Là một trong những quốc gia sớm tham gia Công ước quốc tế về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Việt Nam đã triển khai nhiều chính sách đảm bảo sự phát triển đầy đủ của phụ nữ và nâng cao vị trí, vai trò của họ trên mọi lĩnh vực.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình với các mục tiêu và nguyên tắc cơ bản phản ánh đầy đủ nội dung và tinh thần của Công ước CEDAW, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ.

Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng đang tích cực triển khai chiến lược quốc gia 2001-2010 về sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có 10 trong 22 mục tiêu đề ra đã hoàn thành trước thời hạn, đặc biệt là về các mục tiêu giải quyết việc làm cho phụ nữ, xóa nạn mù chữ, giảm tử vong do thai sản, tăng tỷ lệ đại biểu nữ trong cơ quan hội đồng nhân dân các cấp.

Sự có mặt của phụ nữ trên tất cả các lĩnh vực thể hiện bước phát triển về chất của lực lượng lao động nữ và vị trí bình đẳng của phụ nữ Việt Nam trong đời sống xã hội. Trong kinh doanh, phụ nữ đang ngày càng thể hiện sự năng động, sáng tạo. Theo con số thống kê, đến cuối năm 2006, tỷ lệ giám đốc là nữ chiếm khoảng 21% trong tổng số trên 180.000 doanh nghiệp của cả nước.

Đặc biệt, đội ngũ nữ trí thức cũng lớn mạnh không ngừng tham gia nghiên cứu và chủ trì nhiều đề tài khoa học có giá trị và giành được nhiều giải thưởng danh giá cho các thành tựu nghiên cứu khoa học. Tỷ lệ nữ hiện chiếm khoảng 20% tổng số tiến sĩ và gần 7% giáo sư, phó giáo sư trên cả nước. Phụ nữ Việt Nam cũng giữ những chức vụ rất cao trên chính trường. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội hiện đạt gần 26%, xếp thứ 28 trên thế giới và thứ ba ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hơn 10 năm qua, Việt Nam luôn có nữ Phó Chủ tịch nước. Tỷ lệ các bộ trưởng là nữ chiếm khoảng 12%, thứ trưởng 9% và cấp vụ trưởng 6%.

Trong báo cáo về giới ở Việt Nam phát hành năm 2006, Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cùng các đối tác ở Anh, Ca-na-đa nhận định, Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và nằm trong nhóm tiến bộ hàng đầu về bình đẳng giới. Ngân hàng Thế giới đã đánh giá Việt Nam là nước có tốc độ khắc phục cách biệt giới nhanh nhất trong 20 năm gần đây ở khu vực Đông Nam Á.

Báo cáo Phát triển con người của Liên hợp quốc năm 2007 cũng đánh giá Việt Nam là nước có nhiều tiến bộ trong cải thiện công bằng giới. Năm 2007, Việt Nam xếp hạng thứ 91/157 về chỉ số phát triển giới và lần đầu tiên đã có tên trong danh sách các nước xây dựng được số đo về trao quyền giới (GEM) với vị trí thứ 52 trong số 93 nước.
 
Sự phát triển mạnh của nền kinh tế Việt Nam và vai trò quan trọng của phụ nữ ngày càng được nâng cao là những lý do chính khiến Việt Nam được lựa chọn là nước chủ nhà cho Hội nghị Phụ nữ thượng đỉnh toàn cầu năm 2008 từ ngày 5 đến 7 tháng 6 với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, nước chủ nhà Việt Nam sẽ chủ trì các hoạt động quan trọng như Diễn đàn “Kinh doanh tại Việt Nam”, các chương trình giao lưu, gặp gỡ, các hoạt động truyền thông nhằm giới thiệu Việt Nam là điểm đầu tư tiềm năng.

Nhiều vấn đề mang tính thời sự được thảo luận tại hội nghị lần này như phát triển doanh nghiệp ở châu Á, đối thoại với doanh nhân nữ, diễn đàn thanh niên và kinh doanh, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, diễn đàn nữ tổng giám đốc doanh nghiệp, vấn đề cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đặc biệt, vấn đề về chống buôn bán phụ nữ cũng sẽ được đề cập.

Hội nghị Phụ nữ thượng đỉnh toàn cầu năm nay được tổ chức tại Việt Nam thêm một lần nữa khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc bảo đảm và tạo thuận lợi cho sự phát triển, tiến bộ đầy đủ của phụ nữ./.