Kỳ thi đại học, cao đẳng 2010: An toàn và thành công
TCCSĐT - Ngày 8-8-2010, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm sàn đại học, cao đẳng năm 2010, theo đó, điểm sàn đại học của khối A, D là 13; khối B, C: 14 điểm, bằng năm 2009. Điểm sàn cao đẳng của khối A, D là 10; khối B: 11. Theo quy định, nếu có điểm dưới sàn, thí sinh chính thức trượt đại học, không được tham gia xét tuyển nguyện vọng 2, 3 vào các trường đại học.
Đa số cán bộ chấm thi đều nhận định, đề thi đại học các môn xã hội năm nay khó hơn các năm trước khá nhiều, nhưng điểm chênh lệch không đáng kể; thậm chí với các câu hỏi “mở” đòi hỏi kiến thức xã hội nhiều vẫn có nhiều thí sinh đạt điểm cao. Điều này chứng tỏ các thí sinh đã làm bài khá tốt, chất lượng giảng dạy các môn xã hội trong trường phổ thông cũng đã được nâng lên. Đặc biệt là ở các câu hỏi về nghị luận xã hội có nhiều thí sinh dành được điểm cao đã thể hiện sự quan tâm của các thí sinh tới những vấn đề xã hội hiện tại. Nhiều thí sinh cho rằng, đề thi các môn khối A năm nay cũng khó hơn năm ngoái, nhất là Toán, Lý. Vì thế, dư luận đã dự đoán rằng, có thể điểm thi của các thí sinh năm nay sẽ thấp hơn nhiều so với năm 2009, nên điểm sàn cũng sẽ thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó đã không diễn ra.
Mặt bằng điểm thi không thấp, phổ điểm không biến động nhiều
Trong mùa thi năm 2010, cả nước có hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi, trong đó đợt 1 (khối A) là hơn 650.000 thí sinh, đợt 2 (khối B, C, D...) có hơn 580.000 thí sinh dự thi, và đợt tuyển sinh cao đẳng có hơn 300.000 thí sinh dự thi. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng năm 2010 xấp xỉ 500.000 sinh viên.
Với mức điểm sàn kể trên, cả nước có hơn 393.000 thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường đại học, nửa triệu thí sinh có mức điểm dưới điểm sàn, phải tìm kiếm cơ hội ở các bậc học khác.
Trong tổng số 973.000 lượt thí sinh cả nước đã tham dự hai đợt thi đại học ở cả 4 khối thi, chỉ có khoảng 40% thí sinh đủ điều kiện tham gia xét tuyển vào các trường đại học, bao gồm cả số trúng tuyển NV1.
Trong số thí sinh đủ điểm sàn, chiếm số lượng nhiều nhất là khối A với xấp xỉ 210.000 thí sinh trong tổng số 575.310 thí sinh dự thi. Nếu so với tổng chỉ tiêu tuyển mới của khối A năm nay là hơn 150.000, có thể nói các thí sinh khối A có cơ hội trúng tuyển khá cao.
Khối B có 84.846 thí sinh đạt điểm sàn trở lên trong tổng số hơn 224.000 thí sinh dự thi. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của khối B năm nay là 28.764 sinh viên.
Khối C có 31.619 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên, một con số khá cao so với 78.672 thí sinh dự thi. So với tổng chỉ tiêu xấp xỉ 24.000, các thí sinh đạt điểm sàn khối C có cơ hội trúng tuyển cao nhất trong cả bốn khối thi.
Khối D có xấp xỉ 67.000 thí sinh đạt điểm sàn trở lên trong tổng số 165.000 thí sinh dự thi. Nguồn tuyển của khối D cũng chênh lệch không nhiều với gần 54.500 chỉ tiêu tuyển mới năm nay.
Với nguồn tuyển này, Ban chỉ đạo tuyển sinh đại học, cao đẳng nhận định “sẽ đảm bảo nguồn tuyển đối với những trường cần xét tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3”.
Theo đánh giá của nhiều thành viên hội đồng điểm sàn, thống kê kết quả điểm thi cho thấy, mặt bằng điểm thi năm nay không quá thấp, phổ điểm không biến động nhiều như dự báo trước đó.
Xuất hiện những nét mới trong việc chọn trường
Số hồ sơ nộp vào các trường sư phạm thấp hơn năm ngoái
Vài năm trở về trước với ưu thế của ngành không phải đóng học phí sư phạm là sự lựa chọn của đa số thí sinh (nhất là thí sinh khu vực miền núi, nông thôn, thí sinh thi khối xã hội) và là một trong những trường có điểm chuẩn cao nhất. Chỉ những học sinh có học lực khá mới đủ tự tin chọn Sư phạm Vinh và Sư phạm Hà Nội 1 để "thi thố". Tuy nhiên, năm 2010, tổng hợp số lượng thí sinh nộp hồ sơ tuyển sinh cho thấy: trong số hơn 17.000 bộ hồ sơ nộp vào trường Đại học Vinh, số hồ sơ nộp vào các khoa sư phạm chưa đến 10%; trong đó, khoa Toán:150 bộ hồ sơ, khoa Tin: 103, khoa Lý: 83, khoa Hóa: 82, khoa Sử: 50, khoa Giáo dục tiểu học: 81, khoa Anh văn:170. Các trường sư phạm khác cũng ở tình trạng chung như vậy. Theo nhận định của những người làm công tác giáo dục thì nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đó là khi ra trường khó tìm việc làm, và việc làm mang lại thu nhập thấp hơn so với nhiều ngành khác.
Xu thế nộp hồ sơ xin thi vào các trường ở phía Nam tăng
Với 21.355 bộ hồ sơ nộp vào các trường đại học ở phía Nam đã cho thấy đã có sự thay đổi trong quan niệm chọn trường thi của thí sinh. Lý do chủ yếu được thí sinh đưa ra là, thi vào các trường ở phía nam dù phải đi xa nhưng lại có nhiều yếu tố thuận lợi, đó là: tỷ lệ thi và điểm chuẩn thường thấp hơn các trường phía bắc nên cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn, trong khí đó, tìm việc làm ở các tỉnh phía nam lại dễ dàng hơn.
Trong số các trường ở phía nam, các trường có số hồ sơ nộp nhiều nhất là: Đại học Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh (1648 hồ sơ), Đại học Y - Dược Thành phố Hồ Chí Minh (257 hồ sơ), Đại học Văn hóa nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (104 hồ sơ), Đại học Giao thông vận tải (1042 hồ sơ).
Số hồ sơ nộp vào các trường thuộc “top” đầu giảm
Theo số liệu mới nhất của Bộ Giáo dục - Đào tạo, lượng hồ sơ đăng ký dự thi năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2009. Trường Đại học Ngoại thương, một trong những trường luôn có tỷ lệ "chọi" cao ở miền bắc, mùa thi năm nay tổng hồ sơ đăng ký dự thi là 12.000, giảm 1.000 hồ sơ so với năm trước. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển là 3.000 sinh viên ở cả hai khối C và D nên tỷ lệ “chọi” ở mức 1/4, thấp hơn các năm trước. Trường Đại học Luật Hà Nội với hơn 11 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi vào trường, tỷ lệ chọi năm nay là 1/7, mặc dù năm nay trường tăng chỉ tiêu so với mọi năm. Năm nay, trường Đại học Hàng hải cũng giảm 2.000 hồ sơ so với năm 2009 (15 nghìn bộ), tỷ lệ chọi của trường là 1/5. Số hồ sơ và tỷ lệ chọi của các trường đại học ở phía nam cũng giảm nhiều. Năm 2009, Ðại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là trường có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất Thành phố, năm nay chỉ nhận được 3/4 số hồ sơ so với năm ngoái. Tỷ lệ chọi tính chung là 1/10,25.
Nhiều thủ khoa là học sinh nghèo vượt khó, học giỏi
Với 29,5 điểm (Toán: 9,75; Vật lý: 9,75; Hóa học: 10), Dương Hoàng Hưng trở thành thủ khoa Đại học Kinh tế Quốc dân và là thí sinh đầu tiên được 29,5 điểm. Á khoa Phạm Tuấn Anh được 29,25 điểm.
Học viện Kỹ thuật Quân sự (hệ dân sự phía Bắc) có thủ khoa Phạm Văn Hoàng được 25,5 điểm và á khoa Dương Thế Lợi được 24,75 điểm. Thủ khoa của Đại học Giao thông Vận tải (cơ sở 2) được 23 điểm.
Qua kỳ thi đại học năm nay, xuất hiện rất nhiều tấm gương vượt khó, học giỏi và đỗ thủ khoa. Em Tăng Văn Bình, học sinh lớp 12A1, chuyên Toán, Trường THPT Phan Bội Châu - Nghệ An, thủ khoa kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Ngoại thương, khoa Kinh tế - đối ngoại với điểm số tuyệt đối 30/30. Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, một mình mẹ chèo chống nuôi hai chị em ăn học. Nhưng Bình đã vượt khó, vươn lên, đạt điểm số tuyệt đối.
Thủ khoa Đại học Y Hà Nội: Lê Thị Minh Vượng và thủ khoa Đại học Bách khoa Hà Nội Phạm Văn Khánh cùng xuất thân từ vùng thuần nông nghèo, hoàn cảnh gia đình có nhiều khó khăn. Lê Thị Minh Vượng hiện là thí sinh có tổng số điểm thi cao nhất trong kỳ thi đại học năm 2010 với 58 điểm. Thủ khoa Đại học Sư phạm Hà Nội Vũ Thu Thảo ở huyện Vũ Thư, Thái Bình, vượt qua bệnh u não, giữ vị trí quán quân, là thủ khoa khối C đầu tiên trong cả nước đạt 27,5 điểm (Văn 8,5; Sử 9,75; Địa 9,25). Nguyễn Huy (lớp 12A3 Trường THPT Hai Bà Trưng, Thành phố Huế), thủ khoa Đại học Bách khoa Đà Nẵng.
Một mùa thi an toàn, nghiêm túc
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi cả 3 môn khối A được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu. Nội dung thuộc chương trình trung học phổ thông, phù hợp với thời gian làm bài và phân loại được thí sinh. Không có hiện tượng tung tin thất thiệt về đề thi. Các trường thực hiện nghiêm Quy chế tuyển sinh, hoàn thành tốt việc sửa chữa những sai sót cho thí sinh khi đến làm thủ tục thi, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho thí sinh dự thi. Công tác coi thi được tăng cường, kỷ luật trường thi được xiết chặt, các hiện tượng vi phạm quy chế bị phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm túc theo quy định. Các ban, ngành, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Hội đồng tuyển sinh các trường, đảm bảo điều kiện để phục vụ cho kỳ thi.
Bên cạnh những mặt tích cực, kỳ thi năm nay vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Đó là cả hai đợt thi đại học năm nay, tổng số thí sinh dự thi là hơn 1,2 triệu/1,6 triệu lượt thí sinh đăng ký (chiếm 77%). Điều này cho thấy, số lượng hồ sơ “ảo” vẫn còn nhiều. Do đó, các trường đại học, cao đẳng vẫn sẽ rất tốn kém trong việc tìm kiếm địa điểm thi, thuê cán bộ coi thi và chấm thi. Đây là một sự lãng phí lớn trong thi cử.
Trong số hơn 1,2 triệu thí sinh dự thi có 256 thí sinh vi phạm quy chế thi bị xử lý kỷ luật, trong đó có 200 thí sinh bị đình chỉ thi, 34 thí sinh bị khiển trách và 22 thí sinh bị cảnh cáo. Mặc dù đã rút kinh nghiệm hàng năm, kỷ luật trường thi tiếp tục được xiết chặt, nhưng số thí sinh bị xử lý kỷ luật vẫn cao, trong đó lỗi mang điện thoại di động vào phòng thi vẫn chiếm tới 60% số trường hợp bị đình chỉ. Tuy nhiên, trong số trên 120.000 cán bộ tham gia công tác tuyển sinh, có 9 cán bộ vi phạm quy chế bị xử lý kỷ luật (1 khiển trách, 2 cảnh cáo và 6 đình chỉ công tác coi thi), giảm so với năm 2008 là 5 người. Con số này phản ánh công tác coi thi năm nay đã có nhiều tiến triển hơn, nhận thức để có một kỳ thi nghiêm túc thực sự đã được đổi mới trong tư duy của nhiều cán bộ coi thi./.
Vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam: năm 2011, tiếp tục khởi kiện ở một bang khác của Hoa Kỳ  (10/08/2010)
Hội Nhà báo Việt Nam, từ đại hội đến đại hội  (10/08/2010)
Việt Nam - ASEAN: chặng đường đã qua và tương lai phía trước  (10/08/2010)
Ông Hoàng Đình Châm phụ trách, điều hành UBND tỉnh Hà Giang  (09/08/2010)
Ông Hoàng Đình Châm phụ trách, điều hành UBND tỉnh Hà Giang  (09/08/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên