Bảo vệ môi trường - yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới
TCCS - Ngày 21-1-2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 29-CT/W về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX "Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước". Chỉ thị của Ban Bí thư đã đặt ra nhiều nhiệm vụ mới, nhấn mạnh nhiều quan điểm mới, sâu sắc, có ý nghĩa chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường trong suốt thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thấu suốt mục tiêu, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Trong công cuộc đổi mới, Đảng ta khẳng định, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ và cải thiện môi trường theo hướng phát triển bền vững. Quan điểm đó của Đảng đã được cụ thể hóa sâu sắc trên những điểm sau:
Thứ nhất, ô nhiễm, suy thoái môi trường là một trong những vấn đề mà loài người đang phải đối mặt song song với các vấn đề đói nghèo, đại dịch AIDS... Những vấn đề này đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của trái đất, vì vậy, bảo vệ môi trường cũng đồng nghĩa với bảo vệ môi trường sống, bảo đảm mọi người dân được sống trong môi trường trong lành, sạch đẹp, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhân dân, đồng thời là nội dung quan trọng của phát triền bền vững.
Thứ hai, để phát triển bền vững đất nước, cần phải có sự kết hợp cân đối, hài hòa giữa ba nội dung là: phát triển kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Vì vậy, phải xem bảo vệ môi trường là một nội dung quan trọng, không thể tách rời trong quá trình phát triển kinh tế và không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường. Việc lồng ghép yếu tố môi trường trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển của các cấp, các ngành phải được quan tâm đúng mức và thực hiện một cách nghiêm túc. Đầu tư cho bảo vệ môi trường cần phải có những chuyển biến rõ rệt trong quan điểm về đầu tư, mức đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư đối với công tác bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa nguồn lực tài chính đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua các tổ chức quốc tế, cá nhân và xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
Thứ ba, bảo vệ môi trường đem lại lợi ích cho toàn xã hội. Điều đó, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân, hộ gia đình phải tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường. Công tác bảo vệ môi trường chỉ có thể thành công và hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội. Bảo vệ môi trường được xem là nét văn hóa, đạo đức của con người trong xã hội văn minh. Con người phải có hành xử văn hóa đối với môi trường, thiên nhiên, không thực hiện các hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường mà phải sống hài hòa và thân thiện với thiên nhiên.
Thứ tư, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường là việc làm khó khăn, tốn kém. Phòng ngừa và hạn chế tác động xấu đối với môi trường là biện pháp hiệu quả nhất và phù hợp nhất. Nếu công tác phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường được thực hiện khoa học, nghiêm túc và hiệu quả thì sẽ tiết kiệm được nguồn lực lớn cho công tác khắc phục, phục hồi môi trường sau này. Phải thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường ở ngay từ khâu lập, thẩm định và phê duyệt các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển nhằm tránh và không để xuất hiện các nguồn gây ô nhiễm trong tươnglai.
Thứ năm, bảo vệ môi trường phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài và đòi hỏi phải có sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo và quản lý thống nhất của Chính phủ cũng như sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đây là nhiệm vụ cấp thiết trong bối cảnh ô nhiễm, suy thoái môi trường đang ngày càng nghiêm trọng, đã và đang ảnh hưởng xấu trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống của nhân dân và phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện công tác bảo vệ môi trường hiệu quả, cần xác định những vấn đề ưu tiên, trọng tâm và cấp bách để xử lý, giải quyết, tránh thực hiện dàn trải.
Thứ sáu, Nhà nước có vai trò rất quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, đại diện cho nhân dân quản lý và bảo vệ môi trường, đem lại môi trường trong lành, sạch đẹp. Tăng cường quản lý nhà nước là cần thiết và là nhiệm vụ cấp bách để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới, giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoàn thiện thể chế và pháp luật bảo vệ môi trường theo hướng quy định rõ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, kết hợp giữa quản lý tài nguyên với bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực của bộ máy và cán bộ làm công tác quản lý môi trường.
Thứ bảy, đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách, khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các đoàn thể nhân dân đối với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Mọi tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải có trách nhiệm khắc phục, phục hồi, bồi thường thiệt hại. Môi trường là tài sản quốc gia, Nhà nước với tư cách là đại diện có trách nhiệm quản lý và bảo vệ môi trường sống cho nhân dân, có quyền buộc các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, khắc phục và phục hồi môi trường.
Đảng ta cũng chỉ ra mục tiêu bảo vệ môi trường về cơ bản, lâu dài là phải đạt được sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường; mọi người đều có ý thức bảo vệ môi trường và sống trong môi trường trong lành, sạch, đẹp và thân thiện với thiên nhiên. Mục tiêu này bao trùm lên toàn bộ các hoạt động bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm phát triển bền vững đất nước.
Tuy nhiên, mục tiêu trước mắt là phải ngăn ngừa, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do hoạt động của con người và tác động của tự nhiên gây ra; khắc phục ô nhiễm môi trường, trước hết ở những nơi đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, phụchồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái; quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học; từng bước nâng cao chất lượng môi trường.
Những hạn chế trong thực hiện và nguyên nhân
Thời gian qua, nhờ tập trung thực hiện có hiệu quả trong thực tế các mục tiêu, quan điểm của Đảng, công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức về bảo vệ môi trường trong các cấp, các ngành và nhân dân đã được nâng lên. Mức độ gia tăng ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đã từng bước được hạn chế. Công tác bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ đa dạng sinh học đã đạt những tiến bộ rõ rệt. Hệ thống các quan điểm, mục tiêu, giải pháp; hệ thống pháp luật, tổ chức và nhân lực cho bảo vệ môi trường được xây dựng, liên tục bổ sung và hoàn thiện đã góp phần hạn chế các tác động tiêu cực lên môi trường.
Bên cạnh những thành tựu rất cơ bản, tình trạng môi trường trong mấy năm gần đây vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc, nguyên nhân chính là do sự phát triển thiếu bền vững. Có hơn 90% số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Hơn 70% các khu công nghiệp, hơn 90% các khu đô thị, dân cư không có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Hầu hết các làng nghề đang trong tình trạng báo động về ô nhiễm môi trường. Có hơn 4.000 cơ sở đang hoạt động thuộc diện gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để. Hầu hết các bãi chôn lấp chất thải rắn còn thô sơ, không bảo đảm các yêu cầu tối thiểu về kỹ thuật. Phần lớn chất thải nguy hại còn tồn đọng mà chưa có hướng giải quyết. Hậu quả là nhiều dòng sông bị ô nhiễm nặng, nhiều nơi nguồn nước mặt, nước ngầm bị nhiễm độc. Không khí ở nhiều đô thị không còn bảo đảm chất lượng. Nhiều bệnh tật nguy hiểm xuất hiện. Theo tính toán của các chuyên gia, trong 20 năm qua, mức độ ô nhiễm, suy thoái môi trường tăng khoảng 10 - 15 lần.
Điều dễ nhận thấy là, do chúng ta phải tập trung mọi nguồn lực và giải pháp để thoát ra khỏi tình trạng suy thoái kinh tế, tụt hậu, trong một thời gian dài môi trường đã không được quan tâm đúng mức. Kết cấu hạ tầng khu đô thị và khu công nghiệp không có các công trình bảo vệ môi trường, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không thực hiện các yêu cầu bảo vệ môi trường dẫn đến việc tồn tại nhiều cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải xử lý triệt để.
Năng lực tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp ở nước ta còn yếu. Cả nước hiện có khoảng 200.000 doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp có quy mô lớn, có khả năng tài chính chỉ chiếm khoảng 25%, còn lại chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa (có số vốn đăng ký dưới 10 tỉ đồng, hoặc số lượng lao động trung bình hằng năm dưới 300 người). Khi tiềm lực kinh tế chưa đủ mạnh, thông thường chủ các doanh nghiệp sẽ tập trung cho phát triển sản xuất, kinh doanh, mà không chú trọng những mục tiêu môi trường. Kết quả của đợt khảo sát về công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp tại 3 miền Bắc, Trung, Nam của Cục Bảo vệ môi trường vừa qua cho thấy, hầu hết các ban quản lý khu công nghiệp đều không có bộ phận chuyên trách về quản lý môi trường.
Công nghệ sản xuất ở một bộ phận lớn các doanh nghiệp vẫn là công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng và sinh ra nhiều chất thải. Theo đánh giá của nhiều tổ chức nước ngoài, các doanh nghiệp có công nghệ cao ở nước ta chỉ khoảng 20%, trong khi đó ở Phi-lip-pin, con số đó là 29%, Ma-lai-xi-a: 51% và Xin-ga-po: 73%. Công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường hiện vẫn là “xa xỉ” đối với phần lớn các doanh nghiệp. Sự ô nhiễm từ làng nghề có nguyên nhân chủ yếu là do trang thiết bị, công nghệ sản xuất rất lạc hậu. Tại các làng nghề tái chế thép dân dụng, người ta sử dụng chủ yếu các thiết bị cũ kỹ, lạc hậu nhập từ Trung Quốc; trong chế biến lương thực thì chủ yếu sử dụng máy móc tự tạo, hiệu suất rất thấp. Điều này đã tạo thêm hậu quả xấu về ô nhiễm môi trường lao động cho những người nghèo trong xã hội.
Việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường thời gian qua còn yếu kém, một phần do năng lực hạn chế của Nhà nước trong việc đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quan điểm phát triển bền vững của Đảng chưa được nhận thức, tiếp thu và coi trọng. Nhiều cấp lãnh đạo của các bộ, ngành, các tỉnh và thành phố vẫn coi phát triển kinh tế là ưu tiên số một. Phát triển kinh tế trước, xử lý ô nhiễm môi trường sau, trong khi phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm là một trong những nguyên tắc cơ bản của hoạt động bảo vệ môi trường. Tư tưởng này đã dẫn đến sự thỏa hiệp các mục tiêu môi trường để nhận lấy những lợi ích về kinh tế.
Ở nước ta, rừng vẫn đang bị tàn phá, đa dạng sinh học bị đe dọa, môi trường đất, nước ở nông thôn đang xấu đi do sử dụng phân bón, hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật không hợp lý. Ở khu vực đô thị, rác thải vứt bừa bãi, ô nhiễm không khí do sinh hoạt đang là vấn đề bức xúc. Nguyên nhân của các vấn đề này là do những hạn chế trong năng lực tuân thủ pháp luật về môi trường của cộng đồng dân cư. Một bộ phận người dân vẫn còn nghèo, sống chủ yếu dựa vào môi trường, vì mưu sinh mà phá hoại môi trường. Những người nghèo ở vùng miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên, vì không có đất canh tác nên đã phá rừng để trồng trọt. Phương thức canh tác du canh du cư không bền vững, hủy hoại tài nguyên mà vẫn không thoát được nghèo. Người nghèo ở vùng ven biển, sống chủ yếu dựa vào đánh bắt ven bờ, sử dụng những phương tiện đánh bắt hủy diệt gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, làm cho bản thân họ ngày càng nghèo thêm. Người nghèo ở khu vực đô thị, do không có điều kiện phải sống ở những nơi “ổ chuột”, phải sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm trong sinh hoạt, trốn tránh nộp phí thu gom rác thải bằng việc vứt rác bừa bãi.
Nhận thức của cộng đồng về lợi ích bảo vệ môi trường còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn thích ăn thịt thú rừng, dùng thú rừng để chữa bệnh, mà không biết đã góp phần săn bắt động vật hoang dã trái phép, thích dùng các loại gỗ quý hiếm để làm nhà mà không nghĩ mình đã tiếp tay cho lâm tặc. Nhận thức về vệ sinh môi trường quá thấp, thói quen sinh hoạt bừa bãi ở một số vùng nông thôn cũng là vấn đề lớn gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh tác hại đến sức khỏe con người. Theo thống kê từ dịch tả năm 2008 cho thấy, có xã có đến 100% số hộ gia đình không có, hoặc có nhà vệ sinh không hợp vệ sinh, mặc dù đây không phải là những hộ nghèo, xã nghèo. Nhận thức hạn chế về môi trường cũng dẫn đến hành vi gây ô nhiễm, phóng uế nơi công cộng, tại các điểm danh lam thắng cảnh. Trong nông nghiệp do nhận thức và hiểu biết hạn chế đã dẫn đến việc sử dụng không đúng cách các loại phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đất, môi trường nước.
Thực hiện kiên quyết, đồng bộ các giải pháp
Để nhanh chóng khắc phục những yếu kém, thực hiện có hiệu quả hơn nữa trong thực tế các mục tiêu, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chúng ta phải tập trung thực hiện kiên quyết, đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, tích cực phòng ngừa ô nhiễm môi trường, lồng ghép yêu cầu môi trường ngay từ khâu xây dựng, phê duyệt chiến lược, quy hoạch và dự án phát triển, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm ở các cấp quốc gia, ngành, địa phương để ngăn chặn, xử lý và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường. Kiểm tra, giám sát và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với các công trình xây dựng, các phương tiện chuyên chở vật liệu xây dựng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường.
Hai là, ưu tiên phục hồi môi trường các khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái bị suy thoái nặng như các địa điểm khai thác khoáng sản, biển và ven biển, các thành phố lớn. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư do chất thải trong sản xuất công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp gây ra. Từng bước khắc phục các khu vực bị nhiễm độc do hậu quả chất độc hóa học của Mỹ sử dụng trong chiến tranh. ứng phó sự cố môi trường và khắc phục nhanh hậu quả ô nhiễm môi trường do lũ lụt. Bảo đảm tính hiệu quả, bền vững trong khai thác và sử dụng các nguồn tàinguyên thiên nhiên trước mắt cũng như lâudài.
Ba là, hình thành ý thức giữ gìn vệ sinh chung, từ bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, các thói quen, nếp sống không văn minh, thiếu vệ sinh, các hủ tục trong mai táng. Xây dựng công sở, xí nghiệp, gia đình, làng bản, khu phố sạch, đẹp đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường. Đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường cho nhân dân. Quan tâm bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo cảnh quan môi trường. Thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường các khu di tich lịch sử, danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái.
Bốn là, xây dựng và hoàn thiện chính sách và tiêu chuẩn môi trường phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Ngăn chặn việc lợi dụng rào cản môi trường trong xuất khẩu hàng hóa làm ảnh hưởng xấu đến sản xuất, kinh doanh. Hình thành các cơ chế công nhận, chứng nhận phù hợp với điều kiện trong nước và tiêu chuẩn quốc tế về môi trường. Tăng cường năng lực kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm mọi hành vi chuyển chất thải, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường từ bên ngoài vào nước ta.
Năm là, chấm dứt nạn đổ rác và xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, ao, hồ; xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường các lưu vực sông. Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp, nhất là với các đô thị thiếu mặt bằng làm bãi chôn lấp. Xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời đối với những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có giải phắp khắc phục có hiệu quả. Tăng cường lượng cây xanh dọc các tuyến phố và vành đai xanh xung quanh đô thị.
Sáu là, bảo vệ nghiêm ngặt rừng tự nhiên, rừng ngập mặn; hạn chế đến mức thấp nhất việc mở đường giao thông và các hoạt động gây tổn hại đến tài nguyên rừng; đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc và khôi phục rừng ngập mặn; phát triển kỹ thuật canh tác trên đất dốc có lợi cho bảo vệ độ màu mỡ của đất, ngăn chặn tình trạng thoái hóa đất và sa mạc hóa đất đai. Nghiêm cấm triệt để việc săn bắt chim, thú trong danh mục cần bảo vệ; ngăn chặn nạn sử dụng các phương tiện đánh bắt có tính hủy diệt nguồn lợi thủy, hải sản; quy hoạch phát triển các khu bảo tồn biển và bảo tồn đất ngập nước.
Bảy là, đưa nội dung môi trường và bảo vệ môi trường vào trường học. Sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng trong bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các tổ chức, xã hội, đoàn thể, các hoạt động, phong trào, diễn đàn về bảo vệ môi trường. Xây dựng tiêu chí bảo vệ môi trường để xem xét, công nhận làng, xã, gia đình văn hóa. Khen thưởng, tuyên dương các hoạt động, điển hình tốt trong bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững./.
Tuần làm việc thứ tư, Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XII  (08/06/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 1-6-2009 đến 7-6-2009)  (08/06/2009)
Chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội  (08/06/2009)
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 66 (5-6-2009)  (07/06/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay