TCCSĐT - Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về các văn kiện Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh: Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân.

Theo tinh thần nội dung Hiến pháp năm 2013, liên quan đến dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, Văn kiện Đại hội XII của Đảng xác định: Thể chế hoá và nâng cao chất lượng các hình thức thực hiện dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 ngày 06-4-2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Thể chế hóa và thực hiện tốt phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát".

Đồng thời với phát huy dân chủ là yêu cầu tăng cường pháp chế, đề cao trách nhiệm công dân, giữ vững kỷ luật, kỷ cương và đề cao đạo đức xã hội. Phê phán những biểu hiện dân chủ cực đoan, dân chủ hình thức. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng dân chủ làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và những hành vi vi phạm quyền dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân.

Dân chủ trực tiếp - Direct Democracy là sự tham gia trực tiếp của người dân về chính sách và quản lý, nhất là ở cấp địa phương, thông qua các cuộc họp và các hình thức khác để họ tương tác với các cấp có thẩm quyền của Nhà nước. Mới đầu sự tham gia của người dân tập trung vào việc cải thiện công tác bầu cử. Hiện nay, người dân ngày càng chú trọng nhiều hơn tới hình thức “dân chủ trực tiếp”, nhất là trong việc bầu ra các đại biểu của mình tham gia vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Tuy nhiên, ngay cả khi dân chủ đại diện phát triển, nếu chỉ dựa vào các điều kiện dân chủ trong các cuộc bầu cử thì vẫn chưa đủ để bảo đảm sự tham gia của người dân. Dân chủ đại diện có thể bị tình trạng quan liêu làm cho nhiều người dân, đặc biệt là những người nghèo, người thuộc các dân tộc thiểu số, vẫn chưa được hưởng quyền đại diện trong các công việc Nhà nước, trước hết ở địa phương.

Một hình thức dân chủ trực tiếp được nhiều người quan tâm là dân chủ tham gia. Dân chủ tham gia, được hiểu là một hình thức tăng cường và nâng cao chất lượng tham gia của người dân, mở rộng vai trò công dân vượt ra ngoài phạm vi đơn thuần chỉ là cử tri đi bầu cử định kỳ. Để thực hành dân chủ trực tiếp, người dân cần tích cực hơn trong việc nắm bắt thông tin (dân biết), tham gia thảo luận (dân bàn), triển khai (dân làm), kiểm tra, giám sát (dân kiểm tra) các chủ trương, đường lối, chính sách, biện pháp quy hoạch, phát triển kinh tế và xã hội ở địa phương.

Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998 (được sửa đổi bằng Nghị định số 79/2003/NĐ-CP ngày 07-7-2003) ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và sau đó là Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở cơ sở xã, phường, thị trấn, đã phân biệt những mức độ tham gia khác nhau của người dân địa phương vào hoạt động của chính quyền và các quyết định quản lý. Cụ thể:

- “Dân biết”: Là những loại thông tin bắt buộc phải phổ biến cho người dân, nhất là về quản lý đất đai và ngân sách.

- “Dân bàn”: Những việc người dân bàn mà không cần có sự tham gia của các cấp chính quyền cao hơn, về mức đóng góp tài chính ở địa phương và việc xây dựng, thực hiện hương ước.

- “Dân bàn” nhưng chính quyền địa phương quyết định về các chính sách của Chính phủ, để các cấp chính quyền cao hơn sẽ đưa ra quyết định, bao gồm những lĩnh vực như việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phương án đền bù quyền sử dụng đất,...

- “Dân kiểm tra”: Là giám sát các công việc của Hội đồng nhân dân, gửi đơn thư khiếu nại, giám sát chi tiêu ngân sách và xây dựng kết cấu hạ tầng địa phương.

Ở nước ta, dân chủ trực tiếp thường được thực hiện gắn liền với quá trình phân cấp trong quản lý nhà nước. Dân chủ trực tiếp và phân cấp, ở mức độ tốt nhất, có thể tạo cho nhiều người cơ hội tốt hơn để tham gia, bảo vệ quyền lợi của mình, tăng cường tính hiệu quả và minh bạch trong việc cung cấp các dịch vụ công. Hiện nay tại cấp chính quyền cơ sở, việc thực hiện dân chủ tham gia (hay dân chủ trực tiếp) được tập trung vào việc: tham gia lập kế hoạch, tham gia lập ngân sách và kiểm toán, tham gia giám sát và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới cho thấy, các hội đồng địa phương do người dân tự bầu chọn chứng tỏ chính quyền địa phương đã được cải cách theo hướng dân chủ.

Tất nhiên không nhất thiết là cứ phân cấp thì sẽ tự động tạo ra được sự tham gia tích cực của người dân. Thực tế trong thời gian qua cho thấy, khó có thể đẩy mạnh sự tham gia của người dân mà không thực hiện cải cách các thể chế dân chủ đại diện, để xây dựng lòng tin của người dân vào những thể chế đó. Người dân cần có cả cơ hội để tham gia một cách tích cực, hiệu quả, cũng như cần có các thể chế có trách nhiệm giải trình một cách minh bạch, sao cho có thể thực sự đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của họ. Nói cách khác, dân chủ trực tiếp thường kết nối chặt chẽ với việc thực hiện dân chủ đại diện và cải cách hành chính nhà nước, để chí ít cũng hạn chế được tính quan liêu của bộ máy hành chính và khiến các cơ quan công quyền có mối liên hệ gần gũi với dân hơn.

Để có thể hiểu rõ các ý tưởng về sự tham gia của người dân trong công tác quản lý cần phải xem xét mối quan hệ giữa người dân và Nhà nước. “Nhân dân làm chủ" là một phương châm, nguyên tắc quan trọng, bất biến trong đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Cho đến nay cũng có một số ý kiến cho rằng, dân chủ tham gia (dân chủ trực tiếp) ở Việt Nam vẫn còn hình thức, như tình trạng không độc lập của các tổ chức xã hội, tình trạng kém phát triển của pháp quyền, và vẫn còn ít các kênh chính thức để tiếng nói của người dân có thể được lắng nghe, tiếp thu trong quá trình thể chế hóa chủ trương, chính sách, pháp luật. Theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Việt Nam thường có thứ hạng khá thấp về “dân chủ”, ví dụ trong các đánh giá được công bố bởi tổ chức Freedom House (Ngôi nhà Tự do); hoặc báo cáo của Viện Nghiên cứu của Ngân hàng thế giới trong những năm gần đây xếp Việt Nam trong nhóm thứ tư, tức nhóm thấp nhất theo tiêu chí: “tiếng nói và trách nhiệm giải trình”.

Tuy vậy, khi xem xét kỹ các thước đo này thì thấy “tiếng nói và trách nhiệm giải trình” chỉ được các tổ chức quốc tế căn cứ theo hai yếu tố: bầu cử cạnh tranh và sự tồn tại của đảng đối lập. Nói cách khác, các tổ chức quốc tế đã áp dụng một thước đo rất hạn chế, và không xem xét tiêu chí “tiếng nói và trách nhiệm giải trình” thông qua dân chủ trực tiếp hoặc các hình thức dân chủ đại diện của người dân Việt Nam. Những đánh giá chung chung theo kiểu này về “dân chủ” chỉ dựa trên hệ thống đa đảng phái hoặc các loại hình bầu cử sẽ không thể khắc họa được một bức tranh đúng đắn và hoàn chỉnh về cách thức tham gia của người dân Việt Nam vào đời sống dân chủ trong thời kỳ đổi mới.

Cách thức tiếp cận và đánh giá hợp lý hơn cả là xem xét việc thực hành dân chủ của người dân Việt Nam dưới góc độ văn hóa chính trị đặc thù liên quan tới lịch sử và con đường phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó, đòi hỏi phải xem xét tư tưởng dân chủ và các hình thức tham gia của chính người dân Việt Nam trong thực tế thay vì xuất phát từ những tư tưởng dân chủ được “nhập khẩu” từ nước ngoài.

Trên thực tế, có thể chỉ ra sự tương phản giữa thứ hạng thấp mà Việt Nam bị xếp theo điều tra của các tổ chức quốc tế về dân chủ, tự do với sự đánh giá cao mà chính các công dân Việt Nam dành cho hệ thống chính trị ở Việt Nam. Trong các cuộc điều tra dư luận xã hội của các tổ chức khác nhau tại Việt Nam, kể cả điều tra của một số tổ chức nước ngoài(1), kết quả cho thấy người dân tỏ ra tin tưởng cao đối với Nhà nước. Hơn 90% số người được thăm dò trả lời tin tưởng vào Chính phủ, Quốc hội và Đảng. Các nhà điều tra của cuộc Điều tra về giá trị thế giới cho biết: mức độ tin tưởng vào thể chế chính trị của Việt Nam là rất cao khi so sánh với đa số các nước khác ở vùng Đông Á. Một điểm cần nhấn mạnh hơn khi 96% số người Việt Nam được hỏi trả lời tích cực về hệ thống quản lý nhà nước.

Thực tế xây dựng và thực hành dân chủ trực tiếp ở cơ sở tại Việt Nam cũng tương đồng với nhiều nước trên thế giới. Nhìn chung, mục tiêu đề ra của nhiều nước là khuyến khích sự tham gia của người dân, trước tiên ở cấp hành chính thấp nhất, nơi mà người dân gần gũi nhất với các thể chế có tác động đến cuộc sống của họ. Tại Việt Nam cũng như nhiều nước, sự tham gia của người dân vào công tác quản lý ở địa phương diễn ra từ mức độ tham vấn hạn chế (dân bàn) cho tới sự tham gia và kiểm soát tích cực (làm và kiểm tra).

Dân chủ tham gia (dân chủ trực tiếp) thường được khởi nguồn từ dưới lên, nhằm đáp ứng những đòi hỏi của người dân. Cách tiếp cận từ trên xuống cũng được Chính phủ Việt Nam coi trọng với tính cách là một phương tiện để tăng cường mức độ đáp ứng của Chính phủ, và mở ra những không gian mới cho sự tham gia của người dân, đặc biệt về việc cung cấp các dịch vụ công.

Ví dụ, Bộ luật chính quyền địa phương được thông qua ở Philippines năm 1991 quy định sự chuyển giao thẩm quyền và nguồn lực từ chính quyền trung ương cho các Hội đồng phát triển địa phương và về sự tham gia trực tiếp của người dân trong các cơ quan này. Ở Ấn Độ, bản Hiến pháp sửa đổi được thông qua năm 1993 công nhận các thể chế địa phương như là cấp thứ ba trong chính quyền, đồng thời thể chế hoá sự tham gia của người dân trong các cơ quan đó(2).

Tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý đầu tiên về dân chủ tham gia không phải là kết quả của sức ép từ phía xã hội dân sự như trong trường hợp của các nước láng giềng (ví dụ Philippines). Các Nghị định về quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở (năm 1998, 1999) là kết quả của những thảo luận cấp cao của Đảng, Nhà nước sau khi xảy ra một vài vụ mất ổn định ở một số địa bàn nông thôn. Như vậy, sự tác động từ dưới lên kết hợp với quyết định từ trên xuống là cách thức phát triển dân chủ trực tiếp và cả gián tiếp ở Việt Nam. Đây tiếp tục là phương châm chỉ đạo quá trình thực hiện, phát huy dân chủ trực tiếp ở nước ta, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng./.

---------------------------------------------------

Chú thích:

(1) Ví dụ: Điều tra về giá trị thế giới (World Values) được tiến hành lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 2001. Điều tra này là một công cụ xuyên văn hóa để đo lường mức độ thỏa mãn của người dân với cuộc sống và đất nước mình và tìm cách đánh giá sự ủng hộ đối với các giá trị xã hội, kinh tế và chính trị; điều tra được tiến hành tại nhiều nước trên thế giới từ vài thập kỷ nay dựa trên mẫu ngẫu nhiên của khoảng 1.000 người trả lời điều tra trên khắp Việt Nam.

(2) Xem Antlov. H và các tác giả khác (2004): Sự tham gia của người dân trong quản trị địa phương: Kinh nghiệm của Thái Lan, Indonesia và Philippines.