Ngày 9-8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon khẳng định thời gian dành cho các chương trình nghị sự hẹp và tư duy hẹp đã chấm dứt, đồng thời kêu gọi đã đến lúc cần tư duy lớn, táo bạo và thực tế để tăng cường tính bền vững trong phát triển kinh tế toàn cầu.

Phát biểu tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Ban Ki-moon cho biết Liên hợp quốc thành lập Ủy ban liên chính phủ về phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu nhằm tìm các cách thức và biện pháp thiết thực để xóa đói nghèo, chống biến đổi khí hậu hiệu quả và đảm bảo tăng trưởng kinh tế thân thiện với môi trường.

Ủy ban bao gồm đại diện các chính phủ, khu vực tư nhân và tổ chức xã hội dân sự ở các nước giàu và nghèo. Đồng chủ tịch của Ủy ban này là Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen và Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma.

Ông Ban Ki-moon cũng nhấn mạnh sự phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu phải dựa trên nền tảng không thải hoặc ít thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tăng cường khả năng phục hồi đối với các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời giải quyết tốt các thách thức từ nghèo đói, nguồn nước và an ninh năng lượng, đảm bảo tương lai bền vững, thịnh vượng và cùng chung sống cho tất cả mọi người.

Ủy ban liên chính phủ về phát triển bền vững sẽ tìm kiếm các giải pháp thực tiễn để hòa hợp các dàn xếp thể chế và tài chính cần thiết để đưa chiến lược phát triển bền vững thành hiện thực.

Tổng Thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), ông Supachai Panitchpakdi, nhấn mạnh vai trò của các công ty xuyên quốc gia (TNC) trong tiến trình phát triển bền vững của nền kinh tế toàn cầu và kêu gọi các TNC trở thành các nhà đầu tư "xanh" vào kinh tế toàn cầu.

UNCTAD kêu gọi thành lập tổ chức "Đối tác toàn cầu về đầu tư giảm khí thải cácbon" để thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhằm tăng trưởng và phát triển bền vững thông qua các chiến lược thúc đẩy đầu tư sạch, phổ biến công nghệ sạch và xây dựng các tiêu chuẩn toàn cầu về thải khí thải của các TNC nói riêng và nền kinh tế nói chung./