Thế giới sáu tháng đầu năm 2008: Những lo âu xen với những niềm hy vọng mới
Từ những ngày đầu năm 2008, nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế đã dự báo, trong năm sẽ diễn ra các sự kiện có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với thế giới. Tới nay, sáu tháng trôi qua, một số sự kiện như dự báo và nhiều sự kiện khác đã bất ngờ diễn ra, vừa tạo ra những mối lo âu vừa nhen nhóm những niềm hy vọng mới với nhân loại.
1- Những nỗi loa âu mới
- Cuộc khủng hoảng lương thực trên toàn cầu
Tác động của khủng hoảng lương thực
Trong 6 tháng đầu năm 2008, giá lương thực leo thang cùng với sự tăng giá của nhiều mặt hàng tiêu dùng khác làm trầm trọng thêm nguy cơ nghèo đói và lạm phát trên quy mô toàn cầu. Theo phân tích của Ngân hàng thế giới (WB), do giá lương thực và thực phẩm tăng cao, tỷ lệ người nghèo đói trên thế giới trong ba năm gần đây tăng từ 3% đến 5%. Trên thế giới, có tới 37 nước đang phải đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực. Theo Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) và WB đưa ra ngày 10-04-2008, ở các nước đang phát triển, giá gạo tăng hơn 30%, khiến nỗ lực xoá đói giảm nghèo bị đẩy lùi khoảng 7 năm.
Đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực, nhóm các nước đang phát triển G-24 ra thông cáo kêu gọi các nước phát triển tăng cường hỗ trợ tài chính, giúp các nước nghèo đối phó với hậu quả của giá lương thực, thực phẩm tăng cao, đồng thời kêu gọi IMF và WB phát huy vai trò cố vấn hỗ trợ tài chính, giúp các nước nghèo đối phó với cuộc khủng hoảng lương thực hiện nay. Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) kêu gọi các nước giàu đóng góp khẩn cấp 500 triệu USD để đối phó với với cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu đang gia tăng. Hơn 60 nước đã ủng hộ lời kêu gọi của WB và Liên hợp quốc về sự cần thiết phải có những thay đổi mạnh mẽ trong cách thức trồng trọt trên thế giới hiện nay.
- Cuộc khủng hoảng năng lượng bùng phát dữ dội hơn
Khủng hoảng năng lượng
Cùng với cuộc khủng hoảng lương thực, cuộc khủng hoảng năng lượng âm ỉ trong mấy năm qua đã bùng phát dữ dội trong những tháng đầu năm 2008. Giá dầu "phi nước kiệu" khiến kinh tế thế giới phát triển chậm lại, trước hết là ở các nền kinh tế lớn. Theo dự báo của IMF, tốc độ tăng trưởng của kinh tế thế giới năm 2008 chỉ đạt 3,5%, đứng trước ranh giới khủng hoảng, trong đó có cả Mỹ - đầu tàu của kinh tế thế giới.
Giá dầu tăng còn đe dọa trực tiếp tới hoà bình và an ninh quốc tế. Tổ chức Năng lượng quốc tế (IEA) dự báo, năm 2008 thế giới cần bổ sung thêm khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày so với 1,5 triệu thùng trong năm 2007 và nhu cầu này sẽ tăng 2%/năm cho đến năm 2012. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, với mức tiêu thụ như hiện nay, nhu cầu sử dụng dầu mỏ của thế giới đến 2025 sẽ tăng thêm khoảng 35%. Các nước phát triển vẫn là các nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ, trong đó Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới với mức tiêu thụ khoảng 21 triệu thùng/ngày (chiếm gần ¼ lượng tiêu thụ dầu của thế giới). Xã hội tiêu dùng góp phần làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng.
Từ trước đến nay, các khu vực trọng điểm chiến lược về dầu lửa của thế giới như Trung Đông, Trung Á, Mỹ La-tinh, châu Phi và các đại dương luôn là mục tiêu của các nước có tham vọng khu vực và toàn cầu. Nước Mỹ với sức mạnh quân sự vượt trội so với bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào đang tìm mọi cách làm chủ và khống chế các khu vực có nguồn năng lượng lớn nhất tại Trung Đông và các vùng chiến lược khác. Đồng thời, các nước sở hữu nguồn dầu mỏ lớn cũng không được sống yên ổn và đang trở thành mục tiêu tiến công của chủ nghĩa khủng bố. Ả-rập Xê-út - quốc gia chiếm 25% trữ lượng dầu thế giới với những nhà máy lọc dầu và hệ thống kho chứa khổng lồ, đã trở thành mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố quốc tế. Tình hình này đe dọa an ninh kinh tế thế giới. Chỉ cần một vài nhà máy lọc dầu trọng yếu của Ả-rập Xê-út bị tấn công, kinh tế toàn cầu sẽ đứng trước sự đình trệ và rơi vào khủng hoảng.
- Lạm phát: mối đe dọa lớn nhất đối với châu Á
Lạm phát ở châu Á
Trong tuần đầu tháng 6-2008, Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhận định rằng, nguy cơ lạm phát cao vẫn là mối lo ngại chính của khu vực châu Á với mức lạm phát trong năm 2008 sẽ vượt quá mốc dự báo 5,1% hồi tháng 4-2008. Lạm phát ở Ấn Độ, Hàn Quốc tăng với tốc độ nhanh nhất trong 7 năm qua. Xin-ga-po, Thái Lan, Phi-líp-pin và In-đô-nê-xi-a cũng đang phải đối phó với lạm phát từ 7,5% đến 11%. ADB dự đoán, năm 2008 khu vực châu Á sẽ đạt tăng trưởng 7,6%, thấp hơn so với mức 8,7% trong năm 2007. Theo ADB, khoảng 1 tỉ người ở châu Á đang bị ảnh hưởng lớn do lạm phát.
- Thảm họa môi trường chưa từng có trong mấy chục năm qua
Bão ở Mianma
Ngày 3-5-2008, cơn bão Na-git đổ bộ vào Mi-an-ma có sức tàn phá mạnh không kém một cuộc chiến tranh lớn, khiến gần 100.000 người chết và hơn 1,5 triệu người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi thảm họa này. Thế giới chưa hết bàng hoàng thì chỉ sau hơn một tuần lễ, vào ngày 12-5-2008, một vụ động đất kinh hoàng đã xảy ra tại huyện Văn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên, Tây Nam Trung Quốc. Hãng thông tấn Tân hoa cho biết, trong thảm hoạ động đất này, có tới gần 100 ngàn người thiệt mạng.
Cơn bão khủng khiếp đổ bộ vào Mi-an-ma và vụ động đất ở Trung Quốc đặt ra trước toàn nhân loại một thách thức có tính toàn cầu rằng loài người đang phải đối mặt với các nguy cơ tiềm ẩn do thiên nhiên gây ra, và, để đối phó với nó cần có sự nỗ lực của tất cả các quốc gia. Hội nghị Bộ trưởng môi trường Nhóm các nước công nghiệp phát triển họp ngày 29-5-2008 đã ra tuyên bố chung khẳng định ý chí chính trị mạnh mẽ của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới trong việc cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2050. Hội nghị cũng nhấn mạnh, các nước phát triển phải đi đầu trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên. EU cam kết cắt giảm 20% lượng khí thải và đề nghị tăng lên 30% nếu các nước khác cũng đưa ra cam kết tương tự. Mỹ không đưa ra cam kết trung hạn mà đề nghị các nước đang phát triển như Trung Quốc phải đưa ra cam kết trước. Nhật Bản cũng chưa ấn định mục tiêu giảm khí thải từ nay đến năm 2020.
- Châu Phi chưa hết nguy cơ xung đột triền miên
Ngày 10-6-2008, một chỉ huy cấp cao của phe Hồi giáo đối lập ở Xô-ma-li lên tiếng bác bỏ Thoả thuận ngừng bắn vừa được Chính phủ Xô-ma-li và Liên minh đối lập ký ngày 09-06-2008, cam kết ngừng chiến sau các cuộc thương lượng tiến hành tại Đu-bu-ti (Djibouti) dưới sự chủ tọa của Liên hợp quốc, nhằm đưa đất nước này ra khỏi cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn kéo dài 17 năm qua, khiến hơn 300.000 người thiệt mạng. Thoả thuận ngừng chiến sẽ có hiệu lực trong thời hạn 90 ngày, sau 30 ngày kể từ thời điểm ký kết, cho phép Liên hợp quốc triển khai tại đây một lực lượng quốc tế gìn giữ hoà bình. Trong thời hạn 120 ngày này, Chính phủ quá độ sẽ hành động theo quyết định đã được Chính phủ Ê-ti-ô-pi đưa ra về việc rút quân của họ ra khỏi Xô-ma-li sau khi Liên hợp quốc triển khai đủ lực lượng tại quốc gia này. Tuy nhiên, khi một trong những nhân vật đối lập có ảnh hưởng lớn trong bộ chỉ huy cấp cao của phe Hồi giáo đối lập lên tiếng phủ nhận, thì thoả thuận ngừng bắn giữa Chính phủ và Liên minh đối lập vừa được ký kết chưa ráo mực đứng trước nguy cơ bị phá vỡ và tình hình chính trị bất ổn và căng thẳng có thể sẽ tiếp tục kéo dài tại Xô-ma-li - một quốc gia được coi là nguồn gốc các cuộc xung đột chưa có dấu hiệu suy giảm và có thể đưa châu Phi rơi vào vòng xoáy bạo lực bất cứ lúc nào.
- "Siêu nhà nước" EU đứng trước những khó khăn
Hội nghị Nga - EU
Chỉ với hành động của đa số dân chúng ở Cộng hoà Ai-len từ chối phê chuẩn bản dự thảo Hiến pháp EU trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 14-6-2008 đã làm cho kế hoạch cải cách EU một lần nữa bị phá sản. Trước đó, năm 2005, các cử tri Hà Lan và Pháp đã từng bác bỏ dự thảo Hiến pháp EU. Lần này, đa số người dân Ai-len không bỏ phiếu ủng hộ bản hiệp ước mới vì cho rằng nó sẽ làm mất đi quyền lực cũng như sự trung lập và chủ quyền của đất nước họ. Đến nay, tuy dự thảo Hiến pháp EU đã được đa số các chính phủ trong EU ủng hộ nhưng để có hiệu lực nó phải được tất cả 27 quốc gia thành viên EU phê chuẩn. Như vậy, với sự bác bỏ của đa số dân chúng Ai-len, vị thế của EU như là một "siêu quốc gia" và đang có ý định trở thành một cực trong trật tự thế giới mới, đã bị lung lay ngay trong những bước đi đầu tiên.
- Bài toán "vấn đề hạt nhân của I-ran" vẫn chưa có lời giải
Bước vào năm 2008, nhiều chuyên gia chính trị quốc tế tỏ ra hy vọng rằng năm nay sẽ là thời đoạn có ý nghĩa quyết định đối với việc giải quyết "vấn đề hạt nhân của I-ran" sau khi đã có tiền lệ tiến triển lạc quan trong việc giải quyết chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, trong sáu tháng đầu năm 2008, vấn đề này vẫn còn bế tắc. Một mặt, Mỹ, EU và một số nước khác không ngừng đưa ra các "biện pháp rắn" như cấm vận kinh tế và thương mại đối với I-ran, thậm chí Oa-sinh-tơn còn bắn tin sẽ tiến công quân sự nhằm vào I-ran, nhưng xem ra Tê-hê-ran chưa có dấu hiệu lùi bước. Để đề phòng một cuộc chiến tranh mới có thể bùng phát ở Vùng Vịnh dẫ ntới nguy cơ tăng giá dầu và làm phá sản thị trường tiền tệ, hoặc chí ít cũng tránh được các biện pháp cấm vận quốc tế cứng rắn nhằm vào I-ran, Chính phủ ở Tê-hê-ran quyết định rút 75 tỉ USD ra khỏi các ngân hàng ở châu Âu. Hành động đó chứng tỏ cuộc xung đột giữa các nước phương Tây với I-ran trong vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran sẽ có những diễn biến mới phức tạp hơn. Tuy nhiên, I-ran vẫn một mực tuyên bố theo đuổi chương trình phát triển công nghệ hạt nhân "vì mục đích hoà bình". Vậy, mấu chốt ở đâu? Theo nhận xét của cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin, vấn đề hạt nhân của I-ran chỉ có thể giải quyết được một khi các nước tôn trọng lợi ích của nhau và tìm ra sự dung hoà như trong câu chuyện hạt nhân của Triều Tiên. Qua vấn đề hạt nhân của I-ran, các nước lớn sẽ tìm được cách cùng “chung sống hoà bình”, một yếu tố có ý nghĩa quyết định trong nền chính trị thế kỷ XXI.
- Lò lửa chiến tranh vẫn âm ỉ trên bán đảo Ban-căng
Sáu tháng đầu năm 2008, thế giới chứng kiến một sự kiện có thể có tác dụng như cú huých gây ra phản ứng dây chuyền đối với phong trào ly khai sắc tộc trên khắp thế giới: Cô-xô-vô, một tỉnh tự trị và là phần lãnh thổ thiêng liêng của Cộng hoà Xec-bi, đã được Mỹ và EU trao cho quyền độc lập, tách khỏi nước cộng hoà này. Cô-xô-vô có diện tích vẻn vẹn hơn 10 km2, dân số trên 2 triệu người, nhưng ẩn chứa trong lòng đất gần như tất cả các loại khóang sản quý hiếm, đặc biệt là dầu mỏ - "vàng đen" của thế kỷ XXI. Để tách Cô-xô-vô ra khỏi Cộng hoà Xéc-bi, năm 1999 Mỹ và NATO đã mở một cuộc chiến tranh hiện đại nhất. Giờ đây, họ đã đạt được ý định "trao trả" cho Cô-xô-vô "quyền độc lập" và tách hẳn ra khỏi Xéc-bi. Theo ý kiến của đa số các chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, sự kiện Cô-xô-vô được trao quyền độc lập có thể châm ngòi cho hàng loạt hành động ly khai dân tộc và sắc tộc ở nhiều nới trên hành tinh. Ngày 28-6-2008, người Xéc-bi chỉ chiếm 15% dân số ở Cô-xô-vô đã đứng ra thành lập Quốc hội riêng để tranh đấu cho quyền lợi của họ tại đây. Hành động này bị Mỹ và EU coi là "bất hợp pháp". Như vậy, Cô-xô-vô một lần nữa lại tiềm ẩn nguy cơ một cuộc xung đột mới ở Ban Căng.
2- Những sự kiện thắp lên niềm hy vọng mới
- Cuộc bầu cử Tổng thống ở Nga đầu năm 2008
Nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, trong năm 2008, cuộc bầu cử tổng thống ở Nga và ở Mỹ là những sự kiện có tác động thay đổi thế giới bởi hai quốc gia này không chỉ lựa chọn người đứng đầu nhà nước mà còn là lựa chọn chiến lược phát triển trong bối cảnh thế giới đứng trước những biến chuyển lớn. Sáu tháng đầu năm 2008, cuộc bầu cử tổng thống ở Nga đã tiến hành thành công như ý nguyện không chỉ của người dân Nga mà còn là mong đợi và hy vọng của người dân ở nhiều quốc gia khác trên hành tinh. Tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã tuyên thệ nhậm chức, chính thức nhận sự chuyển giao quyền lực từ Tổng thống V.Pu-tin. Đồng thời, Quốc hội Nga đã phê chuẩn chức Thủ tướng Nga của Cựu tổng thống V.Pu-tin. Đây là hiện tượng đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử nước Nga, ít có trong lịch sử thế giới, khiến giới phân tích chính trị quốc tế tốn rất nhiều giấy mực và thời gian để bàn luận. Thời gian qua chứng tỏ tân Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép sẽ kiên trì thực hiện chính sách và chiến lược đã từng được cựu Tổng thống V.Pu-tin thực thi thành công, góp phần quan trọng đưa nước Nga trở lại vị thế cường quốc quân sự, kinh tế và chính trị. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố, cuối năm 2008 sẽ đưa nước Nga trở thành một trong sáu nền kinh tế hàng đầu thế giới, đưa đồng tiền rúp trở thành một ngoại tệ mạnh như đồng ơ-rô hoặc đô-la. Sự lớn mạnh của nước Nga, theo giới bình luận chính trị quốc tế, sẽ góp phần quan trọng tạo lập sự cân bằng chiến lược quân sự và chính trị trên thế giới.
- Quốc hội Mỹ điều trần về chất độc da cam
Sáu tháng đầu năm 2008, dư luận quốc tế, mà trước hết là dư luận ở Mỹ, chứng kiến một sự kiện mang lại niềm hy vọng mới cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam trong chiến tranh Việt Nam: trong 2 ngày 14 và 15-05-2008, lần đầu tiên, Quốc hội Mỹ tiến hành điều trần vấn đề chất độc da cam tại Việt Nam với chủ đề "Trách nhiệm bị lãng quên của chúng ta (Mỹ): Chúng ta có thể làm gì để giúp các nạn nhân chất độc da cam". Hơn 30 năm sau khi kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, lần đầu tiên, vấn đề trách nhiệm của phía Mỹ đối với các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được chính thức đặt ra tại một phiên điều trần của Quốc hội Mỹ. Phiên điều trần này là rất cần thiết để dư luận ở Mỹ thấu hiểu hơn về những hậu quả mà cuộc chiến tranh do họ tiến hành đã gây ra đối với nhân dân Việt Nam.
- Tín hiệu “ấm áp” ở Đông Bắc Á và Đông Á
Đông Bắc Á lâu nay vẫn được coi là một "điểm nóng" bởi tại đây hội tụ các mâu thuẫn đan xen dễ dẫn đến xung đột. Ngày 6-5-2008, lần đầu tiên sau 10 năm, nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào tới thăm Nhật Bản nhằm cải thiện mối quan hệ mang tính tổng thể giữa hai quốc gia, hướng tới tầm xa hơn là giải quyết các vấn đề bất đồng lâu nay trong quan hệ hai bên, đưa quan hệ Trung - Nhật chuyển từ thời kỳ "tan băng" sang giai đoạn "mùa xuân ấm áp". Cả hai nước đều xuất phát từ lợi ích song phương: Trung Quốc muốn có được công nghệ và đầu tư của Nhật Bản nhằm phát triển kinh tế, còn Nhật Bản muốn bán nhiều hơn các sản phẩm, hàng hoá của mình tới Trung Quốc.
Cũng ở Đông Bắc Á, không thể không quan tâm đến quan hệ giữa Trung Quốc với hai miền Triều Tiên. Ngày 28-5-2008, Tổng thống Hàn Quốc Li Mi-ung Bắc (Lee Myung-Bak) có chuyến thăm Trung Quốc để thống nhất quan điểm nâng cấp quan hệ song phương trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh và thiết lập đối thoại chiến lược ở cấp Bộ Ngoại giao hai nước. Tuyên bố chung được Tổng thống Hàn Quốc và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ký khẳng định hai bên nhất trí chuyển từ mối quan hệ “đối tác toàn diện và hợp tác” thành “đối tác hợp tác chiến lược”. Ngày 26-6-2008, Bình Nhưỡng đã gửi báo cáo công bố chi tiết về chương trình hạt nhân của họ cho phía Trung Quốc - nước Chủ tịch Hội nghị đàm phán 6 bên, gồm toàn bộ danh sách vật liệu hạt nhân, các cơ sở và chương trình hạt nhân. Ngay trong ngày hôm đó, Chính phủ Mỹ ra tuyên bố hoan nghênh động thái này của Bình Nhưỡng và cam kết trong vòng 45 ngày sẽ xóa tên CHDCND Triều Tiên khỏi danh sách các nước hỗ trợ khủng bố và huỷ bỏ các chế tài khác đối với nước này. Ngày hôm sau, 27-6-2008, CHDCND Triều Tiên tiến hành phá huỷ tháp làm lạnh của cơ sở hạt nhân ở Dông Piên (Yongbyon) trước sự chứng kiến của đại diện các nước tham gia đàm phán 6 bên. Sự kiện này mở ra hy vọng cho quá trình phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên.
Một niềm hy vọng nữa được nhen lên ở Đông Á trong sáu tháng đầu năm 2008 là sự ấm lên trong quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan qua chuyến viếng thăm Trung Quốc có tính chất lịch sử của ông Ngô Bá Hùng, người đứng đầu Quốc dân Đảng đang cầm quyền ở Đài Loan, đánh dấu bước tiến triển lớn nhất trong vòng gần 60 năm qua trong quan hệ giữa Quốc dân Đảng với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chuyến thăm của ông Ngô Bá Hùng lần này thể hiện xu hướng tăng cường hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan theo phương châm một “quốc gia hai chế độ”.
- Hoà bình mong manh trên Dải Ga-da
Kể từ 3 giờ (giờ GMT) ngày 19-6-2008, thỏa thuận ngừng bắn song phương giữa I-xra-en và Pa-let-xtin có hiệu lực, theo đó, I-xra-en sẽ nới lỏng phong tỏa trong vòng 1 năm đối với hoạt động cung cấp nhiên liệu, lương thực và thuốc men cho Pa-let-xtin và ngừng các chiến dịch quân sự kéo dài lâu nay với mục đích ngăn chặn các cuộc phóng tên lửa từ Dải Ga-da sang lãnh thổ I-xra-en. Phong trào Ha-mát hiện đang kiểm soát Dải Ga-da khẳng định rằng, các tay súng của họ sẽ tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn. Phía I-xra-en hy vọng, thỏa thuận ngừng bắn lần này sẽ góp phần chấm dứt các cuộc tấn công sang miền nam I-xra-en. Còn Ai Cập cam kết sẽ ngăn chặn nạn buôn lậu vũ khí từ lãnh thổ của họ vào Dải Ga-da. Thoả thuận này nhen lại niềm hy vọng hoà bình mong manh trên Dải Ga-da, bởi đây không phải là lệnh ngừng bắn đầu tiên trên dải đất đầy xung đột này.
- Liệu nước Mỹ có hướng tới "sự thay đổi”?
Theo dự báo của nhiều chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, đối với Nước Mỹ, năm 2008 sẽ là một năm của những cuộc vận động vừa ngầm ngầm, vừa công khai, vừa thoả hiệp vừa đối đầu quyết liệt giữa hai đảng cầm quyền. Sau thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ trong năm 2006, Đảng Cộng hoà mất quyền kiểm soát ở cả hai viện, đang ra sức vận động với hy vọng “không trắng tay” trong việc tạo dựng cho họ một ứng cử viện sáng giá vào ghế chủ nhân Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm 2008. Còn Đảng Dân chủ kiến quyết không để cho người của Đảng Cộng hoà ngồi vào Phòng bầu dục thêm một nhiệm kỳ nữa. Nếu Đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc đua maraton vào Nhà Trắng trong năm 2008, thì chiến thắng của họ trong năm 2006 sẽ là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, chấm dứt một thập niên cầm quyền của Đảng Cộng hoà. Trở thành người đại diện cho Đảng Dân chủ ra tranh cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11-2008, ông B.Ô-ba-ma với khẩu hiệu tranh cử “Hướng tới sự thay đổi” ("To The Change") trở thành người Mỹ gốc Phi đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ đại diện cho một trong hai chính đảng của nước Mỹ tham gia “cuộc đua” vào Nhà Trắng./.
Tiếp tục cuộc thi đầy ý nghĩa  (07/07/2008)
Đồng Tháp tiếp tục phát triển hợp tác xã nông nghiệp  (07/07/2008)
Công cụ hữu hiệu để sử dụng ngành nông nghiệp cho phát triển là gì?  (05/07/2008)
Ngày thi đầu tiên kỳ thi đại học - cao đẳng năm học 2008-2009  (04/07/2008)
Việt Nam và Công quốc Lích-ten-xtên thiết lập quan hệ ngoại giao  (04/07/2008)
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên