Mấy suy nghĩ về vấn đề nhập siêu của Việt Nam
1 - Tính chất, thời điểm và cơ cấu của tình trạng nhập siêu
Một nước có thể bị nhập siêu (nhất là trong những thời kỳ đang phát triển) do phải nhập khẩu nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu “đầu vào” của sản xuất, trong khi đó năng lực sản xuất trong nước chưa kịp chuyển hóa thành năng lực xuất khẩu, nên trong ngắn hạn tốc độ xuất khẩu chưa theo kịp tốc độ nhập khẩu dẫn đến nhập siêu. Tuy nhiên, đây là hiện tượng nhập siêu tích cực tạo hiệu ứng tốt đối với tăng trưởng kinh tế ở giai đoạn tiếp theo. Ngược lại, vì nhiều lý do khác nhau sản xuất bị trì trệ không đủ cung ứng cho tiêu dùng trong nước buộc phải nhập khẩu nhiều, dẫn đến nhập siêu thì thường để lại hậu quả lâu dài cho nền kinh tế. Nhập siêu cũng có thể xảy ra bởi tính chu kỳ của nền kinh tế, khi kinh tế bước vào giai đoạn phát triển, có nhu cầu nhập khẩu tăng cao, khi đó trong cơ cấu của nó nguyên, nhiên vật liệu, bán thành phẩm và máy móc thiết bị thường chiếm đa số.
Người ta có thể phân loại nhập siêu theo cơ cấu nhóm hàng, ngành hàng; hay theo chủ thể nhập khẩu; cơ cấu thị trường. Ví dụ, từ năm 2005 đến nay, ở Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thực hiện xuất siêu trong khi các doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều bị nhập siêu; hay năm 2007 có 22 thị trường Việt Nam đã phải nhập siêu(1).
Tình trạng nhập siêu tăng nhanh của Việt Nam vài năm gần đây gây nên nhiều tranh cãi. Có những quan điểm cho rằng không nên quá quan trọng vấn đề nhập siêu bởi đó là sự tất yếu khi nền kinh tế đang phát triển. Song, nhiều nhà kinh tế khác lại cảnh báo tình trạng nhập siêu kéo dài là một nhân tố gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, làm mất cân bằng cán cân thanh toán, gây áp lực lên tỷ giá ngoại hối..., và điều lo ngại nhất là không một quốc gia nào có thể chịu được tình trạng nhập siêu lên tới 20% GDP trong vài năm liên tiếp. Bởi vậy, để có cách nhìn đúng đắn về vấn đề này cần phải làm rõ bản chất bên trong của tình trạng nhập siêu của Việt Nam qua phân tích dưới đây.
2 - Phân tích tình hình nhập siêu của Việt Nam
Nhìn một cách tổng thể từ năm 2007 trở về trước, nhập siêu của Việt Nam luôn ở mức dưới 5 tỉ USD. Những năm 1995 - 1996, 2003 - 2004 nhập siêu tuy tương đối cao (trên 10% GDP), song vẫn được coi là hiện tượng bình thường có tính tất yếu của nền kinh tế. Nhập siêu chỉ thực sự đáng lo ngại khi bắt đầu tăng vọt lên trên 12 tỉ USD vào năm 2007 (gấp 2,4 lần so với năm 2006, chiếm tỷ lệ 29,1% so với xuất khẩu) và đến năm 2008 lên 17 tỉ USD (với tỷ lệ nhập siêu/xuất siêu 27%), 9 tháng đầu năm 2009 là 6,542 tỉ USD (chiếm gần 15,7% kim ngạch xuất khẩu).
Phân tích chi tiết hơn, trong cơ cấu nhập siêu của Việt Nam, giá trị nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu cho sản xuất và máy móc, thiết bị, phụ tùng cho các dự án đầu tư vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất. Tuy nhiên, cơ cấu nhập siêu thể hiện một số bất hợp lý, đó là tỷ trọng của nhóm máy móc, thiết bị, công nghệ (yếu tố hàng đầu để tăng năng lực sản xuất và sức cạnh tranh của hàng hóa) lại có xu hướng giảm (34%). Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng tiêu dùng (cần hạn chế nhập) như điện tử dân dụng, ô-tô, xe máy, nguyên liệu thuốc lá lại tăng, còn nhóm hàng cần thiết phục vụ an sinh xã hội cũng chỉ tăng ở mức vừa phải. Điều hiện nay làm nhiều người lo ngại không chỉ là nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm, mà vấn đề còn là ở chỗ nếu việc kiểm soát triển khai thực hiện gói kích cầu của Chính phủ không tốt thì lại trở thành kích cầu hàng tiêu dùng nhập khẩu, còn chúng ta lại không tận dụng được cơ hội trong khủng khoảng là tranh thủ nhập máy móc thiết bị khi giá trên thị trường thế giới đang rẻ, đặc biệt là khi thói quen nhập khẩu công nghệ, thiết bị lạc hậu từ các nước không phải công nghệ nguồn vẫn không có gì thay đổi đối với các doanh nghiệp. Trong 7 tháng đầu năm 2009, lượng ô-tô nhập khẩu vào Việt Nam là 32.400 chiếc, điện thoại di động trên 1,07 triệu cái (trong đó 86% nhập từ Trung Quốc), chưa kể một số lượng khá lớn hàng tiểu ngạch được nhập vào nước ta như vải vóc, quần áo, đồ gia dụng...
Về thị trường nhập siêu, có thể nói Việt Nam nhập siêu chủ yếu từ khu vực châu Á - Thái Bình Dương (khu vực này chiếm khoảng 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam), tiếp đó là châu Âu, châu Phi, Tây Á và Nam Á, khu vực châu Mỹ chỉ có 2 thị trường nhập siêu là Bra-xin và Ác-hen-ti-na. Đặc biệt, Việt Nam nhập siêu rất lớn hàng của Trung Quốc và con số nhập siêu từ thị trường này đang ngày một tăng. Nếu năm 2001, mức nhập siêu đối với thị trường Trung Quốc mới chỉ là 211 nghìn USD, thì những năm tiếp theo con số đó đã tăng lên nhanh chóng và đặc biệt cao vào năm 2006, 2007. Cụ thể là 1,7 triệu USD (năm 2004); 2,1 tỉ USD (năm 2005); 4,3 tỉ USD (năm 2006); 9,1 tỉ USD (năm 2007). Năm 2008 Trung Quốc vượt cả Đài Loan và Hàn Quốc trở thành thị trường mà Việt Nam có mức nhập siêu lớn nhất - 11,11 tỉ USD, tăng 21%.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tượng nhập siêu của Việt Nam không còn nằm trong quy luật bình thường của các nước đang phát triển. Phân tích nguyên nhân của tình trạng này, Bộ Công Thương đã cho rằng có 3 nguyên nhân dẫn đến nhập siêu là do tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ đầu tư, sản xuất và xuất khẩu; do giá nhập khẩu xăng dầu cùng các nguyên vật liệu chủ yếu đều tăng cao và sự xuống giá của đồng USD tạo thêm điều kiện kích thích nhập khẩu.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng nhập siêu tăng chủ yếu vẫn là do khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường cả trong nước và quốc tế còn kém, chi phí cho sản xuất, chỉ số tiêu hao nguyên, nhiên liệu, vật tư ở Việt Nam cao hơn so với các nước khác đã làm tăng nhu cầu nhập khẩu một cách kém hiệu quả, từ đó dẫn đến giá trị xuất khẩu của chúng ta không theo kịp với giá trị nhập khẩu.
Hơn nữa, những năm qua vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng khá nhanh. Sự di chuyển của nguồn vốn này thông thường gắn với sự chuyển giao công nghệ, máy móc, thiết bị, phụ tùng, phụ kiện, do đó dễ làm tăng giá trị nhập khẩu. Nhưng, điều đáng nói hơn là nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào nước ta thời gian gần đây lại chủ yếu chảy vào các dự án kinh doanh bất động sản, khách sạn. Điều đó không thể cải thiện tình hình xuất khẩu của đất nước mà chỉ làm cho vấn đề nhập siêu trầm trọng thêm.
Việt Nam cũng chưa phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, bằng chứng là 70% - 80% nguyên, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất để xuất khẩu đều phải nhập khẩu, 100% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, 80% nguyên liệu cho sản phẩm gỗ, 65% cho sản phẩm nhựa, 80% cho sản phẩm hóa chất, 70% cho thức ăn chăn nuôi... đều phải được đáp ứng từ bên ngoài. Điều này chứng tỏ sản xuất trong nước của chúng ta nếu còn nặng về gia công, thì còn phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu; và như vậy khi thị trường thế giới có những biến động, xuất khẩu gặp khó khăn, giá nhập khẩu “đầu vào” tăng thì nhập siêu tăng nhanh là điều khó tránh khỏi.
Nhập siêu tăng cao còn xuất phát từ những nguyên nhân khác như tâm lý chuộng hàng ngoại rất phổ biến trong dân cư có tác động tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng. Sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành ban hành chính sách, thực thi và kiểm tra giám sát hoạt động nhập khẩu còn chưa chặt chẽ, đồng bộ. Đã có quá nhiều bộ, ngành tham gia công tác ban hành chính sách, điều hành và quản lý nhà nước về nhập khẩu, làm chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, khó tạo ra sự nhất quán và hợp lý. Việc sử dụng công cụ thuế quan để hạn chế nhập khẩu một số mặt hàng như ô-tô, linh kiện lắp ráp... chưa có sự chủ động, thời điểm đôi lúc không thích hợp cũng gây nên hiện tượng đầu cơ làm nhập khẩu tăng cao...
Rõ ràng tình trạng nhập siêu hiện nay là điều đáng quan tâm vì nó thể hiện sự yếu kém của chúng ta trên nhiều lĩnh vực, hơn nữa không thể duy trì tình trạng này lâu dài.
3 - Các nước kiềm chế nhập siêu như thế nào?
Kinh nghiệm của một số nước phát triển trên thế giới như Mỹ, Anh là giải quyết vấn đề nhập siêu trong tổng thể cán cân thanh toán bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu dịch vụ để lấy thặng dư của cán cân dịch vụ bù đắp phần thâm hụt của cán cân thương mại nhằm mục tiêu chung để giải quyết vấn đề cán cân thanh toán.
Các nước châu Á đang phát triển như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan... khuyến khích phát triển xuất khẩu để giải quyết nhập siêu cả trong ngắn hạn và dài hạn thông qua thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, Hàn Quốc đã có những biện pháp khuyến khích xuất khẩu như không đánh thuế hàng xuất khẩu, miễn thuế nhập khẩu đối với vật tư nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, bảo hiểm xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc vay vốn với lãi suất phù hợp để tìm kiếm, thâm nhập thị trường, tham gia các khu vực mậu dịch tự do... Các nước cũng chủ động gắn chính sách đầu tư với chuyển dịch cơ cấu hướng tới xuất khẩu.
Song song với đẩy mạnh xuất khẩu, các nước này tăng cường quản lý nhập khẩu, chỉ mở rộng nhập khẩu khi nhờ đó xuất khẩu được cải thiện tốt hơn. Cụ thể Thái Lan đã áp dụng chính sách nhập khẩu “2 gọng kìm”: một mặt, tự do đối với hàng tư liệu sản xuất; mặt khác, kiểm soát và hạn chế nhập khẩu đối với hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, đặc biệt là hàng xa xỉ. Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc còn có chính sách bắt buộc các nhà sản xuất trong nước sản xuất hàng hóa có tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu ngay cả khi cung cấp cho thị trường nội địa để hướng người dân sử dụng hàng nội địa thay vì dùng hàng nhập khẩu.
Lựa chọn đúng thời điểm điều chỉnh chính sách tỷ giá hối đoái để kích thích xuất khẩu là một biện pháp khác mà các nước đã áp dụng, đặc biệt rất thành công trong trường hợp của Trung Quốc. Nhờ sự nhạy bén trong việc sử dụng các công cụ trong chính sách tỷ giá mà Trung Quốc đã đạt được cả sự ổn định giá cả trong nước và cân bằng tài chính, tiền tệ với bên ngoài. Chính sách tỷ giá của Trung Quốc đã góp phần tăng thêm sức cạnh tranh cho hàng hóa Trung Quốc và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ngoài các biện pháp trên, các nước cũng rất chú ý xây dựng chiến lược phát triển xuất khẩu cho từng ngành hàng vào từng thị trường mục tiêu trọng điểm khác nhau nhằm tạo ra sự tăng trưởng nhanh của xuất khẩu, chuyển từ tình trạng nhập siêu sang xuất siêu.
4 - Gợi ý một số giải pháp hạn chế nhập siêu cho Việt Nam
Đối với Việt Nam, giải bài toán nhập siêu hiện nay là phải giải quyết được mối tương quan giữa xuất khẩu và nhập khẩu sao cho hạn chế nhập khẩu nhưng không gây trở ngại cho xuất khẩu, đồng thời các biện pháp hạn chế phải phù hợp với những thông lệ buôn bán quốc tế theo quy định của Tổ chức Thương mại quốc tế và những thỏa thuận song phương. Từ kinh nghiệm của các nước và thực tế của Việt Nam, thiết nghĩ các nhà hoạch định chính sách có thể xem xét một số biện pháp gợi ý sau đây:
- Nỗ lực nâng cao sức cạnh tranh quốc tế của hàng hóa Việt Nam là biện pháp cơ bản, bền vững để đẩy mạnh xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu. Để làm được điều này rất cần xây dựng chiến lược phát triển những ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên lợi thế cạnh tranh để trong một thời gian nhất định tạo ra được những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao, chiếm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Có thể bước đầu là phát triển những ngành kinh tế cần sử dụng nhiều lao động, sau đó từng bước xây dựng, phát triển những ngành kinh tế dựa trên công nghệ cao và tri thức. Cần tái cơ cấu lại nền kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất, hết sức thận trọng trong việc lựa chọn các dự án đầu tư, nhất là đầu tư vào những ngành kém hiệu quả. Trước mắt, rà soát lại các ngành tập trung nhiều vốn thuộc các doanh nghiệp nhà nước. Tìm cách dịch chuyển đầu tư sang những ngành sản xuất các sản phẩm chủ lực, có giá trị gia tăng cao để xuất khẩu. Đồng thời, không nên quá bảo hộ cho sản xuất phục vụ thị trường trong nước để tránh tình trạng thiên lệch gây bất lợi cho xuất khẩu, thậm chí còn kích thích nhập khẩu nhiều hơn, như bảo hộ bằng cách đánh thuế cao ô-tô nhập khẩu, thì các doanh nghiệp lắp ráp ô-tô sẽ được lợi, trong lúc họ nhập phần lớn linh kiện từ bên ngoài. Hoạch định chiến lược phát triển công nghiệp phụ trợ trên cơ sở khai thác những lợi thế của đất nước và đặt trong yêu cầu tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của mỗi ngành hàng. Trên cơ sở này, thực thi các chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển công nghiệp phụ trợ.
- Từ kinh nghiệm của nước ngoài, chúng ta cũng nên chú ý tới biện pháp điều hành tỷ giá linh hoạt theo hướng hỗ trợ xuất khẩu và kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu. Và, nhằm tránh tác động bất lợi của tỷ giá đối với xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu cần giảm sự phụ thuộc vào việc thanh toán bằng đồng USD bằng cách đa dạng hóa các loại tiền sử dụng trong thanh toán quốc tế.
- Phát triển xuất khẩu dịch vụ và các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh trên thị trường trong nước, trước hết là các dịch vụ logistics (chuỗi các hoạt động thương mại từ vận tải, kho bãi, thủ tục xuất nhập cảng, phân phối, lưu thông hàng hóa, vận tải đa phương thức, tài chính, ngân hàng... nhằm vừa hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu, vừa góp phần bù đắp cán cân thương mại.
- Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cấp nhà nước, chú trọng các hoạt động ngoại giao kinh tế để đạt được những thỏa thuận song phương về cán cân thương mại, trước hết ở những thị trường đang nhập siêu cao.
- Để quản lý nhập khẩu có hiệu quả cần rà soát lại danh mục các mặt hàng nhập khẩu, đặc biệt kiềm chế tốc độ gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng, hàng xa xỉ như ô-tô, xe máy, rượu... theo hướng hạn chế quyền tiếp cận ngoại tệ, nâng thuế suất nhập khẩu tới trần trong khung thuế nhập khẩu đã cam kết (đối với những sản phẩm trong nước đã sản xuất được)...
- Xây dựng các tiêu chuẩn hàng rào kỹ thuật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xem xét những quy định, tiêu chuẩn chưa phù hợp để điều chỉnh kịp thời, bổ sung các hàng hóa và danh mục kiểm tra chất lượng; đồng thời đẩy nhanh tiến độ hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực để hạn chế nhập khẩu hàng hóa chất lượng không tốt. Theo hướng này chúng ta hiện mới có quy định về “các biện pháp quản lý chất lượng với hàng hóa cần tăng cường quản lý nhà nước trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường” theo Thông tư số 19/2009/BKHCN ban hành ngày 30-6-2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây là một cơ sở pháp lý cho các bộ, ngành có giải pháp quản lý thích hợp đối với các mặt hàng nhập khẩu.
(1) Nguồn: Cục Thông tin và Thống kê Hải quan
Vinh danh các điển hình tiên tiến toàn quốc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh  (25/01/2010)
Quy hoạch đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.811km  (24/01/2010)
Gần 30 nghìn tỉ đồng xây dựng tuyến đường bộ ven biển  (24/01/2010)
Pháp đưa ra đề xuất mới về chống biến đổi khí hậu  (24/01/2010)
Chủ tịch EC yêu cầu khống chế mức thâm hụt ngân sách  (24/01/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên