Vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới

PGS.TS. Nguyễn Linh Khiếu Tạp Chí Cộng sản
21:48, ngày 23-05-2017

TCCSĐT - Với nông dân chiếm hơn 70 dân số và hơn 50% lực lượng lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam là quốc gia nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Nông dân không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội đất nước mà trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, nông dân đích thực là chủ thể của quá trình này.

Nông dân và nông thôn mới

Nông dân, với C.Mác và Ph.Ăngghen, là khối quần chúng đông đảo mà tất cả thành viên đều sống trong một hoàn cảnh như nhau nhưng lại không nằm trong mối quan hệ nhiều mặt đối với nhau. Phương thức sản xuất của họ không làm cho họ liên hệ với nhau mà lại làm cho họ cô lập với nhau. Các ông còn chỉ rõ, nông dân ở mọi quốc gia đều là nhân tố cơ bản của dân cư, của nền sản xuất và của lực lượng chính trị.

Với V.I. Lênin, nông dân, một mặt là người tư hữu, nhưng mặt khác, lại là người lao động. Nông dân là lực lượng xã hội được hình thành trong quá trình giải thể chế độ công xã nguyên thủy và tồn tại đến nay. Họ là những người sinh sống và lao động ở nông thôn gắn với tư liệu sản xuất nông nghiệp và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp.

Hồ Chí Minh khẳng định, nông dân là đại đa số dân tộc, do đó, vấn đề nông dân là nền tảng của vấn đề dân tộc. Đối với Người, nông dân Việt Nam là những người bị bóc lột nhất và cùng khổ nhất. Và, dân chúng công nông là gốc của cách mạng.

Như vậy, nông dân là một lực lượng được hình thành tất yếu trong tiến trình lịch sử, cho đến nay nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, nông dân sống ở nông thôn, sản xuất nông nghiệp, làm ra các sản phẩm nông nghiệp. Nông dân có vai trò quan trọng trong chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của các quốc gia.

Do đặc thù của Việt Nam nên vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Đại hội VII của Đảng đã chỉ rõ: Phát triển nông, lâm, ngư nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, phát triển toàn diện kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để ổn định tình hình kinh tế - xã hội.

Nội dung cơ bản của xây dựng nông thôn mới lần đầu tiên được ban hành kèm theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16-4-2009 của Thủ tướng Chính phủ gồm 19 tiêu chí. Và, đến ngày 04-6-2010 Thủ tưởng ký quyết định 800 QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 gồm 11 nội dung với 19 tiêu chí. Ngày 20-02-2013, Thủ tướng ra Quyết định số 342/QĐ-TTg sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Ngày 17-10-2016, Thủ tướng đã ký quyết định ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong điều kiện hiện nay và Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01-12-2016.

Theo đó, trong 19 tiêu chí, nhóm Quy hoạch có 1 tiêu chí (1- Quy hoạch); nhóm Hạ tầng kinh tế - xã hội có 8 tiêu chí (2 - Giao thông; 3 - Thủy lợi; 4 - Điện; 5 - Trường học; 6 - Cơ sở vật chất văn hóa; 7 - Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; 8 - Thông tin và truyền thông; 9 - Nhà ở dân cư); nhóm Kinh tế và tổ chức sản xuất có 4 tiêu chí (10 - Thu nhập; 11- Hộ nghèo; 12 - Lao động có việc làm; 13 - Tổ chức sản xuất); nhóm Văn hóa - Xã hội - Môi trường có 6 tiêu chí (14 - Giáo dục và Đào tạo; 15 - Y tế; 16 - Văn hóa; 17 - Môi trường và an toàn thực phẩm; 18 - Hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật; 19 - Quốc phòng và an ninh).

Như vậy để đạt chuẩn quốc gia nông thôn mới, các địa phương phải đạt được 19 tiêu chí nêu trên. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi vùng miền sẽ có những đặc thù riêng đối với việc thực hiện các tiêu chí này. Nhưng có một điều bất biến là xây dựng nông thôn mới là vì đời sống của người dân nông thôn và nông dân chính là chủ thể của xây dựng nông thôn mới.

Nông dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới

Là nhân vật trung tâm của xã hội nông thôn, nông dân chính là chủ thể của mọi quá trình kinh tế - văn hóa - xã hội diễn ra ở nông thôn. Khi Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo nhân dân ta triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì vai trò “chủ nhân ông” của người nông dân càng được thể hiện một cách sâu sắc.

Thứ nhất, nông dân chủ thể nhận thức thấm nhuần chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới

Quán triệt quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”. Điều đầu tiên phải là “dân biết”. Thật vậy, “dân biết” trong chuỗi từ nhận thức đến hành động: “từ nhận thức, đến quan niệm, đến thái độ và đến hành vi”. Là nhân vật trung tâm và đông đảo ở nông thôn, đối với chủ trương xây dựng nông thôn mới thì không ai khác, nông dân phải là chủ thể nhận thức, quán triệt mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới là một chủ chương lớn của Đảng và Nhà nước. Vì vậy để chủ trương này trở thành hiện thực, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, nghị định, nghị quyết nhằm triển khai chủ trương này. Trong đó, đặc biệt là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới bao gồm 19 tiêu chí cụ thể. Chương trình này được điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện theo từng giai đoạn của quá trình xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó còn có những hướng dẫn cụ thể khi áp dụng thực hiện các tiêu chí ở từng vùng, miền khác nhau.

Rõ ràng, cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến cho người nông dân chủ thể của quá trình xây dựng nông thôn mới nắm vững mọi quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Nếu người nông dân không thấm nhuần một cách sâu sắc các chủ trương, đường lối, cũng như chỉ thị và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới thì họ không thể triển khai thực hiện các tiêu chí đã được đề ra. Hơn thế, nông dân cũng cần nắm rõ sự điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí phù hợp với từng địa phương nơi địa bàn họ sinh sống. Nông dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới phải là người quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối, chính sách và chương trình xây dựng nông thôn mới.

Vì vậy, rõ ràng để nâng cao vai trò của nông dân trong xây dựng nông thôn mới thì trước hết phải tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về đường lối, chủ trương, chính sách và Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Thứ hai, nông dân là chủ thể thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn

Là chủ thể của mọi quá trình kinh tế ở nông thôn, nông dân chính là người lựa chọn phương thức sản xuất, cách thức kinh doanh, dịch vụ; Họ vừa là người tổ chức sản suất, người trực tiếp sản xuất vừa là người buôn bán các sản phẩm của quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, khác với trước đây, mỗi gia đình là một đơn vị sản xuất khép kín. Trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, khi mà đời sống người dân đã được nâng cao thì mục đích của sản xuất gia đình đã thay đổi. Sản suất của các hộ gia đình không còn chỉ hướng vào tự cung tự cấp mà là hướng tới thị trường. Mỗi gia đình sản xuất không còn biệt lập mà nằm trong chuỗi giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Hơn thế, sự sản xuất của gia đình cũng chỉ nằm trong một công đoạn của quá trình làm ra sản phẩm nông nghiệp. Thực chất, mỗi gia đình nông dân chỉ tham gia vào một công đoạn trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Nghĩa là, hoạt động kinh tế của người nông dân không dừng lại ở hoạt động kinh tế gia đình mà là hoạt động kinh tế của xã hội, bị qui định bởi chu trình sản xuất chung của xã hội.

Trong bối cảnh đó, rõ ràng sự phát triển kinh tế ở nông thôn cần phải có sự điều hành chung mang tính tổng thể. Nhất là trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường hiện nay tính tự phát trong sản xuất của người nông dân sẽ bị thị trường dẫn dắt và họ thường phải hứng chịu rủi ro. Những chủ trương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn của Đảng và Nhà nước ta chính là đáp ứng nhu cầu cấp thiết của đời sống.

Với tư cách là chủ thể, nông dân chính là người triển khai thực hiện mọi chủ chương, chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn của Đảng và Nhà nước. Nghĩa là họ biến các chương trình, kế hoạch đó trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để người nông dân triển khai, thực hiện tốt các chương trình kế hoạch này cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao, hiệu quả của các cấp lãnh đạo.

Với tư cách là chủ thể của việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, nông dân càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ ba, nông dân là người thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới

Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, có nhiều tiêu chí thuộc về kết cấu hạ tầng. Đó là những tiêu chí liên quan đến giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, xây dựng cơ sở vật chất cho điện, đường, trường, trạm, chợ, các khu vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng.

Người nông dân cùng với sự tham gia đóng góp kinh phí để thực hiện các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng nông thôn, họ còn chính là người tham gia bàn thảo, góp ý kiến vào quy hoạch, thiết kế, quy mô, địa điểm các công trình kết cấu hạ tầng. Hơn nữa, họ chính là người thực hiện hầu như mọi công việc xây dựng và hoàn thiện các công trình này.

Thật vậy, nông dân ngày nay không thuần túy là người sản xuất nông nghiệp, họ là một cộng đồng đa ngành nghề vừa sản xuất nông nghiệp, vừa làm thợ thủ công, vừa là thợ nề, thợ mộc, thợ tiện, thợ hàn, thợ sắt… chính với tay nghề không chuyên này, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật họ hoàn toàn đủ năng lực thi công và hoàn thành hệ thống kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

Tham gia vào mọi quy trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn cũng là cách họ thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đó là dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Khi trực tiếp thực hiện các công đoạn xây dựng, rõ ràng người nông dân đã trực tiếp giám sát cả tài chính, vật tư, kết cấu, chất lượng, tiến độ công trình. Thực tế này không những ngăn chặn được sự thất thoát, lãng phi vốn và vật tư mà còn chắc chắn bảo đảm chất lượng công trình một cách tối ưu nhất.

Với tư cách là chủ thể tham gia tích cực vào quá trình xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn như điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, chợ, khu vui chơi giải trí, nhà sinh hoạt cộng đồng… - những công trình trực tiếp phục vụ đời sống dân sinh hằng ngày của họ, người nông dân càng khẳng định vai trò quan trọng của mình trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, nông dân là chủ thể mọi hoạt động văn hóa, xã hội, trật tự, an ninh ở nông thôn

Là chủ nhân của xã hội nông thôn, bao đời nay, nông dân tham gia vào muôn mặt đời sống xã hội. Họ trực tiếp tham gia vào các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, văn nghệ, an ninh, trật tự, tín ngưỡng, tôn giáo, từ thiện.

Hoạt động y tế, giáo dục là một hoạt động vừa mang tính chuyên môn cao, vừa mang tính cộng đồng. Cùng với các thầy, cô giáo, các y, bác sỹ không có sự tham gia tích cực của người nông dân các hoạt động này cũng không thể thực hiện được. Thực ra, các hoạt động y tế, giáo dục ở nông thôn chủ yếu là phục vụ nhu cầu của người nông dân, thế nên sự tham gia của người nông dân trước hết là vì lợi ích của họ. Tuy nhiên, nếu người nông dân thờ ơ, đứng ngoài các hoạt động y tế, giáo dục tại địa phương thì các hoạt động này ở nông thôn sẽ không mang lại hiệu quả, thậm chí không thể tồn tại được.

Trong giai đoạn hiện nay, khi đời sống người dân nông thôn ngày càng nâng cao, các lễ hội truyền thống được phục hồi và ngày càng trở nên một sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu ở xã hội nông thôn. Nông dân chính là chủ nhân của các lễ hội tưng bừng, hoành tráng quanh năm ở khắp các làng quê cả nước. Họ vừa tham gia vào phần lễ họ vừa tham gia vào phần hội. Mọi hoạt động của lễ hội dân gian đều do nông dân thực hiện. Các lễ hội này không chỉ đáp ứng đời sống tinh thần của người dân nông thôn mà còn quảng bá hình ảnh, quảng bá thương hiệu hàng hóa, đặc sản địa phương. Bên cạnh đó, lễ hội cũng là dịp thu hút khách du lịch, bán hàng hóa, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ phục vụ lễ hội cũng ngày càng phát triển mang lại nguồn thu không nhỏ cho người dân địa phương.

Các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đáp ứng nhu cầu tinh thần tâm linh của người dân. Mặc dù đây là hoạt động mang tính cá thể, quyền tự do tôn giáo của mỗi người, nhưng với tư cách là chủ nhân ở nông thôn, nông dân khi tham gia các hoạt động này phải có ý thức công dân, tuân thủ pháp luật và có trách nhiệm với cộng đồng.

Thấm nhuần tư tưởng nhân văn truyền thống của dân tộc, “lá lành đùm lá rách”, “chị ngã em nâng”, các hoạt động từ thiện, trợ cấp xã hội luôn được người dân nông thôn thực hiện rất chú đáo. Mặc dù cuộc sống của các gia đình nông dân chưa thực sự dư dả nhưng bao giờ họ cũng quan tâm chia sẻ tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau. Chính sự chia sẻ thân tình và cụ thể này đã góp phần xóa nhòa sự phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo ở nông thôn.

Ở nông thôn trong quá trình tồn tại và phát triển, luôn hình thành một cơ chế tự quản và kiểm soát cộng đồng chặt chẽ một cách tự nhiên. Cơ chế tự quản cộng đồng ấy do chính những người nông dân tạo ra và chính họ điều hành. Chính vì vậy mà nó đã bảo đảm được sự vận hành xã hội nông thôn một cách thông suốt lành mạnh loại trừ được tội phạm và các tệ nạn xã hội như nghiện hút, cờ bạc, bạo hành… bảo đảm trật tự, an ninh cho xã hội. Khi nào mà người nông dân thờ ơ, buông lỏng không tích cực tạo lập cơ chế tự quản và kiểm soát nó thì nông thôn sẽ đứng trước nguy cơ bất ổn, rối loạn. Xã hội nông thôn hiện đại đang đặt trước thách thức bất ổn, rối loạn bởi vai trò của người nông dân trong quản trị cộng đồng đang ngày một lu mờ. Trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm trật tự an ninh ở xã hội nông thôn, cùng với sự hoạt động của các cơ quan chức năng của chính quyền cần có cơ chế thu hút người nông dân tham gia tạo lập một cơ chế tự quản hoạt động một cách hiệu quả nhất.

Thứ năm, nông dân có vai trò quan trọng góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở

Hệ thống chính trị cơ sở nói chung, chính quyền cơ sở nói riêng là của dân, do dân và vì dân. Nông dân có vị trí quan trọng trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Họ tích cực tham gia đóng góp xây dựng sự hoạt động của chính quyền và đoàn thể các cấp. Họ tham gia góp ý, phản biện và giám sát các chủ trương, chương trình, kế hoạch hoạt động của các tổ chức, đoàn thể.

Thông qua việc thực hiện Quy chế Dân chủ cơ sở, người dân đồng hành cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự hoạt động của cả hệ thống chính trị. Người dân giám sát sự hoạt động của các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể qua sự hoạt động, làm việc, ứng xử của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi công vụ. Họ có làm đúng chức năng, nhiệm vụ không, có tận tâm với công việc không, có nói dân nghe, có nghe dân nói không, có liêm chính, công khai, minh bạch không, có cửa quyền, hách dịch, hành dân không, có lãng phi, tham ô, tham nhũng không…

Chính qua đây, một cách hiệu quả nhất, nông dân tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Không có một chính quyền nào tồn tại được nếu không có sự đồng thuận, đồng hành của người dân. Chỉ khi nào nông dân gắn bó mật thiết với các cấp chính quyền, cấp ủy và các tổ chức chính trị xã hội ở cơ sở thì hệ thống chính trị ở cơ sở mới thực sự là của dân, do dân và vì dân. Sự tham gia của nông dân vào xây dựng thệ thống chính trị cơ sở càng nêu bật vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng và phát triển nông thôn mới./.