Sự ra đời và phát triển của công ty tài chính làm cho hệ thống tài chính trở nên phong phú, đa dạng, linh hoạt, hoàn chỉnh hơn. Hoạt động của các công ty tài chính ở nước ta đã góp phần làm phong phú thêm các dịch vụ tài chính - ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của thị trường tài chính - tiền tệ trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, những kết quả đạt được của các công ty tài chính chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của mình trong hệ thống tài chính, thị trường tài chính và nền kinh tế.

1. Công ty tài chính

Công ty tài chính là sản phẩm tất yếu của nền kinh tế thị trường. Sự ra đời và phát triển của công ty tài chính làm cho hệ thống tài chính trở nên phong phú, đa dạng, linh hoạt, hoàn chỉnh hơn.

Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, công ty tài chính là một định chế tài chính không thể thiếu và ngày càng có vai trò to lớn. Đó là một kênh huy động vốn có tính chuyên nghiệp cao, sử dụng vốn hiệu quả. Đội ngũ nhân viên của công ty tài chính thường có trình độ chuyên môn cao, am hiểu thị trường, linh hoạt và thích ứng nhanh. Thông qua định chế tài chính này, luồng vốn của thị trường được khơi thông, thúc đẩy chu chuyển, nâng cao hệ số nhân vốn và hiệu quả sử dụng vốn của nền kinh tế quốc dân. Bên cạnh đó, công ty tài chính còn là một kênh dẫn vốn quan trọng từ các dòng đầu tư nước ngoài. Với khả năng chuyên nghiệp về kinh doanh vốn, công ty tài chính có thể thu xếp vốn cho các dự án lớn từ những nhà đầu tư trong nước, quốc tế; có thể tổ chức liên kết dưới nhiều hình thức: đồng tài trợ, đồng bảo lãnh, chia sẻ những khoản ủy thác đầu tư lớn v.v…

Ở góc độ quản lý vĩ mô, công ty tài chính là một công cụ hữu hiệu được sử dụng để điều tiết hoạt động của các trung gian tài chính khác, các ngân hàng thương mại và của hệ thống tài chính. Công ty tài chính cũng là một chủ thể quan trọng tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường tài chính, mang lại xung lực mới cho sự phát triển thị trường tài chính nói riêng và thị trường nói chung.

Ở Việt Nam, công ty tài chính là một hình thức trung gian tài chính khá mới mẻ. Nghị định số 79/2002/NĐ-CP của Chính phủ ngày 4-10-2002 về Tổ chức và hoạt động của Công ty Tài chính, đã định nghĩa công ty tài chính là: "... loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng, với chức năng là sử dụng vốn tự có, vốn huy động và các nguồn vốn khác để cho vay, đầu tư; cung ứng các dịch vụ tư vấn về tài chính, tiền tệ và thực hiện một số dịch vụ khác theo quy định của pháp luật, nhưng không được làm dịch vụ thanh toán, không được nhận tiền gửi dưới 1 năm".

Công ty tài chính có hoạt động đa dạng gần như ngân hàng thương mại, nhưng khác với ngân hàng thương mại, công ty tài chính không được thực hiện dịch vụ thanh toán và không được huy động vốn không kỳ hạn, dưới một năm. Các công ty tài chính thường tạo khả năng đặc trưng bằng cách chuyên môn hoá sâu một số dịch vụ tài chính như: đầu tư tài chính, quản lý vốn, thu xếp vốn và một số dịch vụ tư vấn. Chính vì vậy, công ty tài chính còn được phân loại là trung gian tài chính đầu tư.

Sự ra đời của các công ty tài chính ở Việt Nam nhằm mục tiêu ban đầu là huy động và điều hoà nguồn vốn trong nội bộ tổng công ty, phục vụ sự phát triển của tổng công ty (sau này phát triển thành các tập đoàn kinh tế). Hiện nay, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ của tập đoàn, các công ty tài chính đã đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ để mở rộng thị trường, phục vụ nhiều đối tượng khách hàng trên thị trường tài chính nói chung. Đồng thời, một số công ty tài chính đang chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần, phát hành cổ phiếu rộng rãi ra công chúng. Điển hình cho xu hướng này là Công ty tài chính Dầu khí và Công ty tài chính Dệt - May.

Mặc dù công ty tài chính ở nước ta mới thực sự phát triển mạnh khoảng 5 năm trở lại đây, nhưng các công ty đã sớm khẳng định được vai trò quan trọng trong việc tạo lập thêm một kênh tài trợ tín dụng mới, hữu hiệu cho các đơn vị thành viên trong Tập đoàn và mở rộng phục vụ tổ chức, cá nhân ngoài Tập đoàn. Hoạt động của các công ty tài chính cũng đồng thời góp phần làm phong phú thêm các dịch vụ tài chính - ngân hàng, đáp ứng nhu cầu phát triển đa dạng của thị trường tài chính - tiền tệ trong nền kinh tế thị trường. Cá biệt một số công ty tài chính đã đạt được những kết quả khả quan, tạo được vị thế trên thị trường, là các đối tác tin tưởng của các định chế tài chính lớn trong nước và quốc tế. Tiểu biểu cho nhóm này là: Công ty tài chính Dầu khí và Công ty tài chính công nghiệp Tàu thuỷ.

Bảng 2.1: Quá trình hình thành các Công ty tài chính ở Việt Nam giai đoạn 1998 - 2007

STT

Tên Công ty

Số và ngày cấp Giấy phép

Trụ sở chính

Vốn điều lệ

1

CTTC Bưu điện

03/1998/GP-NHNN

10-10-1998

Toà nhà Ocean Park, số 1 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội

500

tỉ VND

2

CTTC Cao su

02/1998/GP-NHNN

06-10-1998

210 Nam kỳ khởi nghĩa, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh

500

tỉ VND

3

CTTC Dầu khí

12/2000/GP-NHNN

25-10-2000

72 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội

3.000

tỉ VND

4

CTTC Dệt - May

01/1998/GP-NHNN

03-08-1998

32 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội

70

tỉ VND

5

CTTC Handico

09/GP-NHNN

09-08-2005

Tầng 3, Toà nhà Thăng Long 105 Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội

50

tỉ VND

6

CTTC Prudential Việt Nam

01/GP-NHNN

10-10-2006

Trung tâm thương mại Sài Gòn, 37 Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

7,5

triệu USD

7

CTTC Tàu thủy

04/2000/GP-NHNN

16-03-2000

120 Hàng Trống, Hà Nội

1023

tỉ VND

8

CTTC Than-Khoáng sản

02/GP-NHNN

30-01-2007

226 Lê Duẩn, Đống Đa, Hà Nội

300

tỉ VND

9

CTTC Việt-SG

05/GP-NHNN

08-05-2007

2A-4A Tôn Đức Thắng, Quận1, Thành phố Hồ Chí Minh

320

tỉ VND

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - www.vbs.gov.vn, 2007

Tuy nhiên, những kết quả đạt được của các công ty tài chính chưa tương xứng với tiềm năng và vai trò của mình trong hệ thống tài chính, thị trường tài chính và nền kinh tế. Trong thời gian tới, để phát triển mạnh hơn nữa, các công ty tài chính cần phải sử dụng các nhân tố có ảnh hưởng tích cực và quyết định đến sự phát triển. Một trong những nhân tố quyết định đến sự phát triển của các công ty tài chính là việc sử dụng lý thuyết marketing hiện đại.

2. Thực trạng hoạt động marketing trong các công ty tài chính

Marketing là chức năng quản lý công ty về mặt kinh doanh, từ việc phát hiện ra sức mua của thị trường, biến sức mua thành nhu cầu thực sự đối với những sản phẩm cụ thể, đến việc đưa sản phẩm đó ra thị trường để thoả mãn nhu cầu của thị trường mục tiêu đã lựa chọn. Do vậy, marketing đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp cũng như sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Thế nhưng, hiện nay việc vận dụng lý thuyết marketing trong hoạt động của các công ty tài chính còn rất nhiều hạn chế, thể hiện ở những khía cạnh:

- Chưa quan tâm đúng mức đến các hoạt động phân tích thị trường, chưa triển khai một cách đồng bộ hoạt động marketing, do vậy các công ty không có đủ căn cứ để xác định thị trường mục tiêu, mục tiêu kinh doanh, xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp v.v...

- Chưa xác định rõ tính chiến lược và mục tiêu của các hoạt động marketing. Hoạt động kinh doanh chính của công ty tài chính đòi hỏi tính chuyên môn cao; sự am hiểu thị trường sâu sắc và các giải pháp marketing chuyên nghiệp, linh hoạt. Những yêu cầu này sẽ không đạt được nếu công ty tài chính không có mục tiêu rõ ràng và các chiến lược marketing phù hợp. Đa số các công ty tài chính đều đã xác định cho mình mục tiêu kinh doanh và cũng phần nào xây dựng chiến lược kinh doanh, nhưng hầu hết mục tiêu kinh doanh của các công ty tài chính chưa rõ ràng, chiến lược kinh doanh còn sơ sài; mục tiêu kinh doanh còn quá rộng, chưa phù hợp với khả năng kinh doanh hiện tại của công ty.

- Chưa có thương hiệu trên thị trường tài chính khu vực và thế giới. Để đáp ứng yêu cầu của hội nhập, đáp ứng yêu cầu huy động, điều hòa và sử dụng các nguồn vốn có hiệu quả nhằm phát triển các tập đoàn kinh tế mạnh, phát triển nền kinh tế quốc dân, các công ty tài chính phải lớn mạnh, trở thành những định chế tài chính có thương hiệu trong phạm vi khu vực và quốc tế. Hiện nay, mới chỉ có một số không nhiều công ty tài chính có vị thế và giá trị thương hiệu đối với thị trường tài chính trong nước và bước đầu phát triển hoạt động kinh doanh ra một số thị trường khu vực. Các công ty tài chính còn phải tăng cường hơn nữa các hoạt động marketing để trở thành các định chế tài chính mạnh, có giá trị thương hiệu tầm cỡ khu vực và thế giới; có khả năng hội nhập thị trường tài chính quốc tế vững vàng và mạnh mẽ.

3. Để thúc đẩy các hoạt động marketing trong các công ty tài chính

Trong thời gian tới, để thúc đẩy hoạt động marketing nhằm tạo nhân tố tích cực cho sự phát triển, các công ty tài chính phải có những hành động thiết thực, phù hợp với khả năng của công ty và đặc điểm của thị trường. Để làm được điều đó, xin đề xuất một số biện pháp sau:

Thứ nhất, rà soát và hoàn thiện các yếu tố kết cấu hạ tầng phục vụ cho việc triển khai các hoạt động marketing của công ty. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho các hoạt động marketing cơ bản gồm có: phòng chức năng chuyên thực hiện các hoạt động marketing; đội ngũ nhân viên, chuyên gia có chuyên môn vững về marketing; thiết lập mối liên hệ giữa các bộ phận của công ty theo định hướng khách hàng là trung tâm…

Thứ hai, sớm hình thành và phát triển hệ thống sáng tạo và cung ứng dịch vụ (FC Servuction). Đối với các tổ chức kinh doanh dịch vụ nói chung, công ty tài chính nói riêng, hệ thống này là cơ sở để: hình thành tất cả các dịch vụ; xây dựng và triển khai các chiến lược FC marketing; xây dựng mọi mối quan hệ trong công ty tài chính. Chính vì vậy, xây dựng, hoàn thiện hệ thống FC Servuction định hướng khách hàng là một trong những công việc đầu tiên mà các công ty tài chính cần thực hiện.

Thứ ba, xây dựng quan điểm kinh doanh marketing phù hợp với khả năng của công ty và điều kiện thị trường; củng cố và hoàn thiện các hoạt động marketing. Công việc đầu tiên mà các công ty tài chính phải làm là đưa ra triết lý kinh doanh của mình. Triết lý kinh doanh của công ty tài chính là sự cụ thể hoá quan điểm kinh doanh marketing phù hợp với khả năng, phong cách kinh doanh của công ty và phù hợp với điều kiện của thị trường. Trên cơ sở triết lý kinh doanh này, công ty đánh giá lại toàn bộ các mục tiêu marketing bộ phận, đưa ra hệ thống mục tiêu có định hướng chung, có mối liên hệ mật thiết, có tác động tương hỗ tích cực. Hệ thống mục tiêu này sẽ là cơ sở để củng cố, hoàn thiện các hoạt động marketing của công ty tài chính.

Thứ tư, thường xuyên tiến hành các hoạt động nghiên cứu thị trường. Nghiên cứu thị trường là hoạt động nhằm thiết lập và duy trì hệ thống thông tin của doanh nghiệp. Việc nghiên cứu cần được thực hiện theo nhiều phương pháp khác nhau để đảm bảo chất lượng của hệ thống thông tin. Hiện nay, thông tin đã trở thành một trong năm yếu tố cơ bản đối với hoạt động của một doanh nghiệp, là căn cứ để đưa ra mọi quyết định của công ty. Vì thế, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin marketing là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của các công ty tài chính.

Thứ năm, xác định mục tiêu kinh doanh phù hợp, chiến lược kinh doanh hướng vào khách hàng. Trên cơ sở hệ thống thông tin marketing của mình, các công ty tài chính tiến hành phân tích sâu hơn các thông tin có được để xác định thị trường mục tiêu, phương hướng kinh doanh và xây dựng các chiến lược marketing nhằm đạt các mục tiêu đã đề ra. Chủ trương của Đảng ta là "mở rộng các dịch vụ tài chính - tiền tệ"[1]; "…đa dạng hoá các công cụ và hình thức tổ chức tài chính, tiền tệ phi ngân hàng và các quỹ đầu tư nhằm động viên các nguồn lực cho phát triển kinh tế, xã hội..."[2]. Như vậy, Đảng và Nhà nước đã không bó hẹp hoạt động của các trung gian tài chính phi ngân hàng, nên đối với các công ty tài chính, việc xác định mục tiêu kinh doanh hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng của doanh nghiệp.

Về dài hạn, các công ty tài chính nên xác định cho mình mục tiêu kinh doanh là: xây dựng các công ty tài chính trở thành các trung gian tài chính đầu tư chuyên nghiệp; các định chế tài chính mạnh trong nước và quốc tế.

Thứ sáu, xây dựng chiến lược con người hợp lý với các chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng nhân tài cụ thể trong từng giai đoạn phát triển của công ty. Để đáp ứng được yêu cầu hội nhập, khai thác ưu thế của kinh tế tri thức, và đáp ứng yêu cầu cao đối với yếu tố con người trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ, các công ty tài chính cần chuẩn hoá các chiến lược, chính sách về con người phục vụ cho sự phát triển của công ty. Chiến lược về con người trong các công ty tài chính bao gồm chiến lược tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ nhân viên.

Chiến lược tuyển dụng được thực hiện trong thị trường tuyển dụng của công ty. Nhân viên được tuyển dụng phải đáp ứng yêu cầu phát triển của công ty, đảm bảo hội đủ yêu cầu về trình độ và năng lực công tác, phẩm chất đạo đức, khả năng làm việc theo nhóm, làm việc theo quy trình công việc và phù hợp với các chức danh cần tuyển. Công ty cũng cần có những chính sách ưu đãi trong việc thu hút các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản lý kinh tế, quản trị kinh doanh, marketing, công nghệ thông tin… để nâng cao chất lượng các dịch vụ tài chính, dịch vụ tư vấn của công ty.

Chiến lược đào tạo cần được triển khai thường xuyên để đáp ứng sự thay đổi của nhu cầu công việc và yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Chẳng hạn: tổ chức các chương trình huấn luyện và đào tạo cán bộ nhân viên có mục tiêu phù hợp với chiến lược phát triển từng thời kỳ và chiến lược phát triển dài hạn của công ty, trong đó, đặc biệt ưu tiên và nhanh chóng triển khai các chương trình đào tạo cán bộ quản lý cao cấp, cán bộ quản lý bộ phận, các chuyên gia đầu ngành, chuyên gia quốc tế thuộc lĩnh vực tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, marketing. Nội dung đào tạo cần tập trung vào các kỹ năng quản trị hiện đại, ngoại ngữ, các kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xử lý tình huống. Đào tạo nhân viên theo từng cấp độ phù hợp với lộ trình phát triển của nhân viên.

Thị trường nội bộ là một trong những thị trường bộ phận của công ty tài chính. Nhân viên cung ứng dịch vụ có vai trò quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng dịch vụ; hình ảnh, vị thế và sự phát triển của công ty. Trong công ty tài chính, ở những khía cạnh nhất định, nhân viên cũng là những đối tượng mà công ty cần thoả mãn tốt nhu cầu của họ. Chiến lược đãi ngộ nhân viên cần đáp ứng những nhu cầu chính đáng của nhân viên để gắn nhân viên với hoạt động của công ty, nâng cao khả năng sáng tạo của nhân viên trong cung ứng dịch vụ. Chiến lược đãi ngộ phải đảm bảo tính công bằng, công khai. Chính sách lương, thưởng gắn với hiệu quả và chất lượng làm việc nhằm tạo động lực để cán bộ nhân viên sáng tạo trong công việc, khuyến khích các thành viên làm việc tốt, chất lượng cao, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tạo tinh thần thi đua trong công ty, không bình quân chủ nghĩa. Đa dạng hoá hình thức đãi ngộ và mở rộng phạm vi đãi ngộ đến các đối tượng liên quan đến chuyên gia giỏi.

Thực hiện tốt chiến lược con người sẽ tạo cơ sở vững chắc, thuận lợi để thực hiện các chiến lược kinh doanh và thúc đẩy tốt sự phát triển của doanh nghiệp.



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, năm 2001, tr 179

[2] Sđd, tr 194