TCCSĐT - Trong hai ngày 6 và 7-11-20112, Thủ tướng Liên bang Nga Đi-mi-try Mét-vê-đép đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước thúc đẩy sự hợp tác theo tinh thần đối tác chiến lược toàn diện.

Mối quan hệ hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau

Chặng đường quan hệ Việt Nam và Liên bang Nga hơn nửa thế kỷ qua là sự tiếp nối, kế thừa mạch nguồn truyền thống quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên Xô trước đây. Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga có những bước phát triển mới. Chuyến thăm hữu nghị chính thức Việt Nam của Tổng thống Vla-đi-mia Pu-tin vào tháng 3-2001 được coi là dấu mốc lịch sử trong quan hệ song phương khi hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược, tạo cơ sở pháp lý để quan hệ hợp tác hai nước bước sang một giai đoạn phát triển mới cả về bề rộng lẫn chiều sâu, có nhiều khởi sắc mới, đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng. 

Hơn một thập niên qua, quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Liên bang Nga ngày càng trở nên mật thiết thông qua việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước. Thông qua các chuyến thăm đó, lãnh đạo hai nước thống nhất cần làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược, nhất trí duy trì và tăng cường tiếp xúc thường xuyên ở cấp cao, các bộ, ngành, đoàn thể quần chúng và địa phương, nhân dân hai nước. Thêm vào đó, việc có chung quan điểm đối với nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, phối hợp ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế như: Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn An ninh ASEAN (ARF), càng tăng cường hơn nữa sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển toàn diện và nhanh chóng. 

Quan hệ chính trị được tăng cường với độ tin cậy cao và không ngừng được củng cố; các kênh tiếp xúc đảng, nhà nước, chính phủ và quốc hội giữa hai bên ngày càng được đa dạng hóa đã đặt nền móng vững chắc cho hợp tác kinh tế - thương mại phát triển mạnh mẽ. Các hoạt động hợp tác được triển khai sôi động, hiệu quả, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, khai thác dầu khí, công nghiệp chế tạo máy. Liên bang Nga hiện là bạn hàng quan trọng của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại chủ yếu của Nga tại châu Á. Năm 2011, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 3 tỷ USD. Việt Nam xuất khẩu sang Nga các mặt hàng công nghiệp nhẹ tiêu dùng như: dệt may, giày dép, nông sản nhiệt đới, thủy - hải sản, thủ công mỹ nghệ và nhập khẩu các mặt hàng như: xăng dầu, sắt thép, phân bón, hóa chất,… Năm 2011, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,38 tỷ USD, tăng 66,2% so với năm 2010. Theo thông báo mới nhất của Bộ Phát triển Kinh tế Nga (chiều 2-11-2012), kim ngạch trao đổi hàng hóa Nga - Việt Nam đang tăng mạnh. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch trao đổi hàng hóa giữa Nga và Việt Nam tăng 49,7%, đạt hơn 2,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Nga tăng 63,8%, đạt 1,079 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu tăng 40,6%, đạt 1,439 tỷ USD. 

Liên bang Nga hiện có 72 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký là 894,18 triệu USD, đứng thứ 23 trong số quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào việt Nam. Đầu tư của Việt Nam sang Nga trong những năm gần đây tăng nhanh. Các lĩnh vực hợp tác truyền thống như khai thác dầu khí, năng lượng, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước và là hướng ưu tiên trong phát triển quan hệ kinh tế. Trong đó, lĩnh vực hợp tác có triển vọng nhất là thăm dò và khai thác dầu khí. Xí nghiệp liên doanh Vietsovpetro có vị trí quan trọng hàng đầu trong số những công ty có nguồn vốn nước ngoài đang hoạt động trên thềm lục địa Việt Nam, là doanh nghiệp đạt doanh thu lớn nhất Việt Nam. Các tập đoàn dầu khí của Nga, như: Gazprom, Lukoil, TNK - BP management cũng đang hoạt động có hiệu quả tại thềm lục địa của Việt Nam. Không chỉ dừng lại ở việc khai thác dầu trên thềm lục địa Việt Nam, liên doanh dầu khí giữa hai nước đã mở rộng sang cả vùng cực Bắc của Nga và sang nước thứ ba. Trong lĩnh vực điện hạt nhân, hợp tác giữa hai nước có bước đột phá lớn với việc đạt được thỏa thuận tiếp tục hợp tác trong việc xây mới và hiện đại hóa các công trình năng lượng tại Việt Nam. Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam đã được hai bên ký vào ngày 31-10-2010. 

Cùng với hợp tác về kinh tế, hợp tác về giáo dục - đào tạo được hai bên duy trì trao đổi thường xuyên. Là nước cung cấp số lượng học bổng đại học và sau đại học nhiều nhất cho Việt Nam, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong việc đào tạo nguồn nhân lực. Hằng năm, Nga dành cho Việt Nam 300 học bổng đại học và sau đại học tại các trường của Nga. Hiện, có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga. Hai bên đã thỏa thuận thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam. Ở Nga hiện có 4 trung tâm nghiên cứu lớn về Việt Nam. 

Các hoạt động giao lưu văn hóa, phát triển du lịch,… cũng góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước. 

Đối tác chiến lược toàn diện 

Trong bối cảnh mới của quốc tế và khu vực, khi trung tâm kinh tế thế giới đang dịch chuyển sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, một số nước lớn tăng cường điều chỉnh quan hệ chiến lược đối với khu vực và quan hệ đối ngoại, quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga đứng trước nhiều cơ hội mới và thách thức. Tuy nhiên, có nhiều cơ sở để khẳng định triển vọng phát triển ổn định, tốt đẹp của quan hệ hai nước. 

Một là, giữa hai nước có mối quan hệ truyền thống tin cậy, hiểu biết, gắn bó và đã được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược. Lịch sử quan hệ giữa hai nước trong suốt hơn 60 năm qua cho thấy sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau là nền tảng quan trọng để quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài. 

Hai là, thực tiễn quan hệ hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga trong thời gian qua cho thấy hai nước có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát huy thế mạnh, bổ sung cho nhau. Cả hai nước đều là các nền kinh tế thành viên của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, còn Liên bang Nga xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội. Sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi nước vừa tạo điều kiện, vừa đặt ra yêu cầu cần có sự hợp tác quốc tế sâu rộng hơn, đáp ứng tiềm năng và nhu cầu của mỗi nước. Việc Liên bang Nga mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mở ra cơ hội mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quan hệ thương mại giữa Nga với các quốc gia thành viên WTO, trong đó có Việt Nam. Nga là một thị trường rộng lớn, giàu có về tài nguyên thiên nhiên, có nền khoa học - kỹ thuật hiện đại mà các doanh nghiệp Việt Nam đang hướng đến. 

Ba là, hai nước đều thực hiện đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, đều có nhu cầu phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược. Việt Nam với vị trí địa - chiến lược quan trọng, là thành viên ASEAN, có nền kinh tế năng động, đang phát triển trong khu vực, sẽ là cầu nối quan trọng của Nga trong quan hệ với khu vực. Là đối tác chiến lược, Việt Nam luôn coi trọng vị trí của Liên bang Nga trong chính sách đối ngoại củng cố quan hệ với các bạn bè truyền thống của mình. 

Trải rộng trên cả hai lục địa Á - Âu với những lợi thế về địa-chính trị, địa-văn hóa, Liên bang Nga có lợi ích chính trị, quân sự và kinh tế lâu dài trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga coi quan hệ hợp tác với Việt Nam - trong nhóm các đối tác quan trọng của Nga ở khu vực, là một trong những ưu tiên của mình trong chính sách ngoại giao “hướng Đông” của Nga nhằm cân bằng Đông - Tây, tái lập và mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên thế giới. 

Dấu mốc quan trọng mở rộng hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực 

Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Nga Đ. Mét-vê-đép trong hai ngày 6 và 7-11-2012 thể hiện sự khẳng định quyết tâm và mong muốn của lãnh đạo hai nước đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Liên bang Nga lên tầm cao mới, tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, hiệu quả, thiết thực, ngày càng bền chặt. 

Lãnh đạo hai nước thống nhất cho rằng, mặc dù quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai đối tác Việt Nam và Nga tuy đang phát triển ngày càng mạnh mẽ và hiệu quả, nhưng vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa đáp ứng hoàn toàn nguyện vọng của hai bên. Vì thế, hai nước cần tăng mạnh hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế - thương mại song phương tương xứng với mối quan hệ đối tác và hữu nghị rất tốt đẹp giữa Nga và Việt Nam. Nâng kim ngạch thương mại lên mức 7 tỷ USD vào năm 2015 mới chỉ là mục tiêu trước mắt, về lâu dài mục tiêu này phải cao hơn nữa.

Các biện pháp để đạt mục tiêu trước mắt và lâu dài mà lãnh đạo hai nước đặt ra, đó là, thực hiện những hình thức hợp tác mới, như phát huy những kết quả hợp tác đã đạt được trong các lĩnh vực truyền thống như: năng lượng, chế tạo máy, khoa học - kỹ thuật, quân sự - kỹ thuật. Hợp tác quân sự - kỹ thuật song phương vừa góp phần phát triển tổ hợp công nghiệp quốc phòng Nga, vừa giúp Việt Nam tăng cường tiềm lực quân sự của mình. Trong ngành năng lượng - ngành được cả hai bên cùng quan tâm phát triển, việc hợp tác cần được mở rộng sang cả lĩnh vực chế biến nhiên liệu - năng lượng, chứ không chỉ dừng lại ở việc trao đổi thành phẩm và bán thành phẩm như dầu mỏ và khí đốt hiện nay. 

Một cơ hội nữa để thúc đẩy đầu tư thương mại giữa hai nước đó là Việt Nam sẽ bắt đầu đàm phán nhằm ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh Hải quan gồm ba nước Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan vào quý I năm 2013 và phấn đấu kết thúc đàm phán trong vòng 2 năm. Nói về tác động của FTA này đối với hai nước Việt Nam và Nga, Thủ tướng Nga Đ. Mét-vê-đép cho rằng, đây là hình thức hợp tác đầy triển vọng, “sẽ nhân lên gấp bội khả năng kinh tế - thương mại của cả hai bên”, bởi nó cho phép Việt Nam và Nga phối hợp hành động cả trong việc hoạch định và thực thi chính sách kinh tế. Tham gia FTA bốn bên, hàng hóa Việt Nam có thêm thị trường mới, còn Nga sẽ nhận thêm hàng hóa từ Việt Nam. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế Liên bang Nga Đ. Vô-cô-vích nói, với việc ký kết Hiệp định này, xuất khẩu từ Việt Nam sang Liên bang Nga có thể tăng lên 6 lần, đặc biệt là những hàng hóa xuất khẩu truyền thống. Danh mục hàng hóa xuất khẩu cũng tăng lên.

Khả năng hợp tác giữa hai nước còn rộng mở hơn nữa bởi cả Việt Nam và Nga đều là một bộ phận của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nga đã thông qua đường lối tham gia phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có chương trình phát triển khu vực Đông Xi-bi-ri và Viễn Đông của mình trong mối liên hệ chặt chẽ với sự phát triển của khu vực này, còn Việt Nam - một thành viên của ASEAN đang có những bước phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng kinh tế - xã hội lớn. Việc xây dựng cơ cấu hợp tác Nga - Việt có tính đến tình hình phát triển chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng cho tương lai của mối quan hệ giữa hai bên.

Mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai nước cùng tiềm năng phát triển của mỗi nước và truyền thống hữu nghị tốt đẹp, những tình cảm cũng như sự tin cậy mà nhân dân hai nước dành cho nhau tạo nền tảng quan trọng để chúng ta tin tưởng rằng, hợp tác song phương giữa Việt Nam và Liên bang Nga sẽ được tiếp tục mở rộng trên mọi lĩnh vực, đáp ứng nguyện vọng, lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần cũng cố hòa bình, sự ổn định, phồn vinh của khu vực./.

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về hợp tác trong lĩnh vực sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình và một số văn bản hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, thương mại, đã được ký kết dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đ. Mét-vê-đép.