1. Quan hệ giữa hai bờ eo biển Đài Loan

Chủ tịch nước kiêm
Tổng Bí thư ĐCS Trung Quốc Hồ Cẩm Đào
và ông Ngô Bá Hùng 
Ngày 26-05-2008, ông Ngô Bá Hùng, người đứng đầu Quốc dân Đảng - Đảng đang cầm quyền ở Đài Loan đã bắt đầu chuyến viếng thăm có tính chất lịch sử sang Trung Quốc, đánh dấu bước tiến triển lớn nhất trong vòng gần 60 năm qua trong quan hệ với các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông Ngô Bá Hùng đã hội kiến với Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào vào ngày 28-05-2008. Ông Ngô Bá Hùng không phải là Chủ tịch Quốc dân Đảng đầu tiên thăm Đại lục. Năm 2005, ông Liên Chiến với cương vị là Chủ tịch Quốc dân Đảng lần đầu tiên thăm Trung Quốc, nhưng vào thời điểm đó, Quốc dân Đảng chỉ mới là “đảng đối lập” trên chính trường Đài Loan. Do đó, chuyến thăm của ông Ngô Bá Hùng lần này có ý nghĩa khác hẳn, thể hiện phương hướng tăng cường hợp tác giữa hai bờ eo biển Đài Loan theo phương châm một “quốc gia hai chế độ”.

2. Quan hệ Nga - Gru-di-a tiếp tục diễn biến căng thẳng

Ngày 26-05-2008, căn cứ vào cuốn băng ghi hình do phía Gru-di-a cung cấp, Phái bộ của Liên hợp quốc về vấn đề Gru-di-a công bố kết luận điều tra rằng, có thể là máy bay tiêm kích MIG-29 hoặc SU-27 của Nga, chứ không phải do máy bay L-39 của Áp-kha-di-a bắn hạ chiếc máy bay do thám không người lái Germesa-450 của Gru-di-a vào ngày 20-04-2008. Căn cứ vào Báo cáo của Phái bộ Liên hợp quốc, ngày 27-05-2008, Bộ Ngoại giao Gru-di-a yêu cầu phía Nga chính thức đưa ra lời xin lỗi về việc ngày 20-04-2008 đã bắn hạ máy bay của Gru-di-a trên lãnh thổ Áp-kha-di-a và yêu cầu Nga rút lực lượng gìn giữ hòa bình và các phương tiện, kỹ thuật quân sự bổ sung của Nga ra khỏi Áp-kha-di-a, đồng thời đề nghị triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Tại cuộc họp ngày 30-05-2008, mặc dù có sự phản đối của phía Mỹ, đa số ý kiến tại Hội đồng Bảo an cho rằng Gru-di-a đã vi phạmThỏa ước Mát-xcơ-va và thông qua quyết định yêu cầu Gru-di-a ngưng các chuyến bay do thám trên vùng trời Áp-kha-di-a. Đánh giá báo cáo của Phái bộ Liên hợp quốc về việc máy bay không người lái của Gru-di-a bị bắn hạ, đại diện Nga tại Liên hợp quốc cho rằng báo cáo có một loạt những điều không trùng khớp và thiếu sót.

3. Bước phát triển mới trong quan hệ Trung Quốc - Hàn Quốc

Ngày 28-05-2008, Tổng thống Hàn Quốc Li Mi-ung Bắc (Lee Myung-Bak) bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày. Trong cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Tổng thống Hàn Quốc, hai bên thống nhất quan điểm nâng cao mối quan hệ song phương nhằm cải thiện và nâng cao hiệu quả mối quan hệ giữa hai nước trong các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, an ninh và thiết lập đối thoại chiến lược cấp cao nhất giữa Bộ Ngoại giao hai nước. Tuyên bố chung đã được Tổng thống Hàn Quốc Li Mi-ung Bắc và Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ký khẳng định hai bên nhất trí chuyển từ mối quan hệ “đối tác toàn diện và hợp tác” lên thành “đối tác hợp tác chiến lược”. Tổng thống Hàn Quốc Li Mi-ung Bắc bày tỏ hy vọng quan hệ thương mại hai chiều giữa hai nước sẽ vượt qua mức 145 tỉ đô-la của năm 2007. Hai bên đồng ý sẽ tích cực xem xét việc khởi sự đàm phán về hiệp định tự do thương mại.

4. Nê-pan chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến

Cảnh sát bảo đảm trật tự và an ninh
tại Thủ đô Cát-man-đu

Ngày 27-05-2008, Quốc hội mới của Nê-pan gồm 601 đại biểu tiến hành phiên họp thứ nhất và ngày 28-05-2008 chính thức tuyên bố chấm dứt chế độ quân chủ lập hiến tồn tại 239 năm qua ở quốc gia này để thành lập chế độ cộng hòa như quy định trong Hiệp định hòa bình năm 2006. Ðể bảo đảm an ninh cho sự kiện quan trọng này, chính quyền đã ban hành lệnh cấm biểu tình tại các khu vực Hoàng cung, Hoàng gia và Trung tâm hội nghị quốc tế nơi Quốc hội họp; huy động 5.000 cảnh sát bảo đảm trật tự và an ninh tại Thủ đô Cát-man-đu (Kathmandu). Quốc vương Gi-an-nen-đơ-ra (Gyanendra) đồng ý rời cung điện tại Kat-man-đu một cách hòa bình và sống như một dân thường. Cựu quốc vương Gi-an-nen-đơ-ra khẳng định, ông sẽ hợp tác với chính phủ trong việc định giá tài sản trong cung điện cũng như chuyển giao nhân viên bảo vệ riêng cho chính phủ.

5. Hội nghị về an ninh I-rắc tại Thụy Điển

Ngày 29-05-2008, tại Xtốc-khôm (Stockholm), Thuỵ Điển, diễn ra Hội nghị về an ninh I-rắc dưới sự chủ toạ của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki Mun (Ban Ki Moon) và Tổng thống I-rắc Ma-li-ki nhằm đánh giá sự tiến triển về việc thực hiện kế hoạch hành động do Hội nghị về an ninh I-rắc thông qua năm 2007 tại Ai Cập nhằm giúp I-rắc tái thiết sau 5 năm chiến tranh. Một điểm chú ý trong Hội nghị về an ninh I-rắc lần này là Mỹ vẫn cáo buộc I-ran tìm cách làm cho chính phủ I-rắc bất ổn bằng cách huấn luyện và cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy dòng Xi-ai ở I-rắc. Trong khi đó, Tê-hê-ran đã ra tuyên bố bác bỏ điều này. Hội nghị về an ninh I-rắc diễn ra trong bối cảnh các tư lệnh Mỹ tại I-rắc cho biết, tình hình bạo lực tại quốc gia này đang có dấu hiệu thuyên giảm và hy vọng sẽ diễn biến tích cực trong thời gian tới.

6. Tân Thủ tướng Nga V. Pu-tin thăm Pháp

Ngày 29-05-2008, Thủ tướng Nga V.Pu-tin bắt đầu chuyến thăm Pháp trong 2 ngày. Đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Pu-tin trên cương vị Thủ tướng Nga. Trước đó, ngày 23-05-2008, ông Pu-tin đã đến Min-xcơ tham dự phiên họp Hội đồng Chính phủ các nước SNG. Thủ tướng V.Pu-tin gặp và hội đàm với Thủ tướng Pháp Phơ-ran-xit Phi-ông (Francis Fion) và Tổng thống Pháp Ni-cô-la Sác-cô-di để trao đổi về các vấn đề quan hệ kinh tế giữa hai nước Nga - Pháp, trước hết là vấn đề năng lượng, vũ trụ và xây dựng hàng không. Hai bên cùng thảo luận về chương trình vũ trụ Nga - Pháp “Liên hợp” (dùng tên lửa đẩy của Nga phóng vệ tình từ sân bay vũ trụ "Kourou" của Pháp, sự hợp tác giữa Tập đoàn Hàng không vũ trụ của Nga (OAK) với Tập đoàn Hàng không "Airbus" trong việc chế tạo máy bay Sukhoi Superjet 100 (SSJ) của Nga v.v. Ngoài quan hệ song phương, Thủ tướng Nga V.Pu-tin còn thảo luận về việc chuẩn bị đàm phán về Hiệp định đối tác hợp tác chiến lược Nga - EU trong tháng 06-2008.

7. Hội nghị Bộ trưởng Môi trường nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8)

Tại Hội nghị Bộ trưởng Môi trường
nhóm các nước công nghiệp phát triển (G-8)
Ngày 29-05-2008 Hội nghị Bộ trưởng Môi trường nhóm các nước công nghiệp phát triển đã bế mạc với tuyên bố chung khẳng định ý chí chính trị mạnh mẽ của các nước công nghiệp hàng đầu thế giới trong việc cắt giảm một nửa lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (CO2) vào năm 2050. Hội nghị cũng nhấn mạnh, các nước phát triển phải đi đầu trong cuộc chiến ngăn chặn tình trạng Trái Đất ấm lên. Tuyên bố của G-8 không cam kết yêu cầu các nước giàu phải cắt giảm từ 25-40% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020. EU cam kết cắt giảm 20% lượng khí thải và đề nghị tăng lên 30% nếu các nước khác cũng đưa ra cam kết tương tự. Mỹ không đưa ra cam kết trung hạn mà đề nghị các nước đang phát triển như Trung Quốc phải đưa ra cam kết trước. Nhật Bản cũng chưa ấn định mục tiêu giảm khí thải từ nay đến năm 2020.

8. Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD)
 
Hội nghị quốc tế về phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 4 khai mạc vào sáng 28-5, tại thành phố cảng I-ô-cô-ha-ma (Nhật Bản) với sự tham gia của lãnh đạo 41 nước thuộc châu Phi và châu Á. Trong ba ngày diễn ra hội nghị, các đại biểu đã bàn các chủ đề về tăng trưởng kinh tế châu Phi; xây dựng một cơ chế pháp luật bảo vệ an ninh, quyền con người; và các biện pháp đối phó với hiện tượng ấm nóng toàn cầu nhằm xây dựng một châu Phi hòa bình, ổn định và phồn vinh. Phó Thủ tướng Việt Nam Hoàng Trung Hải phát biểu tại phiên họp với chủ đề "Mở rộng quan hệ đối tác: Hợp tác Á - Phi", khẳng định mong muốn của Việt Nam tiếp tục phát triển quan hệ hợp tác với các nước châu Phi trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam săn sàng chia sẻ một số kinh nghiệm và ý tưởng nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế ở châu Phi, tham gia sáng kiến "Đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi" (NEPAD) trên các lĩnh vực nông nghiệp, y tế, giáo dục, khoa học - kỹ thuật.

9. Biến động mới trên chính trường Thái Lan

Cảnh sát Thái Lan

Ngày 31-05-2008, khoảng 10.000 người dân đã biểu tình tại thủ đô Băng Cốc, gần toà nhà Liên hợp quốc và phong toả một con đường lớn, yêu cầu người đứng đầu nội các hiện nay phải từ chức bất chấp lời cảnh báo sẽ trừng trị thẳng tay của Thủ tướng Thái Lan, ông Xa-mắc Xa-đa-ra-vây (Samak Sundaravej). Các cuộc biểu tình chống chính phủ khởi phát từ ngày 25-05-2008 sau một vụ ẩu đả giữa phe chống chính phủ và phe thân chính phủ tại Băng Cốc, làm ít nhất 20 người bị thương. Cuộc biểu tình do Đảng Liên minh nhân dân vì dân chủ dẫn dắt, diễn ra vào thời điểm có nhiều tin đồn sắp có cuộc đảo chính lần thứ 2 trong vòng 2 năm ở Thái Lan. Ngày 01-06-2008, phe đối lập với chính phủ ở Thái Lan ra tuyên bố sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình mới trên đường phố yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Xa-mắc Xa-đa-ra-vây phải từ chức.

10. Sự kiện chưa từng có trên chính trường Li-băng

 Tân Tổng thống của Li-băng,
Tướng Mi-sen Xu-lây-man

Chiều 25-05-2008, khoảng 200 khách mời từ các nước Ả-rập và một số nước khác chứng kiến một điều chưa từng thấy tại Quốc hội Li-băng: 127 nghị sĩ đã bỏ phiếu bầu ứng cử viên duy nhất, Tướng Mi-sen Xu-lây-man (Michel Suleiman), Tư lệnh quân đội từ 1998, làm Tổng thống mới của Li-băng. Trong số 127 nghị sĩ, có 118 nghị sĩ ủng hộ, 6 nghị sĩ bỏ phiếu trắng và 3 phiếu không hợp lệ. Số phiếu ủng hộ cao phản ánh sự nhất trí đạt được tại 5 cuộc đàm phán Đô-ha căng thẳng kéo dài 5 ngày liền, từ ngày 17 đến ngày 21-05-2008 về việc bầu tổng thống mới, chấm dứt bạo lực và không sử dụng các biện pháp quân sự giải quyết tranh chấp chính trị trong tương lai, cơ cấu chính phủ mới với quyền phủ quyết của phe đối lập do Héc-bô-la đứng đầu, sửa đổi luật bầu cử và phân chia lại các khu vực bầu cử. Quốc vương và Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Ca-ta có mặt để chứng kiến sự kiện lịch sử trên chính trường Li-băng và cũng là thành công ngoại giao quan trọng của Ca-ta./.