Quản lý báo chí trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay
Quán triệt sâu sắc các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường quản lý báo chí trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật về báo chí; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các cơ quan báo chí và nhà báo có sai phạm; biểu dương kịp thời các cơ quan báo chí, nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần tạo phong trào hành động cách mạng trong đời sống xã hội.
Sự lớn mạnh và đóng góp xứng đáng của báo chí
Kể từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, nhân dân ta đã thực hiện công cuộc đổi mới hơn 20 năm. Trong quãng thời gian đáng ghi nhớ ấy, đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, tạo được những bước chuyển cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thu được những thắng lợi quan trọng. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Thế và lực của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ngày càng rõ hơn. Công cuộc đổi mới của chúng ta thu được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Trong thành tích chung ấy, có phần đóng góp xứng đáng của đội ngũ báo chí. Với khẩu hiệu "Đổi mới báo chí vì sự nghiệp đổi mới đất nước", báo chí nước ta những năm vừa qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ về số lượng, loại hình, ấn phẩm, công nghệ, phạm vi tác động đến công chúng.
Tính đến đầu năm 2007, cả nước có 687 cơ quan báo chí với khoảng hơn 800 ấn phẩm, gồm có 172 báo (trung ương: 71; địa phương: 101); 448 tạp chí (trung ương: 352; địa phương: 96); 67 đài phát thanh, truyền hình (trung ương: 02; địa phương: 65); 5 báo điện tử, 105 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí; hàng nghìn trang tin điện tử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...
Ở tất cả các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội đều có cơ quan báo chí. Các bộ có số lượng lớn là Bộ Quốc phòng (trên 20 cơ quan báo chí), Bộ Công an (gần 20 cơ quan báo chí), Bộ Y tế (15 cơ quan báo chí). Tổ chức chính trị - xã hội có nhiều cơ quan báo chí, nhất là Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với 10 cơ quan báo chí. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều có ít nhất từ 2 đến 3 cơ quan báo chí, gồm báo của đảng bộ địa phương, đài phát thanh - truyền hình, tạp chí của hội văn nghệ. Các địa phương có nhiều cơ quan báo chí nhất là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai...
Xét về tổ chức chiều dọc, chúng ta có hệ thống báo chí từ trung ương đến địa phương; về tổ chức chiều ngang, chúng ta có báo, tạp chí của các bộ, ngành, các lĩnh vực như hệ thống báo chính trị - xã hội; hệ thống báo kinh tế; hệ thống báo giáo dục, y tế, văn học - nghệ thuật... Báo, tạp chí của đủ các lứa tuổi từ thiếu niên, nhi đồng đến người cao tuổi.
Với bốn loại hình báo chí (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử), báo chí nước ta đã trở thành hệ thống thông tin đa loại hình, đa phương tiện, làm tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với nhân dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân đến với Đảng, các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội hoặc xã hội - nghề nghiệp.
Hơn một vạn nhà báo có mặt ở các vùng miền của đất nước đi sát mọi lĩnh vực của đời sống xã hội để phản ánh kịp thời, sinh động phong trào hành động cách mạng của các tầng lớp nhân dân; cổ vũ công cuộc đổi mới, phát hiện, nêu gương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt; đấu tranh phòng, chống nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí; chống thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực phản động, thù địch; làm chiếc cầu hữu nghị gắn kết Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Nghiêm túc nhìn lại những yếu kém trong hoạt động và quản lý báo chí
Bên cạnh các thành tựu và ưu điểm cơ bản vừa nêu, hoạt động báo chí nói chung, công tác quản lý báo chí nói riêng ở nước ta đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém cần phải nhanh chóng khắc phục sớm.
Thứ nhất, khá nhiều cơ quan báo chí và nhà báo thông tin sai sự thật, thể hiện chủ yếu ở mảng bài viết về các vụ án. Nhiều trường hợp đưa thông tin sai sự thật nhưng khi bị phát hiện, bị khiếu nại không được cải chính hoặc cải chính không nghiêm túc. Nhiều doanh nghiệp, tổ chức nhà nước, tập thể, cá nhân phải điêu đứng, khó khăn khi bị thông tin sai, thậm chí bị vu cáo. Không ít bài báo vi phạm pháp luật, xâm phạm bí mật đời tư cá nhân, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự nhân phẩm của công dân. Tình trạng thông tin thiếu trung thực, suy diễn, thổi phồng, khoét sâu vào những thiếu sót, khuyết điểm của một số tổ chức, cá nhân, tô đậm mặt trái, những hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội... diễn ra đáng lo ngại. Hiện tượng này đang lặp lại tại không ít cơ quan báo chí và đang có chiều hướng gia tăng. Đây là hệ quả của lối làm báo chụp giật vô trách nhiệm, thậm chí xuất phát từ động cơ xấu của một số phóng viên nhằm tạo ra những "sự cố", những vụ tai tiếng, những vụ giật gân, câu khách. Thông tin sai sự thật còn là biểu hiện của sự cẩu thả, tắc trách, coi thường bạn đọc, coi thường pháp luật trong quy trình biên tập, thẩm định, xét duyệt tin, bài của những người có trách nhiệm quản lý và điều hành cơ quan báo chí.
Thứ hai, đó là sự thiếu nhạy cảm về chính trị, đưa thông tin không có lợi cho quốc gia, gây bất lợi cho hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác đối ngoại. Một số cơ quan báo chí và nhà báo thường sa đà vào "mảng tối", mặt trái của đời sống xã hội, tạo nên bức tranh ảm đạm, bi quan về đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị. Những thông tin này tạo nên hiệu ứng không tốt trong công chúng, tạo cái nhìn thiên lệch cho người nước ngoài về Việt Nam; bị các đối tác và đối thủ nước ngoài triệt để khai thác, lợi dụng nhằm gây sức ép với nhà nước ta trên các bàn đàm phán đa phương và song phương về chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư...
Thứ ba, một số cơ quan báo chí và nhà báo sa đà vào các thông tin dung tục, giật gân, tình dục, bạo lực, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, làm suy giảm tính định hướng, tính giáo dục và tính thẩm mỹ của báo. Đây là xu hướng đáng báo động trong hoạt động báo chí. Những câu chuyện phòng the tục tĩu, tự nhiên chủ nghĩa, những hình ảnh hở hang, khêu gợi những câu chuyện về đồng bóng, bói toán, gọi hồn... có nơi, có lúc rộ lên làm xôn xao dư luận. Thực chất, đó là một kiểu lừa phỉnh công chúng, để bán báo, đăng tải quảng cáo. Riêng trong năm 2006, Bộ Văn hóa - Thông tin đã phải tiến hành xử lý nghiêm khắc đối với 29 trường hợp đăng thông tin vi phạm, trong đó có 02 cơ quan báo chí bị đình bản tạm thời vì đưa thông tin và hình ảnh phản văn hóa trên báo chí.
Thứ tư, có cơ quan báo chí thực hiện chưa nghiêm túc định hướng thông tin; thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích đã được quy định trong giấy phép do Bộ Văn hóa - Thông tin cấp; chấp hành không đầy đủ, không đúng các quy định của pháp luật về báo chí. Dạng vi phạm này có chiều hướng ngày càng gia tăng và chủ yếu xảy ra ở các số phụ, số cuối tuần, cuối tháng, số chuyên đề. Một số cơ quan chủ quản xin ra báo, tạp chí rồi phó mặc cho cơ quan báo chí. Đã xảy ra trường hợp cơ quan báo chí "bán cái", để tư nhân "núp bóng" hoặc thao túng. Đây cũng là một trong những vấn đề "nóng" cần có sự điều chỉnh trong quá trình quản lý hoạt động báo chí, đặt ra nhiều vấn đề cần phải sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Báo chí trong thời gian tới.
Thứ năm, lãnh đạo một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng các quy định của Luật Báo chí, không chấp hành nghiêm túc sự chỉ đạo và định hướng thông tin đã được phổ biến trong các cuộc giao ban, cho đăng tải các thông tin không có lợi, làm lộ bí mật nhà nước, gây thiệt hại đến lợi ích của đất nước, của nhân dân. Thậm chí, đã có trường hợp cán bộ của một số cơ quan báo chí có hành vi vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, bị cơ quan công an bắt giữ vì liên quan tới các vụ việc tiêu cực, lừa đảo, chạy án hoặc có hành vi sách nhiễu. Đã có hiện tượng liên kết không lành mạnh giữa một số phóng viên, hoặc giữa một số lãnh đạo cơ quan báo chí nhằm đánh vào một số tổ chức, cá nhân theo kiểu "hội đồng". Có trường hợp báo chí đăng tải điều tra, kiểm tra, thanh tra chưa có kết luận chính thức, gây hoài nghi, hoang mang trong dư luận, gây mất đoàn kết nội bộ của các tổ chức, cơ quan. Trong số đó, cũng có những người vì tư lợi đã biến ngòi bút của mình trở thành công cụ cho phe, nhóm trong những cuộc tranh giành, đấu đá với mục đích trục lợi. Điều này cho thấy trách nhiệm xã hội và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận nhà báo bị suy giảm đến mức đáng lo ngại.
Tăng cường hơn nữa công tác quản lý báo chí
Quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội X của Đảng và các quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta về tăng cường công tác quản lý báo chí (thể hiện qua: Chỉ thị 22/CT-TW của Bộ Chính trị khóa VIII; Thông báo số 162-TB/TW của Bộ Chính trị khóa IX; Thông báo số 41 TB/TW và Thông báo số 68-TB/TW của Bộ Chính trị khóa X; Quyết định số 388/QĐ-CP và Chỉ thị số 37/2006/TC-TTg của Thủ tướng Chính phủ), để đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới đất nước, giao lưu, hội nhập với bên ngoài, trong thời gian tới, cơ quan quản lý nhà nước về báo chí sẽ tiến hành triển khai một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Một là, tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về báo chí. Có kế hoạch tổng kết, đánh giá việc thực hiện Luật Báo chí và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành để đề xuất việc sửa đổi, bổ sung phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác quản lý báo chí và hoạt động báo chí.
Hai là, có hình thức biểu dương, khen thưởng kịp thời các cơ quan báo chí và nhà báo hoàn thành tốt nhiệm vụ, thực hiện nghiêm tôn chỉ, mục đích, thông tin đạt hiệu quả cao, có sáng kiến và thành tích trong việc định hướng, tạo dư luận, tạo phong trào hành động cách mạng trong đời sống xã hội.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, kiên quyết, nghiêm minh các cơ quan báo chí và nhà báo có sai phạm. Đối với trường hợp vi phạm kéo dài, lặp đi lặp lại phải đình chỉ hoạt động để kiện toàn, củng cố.
Bốn là, đánh giá tình hình hoạt động của các cơ quan báo chí thường để xảy ra sai phạm, các cơ quan báo chí có xu hướng thoát ly sự quản lý của các cơ quan chủ quản và cơ quan chỉ đạo, quản lý nhà nước về báo chí, không để tư nhân "núp bóng" để chi phối nội dung báo chí; đánh giá về hiệu quả của hoạt động hợp tác báo chí với nước ngoài trong việc thực hiện dự án đào tạo lại và nâng cao nghiệp vụ báo chí cho phóng viên, biên tập viên và cán bộ quản lý báo chí Việt Nam.
Năm là, đề nghị Đảng và Nhà nước cho phép nghiên cứu thử nghiệm xây dựng một vài mô hình tập đoàn báo chí để rút kinh nghiệm chỉ đạo.
Sáu là, tiếp tục thực hiện việc đăng phát công khai các sai phạm của cơ quan báo chí và hình thức xử lý sai phạm của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bảy là, phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành xây dựng quy chế bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí; tạo lập được đội ngũ lãnh đạo các cơ quan báo chí vừa có đức vừa có tài, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và cơ quan chủ quản báo chí trong việc sắp xếp hợp lý hệ thống báo chí; rà soát, chấn chỉnh ngay tình trạng, cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích và không chấp hành nghiêm luật pháp, nhất là Luật Báo chí; thực hiện thanh tra, kiểm tra hoạt động của cơ quan báo chí theo đúng quy định hiện hành.
Các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện nghiêm túc Quy chế người phát ngôn, tăng cường cung cấp thông tin kịp thời cho báo chí, vừa bảo đảm sự công khai minh bạch trong hoạt động, vừa góp phần giúp báo chí thông tin trung thực mọi mặt của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, hoàn thành những nhiệm vụ nói trên cũng chính là việc tạo lập cơ sở, điều kiện cho báo chí phát triển theo xu hướng tích cực, đảm bảo tính khoa học về số lượng, hình thức, chất lượng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định nhằm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Bàn về lãnh đạo và quản lý trong công cuộc cải cách hành chính  (18/06/2007)
Du lịch Việt Nam dưới góc nhìn của báo chí quốc tế  (15/06/2007)
5 lý do khiến du khách quốc tế đến Việt Nam  (15/06/2007)
Doanh nghiệp Hàn Quốc hài lòng khi đầu tư tại Việt Nam  (15/06/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên