Phát triển các khu công nghiệp không làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, ổn định trật tự xã hội nông thôn, cũng như giải quyết việc làm cho nông dân dành đất cho công nghiệp đang là những đòi hỏi bức thiết hiện nay. Cùng với nhiều phương cách khác, tháo gỡ các vướng mắc để phát triển làng nghề truyền thống hiệu quả được coi là một lời giải bài toán khó trên. Ghi nhận ý kiến của cấp ủy cơ sở, doanh nghiệp một số địa phương về vấn đề trên.

"Dân chủ, công khai và cân bằng cán cân giữa thu hồi đất với giải quyết việc làm"

Ông Nguyễn Xuân Lớ, Bí thư Đảng ủy xã Phong Khê, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh

Đúc rút lại, nguyên nhân sâu xa mang lại hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của Phong Khê chính là công khai, dân chủ trong giải quyết việc quy hoạch, thu hồi đất phát triển khu công nghiệp, làng nghề. Những vấn đề lớn đều được đưa ra thảo luận, bàn bạc dân chủ trong Đảng ủy xã; công khai với nhân dân về những chế độ, chính sách, dự án, đặc biệt chú trọng quy hoạch 10% quỹ đất làm dịch vụ khi thu hồi đất. Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của các cụm tiểu, thủ công nghiệp, kết hợp công tác dân vận sâu sát, người dân dần hiểu, đồng thuận, ủng hộ; xã không có đơn thư khiếu nại, tố cáo, nếu nhân dân có ý kiến phản ánh lập tức được tập trung giải quyết dứt điểm, không để tồn đọng, kéo dài.

Cùng với thu hồi đất, trong đó chủ yếu thu hồi diện tích đất xấu, phần đất tốt được giữ lại phát triển nông nghiệp, xã thực hiện song song việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Hiện nay, chỉ riêng trên địa bàn Phong Khê có tới 3 cụm tiểu, thủ công nghiệp, với 179 doanh nghiệp, chủ yếu làm nghề giấy, thu hút trên 4.000 lao động. Lao động của xã chỉ đủ đáp ứng 50%, còn lại phải sử dụng thêm lao động ở các vùng phụ cận. Một hộ gia đình của Phong Khê hiện nay thường bao gồm, nhân khẩu trong độ tuổi lao động làm việc tại các cụm tiểu, thủ công nghiệp, laođộng quá tuổi hoặc không đáp ứng đủ điều kiện tập trung làm các nghề phụ, dịch vụ phục vụ, một số công đoạn hoàn thiện sản phẩm. Cân bằng cán cân giữa lấy đất với giải quyết việc làm, trên cơ sở phát triển làng nghề truyền thống, Phong Khê đã giải quyết được vấn đề sau thu hồi đất, mà hiện nay vẫn đang là nỗi trăn trở của nhiều địa phương, hạn chế những phát sinh phức tạp không đáng có về mặt dân sinh, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

"Phát triển nông nghiệp mà không có lúa"

Ông Lê Hồng Khanh, Bí thư Đảng ủy xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên

Trong tổng số 2.500 hộ của xã, trên 30% có thu nhập trung bình một năm từ 500 triệu đồng trở lên (trong đó 15% số hộ đạt trên 1 tỉ đồng), đó là những con số biết nói về hiệu quả quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển làng nghề của Mễ Sở. Với đa phần đất sản xuất là đất trũng, chỉ canh tác được một vụ, tận dụng lợi thế thổ nhưỡng vùng giáp sông Hồng, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã cách đây 15 năm đã không còn trồng lúa mà chuyển hẳn sang trồng các loại cây mang lại giá trị hàng hóa cao như: cam Đường Canh, hoa, cây cảnh, đưa 1 ha đất nông nghiệp của xã thu nhập bình quân đạt 119 triệu đồng/năm. Cùng với đó, việc khơi dậy và phát huy các nghề truyền thống cũng được đẩy mạnh như: làm ruốc thịt, bánh trưng..., "nuôi cấy" thêm một số nghề mới: chế biến nông sản, xây dựng.

Trong bối cảnh Văn Giang là huyện dành nhiều đất cho các khu công nghiệp, xã Mễ Sở lại là một điểm sáng về phát triển kinh tế, đứng vững trên đôi chân của mình với nền sản xuất dựa vào nông nghiệp và làng nghề. Xã tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, thủy lợi phục vụ tưới tiêu... hỗ trợ đắc lực sản xuất; người dân chủ động phát huy sự nhạy bén, sáng tạo thích ứng với thị trường để phát triển. Dù không còn cây lúa, với bước đi của mình, Mễ Sở vẫn bảo đảm an ninh lương thực, hiện xã chỉ còn 1% hộ nghèo, hơn thế nữa, người nông dân Mễ Sở kiên trì bám nghề, bám làng, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

"Mang yếu tố hiện đại vào làng nghề truyền thống"

Ông Nguyễn Văn Phúc, Chủ tịch Hiệp hội Giấy Bắc Ninh, Giám đốc Xí nghiệp Giấy Hợp Tiến

Phương thức sản xuất đặc trưng của làng nghề là sản xuất thủ công gắn với kinh tế hộ gia đình. Điều này bảo đảm yếu tố truyền thống, tính truyền nghề, nét tinh xảo của sản phẩm. Tuy nhiên, ở góc độ khác, phương thức trên cũng tạo nên tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, khép kín, lợi nhuận không cao trong điều kiện kinh tế thị trường.

Nhận thức được điều này, gìn giữ kỹ thuật truyền thống vốn có của một trong những cơ sở làm nghề giấy đầu tiên của Bắc Ninh, Xí nghiệp Giấy Hợp Tiến tăng cường thêm quy mô, hiện đại hóa công nghệ, với dây chuyền sản xuất giấy được lắp ráp và nhập từ Đức, Trung Quốc, Nhật Bản trị giá gần 100 tỉ đồng, sử dụng công nghệ liên hoàn, tận dụng nước quay vòng, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường. Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng gắn với đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu phong phú của thị trường, từ loại giấy dó, giấy viết truyền thống, phát triển thêm giấy in các loại, bao bì, giấy ka-ráp, đúp-nếch..., thu hút hơn 200 lao động. Một số sản phẩm cần sự tinh xảo, lao động thủ công vẫn giữ vị trí chủ đạo; sản phẩm đại trà số lượng lớn, tỏ rõ ưu việt khi chế biến theo dây chuyền được áp dụng máy móc. Khâu tiêu thụ kết nối chặt chẽ với sản xuất, thông qua việc chủ động nguồn cung - cầu, hạn chế các khâu trung gian phát sinh hao phí không cần thiết. Đồng thời, Hiệp hội Giấy Bắc Ninh góp phần quan trọng trong điều tiết thị trường, tránh hiện tượng lũng đoạn, cạnh tranh thiếu lành mạnh, doanh nghiệp lớn chèn ép cơ sở sản xuất nhỏ. Yếu tố sản xuất hiện đại đan xen ở mức độ hợp lý không làm mất đi truyền thống, ngược lại khắc phục những hạn chế của nghề thủ công, là hướng phát triển nhằm vươn tới những làng nghề quy mô lớn, hoạt động hiệu quả.

"Đa nghề nhưng tinh nghề"

Ông Phan Xuân Đăng,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sen Chiểu,
huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây
Nằm ở vùng "đất trăm nghề" Hà Tây, Sen Chiểu là địa phương có nhiều làng nghề, bên cạnh những nghề cổ truyền như: chế biến tinh bột sắn, làm bánh, bún, đậu phụ, một số nghề mới được phát triển: xây dựng, hàn xì, sơn bả ma-tít... Việc đa dạng các nghề thủ công đã giải quyết việc làm và mang lại thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Tuy nhiên, Sen Chiểu chủ trương đa nghề nhưng cần tinh nghề. Tinh nghề ở đây được hiểu, trước hết, là tránh phát triển ồ ạt, chạy theo phong trào, thiếu chọn lọc, nhiều nghề song manh mún, đầu tư dàn trải, không có chiều sâu; phát triển nhanh, đa dạng trong khi chưa hội đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực dẫn đến hoạt động hiệu quả thấp, dần mai một. Thứ hai, sản phẩm phải giữ được sự tinh túy vốn có của truyền thống, không chạy theo lợi nhuận mà làm giảm chất lượng. Bởi vậy, bên cạnh các nghề mới, xã gìn giữ những nghề có truyền thống lịch sử lâu đời, mang bản sắc văn hóa, tính độc đáo riêng có. Hiện nay, Sen Chiểu tập trung phát triển nghề làm bánh, bún, đậu phụ, sản phẩm làm ra do bí quyết riêng nên đã nức tiếng từ lâu, được tiêu thụ khắp các vùng lân cận, thu hút 30% số hộ trong xã và 87% số hộ trong làng Linh Chiểu tham gia, trở thành một nghề chủ lực, đóng góp phần lớn vào giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp, làng nghề của địa phương.

 "Tháo gỡ bốn rào cản"
 

Ông Nguyễn Đức Thịnh, Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam

Trong quá trình phát triển của làng nghề tại xã Hoàng Đông, bốn "rào cản" lớn nảy sinh, kìm hãm sự phát triển: thiếu vốn, việc đào tạo nghề, tình trạng ô nhiễm môi trường, thất thu thuế. Thiếu vốn gây khó khăn với các cơ sở sản xuất tiểu, thủ công nghiệp, nhất là trong điều kiện muốn đầu tư mở rộng sản xuất, thị trường. Với doanh nghiệp lớn, bài toán vốn giải quyết thuận lợi hơn bởi có uy tín, tài sản thế chấp, song với các cơ sở nhỏ, hộ gia đình, việc huy động tiền hết sức khó khăn, từ đó cản trở hiệu quả, năng lực sản xuất. Trước nhu cầu vốn của làng nghề không được đáp ứng, tại Hoàng Đông đã xuất hiện hiện tượng vay tự phát trong nhân dân với lãi suất rất cao, trở thành hoạt động khó kiểm soát và mang nhiều yếu tố rủi ro. Giải quyết khó khăn này, xã từng bước triển khai thí điểm cho vay qua các kênh: ngân hàng (với các hộ khó khăn, xã đứng ra tín chấp bằng ngân sách), quỹ tín dụng nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể đứng ra thành lập quỹ giúp hội viên.

Công tác đào tạo nghề cho lao động được chú trọng, nhất là lao động không còn đất sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở dạy nghề của xã nếu mở ra cũng hoạt động hiệu quả thấp, bởi năng lực, nhân lực thiếu, không đáp ứng được đòi hỏi cũng như sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ của các doanh nghiệp. Việc đào tạo nghề tiến tới cần có sự liên kết chặt chẽ giữa cung - cầu, thông qua hình thức ký hợp đồng, phối hợp với cơ sở sản xuất. Ô nhiễm môi trường làng nghề hiện nay tại Hoàng Đông nếu không được giải quyết, hậu quả phải gánh chịu chắc chắn lớn hơn rất nhiều kết quả thu được. Sản xuất hàng mây giang đan sử dụng lưu huỳnh chống mốc, mối mọt, hóa chất tẩy rửa, phun sơn, làm màu... gây ô nhiễm về nguồn nước, không khí, phá hủy đất nông nghiệp, phát sinh các bệnh nghề nghiệp. Khả năng của một xã giải quyết vấn đề trên là rất khó nếu không có sự vào cuộc của cấp trên, đồng thời cần có quy định về xử phạt, xử lý chất thải, đóng lệ phí môi trường đối với các doanh nghiệp, hộ sản xuất. Một khó khăn khác với Hoàng Đông hiện nay là việc thất thu thuế, làng nghề phát triển nhưng ngân sách của xã hằng năm rất hạn chế. Nguyên nhân bởi phần lớn các đơn vị sản xuất, kinh doanh mang tính tự phát, nhỏ lẻ, dưới hình thức kinh tế hộ gia đình, khó kiểm soát được hoạt động.

Thiết nghĩ, những vướng mắc trên cũng là khó khăn chung của nhiều địa phương trên cả nước, mà việc tháo gỡ, vượt qua những rào cản này sẽ mở đường cho làng nghề phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững.

"Đối mặt với khó khăn do lạm phát và thúc đẩy sự liên thông giữa các làng nghề"

Ông Nguyễn Việt Hồng, Bí thư Đảng ủy,
Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây
Những biến động giá cả của thế giới và trong nước thời gian qua đã tác động trực tiếp tới các làng nghề của Phú Nghĩa, nơi sản phẩm xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nên nhạy cảm với những biến động thị trường. Giá nguyên liệu đầu vào cao, đồng đô-la Mỹ mất giá dẫn đến chi phí lớn, giá trị xuất khẩu giảm. Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, không dám nhận các đơn hàng lớn tiếp tục được đưa về vì càng sản xuất càng lỗ. Năm 2007, giá trị ngành tiểu thủ công nghiệp của Phú Nghĩa đạt 42 tỉ đồng, năm 2008 dự báo khó vượt qua được con số trên. Trong điều kiện xã đã thu hồi 90% đất nông nghiệp cho công nghiệp, 87% số hộ làm mây tre đan, sự đi xuống của làng nghề ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân.

Giữ nghề và vượt lên những khó khăn trên do đó có ý nghĩa không chỉ về kinh tế - xã hội mà còn là trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa của một làng nghề đã có bề dày lịch sử hơn 400 năm. Bên cạnh các giải pháp như: tăng cường thông tin thị trường, tiết kiệm chi phí, lựa chọn sản xuất những sản phẩm tinh xảo... thì liên thông giữa các địa phương có vai trò vô cùng quan trọng. Liên thông ngày nay không mâu thuẫn với việc giữ bí quyết làng nghề như nhiều người nghĩ, ngược lại, với những nghề lao động thủ công đơn giản chiếm phần lớn như mây tre đan của xã, liên thông giúp luân chuyển hàng hóa, tiền tệ, nguyên liệu, lao động thuận lợi hơn, bổ trợ lẫn nhau nhằm khắc phục những thiếu sót giữa các làng nghề. Phú Nghĩa đang tìm và sẵn sàng liên kết, đầu tư, ký hợp đồng tiêu thụ lâu dài với các địa phương có khả năng trồng mây, giang, tre để chủ động nguồn nguyên liệu, góp phần vượt qua những khó khăn do biến động giá cả hiện nay./.