí đó cộng tác viết bài. Đối với các đồng chí lãnh đạo thì nhiều khi Ban Biên tập phải có thư, có công văn mời một cách trân trọng; tổ chức công việc nghiên cứu, biên tập cụ thể; nếu chỉ gửi công văn hoặc gọi trên điện thoại đề nghị đồng chí viết bài cho Tạp chí, thì khó có bài được.
Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ thêm về những ý kiến chỉ đạo, dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cơ quan và cán bộ Tạp chí Cộng sản?
Đồng chí Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản: Tôi còn nhớ đồng chí Tổng Bí thư luôn nhắc nhở anh, chị, em biên tập viên Tạp chí để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của Tạp chí, cần có hai điều kiện: Một là, bản thân mỗi cán bộ công tác ở Tạp chí Cộng sản phải thật sự yêu nghề, say mê công việc, ngày đêm lo toan, trăn trở, ăn không ngon, ngủ không yên về một bài viết do mình phụ trách, chứ nếu cứ chàng màng, lớt phớt thì khó có được bài hay, bài sâu sắc, “nhân nào thì quả ấy”. Hai là, cơ quan, tổ chức phải tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để cán bộ phát huy hết khả năng, cống hiến sức lực, trí tuệ cho Tạp chí. Ban Biên tập, toàn thể Bộ Biên tập Tạp chí phải nỗ lực; các đồng chí lãnh đạo Trung ương, các ban, bộ, ngành trung ương hỗ trợ công tác xây dựng cơ quan, xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng ở Tạp chí. Như các đồng chí biết, những gì chúng ta viết ra là thể hiện quan điểm, trình độ lý luận của mình đã đủ chín chưa, lập trường chính trị có vững vàng không, nó thể hiện ngay trong bài viết. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên ở Tạp chí Cộng sản phải có lập trường tư tưởng kiên định, quan điểm chính trị rõ ràng, thực sự tin tưởng vào Cương lĩnh, đường lối, sự lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc; đồng thời phải có trình độ hiểu biết, trình độ lý luận nhất định. Đây là những phẩm chất tối cần thiết để hình thành những cây bút được bạn đọc tin tưởng và yêu mến. Đây cũng là công việc rất khó và kỳ công lắm, đòi hỏi tập thể phải chăm sóc, bồi dưỡng công phu và cá nhân phải nỗ lực rèn luyện toàn diện không ngừng. Tôi thấy đây là những lời dặn dò rất tâm huyết và quý báu. Nó không chỉ đúng với yêu cầu mới của cách mạng, mà còn thể hiện trọng trách, vai trò của Tạp chí Cộng sản - là cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng, trong việc tiếp tục phải gánh vác những trọng trách mới, với chất lượng cao hơn, mãi xứng đáng là ngọn cờ tư tưởng chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!./.
Chân dung một nhà lãnh đạo giản dị  (21/07/2024)
Đôi điều cảm nghĩ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  (21/07/2024)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay