Dấu ấn Trung Hoa
Chuyến bay CZ372 của Hãng hàng không Phương Nam Trung Quốc cất cánh lúc 8 giờ 45 phút, khi sương thu vẫn lảng bảng trên bầu trời Hà Nội, làng mạc phố xá nhỏ dần, những cánh đồng hình chữ nhật khuất dần sau những đám mây trắng. Khoảng 3 giờ chiều (giờ Bắc Kinh), chúng tôi đến sân bay Bắc Kinh. Đồng chí Tào Yến Minh, Phó Chánh văn phòng Tạp chí Cầu thị ra sân bay đón đoàn.
Bắc Kinh: Đậm nét dư âm hậu Olympic
Đoàn Tạp chí Cộng sản làm việc với lãnh đạo Ban tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. |
Sân bay Bắc Kinh với khu nhà ga mới rộng thênh thang, hoành tráng đã kịp hoàn thành đúng tiến độ để phục vụ cho Thế vận hội lớn nhất hành tinh. Tự hào về thành phố của mình, chị Cảnh Cảnh - cán bộ phòng Đối ngoại của Tạp chí Cầu thị nói, Trung Quốc đã đầu tư gần 4 tỉ USD xây dựng nhà ga số 3 với diện tích khoảng 986.000 m2 để phục vụ Olympic 2008. Xe vừa chạy được vài phút, trước mặt chúng tôi là trạm thu phí đường bộ, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, rực rỡ sắc màu, mái nhà cong cong như mái chùa, vắt ngang qua đường cao tốc. Xe chạy vun vút trên xa lộ, hai bên đường là những hàng cây dương thẳng tắp, lá đang thu mình chuyển sang màu vàng, bỗng chốc một vài chiếc lá vàng nhẹ nhàng rơi xuống, tô điểm cho những thảm cỏ xanh mướt trên dọc trục xa lộ kéo dài gần 30km từ sân bay về trung tâm Bắc Kinh. Chúng tôi đến Bắc Kinh, đúng dịp thành phố vừa tổ chức thành công Thế vận hội Olympic 2008, dọc hai bên đường từ sân bay về trung tâm thành phố vẫn tràn ngập khẩu hiệu, cờ hoa, băng rôn chào đón du khách.
Được biết, trong buổi họp báo sau khi bế mạc Olympic Bắc Kinh, ông Jaques Rogge, Chủ tịch Ủy ban Thế vận hội quốc tế đã khẳng định: “Chúng ta có một Làng Olympic tuyệt vời, những địa điểm thi đấu hiện đại, giàu tính nghệ thuật, công tác tổ chức hoàn hảo về mọi mặt và có những màn trình diễn tuyệt diệu...”. Với tổng kinh phí khoảng 43 tỉ USD chi cho Olympic, những gì mà người dân Bắc Kinh nói riêng và người dân Trung Quốc nói chung đã góp sức cho Thế vận hội lớn nhất hành tinh đều rất đáng trân trọng. Chỉ riêng hệ thống cơ sở hạ tầng, sân bãi thi đấu, hiện đại, sân vận động Tổ chim, Cung thể thao nước; lễ khai mạc và bế mạc hoành tráng, ấn tượng và độc đáo; chiến dịch cải thiện môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa để thủ đô Bắc Kinh trong xanh, lành mạnh trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội đã đủ để cả thế giới phải thán phục.
Khi màn đêm buông xuống, đường phố Bắc Kinh như được khoác thêm một chiếc áo mới, lộng lẫy, rực rỡ trong ánh đèn đủ sắc màu. Tối hôm vừa đặt chân đến Bắc Kinh, đoàn chúng tôi đã bách bộ, ngắm cảnh đêm ở Quảng trường Thiên An Môn, đi dọc từ đường Tràng An, xuyên qua phố Vương Phủ Tỉnh về khách sạn. Dọc hai bên đại lộ Tràng An, con đường trải dài từ đông sang tây của thành phố là những tòa nhà cao tầng san sát, được ốp đá và sơn đủ màu bắt mắt, với lối thiết kế đa dạng, xen lẫn với những tòa nhà thấp tầngtheo kiến trúc từ những năm 50 và 60 của thế kỷ XX.... khách sạn quốc tế Bắc Kinh, trụ sở ngân hàng trung ương, trụ sở cơ quan của Ðảng và Nhà nước Trung Quốc...
Tối 25-9, chúng tôi đi dạo phố Vương Phủ Tỉnh, một trong những phố đi bộ mua sắm nổi tiếng nhất Bắc Kinh, đúng dịp Trung Quốc chuẩn bị phóng tàu Thần Châu VII có người lái vào vũ trụ. Không ai bảo ai, người đi bộ ở hai bên đường đều tập trung hướng lên màn hình lớn ở bên đường để theo dõi giờ phút hồi hộp nhất. Trò chuyện với chúng tôi, anh Vương Diệp người Hồ Nam hồ hởi nói, bản thân anh cũng giống như 1,3 tỷ người dân Trung Quốc đều cảm thấy rất tự hào và phấn khởi vì Trung Quốc vừa tổ chức thành công Thế vận hội lớn nhất hành tinh, đồng thời chỉ một tháng sau, lại chuẩn bị đưa 3 nhà du hành vào vũ trụ, mở ra kỷ nguyên chinh phục vũ trụ mới cho Trung Quốc.
Ba ngày làm việc ở Bắc Kinh đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm đẹp về sự nhiệt tình, mến khách, chu đáo của các đồng chí cán bộ, phóng viên Tạp chí Cầu Thị, lãnh đạo Ban Tuyên truyền trung ương và Trường Đảng Trung ương Trung Quốc. Chia tay Bắc Kinh, hình ảnh những đại lộ rộng thênh thang, những chiếc cầu vượt đan xen chồng chéo, những tòa nhà cao vút... của một đô thị lớn, quy mô vẫn in đậm trong chúng tôi. Nhưng ấn tượng khó phai nhất là, Bắc Kinh tuy hiện đại, nhưng vẫn gìn giữ và tôn tạo được những khu phố cổ. Hiện tại, Bắc Kinh vẫn còn bảo tồn những “phố nhỏ, ngõ nhỏ” cùng với những ngôi nhà cổ xưa, cũ kỹ, chật chội nằm ngay giữa lòng thủ đô, đậm màu rêu phong, tương phản với sức sống mãnh liệt của một thủ đô đang từng bước trên con đường hiện đại hóa. Biết bao thế hệ, bao gia đình người dân Bắc Kinh xưa và nay đã một thời sinh sống, quần tụ ở những khu nhà Tứ hợp viện ấy. Khi đặt chân đến đây, chúng ta sẽ được tận mắt chứng kiến những điều hiện diện trước mắt, trong lòng phố cổ, ngõ hẹp ấy vẫn còn những quán cóc, tiệm ăn nhỏ tuy siêu vẹo, nhưng ngăn nắp đến lạ thường! Nhịp sống bình dị của người dân Bắc Kinh vẫn tồn tại theo năm tháng ...
Thành Đô: Kinh đô nước Thục
Trong chương trình làm việc tại Trung Quốc, chúng tôi đã có dịp đến thăm và làm việc tại Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, kinh đô của nước Thục xưa. Bạn đã bố trí đồng chí Chu Thiết Chí phó Tổng Biên tập đi cùng đoàn. Vượt qua những dãy núi xanh trập trùng, những cánh đồng mênh mông đan xen trong bức tranh đa sắc màu là những làng mạc phố sá, những tuyến đường sắt, đường quốc lộ thẳng tắp kéo dài tít tận chân trời xa, sau hai tiếng đồng hồ ngồi trên chiếc Boeing 767 của Hãng hàng không Hải Nam Trung Quốc, máy bay của chúng tôi đã hạ cánh xuống sân bay Thành Đô. Đồng chí Ân Kiến Trung phó trưởng Ban Tuyên truyền Tỉnh ủy Tứ Xuyên ra tận chân cầu thang máy bay đón đoàn. Thành Đô mưa nặng hạt, những cái bắt tay thân mật, những lời chào hỏi hồ hởi, khiến không khí ảm đảm của chiều mưa đầu thu cũng trở nên ấm áp hơn... Xe đưa chúng tôi về khách sạn cao 30 tầng ở trung tâm thành phố, từ trên cao có thể nhìn bao quát toàn cảnh của thành phố. Vài tháng trước, trận động đất mạnh 8 độ rích-te đã xảy ra ở Huyện Vấn Xuyên cách Thành Đô chưa đầy 200 km, nhưng rất may là Thành Đô hầu như không bị thiệt hại gì về người và của.
Các bạn Trung Quốc giới thiệu, khoảng 4000 năm trước, nền văn hóa Kim Sa thời kỳ đồ đồng được thiết lập ở Thành Đô. Từ xa xưa, mảnh đất này đã được mệnh danh là “Thiên Phủ Chi Quốc”, có nghĩa là “Đất nước thiên đường”- thiên đường giữa chốn trần gian. Với vị thế địa lý nằm ở tây Nam và thượng du sông Trường Giang đã mang lại cho Tứ Xuyên một cái tên đẹp và nên thơ nằm gọn trong lòng chảo “Thiên Phủ”. Từ trên máy bay nhìn xuống, Thành Đô trông giống như một ốc đảo xanh được bao quanh bởi những dòng sông, con suối, những ngọn núi hùng vĩ, tô tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình mộc mạc và giản dị.
Thời Ðông Hán (năm 25 TCN- 220 sau CN), nơi đây là trung tâm sản xuất gấm lụa của Trung Quốc. Đến thời Tam Quốc (năm 220 - 265), Thành Ðô là kinh đô của đất Thục, một trục lộ giao thương quan trọng, nối liền con đường tơ lụa phía Nam Trung Quốc đến Tây Tạng, Vân Nam và My-an-ma. Người Thành Đô cũng vô cùng tự hào vì nữ hoàng đế duy nhất của Trung Quốc Võ Tắc Thiên và “Thi thánh” Ðỗ Phủ… đã sinh ra và lớn lên ở mảnh đất này. Ngày nay, Thành Ðô là một thành phố du lịch thanh nhã, có nhiều di tích lịch sử và các công viên cây xanh ngút ngàn “kỳ hoa dị thảo”. Trong kế hoạch làm việc ở Thành Đô, ngoài buổi làm việc với Tập đoàn Tạp chí xây dựng Đảng Tứ Xuyên, đoàn chỉ đi thăm núi Nga Mi. Song, biết chúng tôi là nhà báo, bạn đã chủ động bố trí đoàn đi thăm Vũ Hầu Từ - ngôi đền thờ vị quân sư lỗi lạc Khổng Minh Gia Cát Lượng thời Tam Quốc, được xây dựng từ thời Tây Tấn, đời nhà Đường, đến đời nhà Minh cho sáp nhập với “Hán Chiêu Liệt Miếu”- thờ Lưu Bị, nay trở thành khu hợp miếu của các quân thần. Đến thời vua Khang Hy đời nhà Thanh, chùa được xây dựng lại, đến nay đã được hơn 1500 năm. Trong chùa được trưng bày điện vũ, bên ngoài trồng các cây tùng, cây bách, vô cùng trang nghiêm, cổ kính. Chùa có tượng Khổng Minh, Trương Phi... sâu trong cùng là mộ của Lưu Bị. Hình ảnh các nhân vật lịch sử một thời lẫy lừng mà từ trước đến nay chỉ được biết qua các thiên chính sử, dã sử đang lừng lững hiện ra trước mắt chúng tôi.
Núi Nga Mi: Danh bất hư truyền
Theo lịch trình, bạn bố trí đoàn chúng tôi đến tham quan núi Nga Mi-một trong những ngọn núi cao nhất trong tứ đại Phật Sơn của Trung Quốc. Sáng sớm, chúng tôi đã có mặt tại Lạc Sơn Đại Phật, đón đoàn tại cổng chùa Linh Vân, vị sư trụ trì giới thiệu, nơi đây là điểm tụ hợp 3 con sông Mân, sông Đại Độ và sông Thanh Y. Theo sử sách ghi lại, vì muốn trừ thủy họa, trong năm đầu niên hiệu Khai Nguyên đời vua Đường Huyền Tông, danh tăng Hải Thông đã tập hợp nhân lực, vật lực, tạc pho tượng lớn trên vách núi. Công trình vĩ đại này mất 90 năm mới hoàn thành. Đây là pho tượng Phật khắc trên đá lớn nhất thế giới, với chiều cao 71m. Để che mưa chống gió cho pho tượng Phật khổng lồ này, người ta đã cho dựng một tòa “Đại tượng các” bằng gỗ cao 13 tầng. Song, do thời gian và chiến tranh xảy ra đã khiến tòa “Đại tượng các” bị tàn phá, hủy hoại nghiêm trọng, tượng Phật cũng bị mưa gió bào mòn, lỗ chỗ...
Đồng chí Hứa Thiên Nghị phó trưởng Ban Tuyên truyền Thành ủy Lạc Sơn cho chúng tôi biết, đỉnh Vạn Phật (Kim Đỉnh) là đỉnh cao nhất trong dãy núi Nga Mi, nơi có “Ánh sáng huyền diệu từ Kim Đỉnh phát ra” hay còn gọi là “Phật quang”. Người xưa kể rằng, Phật quang của Đức Phật là ánh sáng mặt trời chiếu xuống Kim Đỉnh lúc bình minh. Còn theo huyền thoại thì tia sáng đó tỏa ra từ lông mi của Phật, người dân bản địa lại cho rằng, mỗi khi có mưa tuyết tạnh, mặt trời ngả về hướng Tây chiếu sáng vào thảm mây dày đặc bao quanh Kim Đỉnh, trong mây xuất hiện những chùm sáng bảy màu với nhiều hình thái khác nhau. Gần 2.000 năm qua, núi Nga Mi là nơi sáng tạo và tích lũy di sản văn hóa phong phú, mang đặc trưng chủ yếu của tôn giáo. Di sản thiên nhiên và văn hóa của núi Nga Mi có giá trị rất cao về lịch sử, mỹ học, nghiên cứu khoa học, phổ biến khoa học và thăm quan du lịch, là của cải chung của toàn nhân loại. Chính vì lẽ đó, ngay từ năm 1996, Núi Nga Mi và đại phật Lạc sơn đã được đưa vào danh mục Di sản thế giới của UNESCO.
Đêm Hồng Kông: Ấn tượng khó phai
Sau 5 ngày làm việc tại Bắc Kinh và Thành Đô, đoàn chúng tôi đã kết thúc chuyến làm việc và khảo sát tại Trung Quốc. Từ ga Quảng Châu, đi xe lửa gần hai tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đến ga Cửu Long (Hồng Kông), anh Bùi Xuân Tuấn, Trưởng đại diện Phân xã Việt Nam tại Hồng Kông ra đón đoàn. Trời mới chập choạng tối, thành phố đã được trang hoàng bởi muôn vàn ánh đèn rực rỡ, lung linh, khiến cuộc sống ở đây càng trở nên sôi động hơn.
Sau một hồi loanh quanh dưới tàu điện ngầm, chúng tôi đã đến khách sạn ở trung tâm thành phố. Cảm giác ban đầu thật lạ, Hồng Kông vô cùng chật chội, nhiều tòa nhà chọc trời chen chân mọc sát nhau nằm xen kẽ giữa những tòa nhà dẹp lép, lêu nghêu, mảnh mai tựa dải lụa, chen chúc đến nghẹt thở khiến cuộc sống trở nên hối hả, nhộn nhịp lạ thường. Khi màn đêm buông xuống cũng là lúc nhắc nhở mọi người kéo nhau xuống phố.
Hơn 1 giờ sáng, chúng tôi bắt ta-xi đi dạo quanh một vài phố chính ở Hồng Kông, anh lái xe cho biết, Hồng Kông là thành phố không ngủ, đêm cũng như ngày, lúc nào cũng đông đúc, tấp nập. Phong cảnh của Hồng Kông mang đậm nét cổ kính của người phương Đông, kết hợp nhiều nét trang nhã, quý phái của các nền văn minh phương Tây. Hai giờ đêm, ngồi trên taxi đi qua những đoạn đường vòng vèo, uốn lượn, lên xuống, nhiều lúc như trực rơi xuống vực, chúng tôi đến một bãi tắm biển, ở đó đang tụ tập rất nhiều người đủ các quốc tịch đang chìm đắm trong các điệu nhảy, trong những bài hát quen thuộc. Xa xa, trên biển, thấp thoáng đâu đó một vài chiếc thuyền du lịch đang khoan thai nhẹ nhàng lướt sóng, trên trời máy bay vẫn không nghỉ, đua nhau lên xuống, khiến cảnh đêm ở Hồng Kông trở nên nhộn nhịp biết bao.
Cảm nhận rõ nét nhất là, đường phố Hồng Kông khá an toàn về đêm, không có cảnh “chặt chém” hay “xin đểu”. Hai bên phố là các quán Bar, vũ trường nằm ngay trên các con dốc trong trung tâm thành phố tấp nập người ra vào. Nơi đây tụ tập rất nhiều doanh nhân mặc quần Tây, cà vạt chỉnh tề ngồi suốt đêm trong những giai điệu rộn ràng hoặc tận hưởng những giây phút lãng mạn, những pha bóng hay đang diễn ra trên các sân cỏ ở châu Âu...
Sáng sớm, chúng tôi bách bộ tới nhà chuyển giao, nơi đây đúng vào ngày 1-7-1997, Hồng Kông chính thức trở về với đất mẹ Trung Quốc. Xa xa là ngọn núi Thái Bình cao chót vót như đâm thẳng lên bầu trời trong xanh biếc không một gợn mây, trên vịnh Vic-to-ri-a một số tàu thuyền vẫn đang hối hả rẽ sóng... Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất là những con đường nhộn nhịp mua bán, những màn chào hỏi, trao đổi thông tin và làm quen lẫnnhau của tất cả mọi người trên thế giới màngười Hồng Kông thường tự hào là quảng trường Thời đại và Phố đêm, Phố Phụ nữ. Nơi đây, các hoạt động mua bán diễn rasuốt ngày đêm như trẩy hội...với nhiều mặt hàng nổi tiếng trên thế giới được bày bán tại đây với giá hấp dẫn có thể chiết khấu 30-40%.
Hồng Kông là một trong những nền kinh tế tự do nhất thế giới, là trung tâm tài chính và thương mại quốc tế, với diện tích chỉ có 1.103 km2 , nhưng dân số tới gần 7 triệu người, có ba đảo chính là Hồng Kông, Tân Giới và bán đảo Cửu Long, GDP bình quân đầu người khoảng 32.000 USD/năm. Hạ tầng giao thông ở đây rất phát triển, có ba đường ngầm xuyên đáy biển nối với ba đảo với nhau. Trên đường phố là hệ thống xe buýt hai tầng dày đặc khoảng 2-3 phút một chuyến. Bốn mặt đảo Hồng Kông giáp biển, cảng Vic-to-ri-a nối liền với đảo Cửu Long.
Hồng Kông là nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông-Tây. Năm 1842, sau cuộc chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, Anh quốc chiếm lĩnh Hồng Kông. Lúc đó, nơi đây chỉ là một làng chài nhỏ. Sau khi chính phủ Anh và Triều đình nhà Thanh ký kết hiệp ước Nam Kinh, cắt nhượng thêm đảo Hồng Kông, đảo Cửu Long, Tân Giới và 235 hòn đảo nhỏ khác với thời gian cho thuê là 99 năm, đến ngày 1-7-1997, Hồng Kông trở về Trung Quốc và trở thành một đặc khu hành chính của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. |
Tương lai EU: ẩn số thử thách  (30/06/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 22-6-2009 đến 28-6-2009)  (29/06/2009)
Phát biểu của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X  (29/06/2009)
Khai mạc Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương khoá X  (29/06/2009)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên