Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 30-6 đến 6-7-2008)
1. Pháp chính thức đảm nhận chức Chủ tịch luân phiên EU
Pháp đề nghị cải cách EU
Ngày 30-6-2008, Pháp chính thức đảm nhận sự chuyển giao ghế Chủ tịch luân phiên EU từ Xlô-ve-ni-a. Nhân sự kiện này, Tổng thống Pháp Ni-cô-la Xác-cô-di kêu gọi thay đổi mạnh mẽ cách thức xây dựng châu Âu. Phát biểu trên truyền hình Pháp, ông Ni-cô-la Xác-cô-di cho rằng đã có những "sai lầm" trong cách thức xây dựng EU và nay các công dân EU đang mất niềm tin vào dự án này. Tổng thống Ni-cô-la Xác-cô-di nhận xét: "Có điều gì đó không ổn. Các công dân châu Âu đang ở trong tâm trạng lo lắng tự hỏi liệu chính phủ hay các nhà chức trách trong EU có bảo vệ được họ chống lại tác động xấu của quá trình toàn cầu hóa. Vì thế, chúng ta phải thay đổi mạnh mẽ cách thức xây dựng châu Âu". Nước Pháp đảm nhận ghế Chủ tịch EU trong bối cảnh đa số công dân Ai-len bác bỏ Hiệp ước Li-xbon và ngày 1-7-2008, còn Tổng thống Ba Lan, ông Léc Ka-din-xki (Lech Kaczynski), cũng vừa tuyên bố từ chối ký hiệp ước cải cách EU. Tổng thống Léc Ka-din-xki cho rằng, lúc này sẽ là vô ích nếu bàn đến Hiệp ước Li-xbon. Hồi tháng 4-2008, Quốc hội Ba Lan đã bỏ phiếu thông qua Hiệp ước Li-xbon nhưng văn bản này phải có chữ ký phê chuẩn của Tổng thống Léc Ka-din-xki. Việc Tổng thống Ba Lan từ chối ký thông qua hiệp ước là một trở ngại lớn đối với Tổng thống Pháp trong thời gian giữ chức Chủ tịch luân phiên của EU trong vòng 6 tháng, kể từ ngày 1-7-2008.
2. Kế hoạch hành động quốc gia về thay đổi khí hậu của Ấn Độ
Ngày 30-6-2008, Thủ tướng Ấn Độ M.Xinh chính thức phát động “Kế hoạch hành động quốc gia về thay đổi khí hậu”, gồm 8 nhóm nhiệm vụ là: phát triển năng lượng mặt trời; tăng cường các biện pháp sử dụng hiệu quả năng lượng; phát triển sinh thái bền vững; quản lý hiệu quả nguồn nước; bảo vệ hệ sinh thái vùng Hi-ma-lay-a; xây dựng một Ấn Độ xanh; phát triển nền nông nghiệp bền vững; tạo ra mặt bằng hiểu biết chiến lược về thay đổi khí hậu. Kế hoạch hành động nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn năng lượng Mặt trời. Các nhà khoa học Ấn Độ khẳng định, tế bào quang điện đã trở thành nguồn sản sinh năng lượng rẻ hơn do áp dụng công nghệ mới. Thủ tướng M.Xinh nhấn mạnh, Ấn Độ sẵn sàng thực hiện các nỗ lực nhằm đóng góp vào sự nghiệp chung của loài người là giải quyết những vấn để liên quan đến thay đổi khí hậu. Ông cũng kêu gọi các nước phát triển cắt giảm lượng khí thải tính theo đầu người và coi đây là cơ sở công bằng duy nhất để giải quyết cả gói vấn đề thay đổi khí hậu trên phạm vi toàn cầu. Thủ tướng M.Xinh nhắc lại câu nói bất hủ của Ma-hat-ma Gan-đi “Trái đất có đủ tài nguyên để đáp ứng mọi nhu cầu của con người, nhưng sẽ không bao giờ có đủ để đáp ứng lòng tham của con người”. Theo thống kê, hiện nay lượng khí thải tính bình quân trên đầu người của Ấn Độ là 1,1 tấn/năm; của Mỹ là 20 tấn và của Trung Quốc là 4 tấn. Theo Nghị định thư Ki-ô-tô, Ấn Độ không có nghĩa vụ pháp lý hay bắt buộc phải giảm lượng khí thải hàng năm.
3. Hội nghị thượng đỉnh tổ chức GUAM
Ngày 1-7-2008, tại Ba-tu-mi (Gơ-ru-di-a) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh lần thứ ba của tổ chức GUAM, gồm các nước Gơ-ru-di-a, U-crai-na, A-déc-bai-dan và Môn-đô-va, với chủ đề “GUAM gắn kết với Đông Âu”. Tham dự Hội nghị có 25 nước và các tổ chức quốc tế, trong đó có tổng thống các nước Ba Lan, Lit-va; đại diện Hội đồng châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Cộng hòa Séc... Hội nghị sẽ xem xét đề nghị của U-crai-na về việc thành lập Trung tâm điều phối quốc tế kiểm tra chất lượng và khối lượng gas của Nga cung cấp cho châu Âu đi qua U-crai-na, với sự tham gia của đại diện GUAM, Ba Lan và các nước vùng Ban-tích; ra Tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Ba-tu-mi, Tuyên bố GUAM về việc sử dụng tiềm năng vận chuyển và quá cảnh; Thông cáo thượng đỉnh; Chương trình hoạt động của quyền Chủ tịch GUAM của Gơ-ru-di-a. Tại Hội nghị, tổng thống các nước Gơ-ru-di-a, U-crai-na và A-déc-bai-dan đã ký một loạt văn kiện về lĩnh vực nhân văn và bảo vệ pháp luật, hiệp định về hợp tác và an ninh trong lĩnh vực kinh tế.
4. Lãnh đạo ba nước Trung Đông hội đàm hòa bình tại Nhật Bản
Ngày 2-7-2008, các quan chức cấp cao của ba nước là I-xra-en, Gioóc-đa-ni và Pa-let-xtin nhóm họp và hội đàm tại Nhật Bản để bàn cách tạo dựng nền tảng hòa bình trong khu vực thông qua quá trình cải thiện nềnkinh tế Pa-let-xtin. Nhật Bản, một nước đang tìm kiếm vai trò lớn hơn tại Trung Đông, đã đứng ra tổ chức cuộc gặp này trước khi chủ trì Hội nghị thượng đỉnh G8 vào tuần đầu tháng 7-2008, mà Trung Đông sẽ là vấn đề trong chương trình nghị sự và hy vọng cuộc đàm phán lần này của đại diện ba nước sẽ đạt được thỏa thuận về một dự án có sự tham gia của Tô-ki-ô khởi đầu bằng công trình xây dựng Công viên công nghệ nông nghiệp tại Bờ Tây. Ông Ba-si-ơ, Ngoại trưởng Giooc-đa-ni, tuyên bố với báo giới sau cuộc gặp rằng, Dự án này thể hiện nhận thức về mối quan hệ giữa sự thịnh vượng và đảm bảo hòa bình bền vững cho tất cả các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định, cách tốt nhất để giải quyết cuộc xung đột kéo dài giữa I-xra-en và Pa-le-xtin là giải pháp hai quốc gia cùng tồn tại hoà bình như đã từng được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh tháng 11-2007 ở An-na-pô-lít (Mỹ). Theo Ngoại trưởng Gioóc-đa-ni, xung đột giữa I-xra-en và Pa-le-xtin là vấn đề cốt lõi ở Trung Đông. Một khi giải quyết được mâu thuẫn này, các quốc gia trong khu vực sẽ phải đối mặt với những thách thức chính trị khác và vấn đề phát triển kinh tế. Ngoại trưởng Nhật Bản Ma-sa-hi-cô Cao-mu-ra đã có cuộc đàm phán với người đứng đầu đoàn đại biểu I-xra-en, Bộ trưởng Bảo vệ môi trường Gi-đe-ôn Et-ra, với người đồng cấp Giooc-đa-ni và Bộ trưởng Kế hoạch Pa-let-xtin Xa-mi Ap-đu-la (Samir Abdullah).
5. Tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược Nga - A-déc-bai-dan
Quan hệ Nga - A-déc-bai-dzn
Ngày 3-7-2008, Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống A-déc-bai-dan I.A-li-ép ký Tuyên bố về quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược sau cuộc hội đàm diễn ra cùng ngày tại thủ đô Ba-cu của A-déc-bai-dan. Đồng thời, Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và Tổng thống I.A-li-ép chứng kiến đại diện Bộ Ngoại giao hai nước ký thoả thuận hợp tác trong lĩnh vực trao đổi tư liệu; đại diện Bộ Nội vụ hai nước ký Biên bản ghi nhớ về phối hợp trong lĩnh vực bảo đảm an toàn vận tải quá cảnh. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cơ quan thuế của Nga và A-déc-bai-dan ký thoả thuận về hợp tác trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm trong lĩnh vực Hải quan; các cơ quan về tài sản quốc gia của hai nước ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực cổ phẩn hoá.
6. Đại hội dầu mỏ thế giới lần thứ 19
Ngày 3-7-2008, tại thủ đô Ma-đrit của Tây Ban Nha, Đại hội dầu mỏ thế giới (WPC) lần thứ 19 bế mạc với hy vọng sẽ có được nguồn cung cấp dầu mỏ an toàn hơn và bền vững hơn trong tương lai. Nhưng dư luận cho rằng, Đại hội lần này đạt được rất ít sự đồng thuận về cách thức hành động để đối phó với tình trạng giá dầu liên tục tăng cao. Ông Ran-đan Gô-xen (Randall Gossen), Chủ tịch WPC, thông báo các đại biểu tham dự Đại hội đã tập trung thảo luận về các chủ đề bảo đảm cung ứng dầu mỏ an toàn và tin cậy, các biện pháp cải thiện hoạt động của ngành công nghiệp năng lượng hướng tới mục tiêu thân thiện hơn với môi trường và đáp ứng được mong muốn của xã hội. Các công ty dầu mỏ quốc tế và quốc gia cũng nhất trí về lợi ích của việc tăng nguồn cung dầu mỏ, nguồn năng lượng chính của thế giới trong nhiều thập kỷ tới. Tuy nhiên, trong các cuộc thảo luận không thấy có tín hiệu cho thấy khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng giá năng lượng hiện nay, bởi các nước tiêu thụ và sản xuất dầu mỏ vẫn bất đồng về nguyên nhân gây tình trạng tăng giá dầu. Các nước sản xuất dầu mỏ cho rằng, nguyên nhân chủ yếu khiến giá dầu tăng cao là do sự đầu cơ và sự sụt giá của đồng USD, còn mức cung hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu dầu mỏ trên thế giới. Trong khi đó, các nước nhập khẩu lại cho rằng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng trên thế giới là yếu tố chính khiến giá dầu mỏ tăng mạnh và yêu cầu các nước sản xuất dầu mỏ tăng sản lượng khai thác.
7. Chuyến bay lịch sử giữa hai bờ eo biển Đài Loan
Chuyến bay đầu tiên giữa hai bờ eo biển
Ngày 4-7-2008, hơn 100 khách du lịch từ Trung Quốc đại lục đã tới Đài Loan trong chuyến bay trực tiếp và thường xuyên đầu tiên trong gần 60 năm qua giữa hai bờ eo biển Đài Loan của hãng hàng không "China Southern Airlines". Đây là chuyến bay mở đầu trong số 9 chuyến bay hạ cánh xuống Đài Loan vào ngày 4-7-2008. Trong tuần, sẽ có 36 chuyến bay từ xuất phát từ 5 thành phố lớn của Trung Quốc bay tới 8 sân bay ở Đài Loan, đưa hơn 600 khách du lịch Trung Quốc tới Đài Loan. Họ sẽ là những khách du lịch đầu tiên được tiếp đón đặc biệt. Sắp tới đây, kể từ ngày 18-7-2008, mỗi ngày sẽ có khoảng 3.000 người Trung Quốc thăm Đài Loan. Kể từ năm 1949 tới nay, không có các chuyến bay trực tiếp, thường xuyên giữa Trung Quốc và Đài Loan, không kể các ngày lễ đặc biệt. Thoả thuận mở chuyến bay trưc tiếp đạt được trong lần đón chào Năm mới năm 2003. Năm 2006, hai bên thoả thuận mở thêm các chuyến bay trực tiếp vào dịp các ngày lễ truyền thống của Trung Quốc. Theo các chuyên gia kinh tế Đài Loan, các chuyến bay trực tiếp và thường xuyên sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế trên hai bờ eo biển này.
8. Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun kêu gọi người dân Hàn Quốc ủng hộ Chính phủ Xơ-un trong quyết định tái nhập khẩu thịt bò từ Mỹ
Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun kêu gọi người dân Hàn Quốc ủng hộ Chính phủ Xơ-un trong quyết định tái nhập khẩu thịt bò từ Mỹ
Ngày 4-7-2008, trong bài phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Hàn Quốc Han Xê-ung-xô (Han Seung-soo), Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun nói với người dân Hàn Quốc rằng, họ hãy tin tưởng và ủng hộ chính phủ xung quanh vấn đề nhập khẩu thịt bò của Mỹ. Theo ông Ban Ki Mun, chính phủ Hàn Quốc có trách nhiệm rất quan trọng trong việc đảm bảo an toàn và sức khỏe của người dân. Qua câu chuyện thịt bò, ông cũng nhận thấy tầm quan trọng của người dân trong việc ủng hộ chính sách của chính phủ và sự tin cậy của dân chúng vào bộ máy lãnh đạo của đất nước. Từ tháng 4-2008, Hàn Quốc thỏa thuận lại nhập khẩu thịt bò từ Mỹ và quyết định đó của Chính phủ khiến người dân Hàn nổi giận. Họ tiến hành nhiều cuộc biểu tình lớn phản đối vì lo ngại nguy cơ từ bệnh bò điên sẽ lan từ Mỹ sang Hàn Quốc. Mỹ và Hàn Quốc đã phải đàm phán lại về việc hạn chế nhập khẩu thịt bò trên 30 tháng tuổi. Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra hàng ngày và người dân luôn yêu cầu tái đàm phán chuyện nhập khẩu thịt bò. Phát biểu của Tổng thư ký Liên hợp quốc đã chứng tỏ sự quan ngại của ông trước tình hình biểu tình tại Hàn Quốc đang gia tăng.
9. Vác-sa-va từ chối kế hoạch của Mỹ triển khai tên lửa đánh chặn ở Ba Lan
Tiếp tục cuộc thi đầy ý nghĩa  (07/07/2008)
Thị trường tiền tệ bắt đầu giảm nhiệt  (07/07/2008)
Năm 2009 vẫn tổ chức thi tuyển sinh đại học  (07/07/2008)
Tiếp tục cuộc thi đầy ý nghĩa  (07/07/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên