Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, để động viên tinh thần yêu nước của các tầng lớp nhân dân phục vụ thắng lợi công cuộc kháng chiến và kiến quốc, "Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm", ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc. Đã sáu mươi năm trôi qua, nhưng những tư tưởng của Hồ Chí Minh trong Lời kêu gọi thi đua ái quốc vẫn nóng hổi tính thời sự, như nhắc nhở chúng ta hôm nay cần phải hiểu rõ hơn, vận dụng và thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua yêu nước trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước không chỉ thuần tuý nghiên cứu trong Lời kêu gọi Thi đua ái quốc năm 1948, cũng không chỉ nghiên cứu trong các bài nói, bài viết của Người về thi đua yêu nước, mà còn cần phải nghiên cứu hoạt động thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua trong quá trình cách mạng Việt Nam do Người và Đảng ta lãnh đạo. Có như thế mới có thể hiểu được bản chất thực sự của thi đua yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh.

Nội dung cốt lõi cũng như bản chất thực sự trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là nhằm khơi dậy, phát huy tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân vào hành động yêu nước, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc cách mạng, thực hiện tốt hơn những công việc hàng ngày. Tư tưởng của Hồ Chí Minh nêu trên xuất phát và biểu hiện trên những vấn đề cơ bản: một là, từ việc Người hiểu rất sâu sắc về truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam và tầm quan trọng của thi đua yêu nước; hai là, chỉ rõ tính hướng đích của thi đua yêu nước là làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước; ba là, yêu cầu rõ về tính thực tiễn, cụ thể, thiết thực của thi đua yêu nước là phải được thực hành vào công việc yêu nước, mà thực chất là làm tốt hơn những công việc hàng ngày.

Ở vấn đề thứ nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một luận điểm rất quan trọng về tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, Người đánh giá rất cao tinh thần yêu nước của dân tộc: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(1). Đó là truyền thống quý báu, là động lực tinh thần to lớn của dân tộc Việt Nam trong quá trình tồn tại và phát triển của mình. Truyền thống quý báu, động lực tinh thần to lớn ấy, theo Hồ Chí Minh, “cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có khi cất dấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn phận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến"(2). Ở đây cho thấy mối quan hệ rất chặt chẽ giữa yêu nước và thi đua trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
 
 Yêu nước đòi hỏi phải thi đua và là động lực của thi đua; thi đua thể hiện tinh thần yêu nước và làm cho tinh thần yêu nước không phải cất ở “trong rương, trong hòm” mà là được phát huy trong thực tiễn hành động của con người, thực hành vào công việc yêu nước. Mối quan hệ biện chứng, đòi hỏi và thúc đẩy lẫn nhau giữa yêu nước và thi đua được Hồ Chí Minh nêu rõ: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất". Không thể có phong trào thi đua thực sự nếu phong trào đó không xuất phát và được nuôi dưỡng bởi tinh thần yêu nước; tinh thần yêu nước cũng không thể được khơi dậy và phát huy cao nhất trong thực tiễn nếu không có thi đua yêu nước đúng đắn. Bản chất mối quan hệ giữa thi đua và yêu nước đặt ra một cách gắt gao khi tổ chức phong trào thi đua nhất thiết phải dựa trên và nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước. Dù có thể cần phải tính đến các yếu tố khác, các động lực khác, kể cả động lực lợi ích vật chất trong tổ chức phong trào thi đua, nhất là trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay, nhưng động lực chính trị - tinh thần, tinh thần yêu nước phải luôn là động lực cơ bản, chi phối và quyết định.

Ở vấn đề thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước. Theo Hồ Chí Minh, thi đua không phải là một hoạt động tuỳ hứng, tuỳ tiện, mang tính hình thức của các tập thể, các tổ chức, cơ quan, đơn vị, các tầng lớp xã hội, mà phải hướng vào “làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước”. Luận điểm quan trọng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất sâu sắc bản chất và mục đích của thi đua yêu nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, thi đua yêu nước là “phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo”. Người từng nhắc nhở, công tác giáo dục, tuyên truyền tinh thần yêu nước cần phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không khi nào ngừng nghỉ. Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là vấn đề không bao giờ cũ cả. Cần phải giáo dục mãi, giáo dục nhiều, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng làm bật dậy từ trong sâu sa nhất của mỗi con tim, khối óc lòng tự hào dân tộc, ý thức quốc gia - dân tộc, làm cháy lên ngọn lửa nhiệt tình yêu nước trong mỗi con người, trong mọi tầng lớp xã hội, sự khát khao cống hiến vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nhấn mạnh: "Điều cần thiết nhất, là phải giải thích kỹ càng cho mọi người dân hiểu rõ rằng: Thi đua ái quốc là ích lợi cho mình, ích lợi cho gia đình mình và ích lợi cho làng, cho nước, cho dân tộc thế nào. Mỗi người dân đều hiểu rõ thì tất cả mọi khó khăn đều giải quyết được, tất cả mọi khuyết điểm đều sửa chữa được"(3) .

Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thi đua yêu nước không chỉ để khơi dậy tinh thần yêu nước của mọi người dân, dù đó là vấn đề rất quan trọng, mà điều quan trọng hơn là phải biến tinh thần yêu nước ấy thành sức mạnh vật chất hiện hữu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, các công việc yêu nước, như cách đây sáu mươi năm Người đã chỉ rõ là phải phục vụ thắng lợi công cuộc kháng chiến và kiến quốc, "Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm".

Không hướng vào thực hiện thắng lợi các công việc yêu nước thì phong trào thi đua không rõ phương hướng, không thiết thực cụ thể, mất đi ý nghĩa và sức sống của phong trào. Bản chất của thi đua yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh không dung chứa kiểu tổ chức phong trào thi đua chỉ mang tính hình thức, “đầu voi đuôi chuột”, hoặc thi đua theo kiểu ganh đua, "Thi đua không phải là tranh đua”. Bản chất của thi đua yêu nước đòi hỏi mọi người đều phải ra sức thi đua, nêu cao tinh thần yêu nước để làm tốt hơn các công việc yêu nước, không ngoại trừ một ai. Chính vì vậy, để phong trào thi đua yêu nước phát triển sâu rộng và có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người "tuỳ theo sức của mình" mà góp phần thiết thực cho cách mạng. Người chỉ rõ các cụ phụ lão phải “thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc”; các cháu nhi đồng phải “thi đua học hành và giúp việc người lớn”; đồng bào phú hào phải “thi đua mở mang doanh nghiệp”; đồng bào công giáo “thi đua sản xuất”; đồng bào trí thức và chuyên môn “thi đua sáng tác và phát minh”; nhân viên Chính phủ “thi đua tận tuỵ làm việc, phụng sự nhân dân”; bộ đội phải thi đua huấn luyện, giết giặc lập công...

Ở vấn đề thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên một luận điểm rất quan trọng: “công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua”. Trong Lời kêu gọi phát động thi đua yêu nước ngày 01 tháng 8 năm 1949, Người cổ vũ, khen ngợi, biểu dương kết quả thi đua yêu nước của đồng bào, chiến sĩ cả nước và chỉ rõ: "Còn nhiều nơi nhân dân, trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào Thi đua ái quốc dẫn đến những cách hiểu khiếm khuyết sau:

Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những công việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ: Từ trước đến giờ ta vẫn ǎn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ǎn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm.

Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn.

Mọi việc đều thi đua như vậy"(4).

Thi đua là hướng tinh thần yêu nước thực hành vào công việc yêu nước. Công việc yêu nước không phải là cái gì chung chung trừu tượng mà là công việc rất cụ thể, thiết thực, là thực hiện tốt hơn những công việc hàng ngày, đó “chính là nền tảng thi đua”. Luận điểm rất quan trọng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước phản ánh sự thấu hiểu thực tiễn sâu sắc của Người về hoạt động thi đua của con người trong cuộc sống, về đời sống của các tầng lớp nhân dân, về thi đua yêu nước. Đây là luận điểm mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc, thể hiện một vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, nền tảng của thi đua - “công việc hàng ngày", chính trên nền tảng này mà mọi phong trào thi đua yêu nước được nảy sinh, diễn ra và phát triển liên tục, không ngừng.

Tư tưởng nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh như nhắc nhở mọi người cần phải quan tâm thực hiện tốt hơn các công việc hàng ngày, đó là thi đua; và cũng từ chính những công việc hàng ngày mà xây dựng, tổ chức, phát động các phong trào thi đua. Thoát ly các công việc hàng ngày, xem nhẹ, bỏ qua các việc “nhỏ” thì phong trào thi đua sẽ không thiết thực, thiếu sức sống.

Xâu chuỗi lại toàn bộ ba vấn đề phân tích ở trên, chúng ta nhìn rõ hơn những vấn đề rất cơ bản có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước: vấn đề bản chất, mục đích và động lực của thi đua yêu nước. Trên cơ sở đó, chúng ta có được nhận thức và phương pháp luận khoa học đúng đắn để tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn cách mạng mới. Ý nghĩa thực tiễn của việc nghiên cứu bản chất thi đua yêu nước trong tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, trong tình hình mới, càng cần phải phát huy cao độ tinh thần yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; càng cần phải tổ chức thực hiện tốt hơn các phong trào thi đua yêu nước một cách sâu rộng, có hiệu quả và thiết thực hơn./.
 

(1) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2000, tập 6, tr.172
(2) Hồ Chí Minh sđd tr.172
(3) Hồ Chí Minh, sđd, tr. 659
(4) Hồ Chí Minh , sđd , tr. 658