TCCS - Thiếu điện ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế nói chung và đời sống mỗi người dân nói riêng, trong khi đó, dự báo từ nay đến năm 2020, Việt Nam vẫn trong tình trạng thiếu điện lớn, do nhu cầu sử dụng cao, trong khi nguồn lực không đủ đáp ứng. Cùng với việc tăng cường đầu tư cho ngành điện, thì việc tiết kiệm điện được coi là một giải pháp hữu hiệu giải quyết khó khăn trên.

Tổn thất điện năng lớn

Nhu cầu tiêu thụ điện trong tương lai của Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp nhiều lần so với hiện nay. Việc bảo đảm cung cấp điện, do đó, là một trong những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của nước ta. Với nhu cầu tiêu thụ điện năng tăng 17%/năm và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế, ngành công nghiệp điện sẽ phải phát triển nhanh chóng trong thập niên tới, nếu không thiếu điện sẽ vẫn là tình trạng "đến hẹn lại lên".

Để bảo đảm cung cấp điện, Việt Nam phải đa dạng hóa phát triển các nguồn điện từ than, dầu, khí, thủy điện, điện hạt nhân... với nguồn vốn rất lớn, lên tới nhiều tỉ USD. Theo đó, tổng sơ đồ phát triển điện lực Việt Nam giai đoạn từ 2006 - 2015 đã được Chính phủ phê duyệt. Đây là giai đoạn ngành điện thực hiện quy mô lớn nhất trong 6 lần quy hoạch điện quốc gia từ trước đến nay. Nhưng trong quá trình triển khai, nảy sinh không ít hạn chế, yếu kém như: chưa tạo được nguồn điện dự phòng, một số công trình nguồn điện chưa đạt mục tiêu đề ra, nhà máy điện gặp sự cố, khó khăn trong thu xếp vốn, năng lực quản lý dự án của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu hạn chế, giải phóng mặt bằng kéo dài..., dẫn đến thiếu điện cung ứng cho sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, nhất là vào những mùa nắng nóng, hạn hán.

Tình trạng thiếu điện ở nước ta do tổn thất điện năng gây ra rất lớn. Nguyên nhân trước hết vì, nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất có thiết bị và công nghệ lạc hậu, tiêu tốn điện năng. Quá trình xét duyệt nhiều dự án đầu tư, nhất là các dự án có vốn nước ngoài chạy theo các tiêu chí kinh tế mà "bỏ quên" yếu tố môi trường và tiêu hao năng lượng.

Hiện nay ở nước ta, để GDP tăng 1% thì điện phải tăng trưởng gấp đôi, trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này chỉ là 1/1 hoặc 1/1,3 - 1,5. Đây là minh chứng sống động và rõ nét nhất cho tình trạng sử dụng kém hiệu quả nguồn năng lượng, dẫn đến đòi hỏi nguồn vốn đầu tư rất lớn.

Đến năm 2008, lần đầu tiên tỷ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam đã giảm xuống mức 1 con số, còn 9,35%. Đây là một thành công lớn, nếu so với trước năm 1995 lượng điện lãng phí chiếm tới gần 1/4 sản lượng sản xuất. Tuy nhiên, cần tiếp tục nỗ lực giảm mạnh hơn nữa tỷ lệ này bằng các biện pháp kỹ thuật kết hợp đồng bộ với các biện pháp kinh doanh, trên cơ sở đẩy mạnh triển khai tiết kiệm điện theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong bối cảnh việc lãng phí điện còn lớn.

Tiết kiệm điện đã bước đầu đi vào nếp sinh hoạt, sản xuất

Chúng ta đã nỗ lực tuyên truyền, thực hiện tiết kiệm điện trên cả nước. Với cách thức tuyên truyền được đổi mới, thiết thực và hiệu quả hơn, ngoài đối tượng là người dân, cán bộ, đặc biệt coi trọng đối tượng là các doanh nghiệp, nhằm hướng họ vào việc cải tiến công nghệ, đầu tư cuốn chiếu thiết bị lạc hậu bằng những công nghệ thiết bị tiết kiệm năng lượng hơn; tận thu triệt để nhiệt thải để tái sử dụng, sắp xếp dây chuyền sản xuất hợp lý... ý thức tiết kiệm điện từng bước đã thẩm thấu vào các đối tượng sử dụng điện.

Hiện nay ở nước ta, để GDP tăng 1% thì điện phải tăng gấp đôi, trong khi ở các nước khác, tỷ lệ này chỉ là 1/1 hoặc 1/1,3 - 1,5. Đây là minh chứng rõ nét cho thấy tình trạng sử dụng điện kém hiệu quả ở nước ta.

Tại hai thành phố lớn của cả nước là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, việc thực hành tiết kiệm điện bước đầu thu được những kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội thực hiện khá hiệu quả Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về tiết kiệm trong sử dụng điện.

Các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội đã chấp hành đúng việc sử dụng điện theo mục đích và biểu đồ công suất đã ký kết trong hợp đồng cung ứng và sử dụng điện với ngành điện. Nhiều doanh nghiệp tăng cường sản xuất vào giờ thấp điểm (từ 22h đến 4h sáng hôm sau), tiêu biểu như Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng bố trí máy cán tráng, máy ép suất, luyện có công suất tiêu thụ điện năng lớn, sản xuất vào giờ thấp điểm nên đã tiết kiệm hơn 1 tỉ đồng. Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển cũng không sử dụng các thiết bị sấy, nghiền vào giờ cao điểm, đồng thời nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đưa ra trắc đồ lò cao phù hợp với công nghệ sản xuất phân lân nung chảy bằng nhiên liệu than antraxít, không những năng suất lò tăng 600% mà định mức tiêu hao điện tại lò cao giảm hơn 81%. Tính ra, mỗi năm công ty tiết kiệm 30 triệu kWh, tương ứng với 27 tỉ đồng.

Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bằng các biện pháp tuyên truyền hiệu quả, trong 6 tháng đầu năm 2009, tiết kiệm được hơn 131 triệu kWh với mức giảm công suất giờ cao điểm là 217 MW. Phối hợp cùng với các doanh nghiệp tiết kiệm điện trong sản xuất và các hộ dân, cơ quan, tiết kiệm điện trong tiêu dùng, ngành điện lực Hà Nội có thể hoàn thành chỉ tiêu tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 19 của Thủ tướng Chính phủ trong năm nay là 64 triệu kWh.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thành phố đã đưa ra một số tư vấn và được nhiều doanh nghiệp sản xuất áp dụng thành công như: vệ sinh bảo trì máy định kỳ, quản lý vận hành hợp lý. Theo tính toán của Trung tâm, nếu các doanh nghiệp thực hiện các phương án tiết kiệm năng lượng như trên, có thể tiết kiệm tới 30% chi phí năng lượng, một con số không nhỏ đối với doanh nghiệp.

Với khả năng tiết kiệm điện cao như vậy trong khối các doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Công Thương đã chỉ đạo và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường áp dụng các gói biện pháp tiết kiệm điện, nhất là thông qua các dự án tài trợ của thế giới, như dự án Quản lý nhu cầu điện và Tiết kiệm năng lượng trong bốn năm (2004 - 2008) với tổng đầu tư là 7,32 triệu USD do Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Chương trình Tiết kiệm năng lượng thương mại thí điểm (CEEP) là hợp phần thứ hai của dự án trên, trọng tâm là hỗ trợ các nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ tiết kiệm năng lượng, qua đó nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi kinh doanh của họ.

Bà Nguyễn Ngọc Kiều Linh, phụ trách dự án CEEP tại Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tham gia vào CEEP, doanh nghiệp có cơ hội tiết kiệm được chi phí sản xuất nhờ cắt giảm từ 15% - 40% chi phí sử dụng điện, nhất là những doanh nghiệp thuộc các ngành như: gạch ngói, gốm sứ, dệt may, chế biến thực phẩm, da giầy. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ cả về mặt kỹ thuật và tài chính, hỗ trợ đánh giá sơ bộ tiềm năng của doanh nghiệp để nắm bắt tình hình sử dụng điện; kiểm toán năng lượng chi tiết nhằm xác định những lĩnh vực sử dụng điện lãng phí và tìm ra những giải pháp tiết kiệm phù hợp nhất; báo cáo nghiên cứu khả thi về hiệu quả sử dụng năng lượng... Bản thân các doanh nghiệp cũng chủ động phối hợp với nhau trong việc chia sẻ thông tin, để thực hiện có hiệu quả các biện pháp trên. Với khối doanh nghiệp, tiết kiệm điện thực sự không còn là khẩu hiệu, mà đã trở thành nếp sản xuất.

Trách nhiệm chung của toàn xã hội

Việc thực hiện tiết kiệm điện gặp khó khăn nhiều nhất có lẽ là từ các cơ quan hành chính sự nghiệp, do ý thức hạn chế của nhiều cán bộ, công chức, với tư tưởng “tiền chùa” trong sử dụng điện còn phổ biến, đi kèm với đó là tình trạng phòng nhỏ lắp thiết bị điện có công suất lớn, máy móc thường xuyên để ở chế độ chờ...

Thực hiện tiết kiệm điện từ phía người dân và các hộ gia đình cũng có những chuyển biến rõ rệt, mặc dù tiết kiệm xuất phát chủ yếu từ việc muốn hạn chế tiền điện chứ chưa bắt nguồn từ ý thức tiết kiệm để giảm tình trạng thiếu điện. Trong khi nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân ngày một tăng cao, thì mức độ sử dụng điện còn lãng phí chính là nguyên nhân gây tình trạng thiếu điện, nhất là vào mùa khô. Để khắc phục tình trạng này, Tập đoàn Điện lực và các phương tiện truyền thông đã tuyên truyền người dân dùng điện tiết kiệm, tắt các thiết bị không cần thiết và sử dụng các loại đèn tiết kiệm điện như bóng đèn com-pắc, đèn tuýp; sử dụng đúng cách các thiết bị điện khác như: máy giặt, điều hòa nhiệt độ, bàn là, lò vi sóng, tủ lạnh... Việc thực hiện tiết kiệm điện gặp khó khăn nhiều nhất có lẽ là từ các đơn vị hành chính sự nghiệp và công sở, do ý thức hạn chế của nhiều cán bộ, công chức, với tư tưởng "tiền chùa" trong sử dụng điện còn khá phổ biến; tình trạng phòng nhỏ lắp thiết bị điện có công suất lớn; máy móc thường xuyên để ở chế độ chờ; hệ thống đèn chiếu sáng công cộng, đèn quảng cáo ở nhiều nơi, nhiều lúc thắp sáng liên tục dù đang là ban ngày.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam với trách nhiệm của mình, tăng cường công tác tư vấn, hỗ trợ khách hàng, đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về tiết kiệm điện; đầu tư cải tạo lưới điện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật, vận hành, chống tổn thất điện năng; phối hợp với ngành chức năng kiểm tra việc thực hiện cung ứng và sử dụng điện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm... Cho đến nay, hầu hết các địa phương đã thành lập được Trung tâm Tiết kiệm năng lượng. Chương trình quảng bá sử dụng đèn com-pắc sẽ được tiếp tục thực hiện cho đến năm 2010, chủ động phối hợp cùng các nhà sản xuất phấn đấu tiêu thụ mỗi năm từ 15 đến 20 triệu bóng đèn com-pắc.

Khả năng tiết kiệm năng lượng của nước ta rất lớn, có lĩnh vực có thể đạt tới 20%, thậm chí 30% - 35% Ví dụ trong ngành công nghiệp sản xuất xi-măng, sắt thép, đông lạnh có thể đạt đến 20%, trong lĩnh vực dân dụng, giao thông vận tải có thể đạt tới 30%, trong lĩnh vực xây dựng có thể đạt 30% - 35%. Trong khi hiện nay, nước ta chưa có hệ thống pháp luật đủ sức để tạo hành lang pháp lý tác động đến việc sử dụng năng lượng theo hướng tiết kiệm và hiệu quả, do đó việc ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thời gian tới là rất cần thiết.

Nỗ lực của Tập đoàn Điện lực chưa đủ, mà còn cần sự chung tay, góp sức của các doanh nghiệp, cơ quan, hộ gia đình, nhân dân, để tiết kiệm điện thực sự trở thành một nếp sống văn minh, vì lợi ích của quốc gia và lợi ích sát sườn của mỗi người dân./.