Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung liệu có trở thành diễn đàn G2?
TCCSĐT - Đối thoại chiến lược Mỹ - Trung được khởi động từ năm 2006, trải qua 6 lần tiến hành đối thoại chiến lược và 5 lần đối thoại chiến lược kinh tế, nhưng phải đến cuộc đối thoại lần này mới có sự khác biệt. Khác biệt không chỉ bởi lần đầu tiên Mỹ và Trung Quốc tiến hành đối thoại kết hợp chiến lược và kinh tế mà cuộc đối thoại lần này được đích thân Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma trực tiếp chỉ đạo. Thêm vào đó, vị trí của hai nước giờ đây cũng có sự đổi khác. Nếu những cuộc gặp trước, Mỹ luôn giữ vị trí của một nền kinh tế hùng mạnh thì lần này, cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ đã khiến Mỹ sa sút, kéo theo tình hình kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng và cuộc khủng hoảng này còn chưa thấy đáy. Ngược lại, Trung Quốc giờ đây đã thay thế Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới với tiềm lực quân sự và chính trị to lớn.
Tại lễ khai mạc cuộc đối thoại, Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đã tới đọc diễn văn với tuyên bố thu hút sự chú ý, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác giữa Mỹ - Trung Quốc và mối quan hệ này "sẽ định hướng cho thế giới trong thế kỷ 21". Còn Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Ðào, trong thông điệp gửi tới phiên khai mạc đã kêu gọi hai nước thu hẹp các bất đồng, tăng cường tin tưởng và hợp tác, cùng gánh vác trách nhiệm đối với một loạt các vấn đề lớn liên quan đến hòa bình và phát triển của thế giới. Ý kiến chỉ đạo của nguyên thủ quốc gia hai nước Mỹ và Trung Quốc, cũng như nhiều lời đồn thổi trong thời gian gần đây đã khiến dư luận đặt dấu hỏi, liệu Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung lần thứ nhất diễn ra trong hai ngày, 27-7 và 28-7-2009 tại Mỹ có trở thành diễn đàn G2 và mang ý nghĩa đối với thế giới như G8, hay G20?
Mục đích của cuộc đối thoại lần này, theo Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma là giúp hai bên giải quyết hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, duy trì sự ổn định tài chính toàn cầu, cùng giải quyết các vấn đề phát triển, đối thoại tích cực về năng lượng sạch; đạt mức tăng trưởng kinh tế cân bằng, không chỉ mang lại lợi ích cho Mỹ và Trung Quốc, mà còn cho cả thế giới. Còn với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, cuộc đối thoại lần này sẽ giúp hai nước tăng cường sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, mở rộng trao đổi và hợp tác song phương, xây dựng mối quan hệ hợp tác toàn diện, tích cực giữa Trung Quốc và Mỹ. Có thể thấy, tăng cường tin cậy chiến lược lẫn nhau là các vấn đề quan trọng hàng đầu của cuộc đối thoại Trung - Mỹ lần này. Hai quốc gia sẽ thực hiện ngay các chương trình đã thỏa thuận sau cuộc đối thoại và chuẩn bị các chủ đề cho cuộc đối thoại năm 2010.
Nội dung bàn thảo trong cuộc đối thoại chiến lược - kinh tế lần này rất rộng, hàm chứa một loạt vấn đề như các biện pháp giúp Mỹ và Trung Quốc thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, triển vọng quan hệ Trung - Mỹ, nhiều vấn đề quốc tế và khu vực mang tính toàn cầu; chống chủ nghĩa khủng bố, kiểm soát vũ khí, trong đó có vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và I-ran. Tham vọng thì nhiều, nhưng kết quả thực tế khá khiêm tốn. Ngoài việc hai bên ký kết Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác song phương trong các lĩnh vực năng lượng, biến đổi khí hậu và môi trường thì I-ran là vấn đề thứ hai đạt được sự đồng thuận giữa hai nước.
Với Bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác song phương, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đánh giá, đây là một kết quả quan trọng của vòng đối thoại. Còn Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn nhận xét, bản ghi nhớ này đã đưa ra định hướng cho Mỹ và Trung Quốc cùng nhau hợp tác nhằm ủng hộ các cuộc đàm phán về khí hậu toàn cầu và đẩy nhanh việc chuyển sang nền kinh tế có lượng các-bon thấp. Hai bên đưa ra cam kết tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong lĩnh vực kinh tế.
Về vấn đề hạt nhân của I-ran, Mỹ và Trung nhất trí phản đối I-ran trở thành một nước có vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Mỹ Hi-la-ri Clin-tơn cho biết, bà rất hài lòng khi Trung Quốc chia sẻ các mối lo ngại của Mỹ về việc I-ran trở thành một quốc gia có vũ khí hạt nhân. Cả hai nước đều quan ngại rằng, một I-ran có vũ khí hạt nhân, có thể thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông.
Ngoài ra, Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc thảo luận chuyên sâu về cách thức đạt tiến bộ trong vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và Trung Quốc đồng ý hợp tác cùng nhau để chuẩn bị cho cuộc hội nghị quốc tế trong năm 2010 nhằm đánh giá lại Hiệp ước Không phổ biến hạt nhân - một chủ đề được Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đặc biệt quan tâm trong chủ trương tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân như ông đã từng tuyên bố.
Còn vấn đề Mỹ muốn Trung Quốc giúp một tay trong việc thực hiện dự án cải tổ hệ thống y tế rất tốn kém và mua nợ xấu của các ngân hàng; muốn thống nhất với Trung Quốc một mô hình quan hệ kinh tế mới; muốn tỷ giá đồng Nhân dân tệ tăng, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống để thị trường Mỹ có thêm nhiều cơ hội việc làm mới thì vẫn còn bỏ ngỏ. Trung Quốc giờ đây không chỉ là chủ nợ lớn nhất của Mỹ với việc sở hữu 801 tỉ USD trái phiếu kho bạc Mỹ mà Bắc Kinh còn được mệnh danh là “công xưởng thế giới”. Mỹ không thể chấp nhận mãi vị thế thị trường tiêu thụ hàng hoá từ “các công xưởng” của Trung Quốc để làm giàu cho Trung Quốc. Từ lâu, Mỹ đã muốn cân bằng cán cân thương mại và muốn Trung Quốc thả nổi đồng nhân dân tệ để tạo thế cạnh tranh công bằng hơn. Những cuộc đối thoại trước đây về chủ đề này rơi vào bế tắc. Còn lần này, với bối cảnh suy giảm kinh tế, việc làm trở nên ít ỏi, Trung Quốc càng không thể thả nổi đồng Nhân dân tệ, xóa bỏ bảo hộ, để mất hàng triệu việc làm của công nhân đang làm trong các lĩnh vực xuất khẩu.
Mặc dù vậy, các chuyên gia Trung Quốc lại nhận định, sự phát triển của kinh tế Trung Quốc không chỉ phụ thuộc vào việc kích thích những nhu cầu tại thị trường nội địa mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó bao gồm cả nhân tố phục hồi của thị trường tiêu thụ Mỹ. Phải chăng, trong khuôn khổ một cuộc đối thoại trong bối cảnh hai bên còn có nhiều cách biệt về quan điểm ở nhiều vấn đề, thì kết quả đạt được là rất quan trọng?
Đề xuất về G2 hay liên minh chiến lược Mỹ - Trung?
Ý tưởng hình thành G2 gồm Mỹ và Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu làm tiêu tan niềm tin không chỉ đối với nền tảng chính sách đối ngoại mà cả đối với các mô hình kinh tế của phương Tây. Hơn thế, trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia trong khu vực đang cải thiện như quan hệ Mỹ - Ấn Độ với thoả thuận về mua bán vũ khí, quan hệ Mỹ - ASEAN mà tiến triển gần đây nhất là Mỹ đã tham gia Hiệp ước Đối tác và thân thiện với ASEAN, quan hệ Mỹ - Nga đang được “tái khởi động”, thì Trung Quốc cũng cần quan hệ gắn bó hơn với Mỹ. Từ đây, dư luận quốc tế ngày càng quan tâm tới một trật tự thế giới đa cực không chỉ do đang hình thành các trung tâm chính trị có ảnh hưởng cạnh tranh với Mỹ mà cả các mô hình phát triển rất thành công. Thế giới đa cực này tạo ra cơ hội nhưng cũng không ít nguy cơ. Toàn cầu hoá thế giới đã dẫn tới quá trình toàn cầu hoá những vấn đề mà hôm nay không một quốc gia đơn lẻ nào có thể giải quyết được nếu thiếu sự hợp tác của tất cả các quốc gia và các lực lượng có ảnh hưởng. Trong một thế giới đang thay đổi nhanh chóng đó, Mỹ từ chỗ là “kiến trúc sư” và là “người thi công” trật tự thế giới đơn cực, sẽ bắt đầu bắt tay với ai để chia sẻ trách nhiệm “lãnh đạo” thế giới?
Gần đây, hai “giáo trưởng” về tư duy đối ngoại của Mỹ là ông Zbi-nev Bre-din-xki và Hen-ry Kít-xinh-gơ, đã đề xuất cho Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma các ý tưởng thay đổi chính sách đối ngoại hay thực chất là tư duy mới về chính sách đối ngoại. Quan điểm của hai ông không toàn toàn trùng hợp nhau nhưng lại có chung một điểm tương đồng.
Ông Zbi-nev Bre-din-xki trong những năm 1977-1981 là cố vấn của Tổng thống Mỹ Ca-xtơ về an ninh quốc gia, hiện nay là cố vấn của Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma về chính sách đối ngoại, trong bài báo mang tựa đề “Nhóm hai nước có thể thay đổi thế giới”, đăng trên Báo “Financial Times” số ra ngày 13-01-2009, đưa ra chỉ định xây dựng liên minh Mỹ - Trung Quốc, hoặc chí ít là thiết lập sự hợp tác rất chặt chẽ giữa hai siêu cường hàng đầu thế giới này. Theo ông Zbi-nev Bre-din-xki, một khi hợp tác gần và chặt chẽ với Trung Quốc, Mỹ có thể giải quyết được nhiều vấn đề quốc tế nan giải. Ví như, Trung Quốc sẽ giúp Mỹ giải quyết vấn đề hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, giúp Mỹ khắc phục cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tham gia với Mỹ đối thoại với I-ran, hay đóng vai trò trung gian hoà giải cuộc xung đột Ấn Độ - Pa-ki-xtan và tham gia giải quyết vấn đề Trung Đông. Mỹ nên mời Trung Quốc tham gia cùng với Mỹ giải quyết vấn đề thay đổi khí hậu, thành lập các lực lượng gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc để hoạt động trên lãnh thổ các nước bất ổn, củng cố chế độ kiểm soát không phổ biến vũ khí hạt nhân bằng cách khuyến khích các quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Zbi-nev Bre-din-xki đề nghị Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma thành lập Nhóm G2, gồm Mỹ và Trung Quốc, giống như cơ chế đối thoại giữa EU và Nhật Bản. Ngoài ra, Zbi-nev Bre-din-xki cũng đề nghị mở rộng G8 thành G14 hoặc G16, bằng cách kết nạp thêm các quốc gia có ảnh hưởng khác.
Còn Hen-ry Kít-xinh-gơ trong những năm 1973-1977 là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Ri-xác Ních-xơn và Giê-mi Ca-xtơ, kiến trúc sư trưởng trong chính sách kết thân của Mỹ với Trung Quốc những năm 1970, đã đưa ra cách giải quyết tình hình trong bài báo mang tựa đề “Thế giới cần phải xây dựng trật tự mới, hoặc sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn”, đăng trên báo “The Independent”, số ra ngày 20-01-2009. Theo Hen-ry Kít-xinh-gơ, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu không chỉ làm tiêu tan niềm tin của thế giới vào các “đơn thuốc” mà Mỹ vẫn thường “kê đơn” cho các nước khác, mà bản thân các nước này cũng không tin vào đề án xây dựng hệ thống kinh tế toàn cầu thì trong tình hình đó, Mỹ cần hành động khiêm nhường hơn. Sự khiêm nhường này không chỉ củng cố ảnh hưởng của Mỹ trên thế giới, nơi mà mỗi một quốc gia sẽ phải tự mình đánh giá vai trò và khả năng của họ trong thời kỳ khủng hoảng, mà còn giúp mỗi nước hiểu được rằng, để giải quyết vấn đề này chỉ có thể bằng cách thông qua sự nỗ lực phối hợp. Làm được như thế, Mỹ làm cho các nước nhận thấy họ là một phần của thế giới đang làm theo “đơn thuốc” của Mỹ.
Theo Hen-ry Kít-xinh-gơ, vai trò mới của Mỹ là tác động để biến những mối lo ngại chung của đa số các quốc gia về cách thức thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố thành một chiến lược chung của cả thế giới. Trong tình hình đó, Hen-ry Kít-xinh-gơ đề nghị Mỹ chọn Trung Quốc làm chủ thể quan trọng nhất mà Mỹ cần thực hiện sự thỏa hiệp có tính lịch sử để đưa quan hệ Mỹ - Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới. Theo Hen-ry Kít-xinh-gơ, trật tự thế giới trong tương lai phụ thuộc vào tính chất tương tác giữa Mỹ và Trung Quốc. Một khi bị thất vọng với Mỹ, Trung Quốc có thể ưu tiên hơn cho các cơ chế khu vực như ASEAN+3. Ngoài ra, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch ngày càng mạnh ở Mỹ sẽ biến Trung Quốc thành một đối thủ cạnh tranh muốn phân chia thế giới thành các nhóm khu vực và rút cuộc, sẽ kéo theo những hậu quả nguy hiểm đối với Mỹ. Hen-ry Kít-xinh-gơ đề nghị các nguyên thủ quốc gia mới ở Mỹ nên xây dựng quan hệ với Trung Quốc trên cơ sở “sự cảm nhận về số phận chung”, có nghĩa là giống như quan hệ hợp tác xuyên Đại Tây dương sau chiến tranh thế giới thứ hai.
Như vậy, sáng kiến của Zbi-nev Bre-din-xki và Hen-ry Kít-xinh-gơ đều cho rằng, tương lai của thế giới chỉ có thể ổn định một khi Mỹ và Trung Quốc gác lại mâu thuẫn và thiết lập sự hợp tác có tính xây dựng. Bởi cả hai đều công nhận chính sách đối ngoại của Mỹ trước đây đã thất bại và cần thay đổi; công nhận vai trò ngày càng tăng của các mô hình phát triển khác, trong đó có mô hình Trung Quốc; và công nhận vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong nền chính trị thế giới, một quốc gia hiện đang vững tin sẽ vượt qua khủng hoảng kinh tế sớm hơn các nước khác.
Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung có thể trở thành Diễn đàn G2?
Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma gọi cuộc đối thoại này là mở ra "kỷ nguyên mới" trong quan hệ giữa hai nước và định hình thế giới trong thế kỷ 21. Một số chuyên gia Trung Quốc cho rằng, xét về tầm vóc, cuộc đối thoại lần này có thể gọi là Diễn đàn G2 vì mấy lý do:
Một là, những vấn đề được đưa ra bàn thảo có ảnh hưởng đến sự định hình nền kinh tế và chính trị toàn cầu trong thập niên tới. Hai là, về kinh tế, Mỹ chiếm vị trí số 1 thế giới; Trung Quốc thay thế Nhật Bản ở vị trí số 2. Trung Quốc đang đại diện cho mô hình kinh tế chuyển đổi khá thành công, còn Mỹ đại diện cho mô hình kinh tế thị trường. Hiện hai mô hình này đang cạnh tranh phát triển. Ba là, xét về sức mạnh quân sự, Mỹ là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới; Trung Quốc đang đuổi kịp Mỹ trong nhiều lĩnh vực. Bốn là, về chính trị, cả hai đều có ảnh hưởng lớn tới các quan hệ quốc tế. Do đó, quan hệ Mỹ - Trung Quốc là mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế ở Trung Quốc cho rằng, từ G20, Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau hình thành Nhóm G2. Theo họ, Mỹ và Trung Quốc có thể giúp thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế, vì thế, diễn đàn G20 được tổ chức vào ngày 2-4-2009 cũng gần như là diễn đàn G2. Ở Trung Quốc, giới nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, cũng như dân chúng nói nhiều về G2 hơn là G20. Người Trung Quốc tin rằng, Trung Quốc tự mình và sẽ giúp Mỹ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế. Lập luận của họ dựa trên mấy luận cứ sau. Một là, trong số các nước lớn, chỉ có Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế ở mức 6,9% theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, mặc dù Quốc hội Trung Quốc phê chuẩn mức 8%. Nhưng ngay cả mức tăng trưởng 6,5% cũng đã là tốt, bởi GDP của Nga sẽ giảm 2,2%, còn GDP của các nước châu Âu và Mỹ sẽ sút giảm mạnh hơn nữa. Hai là, trong những năm qua, Trung Quốc đã tích trữ được nguồn ngoại tệ trên 2 nghìn tỉ USD, trong khi dự trữ ngoại tệ của Nhật Bản ít hơn của Trung Quốc hơn 2 lần. Ba là, Mỹ là thị trường hàng tiêu dùng và dịch vụ lớn nhất thế giới, còn Trung Quốc là “công xưởng của thế giới” - nơi sản xuất ra khối lựơng hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới. Vì thế, theo các chuyên gia phân tích Trung Quốc, hai nước Mỹ và Trung Quốc hình thành “một cặp lý tưởng”. Tính lý tưởng này liên quan trước hết tới quan hệ Mỹ - Trung: Mỹ cần có tiền để mua các “nợ xấu” của các ngân hàng và các hãng, còn Trung Quốc mua trái phiếu chính phủ của Mỹ để Oa-sinh-tơn có tiền trang trải. Khi đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, Mỹ sẽ tiếp tục mua nhiều hàng của Trung Quốc và do đó sẽ góp phần tạo ra sự tăng trưởng mới cho nền kinh tế Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích khác trên thế giới tỏ ra nghi ngờ hiệu lực của Diễn đàn G2 Mỹ - Trung. Theo ông Vla-đi-mia Pô-chia-cốp, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và dự báo quan hệ Nga - Trung Quốc thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, cả Mỹ và Trung Quốc cộng lại chiếm 20% GDP toàn cầu. Tuy lớn, nhưng 20% không thể giải quyết được các vấn đề của 100%. Còn theo ông Ru-xlan Grin-béc, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga, với khối lượng ngoại tệ dữ trữ trên 2 nghìn tỉ USD, Trung Quốc rất quan tâm tới sự ổn định đồng USD và cả nền kinh tế Mỹ, chứ không phải là toàn bộ nền kinh tế thế giới. Vậy nên, đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung trước hết và chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề của Trung Quốc và Mỹ, chứ không thể là diễn đàn G2 được. Thêm nữa, quan hệ Mỹ - Trung càng không thể là quan hệ liên minh để có thể “định hình thế giới trong thế kỷ 21”. Bởi, nội dung và tính chất của cuộc đối thoại này chỉ phản ánh tư duy của Mỹ về trật tự thế giới mới như Ngoại trưởng Hi-la-ri Clin-tơn tuyên bố: “Tư duy mới về thế kỷ 21 sẽ đưa chúng ta từ một thế giới đa cực tới một thế giới đa đối tác". Nước Mỹ đã nhìn nhận thế giới một cách “khiêm nhường” hơn sau hơn một thập niên bất thành và mất uy tín trong vai trò “lãnh đạo” thế giới với cách tiếp cận được coi là khá ngạo mạn./.
Nước Mỹ và bản kế hoạch cải tổ hệ thống tài chính  (07/08/2009)
Bế mạc Đại hội đồng AIPA 30  (06/08/2009)
Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc bộ mở rộng 2009  (06/08/2009)
Từ khủng hoảng tới tăng trưởng: tác động và cơ hội đối với phụ nữ  (06/08/2009)
Tổng thống I-ran bắt đầu nắm quyền sau cuộc bầu cử đầy tranh cãi  (06/08/2009)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên