TCCS - Sáng ngày 9-9-2022, tại thành phố Tam Kỳ, nhân kỷ niệm 150 năm Ngày sinh nhà yêu nước Phan Châu Trinh (9-9-1872 - 9-9-2022), Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân; nhà sử học Dương Trung Quốc và Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng đồng chủ trì hội thảo.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu khách mời, đại biểu gia tộc nhà yêu nước Phan Châu Trinh và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Hội thảo tập hợp gần 50 tham luận; trong đó, tập trung phân tích, làm sáng rõ bối cảnh lịch sử, con đường hình thành tư tưởng của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; phát huy giá trị tư tưởng canh tân của ông trong giai đoạn hiện nay.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã điểm lại các dấu mốc lịch sử trong cuộc đời của nhà yêu nước Phan Châu Trinh.
Cụ Phan Châu Trinh, hiệu Tây Hồ, sinh ngày 9-9-1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông (nay thuộc thôn Tây Lộc, xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam). Cụ Phan không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc với nhiều tác phẩm nổi tiếng.
Sinh ra trong hoàn cảnh đất nước đầy biến động, tuổi thơ của nhà yêu nước Phan Châu Trinh trải qua nhiều gian nan, cơ cực cùng với sự thăng trầm của lịch sử dân tộc: Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, năm 1861 chiếm Nam Kỳ, năm 1873 chiếm Bắc Kỳ và năm 1885 chiếm kinh thành Huế; Việt Nam trở thành thuộc địa của nước Pháp.
Hòa mình với khí thế chống thực dân Pháp, Phan Châu Trinh theo học võ với nghĩa quân Nghĩa hội Quảng Nam đến năm 1887. Sau khi cha mất, phong trào Nghĩa hội bị đàn áp, Phan Châu Trinh về quê tiếp tục đi học. Năm 1892, ông kết bạn với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp khi theo học với thầy Mã Sơn - Trần Đình Phong, một nhà giáo có đức độ, chí khí, tận tâm đào tạo nhân tài cho Quảng Nam để sau này có điều kiện giúp dân, cứu nước. Năm 1900, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, một năm sau đỗ phó bảng nhưng phải trở về quê lo đám tang anh ruột và ở lại quê nhà dạy học.
Năm 1903, Phan Châu Trinh được bổ nhiệm Thừa biện Bộ Lễ tại kinh thành Huế. Trong thời gian ở Huế, ông có điều kiện đọc sách về công cuộc duy tân ở Nhật Bản, tiếp cận chủ thuyết Tam dân “Dân tộc độc lập - Dân quyền tự do - Dân sinh hạnh phúc” của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, cùng với xu hướng dân chủ tư sản của các nhà dân chủ Pháp và những kế sách cải cách của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ... đã tác động mạnh mẽ, chuyển biến trong tư tưởng của Phan Châu Trinh.
Theo đồng chí Lê Trí Thanh, tuy sống và làm quan ở kinh đô nhưng ông luôn mang nặng nỗi đau của người dân mất nước. Do đó, năm 1904, ông đã từ quan trở về quê, tại làng Thạnh Bình (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) gặp Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu để bàn việc cứu nước.
Sau khi đàn áp và dập tắt phong trào Cần Vương, từ những năm cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp bắt đầu thực hiện chính sách khai thác thuộc địa lần thứ nhất. Nhân dân ta “một cổ hai tròng” bị bóc lột bởi sưu cao, thuế nặng cộng với chính sách chia để trị, kìm hãm sản xuất, vơ vét tài nguyên cung cấp cho chính quốc. Trước cảnh lầm than của nhân dân, Phan Châu Trinh chủ trương cứu nước phải từ nội lực của nhân dân, cứu nước trước hết phải cứu dân, từ đó ông đưa ra chủ thuyết canh tân “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp lên đường vào Nam. Trên hành trình bôn ba trong nước, Phan Châu Trinh không ngừng truyền bá tư tưởng dân chủ, dân quyền với mục đích cuối cùng là giải phóng dân tộc, cứu dân thoát khỏi ách nô lệ. Với ảnh hưởng ấy, phong trào Duy Tân đã thu hút đông đảo các nhân sĩ yêu nước. Phan Châu Trinh luôn hết mình cổ xúy và đi đầu trong các cuộc vận động nhân dân hưởng ứng các phong trào cắt tóc ngắn, dùng hàng nội, mặc đồ âu, học chữ quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan..., nhờ đó, phong trào đã trở thành hành động phát triển mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân.
Với tư tưởng tự tôn dân tộc, Phan Châu Trinh vận động “Dĩ thương hợp quần”, thành lập nhiều thương hội để tập hợp những người yêu nước, lo cho dân giàu, nước mạnh. Về dân trí, các trường học duy tân được tổ chức, trong đó, tập trung nhiều nhất tại Quảng Nam như ở các huyện Diên Phong, Phước Bình, Phú Lâm, Đại Lộc... Với sự thành công của các mô hình cải cách tiến bộ này, các nhân sĩ yêu nước ở các tỉnh thành đã học tập, tiếp thu và nhân rộng ra cả nước.
Dưới ảnh hưởng hoạt động của Phan Châu Trinh, người dân nhiều nơi trên cả nước không chịu nổi áp bức, cường quyền, cuộc sống lầm than cơ cực, đã nhất tề vùng lên; phong trào chống sưu thuế là kết quả tất yếu của phong trào Duy Tân do nhà yêu nước Phan Châu Trinh khởi xướng, trong đó, quy mô lớn nhất được khởi phát từ tỉnh Quảng Nam vào năm 1908. Từ đây, phong trào nhanh chóng lan ra khắp nơi ở Trung Kỳ, từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Lần đầu tiên trong lịch sử, có những cuộc biểu tình nổi dậy đòi dân sinh, dân chủ thể hiện sức mạnh của quần chúng nhân dân lao động, khiến bộ máy chính quyền thực dân và phong kiến tay sai lung lay.
Trước sức mạnh to lớn của phong trào chống sưu cao thuế nặng; thực dân Pháp và tay sai đã đàn áp dã man, hàng nghìn nông dân bị giết, tra tấn, tù đày. Các chí sĩ như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng bị đày đi Côn Đảo. Không thể làm lung lay ý chí của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, ba năm sau, thực dân Pháp buộc phải trả tự do, nhưng lại giam lỏng ông ở Mỹ Tho. Trước sức ép phản đối quyết liệt của các chí sĩ và sự can thiệp của Hội Nhân quyền Pháp, thực dân Pháp phải cho ông ra nước ngoài cùng con trai là Phan Châu Dật vào cuối năm 1911.
Đến nước Pháp, Phan Châu Trinh tiếp tục đấu tranh, ông viết các tác phẩm nêu rõ thực trạng bần cùng của xã hội và tố cáo chính sách bóc lột của thực dân Pháp ở Đông Dương. Năm 1914, Phan Châu Trinh bị bắt giam vào ngục Santé vì bị vu cáo thân nước Đức, chống Pháp. Một lần nữa, khí phách của nhà yêu nước Phan Châu Trinh được thử thách trong gông cùm lao tù; nhưng dù trong hoàn cảnh nào, từ Côn Đảo đến Mỹ Tho hay nhà tù thực dân, Phan Châu Trinh vẫn không ngừng đấu tranh cho lý tưởng độc lập dân tộc, dân chủ của nhân dân Việt Nam.
Tháng 7-1915, sau khi được thả, Phan Châu Trinh phải lao động khổ nhọc để kiếm sống và hoạt động cách mạng. Hoạt động của ông trong thời gian ở Pháp rất phong phú, ông tiếp xúc với nhiều Việt kiều, nhà yêu nước, nhân sĩ tiến bộ như luật sư Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh... và cùng các nhân sĩ trí thức thành lập “Hội đồng bào thân ái” tại Pháp. Trong khoảng thời gian này, chiêm nghiệm lại sự thành bại của mình và nhận thấy con đường cứu nước đối với nhân dân Việt Nam không thể theo khuynh hướng dân chủ tư sản, với tri thức nhạy bén và qua kết thân với nhà yêu nước Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và có tầm nhìn xa về tương lai của Nguyễn Ái Quốc, kỳ vọng vào Nguyễn Ái Quốc, mà sau này nhà yêu nước Phan Châu Trinh nói: “Độc lập của nước Nam ta sẽ trông cậy vào Nguyễn Ái Quốc”.
Tuy ở ngoài nước, nhưng tấm lòng hướng về Tổ quốc vẫn không nguôi trong con người của Phan Châu Trinh, ông tìm mọi cách để về nước hoạt động nhưng không được. Năm 1925, chính sách thuộc địa thay đổi, đặc biệt tình hình cách mạng Việt Nam có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, nhà yêu nước Phan Châu Trinh trở về Việt Nam sau 14 năm ở Pháp. Nhưng do lao tâm, lao lực quá nhiều, bệnh cũ tái phát, ngày 24-3-1926, Phan Châu Trinh qua đời tại Sài Gòn trong vô vàn tiếc thương của nhân dân cả nước.
“Nhà yêu nước Phan Châu Trinh không những là nhà hoạt động chính trị mà còn là một nhà văn, nhà báo, nhà văn hóa lỗi lạc với những tác phẩm nổi tiếng. Với trí tuệ thông minh và học vấn uyên thâm, Phan Châu Trinh dùng ngòi bút của mình để chuyển tải tư tưởng yêu nước, thương dân, đấu tranh lên án chính sách bóc lột, đàn áp tàn bạo của thực dân, phong kiến; các tác phẩm của Phan Châu Trinh đều thể hiện sự thiết tha của một tấm lòng, một nhân cách yêu nước vĩ đại”, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo thống nhất đánh giá: Hơn 20 năm hoạt động cứu nước, nhà yêu nước Phan Châu Trinh đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho nhân dân, cho dân tộc. Từ bị giam cầm trong lao tù, vất vả lao động kiếm sống nơi đất khách quê người đến lúc trở về cõi vĩnh hằng, trong lòng cụ vẫn mong cho dân tộc được độc lập, nhân dân được ấm no, hạnh phúc… Với tấm lòng yêu nước, thương dân ấy, nhân dân Việt Nam đã ghi tạc hình ảnh nhà yêu nước đi tiên phong trong phong trào canh tân, dân sinh, dân chủ.
Các nhà khoa học tham dự và các đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp, đưa ra những nhận định, nguồn tài liệu, tư liệu mới và các góc nhìn, cách tiếp cận mới để nhận diện và tiếp tục làm sáng tỏ thêm về tư tưởng canh tân của nhà yêu nước Phan Châu Trinh, nhất là việc vận dụng tư tưởng canh tân của bộ ba “Tam kiệt Quảng Nam” (Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng), mà trong đó nhà yêu nước Phan Châu Trinh đóng vai trò khởi xướng vào công cuộc đổi mới, xây dựng ý chí tự lực tự cường, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, tỉnh Quảng Nam giàu mạnh…
Ghi nhận những đóng góp, cống hiến to lớn của nhà yêu nước Phan Châu Trinh; trong cả nước, nhiều tên trường, nhiều tuyến đường lớn, quan trọng được vinh dự mang tên Phan Châu Trinh; tỉnh Quảng Nam đã thành lập giải thưởng Phan Châu Trinh. Mộ cụ Phan Châu Trinh tại phường 4, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh; địa điểm Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh tại xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam được công nhận di tích lịch sử quốc gia.
Năm 2022, di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam phê duyệt chủ trương đầu tư tu bổ, mở rộng với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh và Lễ dâng hương, thực hiện nghi thức khởi công dự án tu bổ, nâng cấp, mở rộng di tích Địa điểm Nhà lưu niệm Phan Châu Trinh đã được tổ chức sáng ngày 9-9-2022./.
Đồng chí Lê Hồng Phong - người chiến sĩ cộng sản kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và cách mạng Việt Nam  (06/09/2022)
Bàn giải pháp phát triển kinh tế sông ở đồng bằng sông Cửu Long  (02/08/2022)
Tạo động lực phát triển vùng kinh tế biển Nam Định  (15/07/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm