Hà Giang phấn đấu giảm nghèo nhanh và bền vững
TCCS - Được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ đặc biệt của Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành trung ương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang đã đoàn kết, phát huy các tiềm năng, nội lực, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, gắn tăng trưởng, phát triển kinh tế với đẩy mạnh xóa đói, giảm nghèo... Nhờ đó, Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Những thành tựu đáng khích lệ
Từ năm 2001 đến nay, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân được duy trì ở mức cao. Năm 2009, tốc độ tăng tổng giá trị gia tăng của nền kinh tế đạt 13,46% (năm 2008 tăng 12,05%), trong đó: ngành công nghiệp - xây dựng tăng 18,89%; các ngành dịch vụ tăng 16,61%; nông lâm nghiệp tăng 6,82%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực: Nông, lâm nghiệp chiếm 35,07% (giảm 1,71%); công nghiệp - xây dựng chiếm 26,27% (tăng 1,22%); thương mại - dịch vụ chiếm 38,64% (tăng 0,47%) so với năm 2008. Tổng sản lượng lương thực ước đạt 30,35 vạn tấn (tăng 2,39 vạn tấn so với năm 2008). Lương thực bình quân đầu người đạt 419 kg.
Hà Giang đã hình thành những vùng tập trung sản xuất hàng hóa như : chè 14.800 ha, đậu tương 15.000 ha, cam 47.000 ha, tập trung phát triển trồng cỏ gắn với chăn nuôi đại gia súc hàng hóa, nhất là ở các huyện vùng cao núi đá. Phát huy thế mạnh và lợi thế của tỉnh, tập trung phát triển thủy điện, khai thác chế biến khoáng sản. Hà Giang đang khởi công xây dựng 11 nhà máy thủy điện có công suất 267,6MW với tổng vốn đầu tư 2.500 tỉ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2009 đạt 799,5 tỉ đồng, giảm 6,8% so với năm 2008. Hoạt động thương mại, dịch vụ nội địa tiếp tục phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ thị trường xã hội đạt 2.035,8 tỉ đồng, vượt 10% kế hoạch, tăng 21% so với năm 2008. Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng kết cấu hạ tầng tiếp tục có những bước tiến mới, từng bước làm đổi thay bộ mặt của Hà Giang. Đến nay, Hà Giang đã có 100% số xã có đường ô tô, điện lưới đến trung tâm xã, 100% số xã có lớp học hai tầng trở lên, 160 xã có trạm y tế hai tầng và 163 xã có trụ sở hai tầng, xây dựng được trên 16.000km đường giao thông nông thôn loại B, trên 1.000 km kênh mương nội đồng. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi từ 6 - 14 tuổi đến trường qua các năm học đạt trên 97%; 190/195 xã, phường, thị trấn và 9/11 huyện, thị đạt chuẩn quốc gia về phổ cập trung học cơ sở.
Làm sao để phát triển kinh tế, tìm lối thoát nghèo luôn là mối quan tâm, trăn trở và nỗ lực rất lớn của Đảng bộ, chính quyền và mỗi người dân Hà Giang. Đồng thời, Hà Giang cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương, nhờ vậy công cuộc xóa đói giảm nghèo ở Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính trong 3 năm vừa qua, Hà Giang đã có hơn 21.000 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ hơn 50% năm 2006 xuống còn trên 27% năm 2008 và trên 22% năm 2009, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 6,3% triệu đồng/năm. Diện mạo cả một vùng biên cương rộng lớn của Tổ quốc đã có nhiều khởi sắc, gần 80% số hộ trong tỉnh được sử dụng điện, 65% số hộ được xem truyền hình phần lớn các thôn, bản có đường xe cơ giới. Hệ thống trường, trạm y tế từng bước được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu học tập và chăm sóc sức khỏe của người dân.
Nguyên nhân thành công, bài học kinh nghiệm
Trước hết, là việc nâng cao nhận thức và kiến thức để người nghèo vươn lên, có cơ hội tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, các dịch vụ sản xuất và dịch vụ xã hội. Với phương châm “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, mỗi cán bộ, đảng viên ở từng cấp ủy, chính quyền ở Hà Giang đã tự nguyện nhận từ một đến hai gia đình nghèo để hướng dẫn, giúp đỡ họ thoát nghèo. Từ đó, tuyên truyền, vận động các hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, nâng cao nhận thức chính trị, hiểu biết xã hội, tích cực tìm kiếm các nguồn lực, phương pháp sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Hà Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trong mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, muốn xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất thiết phải thực hiện tốt xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo.
Hai là, các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo trên địa bàn như Chương trình 135, 134, 120, Dự án bảo vệ rừng hỗ trợ lương thực cho dân và đặc biệt là Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cùng với dạy nghề cho nông dân và đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ về y tế, giáo dục, cho vay phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ cơ sở... được chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả và đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Đến nay, bằng các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và xóa đói giảm nghèo từ nguồn ngân sách của Nhà nước cũng như khai thác từ nội lực, Hà Giang đã có gần 13.000 hộ nghèo được xóa nhà tạm; hơn 30.000 bể nước ăn gia đình được xây dựng; gần 600 công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được hoàn thành và đưa vào sử dụng, hơn 160 tuyến đường dân sinh, gần 800 km đường giao thông nông thôn được mở, gần 1.300 ha đất được khai hoang, nương xếp đá chuyển thành nương ruộng; hơn 50.000 hộ nghèo và cận nghèo được nhận hoặc vay vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi; hơn 5.000 ha đất nương sản xuất có hiệu quả kinh tế thấp được chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao (thảo quả, trồng cỏ chăn nuôi...)
Ba là, thực tiễn cho thấy, muốn xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất thiết phải thực hiện tốt xã hội hóa công tác xóa đói, giảm nghèo. Mỗi năm ngoài kinh phí do trung ương cấp, Hà Giang còn huy động được hơn 1 tỉ đồng do nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trên địa bàn đóng góp. Một số mô hình xóa đói giảm nghèo như “bể nước, mái nhà, con bò”, “hạ sơn cho đồng bào vùng cao”, mô hình hỗ trợ lương thực cho các hộ nhận khoán rừng. Xóa nhà tạm với phương châm “Cứng nền, bền mái, vững khung” với phong trào “Mái ấm tình thương”, “Mái ấm cho hộ nghèo nơi biên giới”... của Hội phụ nữ, của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và Bộ đội Biên phòng; phong trào giúp đỡ giống trâu, bò, dê; phản nằm và màn của các tổ chức và cán bộ, đảng viên... đã được thực hiện thành công và trở thành phong trào phổ biến trong toàn tỉnh.
Mục tiêu và giải pháp vượt qua những khó khăn, thử thách
Hà Giang là tỉnh nằm ở cực Bắc Tổ quốc với gần 700 ngàn người, bao gồm 22 dân tộc, trong đó người Mông chiếm tỷ lệ lớn nhất (31,15%). Toàn tỉnh có tới 6 huyện nghèo nhất cả nước và 112/195 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Cách đây hơn 10 năm, tỷ lệ đói nghèo của Hà Giang lên tới hơn 70%, trong đó số hộ nghèo rơi vào tình trạng thiếu ăn từ 1 - 3 tháng, thậm chí tới 5 tháng chiếm gần 50%. Mỗi năm ngân sách của tỉnh phải trợ cấp cứu đói cho trên 6 ngàn hộ dân và trên 26.000 hộ phải sống trong những căn nhà tạm bợ. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất của các hộ nghèo chỉ chiếm 8,35% trong tổng số diện tích đất tự nhiên của toàn tỉnh, hơn 50% số hộ nghèo chưa được sử dụng điện lưới quốc gia...
Ở các xã vùng sâu, vùng xa, do đặc trưng vùng miền và điều kiện tự nhiên không thuận lợi, dân phải canh tác trên đất dốc, cả năm làm một vụ nên cuộc sống đang còn rất khó khăn. Thiếu nước, thiếu đất sản xuất, thời tiết khí hậu bất thường khiến cho sản xuất nông nghiệp phát triển chậm. Kết cấu hạ tầng nhiều nơi chưa phát triển, gây trở ngại cho việc tiêu thụ hàng hóa. Trình độ dân trí thấp, chưa tiếp thu được tiến bộ kỹ thuật. Dân cư sống không tập trung nên khó khăn trong việc đầu tư phát triển cơ sở. Số hộ tái nghèo hằng năm còn cao (trong các năm từ 2006 - 2008), số hộ nghèo phát sinh, tái nghèo lên tới hơn 6.500 hộ; tốc độ giảm nghèo không đồng đều (hiện còn 35 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, 131 xã có tỷ lệ hộ nghèo trên 25%); còn gần 8.000 hộ nghèo phải sống trong những căn nhà tạm, hàng ngàn hộ vẫn còn phải trông chờ vào sự trợ cấp, cứu đói của Nhà nước...
Mục tiêu của Hà Giang trong thời gian tới là khai thác có hiệu quả mọi tiềm năng, lợi thế để tạo bước đột phá trong tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng phát triển, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 13%/năm. Tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Áp dụng nhanh tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, phát triển mạnh kinh tế đối ngoại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, xóa đói giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến hết năm 2010 sẽ ra khỏi danh sách tỉnh đặc biệt khó khăn, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 20%, tăng tỷ lệ khá, giàu lên 35%.
Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Hà Giang đang nỗ lực thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Triển khai nhanh và có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững trong 6 huyện nghèo, tập trung ngân sách tỉnh hỗ trợ những xã đặc biệt khó khăn không thuộc các huyện này. Tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp về xóa đói giảm nghèo, gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cấp ủy, chính quyền và tổ chức đoàn thể trong công tác này. Tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, trong đó có cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực, ưu tiên các huyện có tỷ lệ nghèo cao, các xã biên giới, các xã đặc biệt khó khăn. Thực hiện hằng năm trích 1% ngân sách tỉnh để hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo xóa nhà tạm, khai hoang đất sản xuất, dạy nghề cho nông dân và đồng bào dân tộc và xuất khẩu lao động. Bố trí, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, trước hết là các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, tập trung thu hút đầu tư, tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để xây dựng và phát triển các khu - cụm công nghiệp dựa trên lợi thế của từng địa phương. Trước hết là, phát triển công nghiệp thủy điện vừa và nhỏ (hiện đã quy hoạch 18 nhà máy thủy điện, trữ lượng thủy năng khoảng 500 - 600 MW, tăng thu ngân sách ổn định, phát huy tiềm năng, giữ gìn môi trường sinh thái). Đẩy mạnh việc khai thác và chế biến sâu khoáng sản... Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến nông - lâm sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu; tập trung phát triển kinh tế đối ngoại dựa vào Cửa khẩu Quốc gia Thanh Thủy và các cửa khẩu phụ gắn với thị trường tỉnh Vân Nam và Quảng Tây (Trung Quốc). Phát triển kinh tế biên mậu, chợ biên giới, trao đổi xuất nhập khẩu gắn với thương mại; tập trung đầu tư, thu hút đầu tư phát triển văn hóa du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm.
Thứ ba, duy trì bảo đảm an ninh lương thực, xây dựng những mô hình kinh tế phù hợp với từng vùng sinh thái: Vùng cao tập trung phát triển chăn nuôi; vùng giữa, vùng thấp mở rộng thâm canh chè, phát triển cây cao su gắn với công nghệ chế biến hiện đại, xây dựng và giữ thương hiệu; phát triển vùng cây ăn quả đặc sản (cam sành, mận hậu...). Bên cạnh cây ngô truyền thống, tỉnh sẽ vận động và tạo điều kiện để mở rộng diện tích các cây ngắn ngày phục vụ công nghiệp chế biến như: cải dầu, lạc, đậu tương. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo thành vùng nguyên liệu ổn định./.
Một số vấn đề cấp bách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay  (24/01/2010)
Học Bác: "Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm"(1), Mộ Đạo thực hiện dồn điền, đổi thửa  (24/01/2010)
Gia Lai phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả  (23/01/2010)
Để nông nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu  (23/01/2010)
- Suy ngẫm những điều đặc biệt về cuộc đời, sự nghiệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Phát triển du lịch cộng đồng, góp phần giữ vững thương hiệu “Nha Trang - điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”
- Chính sách, pháp luật của Việt Nam về bảo vệ chủ quyền biển, đảo và đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch về vấn đề biển, đảo
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp và sự vận dụng của Đảng đối với vấn đề bảo đảm an ninh lương thực ở Việt Nam hiện nay
- Công an nhân dân tu dưỡng, rèn luyện, quyết tâm thực hiện lời căn dặn “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên