Gia Lai củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở
TCCS - Gia Lai là tỉnh miền núi, diện tích 15.536km2, có 219 đơn vị hành chính cấp xã, bình quân diện tích một xã là 7.094 ha, trong đó có xã lớn đến 30.000ha - 40.000ha, địa bàn bị chia cắt mạnh bởi địa hình đồi núi, sông suối, việc đi lại gặp không ít khó khăn. Dân số 1,2 triệu người, trong đó các dân tộc thiểu số chiếm 48%, mặt bằng dân trí thấp so với các vùng trong cả nước. Đặc điểm đó làm cho việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đội ngũ cán bộ, công chức mà thực chất là hệ thống chính trị ở cơ sở gặp không ít khó khăn.
Với nhận thức công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở xã, phường, thị trấn là nhiệm vụ quan trọng của Đảng bộ tỉnh, đồng thời thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, những năm qua, Tỉnh ủy Gia Lai đã có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước ở cơ sở. Trong đó, chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở và xem đây là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giữ vững an ninh quốc phòng và không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền chỉ đạo triển khai khảo sát, đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ hiện có trong hệ thống chính trị ở cơ sở; kiểm tra, giám sát, nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những vướng mắc nảy sinh. Đặc biệt, các cấp ủy và chính quyền các cấp thực hiện tốt việc gắn kết giữa quy hoạch với đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, giữa sắp xếp, bố trí với luân chuyển cán bộ từ tỉnh, huyện xuống xã và ngược lại. Từng bước nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã cả về văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý nhà nước... Từ năm 2005 đến cuối năm 2008, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng 13.858 lượt cán bộ trong đó: 11.260 lượt đào tạo bồi dưỡng trung cấp, sơ cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng cấp ủy viên, công tác mặt trận, đoàn thể, nghiệp vụ xã đội, công an, tư pháp, văn phòng, nghiệp vụ trưởng thôn..., cử 1.326 cán bộ, công chức đi học đại học, trung cấp chuyên môn, 362 cán bộ đi học cao cấp, trung cấp chính trị, tiền công vụ...; luân chuyển 191 cán bộ, trong đó: tỉnh về xã 33 cán bộ, huyện về xã 130 cán bộ, xã về huyện 41 cán bộ và nhiều cán bộ chuyển từ xã này sang xã khác; củng cố, kiện toàn được 362 chức danh từ trưởng, phó đầu ngành trở lên.
Ngoài ra, tỉnh còn dùng ngân sách địa phương chi lương cho 10.056 cán bộ không chuyên trách (ngoài Nghị định 121) trong đó cấp xã là 215 cán bộ, các thôn, làng là 9.589 cán bộ; bố trí thêm một phó bí thư phụ trách cơ sở cho 57 xã; phụ cấp 1 triệu đồng/tháng cho cán bộ luân chuyển từ tỉnh, huyện xuống xã và 500 ngàn đồng/tháng cho cán bộ từ xã này luân chuyển sang xã khác.
Cái gốc của mọi việc là ở cán bộ, công tác cán bộ. Tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt là khâu đột phá nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị.
Với những nỗ lực trên, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở của Gia Lai ngày càng được nâng cao, nhất là về trẻ hóa và trình độ chuyên môn. Hiện nay, tỉnh có 2.252 cán bộ chuyên trách, trong đó có 963 người là dân tộc thiểu số, chiếm 42,76% và 1.361 công chức, trong đó có 326 người là dân tộc thiểu số, chiếm 23,95%.
Cán bộ chuyên trách có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm trên 38,37%; trình độ chuyên môn trung cấp 19,14%, cao đẳng và đại học chiếm trên 5,4%; trình độ lý luận chính trị trung, cao cấp chiếm 36,81%. Đội ngũ công chức có trình độ học vấn trung học phổ thông chiếm 78,47%; trình độ chuyên môn trung cấp chiếm 58,85%, cao đẳng, đại học chiếm 13,66%; trình độ lý luận trung cấp, cao cấp chiếm 11,61%. Phần lớn cán bộ, công chức cấp xã có lập trường chính trị vững vàng, chín chắn trong công việc, gương mẫu trong việc chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nắm được quy chế hoạt động và các quy định của chính quyền các cấp, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, có nhiều tiến bộ trong công tác lãnh đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ, có ý thức tự lực khắc phục khó khăn, phấn đấu vươn lên hoàn thành nhiệm vụ, khắc phục phần nào tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã từng bước được nâng lên so với yêu cầu nhiệm vụ. Đa số cán bộ, công chức cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức trách được giao, tích cực bám địa bàn, bám dân và am hiểu tình hình, phong tục, tập quán của nhân dân địa phương, tập hợp, vận động nhân dân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người công dân trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, giữ vững an ninh, chính trị, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân...
Tuy nhiên, công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở ở Gia Lai vẫn còn không ít hạn chế:
- Chất lượng cán bộ, công chức cơ sở còn thấp so với yêu cầu nhiệm vụ, nhất là đối với cán bộ chuyên trách còn hạn chế nhiều mặt về học vấn, chuyên môn; năng lực quản lý, điều hành, thuyết phục, tập hợp quần chúng vẫn còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Một số nơi việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, chính sách của cấp trên xuống cơ sở không kịp thời, đầy đủ; việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của chính quyền cơ sở còn chậm chạp; giải quyết công việc còn nhiều sai sót, dẫn đến việc khiếu nại, gửi đơn thư vượt cấp...
- Ở một số địa phương, nhất là ở vùng đồng bào dân thiểu số, một số cán bộ hoạt động chưa thực sự dựa vào pháp luật, đôi khi còn giải quyết công việc theo ý muốn chủ quan. Việc ứng xử với nhân dân, với cộng đồng còn nặng về tập quán, thói quen, tình cảm, một số cán bộ tư tưởng dao động, không dám làm việc trong những thời điểm “nóng”...
- Một số nơi vẫn còn diễn ra tình trạng cán bộ đi học theo kiểu chạy bằng cấp, để đủ chuẩn theo quy định, mà không theo nhu cầu thực tế công tác ở địa phương nên có trường hợp được cử đi học, nhưng khi về không được bố trí sử dụng đúng vị trí... dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu cán bộ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cả tỉnh hiện còn 12.411/19.908 cán bộ xã, thôn (chiếm 62,66%) chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ. Trong đó: Cán bộ chuyên trách có 1.397 người, công chức có 173 người, cán bộ không chuyên trách (ở thôn, làng) có 10.841 người; 12.743 cán bộ, công chức chưa được đào tạo về lý luận chính trị.
Ngoài ra, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức ý thức trách nhiệm với công việc không cao, làm việc theo kiểu cầm chừng, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Nguyên nhân quan trọng nhất của tình trạng trên là do trình độ các mặt của đội ngũ cán bộ còn quá thấp so với yêu cầu, nhiệm vụ (dẫn đến cán bộ không biết việc để làm hoặc không đủ khả năng để thực hiện nhiệm vụ). Một số cán bộ được cử tham gia đào tạo nhưng do đầu vào không bảo đảm nên chất lượng sau đào tạo, bồi dưỡng không cao, hiệu quả thấp. Bên cạnh đó, việc đào tạo còn nặng về lý luận, chưa chú trọng đến kỹ năng xử lý tình huống thực tế, nội dung, chương trình và phương thức đào tạo chậm đổi mới; các lớp bồi dưỡng chủ yếu là ngắn hạn nên hiệu quả không cao. Ở một số địa phương, gắn đào tạo với sử dụng cán bộ chưa thật hợp lí, triệt để, chưa bảo đảm cân đối giữa các ngành nghề đào tạo dẫn đến khó sử dụng ở cơ sở...
Ngoài ra, chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức cơ sở hiện nay so với mặt bằng đời sống chung của xã hội còn quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong sinh hoạt nên dẫn đến cán bộ không toàn tâm toàn ý cho công việc; không thu hút được lực lượng tri thức trẻ được đào tạo chính quy về công tác ở cơ sở.
Phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn, hạn chế, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX) về chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỉnh đã và đang tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở, Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, Đề án thu hút, đưa sinh viên về xã... hướng tới mục tiêu đến năm 2015, cơ bản đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở được chuẩn hóa về trình độ học vấn, chuyên môn, chính trị, quản lý nhà nước... đáp ứng 80% yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Để đạt được mục tiêu trên, Tỉnh ủy Gia Lai đã và đang chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số giải pháp trọng tâm sau:
1. Kết hợp chặt chẽ công tác cán bộ với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chú ý khen thưởng và xử lý kỷ luật nghiêm minh; chú trọng xây dựng ý thức trách nhiệm, lề lối tác phong làm việc, ý thức tổ chức kỷ luật của cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền cơ sở, nhất là cán bộ chủ chốt.
2. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ cơ sở, chú trọng đối với những cán bộ lãnh đạo chủ chốt. Việc quy hoạch phải dựa trên cơ cấu, năng lực theo yêu cầu của sự phát triển của từng tổ chức trong bộ máy, bảo đảm sự phát triển trên cơ sở vững vàng giữa các thế hệ cán bộ. Quan tâm đến từng địa bàn, giữa cán bộ người Kinh và cán bộ là người dân tộc thiểu số. Thường xuyên rà soát, bổ sung quy hoạch đội ngũ cán bộ cơ sở, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý.
3. Thực hiện nghiêm quy trình nhận xét, đánh giá cán bộ, kịp thời thay thế cán bộ lãnh đạo ở các địa phương, đơn vị yếu kém, trì trệ kéo dài, có vấn đề nổi cộm. Quan tâm đúng mức công tác xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, có đề án đào tạo, bố trí, sử dụng hiệu quả số cán bộ từ nguồn học sinh dân tộc thiếu số tốt nghiệp trung học phổ thông.
4. Tiếp tục triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cơ sở theo hướng trẻ hóa và chuẩn hóa; chương trình nội dung đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, sát với tình hình thực tế của tỉnh, chú trọng đến kiến thức và năng lực thực tiễn, có chế độ khuyến khích hoặc bắt buộc đối với việc học tập. Áp dụng phương thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Đối với cán bộ là người dân tộc thiểu số, xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng chức danh chuyên môn và có chế độ chính sách đào tạo, bồi dưỡng thích đáng.
5. Tiếp tục tăng cường, luân chuyển cán bộ tỉnh, huyện xuống những xã yếu, nhằm đào tạo, bồi dưỡng giúp đỡ cán bộ tại chỗ, đủ mạnh, đủ điều kiện đảm đương nhiệm vụ./.
Nước Mỹ và bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính  (07/08/2009)
Nước Mỹ và bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính  (07/08/2009)
Bế mạc Đại hội đồng AIPA 30  (06/08/2009)
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng 2009  (06/08/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên