Thành phố Hồ Chí Minh tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng
TCCS - Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, Thành phố Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, góp phần quan trọng vào công cuộc đổi mới đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những nguy cơ và thách thức phải vượt qua, đó là tệ tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Ở mức độ khác nhau, tệ nạn này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, từng lúc, từng nơi rất nghiêm trọng gây thiệt hại lớn về tài sản nhà nước, làm ảnh hưởng uy tín của Đảng và Nhà nước.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng được Đảng bộ và Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt của Đảng, chính quyền các cấp. Ngay sau khi Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội ban hành ngày 29-11-2005, có hiệu lực thi hành ngày 1-6-2006 thay thế Pháp lệnh chống tham nhũng và Chính phủ có Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, ban hành kèm Quyết định số 30/2006/QĐ-TTg ngày 6-2-2006, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng Chương trình hành động về cải cách hành chính chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trong đó, đề ra trọng tâm lãnh đạo chính quyền các cấp cải cách về thể chế, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức. Rà soát những cơ chế, chính sách, những quy định không phù hợp, sơ hở, dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, kịp thời sửa đổi, bổ sung để không ngừng hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính. Khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước, giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhân dân để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội.
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW, ngày 21-6-2008, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Đảng bộ, chính quyền thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo sát sao việc thực hiện cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Kết quả bước đầu đạt được đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Đồng thời nhận rõ những tồn tại yếu kém cần phải khắc phục trong công tác lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền thành phố đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để thực hiện mục tiêu “ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”, Thành ủy đề ra Chương trình hành động đến năm 2010 với những chủ trương và giải pháp tích cực để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả.
Những giải pháp nâng cao vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chính quyền
- Các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân, đặc biệt là người đứng đầu đơn vị, địa phương trong thực hiện phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh có hiệu quả với tệ tham nhũng, lãng phí.
- Nâng cao sức chiến đấu của tổ chức đảng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên. Trong đó chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tính tự giác của tổ chức đảng và đảng viên; kiên quyết xử lý trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu đơn vị, địa phương để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. ở đâu có tham nhũng, lãng phí thì ở đó trước tiên cấp ủy, chi bộ cơ sở phải chịu trách nhiệm.
- Hoàn thiện năng lực cán bộ tham gia công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Quy hoạch và đào tạo cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế tuyển dụng cán bộ; quy định về phân cấp quản lý cán bộ; quy định về xử lý trách nhiệm người giới thiệu, bổ nhiệm, đề bạt sai cán bộ. Rà soát, sắp xếp, luân chuyển, bố trí lại cán bộ để củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan quản lý nhà nước trọng yếu để bảo đảm yêu cầu, nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
- Kiện toàn các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao chất lượng, hiệu quả điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; trong đó tiếp tục đẩy mạnh cải cách tư pháp; tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thi hành án.
Để củng cố, kiện toàn, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, chúng ta cần công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan đảng, quản lý nhà nước, với trọng tâm: tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, giảm thời gian chờ đợi, giảm phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp.
Thực hiện tốt cơ chế, chính sách quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Lập lại kỷ cương, chấp hành pháp luật, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước trên địa bàn Thành phố, nhất là các lĩnh vực quản lý kinh tế, quy hoạch, xây dựng, nhà đất, giao thông, trật tự đô thị, văn hóa, xã hội...
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tư pháp, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán. Tập trung kiểm tra, kiểm toán, thanh tra một số lĩnh vực trọng điểm: đầu tư xây dựng, quản lý sử dụng nhà, đất; việc thu, chi ngân sách, quản lý và sử dụng các nguồn vốn ngân sách. Đồng thời, tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực và tập trung kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra. Chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ việc có nhiều dư luận bức xúc.
Phát huy vai trò giám sát của các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để bảo đảm sự minh bạch của các cơ quan đảng, nhà nước chống tham nhũng, chúng ta phải phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và đề cao vai trò của các cơ quan thông tin, các đoàn thể và nhân dân trong việc tham gia phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Đảng bộ các cấp tiếp tục triển khai cuộc vận động toàn Đảng, toàn dân “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Các cấp ủy đảng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện những cá nhân, tập thể có hành vi tiêu cực, tham nhũng; chỉ đạo xử lý nghiêm và đề ra những biện pháp chấn chỉnh trong quản lý, tập trung thu hồi tài sản bị thất thoát.
Đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí trên nhiều lĩnh vực. Trong năm 2008 - 2009 Ủy ban kiểm tra Thành ủy tổ chức các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối với các cấp ủy trực thuộc về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong việc sử dụng mặt bằng, nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị và sử dụng ngân sách nhà nước, việc chi phí đi nước ngoài, các nguồn thu quảng cáo.
Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, lãng phí tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng tại 31 đơn vị trực thuộc Thành phố; tiếp nhận và xử lý, giải quyết trên 400 đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo. Thực hiện 122 cuộc làm việc với các cơ quan, đơn vị liên quan để xem xét giải quyết các vụ việc liên quan phòng, chống tham nhũng, phối hợp xem xét các vụ án tham nhũng nổi cộm, dư luận quan tâm; qua đó đã đề xuất thanh tra 16 trường hợp; đề nghị chuyển cơ quan điều tra 7 trường hợp.
Ngành thanh tra thành phố đã tiến hành 1.099 cuộc thanh tra, phát hiện sai phạm về kinh tế hơn 1.187 tỉ đồng, hơn 1.262.198 m2 đất, 2 căn nhà, kiến nghị thu hồi số tiền hơn 1.118 tỉ đồng, hơn 1.130.000 m2 đất, 2 căn nhà; đã thu hồi hơn 211,4 tỉ đồng. Có 1.191 kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý; kiến nghị xử lý kỷ luật 300 trường hợp, kiến nghị xử lý hành chính đối với 78 tổ chức, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 18 vụ việc.
Cùng với việc lãnh đạo tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã tăng cường công tác điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng.
Công an Thành phố đã điều tra 36 vụ án tham nhũng với 66 bị can; đề nghị truy tố 31 vụ với 62 bị can, đồng thời, thụ lý xác minh trên 50 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Viện Kiểm sát Thành phố đã truy tố 46 vụ với 86 bị can. Phần lớn số bị can bị khởi tố, xử lý về hành vi tham nhũng là cán bộ, đảng viên, giữ các chức vụ chủ chốt như bí thư quận ủy và phó bí thư quận, huyện ủy, chủ tịch ủy ban nhân dân quận, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng các chi nhánh công ty, doanh nghiệp nhà nước, lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý, kiểm tra đã lập quỹ trái phép, làm giả chứng từ để biển thủ công quỹ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để chiếm đoạt tài sản.
Tòa án Thành phố và quận, huyện đã xét xử 35 vụ với 114 bị cáo, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận quan tâm như: vụ Công ty Gò Môn, vụ chấp hành viên thi hành án dân sự thành phố, vụ điện kế điện tử...
Định hướng chiến lược cho công tác phòng, chống tham nhũng
Để định hướng triển khai, thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cao hơn, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Trong đó, nội dung các giải pháp chủ yếu, cụ thể là:
- Tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách, xây dựng và thực hiện pháp luật.
- Hoàn thiện chế độ công vụ, công chức, nâng cao chất lượng thực thi công vụ.
- Hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng, công bằng, minh bạch.
- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử trong phát hiện, xử lý tham nhũng.
- Nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của toàn xã hội trong phòng, chống tham nhũng.
Đồng thời với các giải pháp phòng, chống tham nhũng nêu trên, Thành ủy đã đề ra nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới. Trước mắt, trong năm 2010 tập trung một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức về phòng, chống tham nhũng, kết hợp Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh”. Đề cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị về công tác phòng, chống tham nhũng.
Hai là, thực hiện Chương trình 09-CTr/TU ngày 12-6-2006 của Thành ủy về cải cách hành chính, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Trong đó, tập trung chỉ đạo cải cách về thể chế, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, giải quyết các mối quan hệ với công dân rõ ràng; rà soát những cơ chế, chính sách, những quy định không phù hợp, sơ hở, dễ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý nhà nước, giải quyết những nhu cầu chính đáng của nhân dân để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý xã hội, phục vụ tốt nhân dân và doanh nghiệp.
Phát động nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước, từng bước biến hoạt động này trở thành phong trào quần chúng tham gia xây dựng chính quyền, tham gia đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Ba là, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc kê khai tài sản, thu nhập hằng năm của cán bộ, công chức, đúng đối tượng, trình tự thủ tục, thời hạn kê khai, thời hạn hoàn thành, việc lưu giữ, sao y nộp bản kê khai của người kê khai thuộc diện cấp ủy quản lý về ủy ban kiểm tra và thanh tra cùng cấp để quản lý theo đúng quy định pháp luật.
Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra nhằm phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, đặc biệt chú trọng các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh nhũng nhiễu, tiêu cực như: cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản công, đấu thầu dự án, mua sắm tài sản... đồng thời, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng đã được phát hiện.
Năm là, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định phối hợp với ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ủy ban Kiểm tra Thành ủy trong công tác phòng, chống tham nhũng, quy định khen thưởng, bảo vệ người có công phát hiện tham nhũng.
Sáu là, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra việc triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số công trình trọng điểm của Thành phố. Phối hợp với các cơ quan báo chí để xem xét, chỉ đạo giải quyết các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng do các báo, đài, dư luận phản ánh và bảo vệ người tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng. Phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét, giải quyết tốt đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
Bảy là, kiểm tra, đôn đốc các vụ việc, các vụ án tham nhũng do các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử đang xem xét xử lý, nhất là các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Rà soát kiểm tra việc xử lý các vụ án tham nhũng xảy ra từ những năm trước.
Tám là, tăng cường công tác quản lý cán bộ; đào tạo cán bộ; công tác quản lý, đánh giá, sắp xếp, luân chuyển, bố trí lại cán bộ để củng cố, kiện toàn các tổ chức trong hệ thống chính trị, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước trọng yếu, các cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, nhằm bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết thay thế những cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, suy thoái về đạo đức, lối sống, giảm sút uy tín, dư luận chê trách. Trong công tác tuyển dụng cán bộ, tổ chức thi tuyển công khai các chức danh cán bộ để bố trí vào các cơ quan nhà nước./.
Ông Hoàng Đình Châm phụ trách, điều hành UBND tỉnh Hà Giang  (09/08/2010)
Ông Hoàng Đình Châm phụ trách, điều hành UBND tỉnh Hà Giang  (09/08/2010)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 127 (6-8-2010)  (09/08/2010)
Về bảo hiểm cây trồng, vật nuôi cho nông dân  (09/08/2010)
Phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa ở Hưng Yên  (09/08/2010)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên