Một số bất cập về việc làm, thu nhập của công nhân, người lao động ở nước ta hiện nay
Mỗi năm, nước ta có trên một triệu chỗ làm việc được tạo ra, giải quyết được một phần cơ bản nhu cầu về việc làm cho người lao động. Tuy nhiên điều kiện làm việc, đời sống và thu nhập của công nhân vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Vi phạm trong ký kết hợp đồng và thỏa ước lao động
Hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể là một trong những công cụ quan trọng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Tuy nhiên, một số không ít công nhân đang làm việc nhưng không được doanh nghiệp ký kết hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp xây dựng và ký kết thỏa ước lao động tập thể mang tính hình thức. Hiện nay, có 89,6% công nhân được ký kết hợp đồng lao động, trong đó, các doanh nghiệp nhà nước là 95,4% và doanh nghiệp tập thể là 82,1%. Số công nhân trong doanh nghiệp tư nhân không được doanh nghiệp ký kết hợp đồng chiếm tỷ lệ cao nhất (10,7%). Bên cạnh việc nhiều công nhân bị doanh nghiệp từ chối ký kết hợp đồng lao động là tình trạng ký kết hợp đồng thời vụ, hợp đồng ngắn hạn với cả những công nhân làm việc nhiều năm, lao động những công việc có tính chất lâu dài. Tính chung, chỉ có 50,8% công nhân được ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn và 31,2% công nhân được ký kết hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm. Chỉ có 41,7% công nhân trong doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 30,7% công nhân trong doanh nghiệp tập thể và 37,3% công nhân trong doanh nghiệp tư nhân được ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Nguyên nhân của tình trạng này là do: doanh nghiệp muốn trốn tránh việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của công nhân; dễ dàng chấm dứt hợp đồng lao động khi cần; giảm các khoản chi phí phải trả cho công nhân khi chấm dứt hợp đồng lao động. Trên thực tế, rất nhiều chủ doanh nghiệp thực hiện quản lý lao động bằng cách: chỉ ký kết hợp đồng lao động dài hạn với bộ khung quản lý doanh nghiệp, với những vị trí chủ chốt. Đội ngũ này được doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, trong khi đối với các vị trí lao động phổ thông hoặc kém quan trọng, công nhân thường không được ký kết hợp đồng lao động dài hạn và không được hưởng các chính sách ưu đãi của doanh nghiệp.
Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp không có thỏa ước lao động tập thể hoặc có thỏa ước xong chỉ là hình thức, mang tính chống chế khi có đoàn kiểm tra. Nội dung của đa số các thỏa ước chỉ là sự sao chép cứng nhắc các quy định của luật, rất ít khoản đưa ra mức cao hơn về quyền lợi cho công nhân, vi phạm thủ tục trong việc xây dựng thỏa ước. Việc lấy ý kiến công nhân chỉ là chiếu lệ, không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết. Có tới 7,9% công nhân không biết doanh nghiệp mình có hay chưa có thỏa ước lao động tập thể. Thực trạng này một phần là do các công đoàn cơ sở chưa coi trọng thực hiện, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn địa phương chưa đáp ứng được về mặt trình độ nghiệp vụ.
Tăng ca, tăng giờ làm
Thời gian làm việc, nghỉ ngơi cũng là một trong những quy định pháp luật chưa được nghiêm túc thực hiện ở nhiều doanh nghiệp, nhất là vào dịp cuối năm, những đợt cần giao hàng, những đợt cần hoàn thành gấp đơn đặt hàng. Việc tăng thời gian làm thêm giờ xuất phát từ cả hai phía: công nhân sẵn sàng làm thêm giờ để mong tăng thu nhập, người sử dụng lao động muốn tăng thêm giờ nhằm tăng sản lượng nhưng không phải đầu tư thêm cơ sở vật chất, không phải tuyển dụng thêm lao động. Tuy nhiên, đây không chỉ là vấn đề riêng của quan hệ lao động giữa công nhân và doanh nghiệp mà còn là một vấn đề xã hội. Sau giờ làm việc tiêu chuẩn, công nhân cần thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động cũng như có thời gian cho chăm sóc gia đình, con cái, học tập nâng cao trình độ, giải trí, v.v... Việc tăng giờ làm quá mức so với quy định của Bộ luật Lao động không chỉ vi phạm pháp luật mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe lâu dài của công nhân. Qua điều tra cho thấy, phần lớn công nhân phải lao động với cường độ cao, thời gian kéo dài, thậm chí một bộ phận công nhân phải làm tăng ca triền miên tới 12 giờ/ngày, 7 ngày/tuần. Cụ thể: có 11,3% công nhân làm việc trung bình từ 8 đến 10 giờ/ngày và 4,4% công nhân phải làm việc trên 10 giờ/ngày; có 24,7% công nhân phải làm việc bình quân 7 ngày/tuần, không có ngày nghỉ. Tình trạng tăng ca, tăng giờ, không có ngày nghỉ diễn ra phổ biến ở hầu hết các doanh nghiệp, trong tất cả các ngành, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.
Tính đến đầu năm 2007, Việt Nam có 132.139 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó có 6.758.149 công nhân, (lao động nữ chiếm 43,63%). Chỉ có 64,6% số công nhân được làm việc đúng với chuyên môn đào tạo của mình. |
Hạn chế về điều kiện làm việc
Do trình độ phát triển khoa học, công nghệ nước ta còn thấp, tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp còn hạn chế, nên đầu tư cho cải thiện điều kiện lao động chưa được nhiều, chưa cơ bản, còn chắp vá. Do vậy, điều kiện làm việc của công nhân nước ta còn kém, nhất là ở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Tình trạng công nhân phải lao động thủ công, nặng nhọc, làm việc với các máy móc, thiết bị cũ, lạc hậu chiếm tỷ lệ cao, công nhân phải làm việc trong môi trường độc hại, nóng, bụi, tiếng ồn, độ rung vượt tiêu chuẩn cho phép và không bảo đảm an toàn vẫn diễn ra rất phổ biến ở các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Hiện nay, có tới gần 40% các doanh nghiệp có điều kiện làm việc ở mức bình thường và kém, khoảng 23,5% doanh nghiệp có môi trường vệ sinh lao động ở mức trung bình và kém. Việc trang bị các phương tiện bảo hộ lao động chưa được các doanh nghiệp quan tâm đúng mức, còn khoảng 22,1% công nhân không được trang bị đầy đủ, hoặc không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động. Thực trạng trên đã tác động xấu đến sức khỏe của công nhân, số công nhân mắc bệnh nghề nghiệp chiếm tỷ lệ cao, khoảng 17,5% và đang có xu hướng tăng. Đặc biệt, tai nạn lao động nặng, chết người những năm qua là khá lớn và đang có xu hướng tăng nhanh.
Hạn chế cả thu nhập
Hầu hết công nhân phải làm việc vất vả, cường độ lao động cao, thời gian làm việc kéo dài, song dường như tiền công, tiền lương của họ lại chỉ dừng ở mức khá thấp so với mức sống, mức chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày. Gần như không có sự chênh lệch đáng kể về thu nhập của công nhân giữa các loại hình doanh nghiệp, ngành nghề, lĩnh vực. Phổ biến công nhân có mức thu nhập từ 600.000 nghìn đến dưới 1 triệu đồng/tháng; khoảng gần 1/3 công nhân có mức thu nhập từ 1 triệu đến dưới 1 triệu 500 nghìn đồng/tháng. Theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp được tự do thỏa thuận về tiền lương với công nhân (trên mức lương tối thiểu Nhà nước quy định đối với mỗi loại hình doanh nghiệp). Có 22,3% công nhân không được tăng lương trong 3 năm qua, cao nhất là trong các doanh nghiệp nhà nước (25,6%). ở rất nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân, mức tăng lương mỗi lần rất thấp (10.000 - 20.000 - 30.000 đồng/bậc). Do thu nhập thấp nên có tới gần 1/2 tổng số công nhân khẳng định mức thu nhập hiện nay của họ là không đủ cho những chi phí trung bình tối thiểu của bản thân và gia đình của họ. Ngoài giờ làm việc ở doanh nghiệp, rất nhiều công nhân có nhu cầu làm thêm để tăng thu nhập nhằm bảo đảm cuộc sống.
Mặc dù nhiều doanh nghiệp thực hiện làm tăng ca, tăng giờ nhưng lại chưa thực hiện tốt chính sách đãi ngộ và quy định tiền lương, tiền công làm thêm giờ. Có 11,1% công nhân không được doanh nghiệp thỏa thuận về tiền lương, tiền công làm thêm giờ, hoặc không biết gì về vấn đề này. Đây là tình trạng chung của rất nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp thực hiện trả lương theo hình thức "khoán sản phẩm", gây thiệt hại lớn về tiền lương, tiền công cho công nhân vì có tỷ lệ lớn côngnhân phải làm tăng ca, tăng giờ.
Hiện tại, chỉ có khoảng từ 2% - 7% công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất được thuê nhà ở do Nhà nước, doanh nghiệp xây dựng, còn lại hầu hết công nhân phải thuê nhà ở của nhân dân. Điều đáng nói là do thu nhập thấp nên phần đông công nhân phải thuê nhà ở rất trật hẹp, không bảo đảm vệ sinh, an toàn. Từ 3 đến 4 người ở chung một phòng có diện tích dưới 10m2, trong khi nhà vệ sinh, nhà tắm phải dùng chung với đông người. Tình trạng thiếu thốn, mất vệ sinh, an toàn về nhà ở đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của công nhân và là một trong những nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội trong công nhân.
Một số giải pháp trực tiếp
Để khắc phục tình trạng thiếu việc làm, nâng cao thu nhập cho công nhân lao động cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, chúng ta cần quan tâm đến một số giải pháp trực tiếp:
Một là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác đào tạo đội ngũ công nhân. Tăng cường đầu tư các nguồn lực để đào tạo, đào tạo lại đội ngũ công nhân đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đồng bộ về cơ cấu công nhân, với đội ngũ công nhân có trình độ cao, biết ứng xử linh hoạt và sáng tạo trong lao động, sản xuất và trong đời sống xã hội, làm chủ được công nghệ tiên tiến, đặc biệt coi trọng xây dựng, phát triển đội ngũ công nhân lànhnghề.
Hai là, tiếp tục hoàn thiện chính sách tiền lương, đặc biệt là công tác xây dựng thang bảng lương, công tác tổ chức tiền lương trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và phân phối theo sự đóng góp của mỗi người, để bảo đảm đời sống cho công nhân và gia đình họ.
Ba là, tổ chức thực hiện nghiêm Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Pháp lệnh Bảo hộ lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm những vi phạm chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích của công nhân. Có chính sách cụ thể chăm lo, cải thiện điều kiện lao động, phòng chống có hiệu quả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, chăm sóc tốt sức khỏe công nhân, nhất là đối với công nhân nữ, những công nhân làm việc nặng nhọc, độc hại.
Bốn là, xây dựng, hoàn thiện chính sách nhà ở và chính sách khuyến khích đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà ở cho công nhân, lao động theo hướng: Nhà nước miễn giảm thuế đất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, cho phép các doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân được tính vào giá trị đầu tư..., Nhà nước và doanh nghiệp cùng góp vốn, huy động thêm vốn của công nhân để xây dựng nhà bán trả góp cho công nhân hoặc cho công nhân thuê. Đồng thời, nghiên cứu chính sách hỗ trợ về nhà ở cho những gia đình công nhân nghèo, chính sách xây dựng khu gia đình tập thể công nhân, nhằm bảo đảm cho công nhân có nơi ở ổn định, an toàn, góp phần tái tạo sức lao động, xây dựng môi trường sống lành mạnh và đời sống văn hóa trong công nhân.
Năm là, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh góp phần bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân về việc làm và thu nhập. Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, kiên quyết khắc phục những phương pháp hoạt động xơ cứng và hiện tượng "hành chính hóa trong tổ chức, hoạt động. Đa dạng hóa các hình thức vận động tập hợp quần chúng, để thu hút, động viên được ngày càng đông đảo công nhân trong các thành phần kinh tế vào công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn. Công đoàn phải hướng mạnh hoạt động về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động, tập hợp, lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức lao động để xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội làm mục tiêu hoạt động. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hoạt động cho cán bộ công đoàn, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, trình độ, có phẩm chất, đạo đức và bản lĩnh, có nhiệt tình và tâm huyết với hoạt động công đoàn, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, góp phần tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập và đời sống công nhân, lao động.
Mười năm xây dựng các khu công nghiệp ở Long An bước đột phá trong phát triển kinh tế  (09/03/2008)
Sáu mươi năm rèn luyện tư cách người công an cách mạng  (08/03/2008)
36 Bông hồng vàng 2008 - Biểu tượng thành công của phụ nữ hiện đại  (08/03/2008)
Việt Nam - Đức : Ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác đầu tư nhiều tỉ USD  (08/03/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên