Đồng chí Võ Văn Kiệt với tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh

PGS,TS Phạm Hồng Chương Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh
15:57, ngày 22-11-2012
TCCSĐT - Nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt (23-11-1922 – 23-11-2012), bài viết không đi sâu vào phẩm chất và những đóng góp to lớn của đồng chí với cách mạng Việt Nam như đã được Đảng ta khẳng định, mà chỉ xin được đề cập tới một nhân tố hàng đầu và căn bản nhất, đã tạo nên phẩm chất Võ Văn Kiệt. Đó là việc đồng chí đã “thường xuyên kiên trì học tập, nghiên cứu và thực hành thành công tư tưởng, đạo đức, phong cách” nhất là tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí rất thành công trong hoạt động lý luận và thực tiễn phong phú của mình.

Nhớ về đồng chí Võ Văn Kiệt, chúng ta nhớ tới một trong những “người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” đã “luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, bám sát thực tiễn, bằng tư duy sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, đã “có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, đưa sự nghiệp cách mạng luôn tiến lên phía trước”(1).

Nói về đồng chí Võ Văn Kiệt là nói về một nhà lãnh đạo cộng sản kiên trung trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc chống ngoại xâm ở thế kỷ XX đã “luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần chủ động cách mạng tiến công, kiên cường bám dân, bám đất ở những địa bàn xung yếu, ác liệt nhất, gây dựng và phát triển phong trào cách mạng”; là một trong những nhà lãnh đạo có “tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở”, “đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo”.

Võ Văn Kiệt viết không nhiều về con người, sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng, mỗi bài, mỗi câu viết và mọi hoạt động thực tiễn cách mạng của đồng chí đều chứa đựng sự am tường sâu sắc về tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh - đó là “một đạo lý lớn của dân tộc” và   khẳng định: “Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả rực rỡ của tư tưởng đó”.  Đồng chí đã phân tích và chỉ rõ, nhờ tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, “không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó, kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước, với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng và kháng chiến”(2).

Là người trực tiếp lăn lộn với miền Nam trong cả hai cuộc kháng chiến ở thế kỷ XX, “sống trong lòng dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội”, đồng chí Võ Văn Kiệt thấy “bài học về sức mạnh dân tộc càng thấm sâu vào trong máu thịt” của mình. Và từ thực tiễn đó, đồng chí nhận thấy rõ tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh “lại một lần nữa bừng lên mạnh như một sức mạnh vĩ đại của cả dân tộc” trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược. Dưới ánh sáng của tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh - như đồng chí viết - sức mạnh đoàn kết của mọi thành phần khác nhau trong xã hội miền Nam lúc đó “đã làm cho chính quyền tay sai đã bị cô lập lại càng bị cô lập hơn, đã suy yếu càng suy yếu hơn. Lực lượng cách mạng đã lớn mạnh càng lớn mạnh hơn”(3).

Võ Văn Kiệt cũng nhìn rõ tinh thần đoàn kết quốc tế, dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh “đã làm cho kẻ thù xâm lược Việt Nam càng ngày càng bị cô lập. Trong các nước xã hội chủ nghĩa, tư tưởng đoàn kết quốc tế của Bác Hồ đã làm cho những người bạn lớn của chúng ta dù còn mếch lòng với nhau nhưng vẫn luôn luôn nhất trí ủng hộ sự nghiệp kháng chiến của chúng ta”(4).

Sự am tường về tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã làm Võ Văn Kiệt trăn trở khi thấy tư tưởng vĩ đại, đạo lý lớn của dân tộc có lúc đã bị coi nhẹ, sao nhãng, nhất là sau thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp và đế quốc Mỹ.

Là con người hành động, sự thấu hiểu sâu sắc của Võ Văn Kiệt về tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh lại thể hiện ở trong quá trình vận dụng vào thực tiễn trên cương vị đầy trách nhiệm của mình. Võ Văn Kiệt cho rằng, từ ngày Đảng có chủ trương đổi mới thì tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh càng được thể hiện đúng đắn. Điều này thể hiện ở chỗ “tư tưởng hòa hợp dân tộc lại được phục hưng và ứng nghiệm với nhiều kết quả khả quan mà biểu hiện của nó là kinh tế nhiều thành phần, quan điểm kinh tế mở, tư tưởng Việt Nam làm bạn với tất cả các nước trên thế giới, khép lại quá khứ, hướng về tương lai... đã giúp cho nước ta khai thác được cả nội lực và ngoại lực để vượt qua khủng hoảng, liên tiếp thu được những thành quả về mọi mặt”(5).

Đoàn kết theo tư tưởng Hồ Chí Minh “có nghĩa là phải khoan dung”, là “chủ trương xóa bỏ mọi hận thù chia rẽ do chế độ cũ để lại, sẵn sàng thu dụng những người có tài, có năng lực và tâm huyết, mà không kể đến quá khứ”(6). Võ Văn Kiệt đã nêu lên câu hỏi để tất cả mọi người dân Việt Nam cùng suy nghĩ: “Nếu cứ còn chia rẽ vì bại, kiêu vì thắng, thì ích lợi gì cho bản thân, cho đất nước, cho hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế?”(7).

Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi ấy nhưng Võ Văn Kiệt đã chỉ ra rằng: “tài nguyên lớn nhất cho mọi quốc gia chính là tài nguyên con người. Nếu quy tụ được sức người, thì nhiều nguồn lực khác cũng có thể được quy tụ. Con người không quy tụ được thì mọi nguồn lực khác cũng rơi rụng”(8).  Đó cũng là câu trả lời, vì trên thực tế, Võ Văn Kiệt đã làm tất cả những việc có thể để quy tụ lòng người Việt Nam theo đúng tinh thần hòa hợp dân tộc, đại đoàn kết toàn dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh.   

Để quy tụ toàn dân, Võ Văn Kiệt cho rằng, phải luôn nuôi dưỡng ngọn lửa yêu nước và đại đoàn kết dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã dày công vun đắp. Theo đồng chí, để ngọn lửa yêu nước, đại đoàn kết dân tộc sáng mãi, phải luôn nhớ mấy bài học lớn của Bác Hồ. Đó là:

 “- Đất nước Việt Nam, giang sơn Việt Nam cùng mọi thành quả của nền văn hóa Việt Nam không phải là của riêng ai, của một giai cấp hay đảng phái nào, mà là tài sản chung của cả mọi người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

- Đã thế thì mọi người Việt Nam đều phải có trách nhiệm và có quyền được đóng góp vào việc tô điểm cho giang sơn đó, làm giàu và làm đẹp thêm cho nền văn hóa đó.

- Lại vì thế nên phải làm sao để cho mọi người Việt Nam đều được sống với giang sơn gấm vóc này, được hưởng mọi giá trị và tinh thần của nền văn hóa này”(9).

Chỉ có nhận thức như vậy và hành động với tinh thần đó, thì tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mới được thực hiện và “sẽ mãi là sức mạnh giúp chúng ta vượt qua bao thử thách”, “sẽ đem lại cả sức sống, niềm tin, niềm vui, nghĩa tình và hạnh phúc cho hàng triệu và hàng triệu con người Việt Nam chúng ta”(10).

Đoàn kết toàn dân tộc, thu phục nhân tâm, nhân tài phụ thuộc vào khả năng của lãnh đạo và vai trò ấy thuộc về Đảng ta. Bởi “Đảng là người đang nắm quyền lãnh đạo đất nước có đủ thẩm quyền trước lịch sử để làm điều này. Đảng cần thể hiện trách nhiệm của mình trước lịch sử, nắm lấy cơ hội để gắn kết dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân và sức mạnh thời đại vào thời điểm có một không hai này”(11); “Trong lịch sử của mình, hễ khi nào Đảng ta tập hợp được sự đoàn kết của toàn dân, khi đó, Đảng giành được thắng lợi”(12).

Võ Văn Kiệt khẳng định rằng, để đoàn kết toàn dân, được sự ủng hộ của cả dân tộc và ở trong “vai trò một Đảng thực sự của dân tộc”, Đảng phải “thể hiện vai trò tiên phong của chính mình vì lợi ích tối cao của dân tộc”. Là người nói ít, làm nhiều theo tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh, trên trọng trách của mình, Võ Văn Kiệt đã không ngừng vun đắp cho khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng vững chắc hơn, mở rộng hơn, tạo ra nội lực vững chắc đưa đất nước ta vào thời kỳ hội nhập quốc tế.     

Không chỉ thấu hiểu sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh mà Võ Văn Kiệt còn vận dụng tư tưởng đó một cách chính xác và thành công vào thực tiễn, đồng thời đã góp phần phát triển tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh nói riêng và tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung trong điều kiện lịch sử mới. Chính những điều đó đã tạo nên hình ảnh Võ Văn Kiệt - như Đảng ta đã khẳng định - là “một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, ở mỗi giai đoạn khó khăn, thử thách”, đã “luôn nêu cao tính tiên phong và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất của Đảng, thương yêu đồng bào, thắt chặt mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc”(13)./.

---------------------------------------------

(1) Những đoạn in nghiêng trong ngoặc của trang 1 và trang 2 này đều trích từ Điếu văn tại lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt.

(2) Thủ tướng Võ Văn Kiệt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng, người sống mãi trong lòng nhân dân, Nxb Văn hóa - Thông tin, H, 2012, tr. 53

(3) Sđd, tr. 55

(4) Sđd, tr.56

(5) Sđd, tr.57

(6) Sđd, tr.54

(7) Sđd, tr.57

(8) Sđd, tr.58

(9) Sđd, tr.58

(10) Sđd, tr.59

(11) Sđd, tr.89

(12) Sđd, tr.69

(13) Điếu văn tại lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt