Chiến thắng Thượng Lào qua bình luận của các nhà quân sự và sách báo nước ngoài
Mặc dù còn nhiều vấn đề cần được trao đổi, bàn luận thêm, nhưng với cách nhìn, cách nghĩ của những vị tướng trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo và điều hành trước, trong và sau khi chiến dịch diễn ra đã có những lời rất thẳng thắn về nội tình của binh sĩ; về nguyên nhân thất bại cũng như thắng lợi từ hai phía trong chiến dịch.
Trước khi Chiến dịch Thượng Lào diễn ra, tại Pháp, trong các cuộc họp của Quốc hội và Chính phủ bàn về tình hình chính trị, xã hội Pháp lúc bấy giờ, các nghị sĩ chất vấn Thủ tướng Rơnê Mayê về vấn đề Đông Dương và tỏ ra lo lắng, thất vọng. Bộ trưởng Chiến tranh Pháp nghiêm túc cảnh báo khả năng có thể chỉ trong một thời gian ngắn nữa, sẽ có nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh của Pháp ở Hà Nội. Báo chí Pháp, kể cả báo chí phái hữu, đều kịch liệt phản đối chính sách theo đuổi chiến tranh mù quáng của Chính phủ Pháp và chỉ ra những tác hại của nó. Tờ Người quan sát số ra ngày 10-2-1953 viết: “ …binh lính Pháp không thể chiến đấu được nữa, họ đã bị kiệt sức trong cuộc chiến tranh Đông Dương. Đó là một sự thật” và lời lẽ của tờ Combat (Chiến đấu) ngày 14-1-1953 còn quyết liệt hơn: “Chính phủ Rơnê Mayê phải lựa chọn trước tình hình chính trị tại Pháp và Đông Dương. Đó chính là một sự đầu hàng”. Tình hình chính trị tại Pháp như vậy rất bất lợi cho Tổng Chỉ huy Sa Lăng, người đang trực tiếp điều hành cuộc chiến tại Đông Dương.
Từ đầu năm 1953, Bộ Chỉ huy Pháp càng nhận rõ nguy cơ có thể mất Thượng Lào. Vì vậy, tướng Sa Lăng quyết định đặt Thượng Lào dưới quyền chỉ huy quân đội Pháp ở Bắc Bộ nhằm sử dụng lực lượng cơ động của toàn Bắc Bộ ứng cứu bằng đường không khi bị chủ lực của ta tiến công. Chiến trường Thượng Lào được Pháp chia ra làm hai khu là Mê Công và Trấn Ninh (gồm cao nguyên Cánh Đồng Chum). Khu Mê Công có hai phân khu Viêng Chăn và Luông Pha Băng; còn khu Trấn Ninh có phân khu Sầm Nưa và Xiêng Khoảng.
Với ý đồ chọn thị xã Sầm Nưa làm khu vực phòng giữ chủ yếu, Bộ Chỉ huy Pháp đã tập trung lực lượng, phương tiện, xây dựng những công sự, điểm tựa kiên cố nhằm biến Sầm Nưa thành một cứ điểm mạnh “kiểu Nà Sản” trên đất Lào. Mặc dù được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt như vậy, song, những người trực tiếp chỉ huy và giới quân sự tại Pháp đều thực sự lo ngại. Qua nghiên cứu tình hình, tướng Sa Lăng phán đoán: đứng trước một đối thủ lớn mạnh và điêu luyện, ba tiểu đoàn Pháp và ngụy Lào sẽ khó tránh khỏi bị tiêu diệt hoặc tan rã, nếu đối phương nhằm hướng Sầm Nưa để mở chiến dịch tiến công. Cùng quan điểm với tướng Sa Lăng, tướng Đờ Gioăng nhận định rằng: “Mất Thượng Lào sẽ có những tác hại không thể tính hết được về mặt chính trị”[1]. Và rồi tướng Sa Lăng đã vội vã xin Chính phủ và Quốc hội Pháp viện trợ khẩn cấp về tài chính, lực lượng và trang bị, nhưng không được đáp ứng.
Về phía liên quân Việt - Lào, theo đúng kế hoạch, chiến dịch diễn ra ngày 8-4-1953. Trên cơ sở phương án tác chiến, các đơn vị Việt Nam và Lào tham gia được giao nhiệm vụ tiến quân theo hướng chủ yếu đánh vào tập đoàn cứ điểm Sầm Nưa (Thượng Lào). Chỉ sau đó 3 ngày, thấy không thể chống đỡ được với liên quân Việt - Lào, sau khi nhận được tin báo khẩn cấp của viên trung tá Manpơlát, Chỉ huy Phân khu Sầm Nưa, tướng Sa Lăng thấy rằng, nếu để ba tiểu đoàn cố thủ Sầm Nưa bằng mọi giá trước ưu thế áp đảo của đối phương thì chẳng khác nào lấy trứng chọi với đá, và thất bại là không tránh khỏi. Vì vậy, ngay trong đêm 12-4, tướng Sa Lăng quyết định rút quân khỏi Sầm Nưa về phía Nam. Khi trả lời phỏng vấn ông Giăng Pharăng (Tổng Biên tập tờ Paris Match), tướng Sa Lăng nhìn nhận rằng: trong một vài điểm, Việt Minh bắt chúng ta phải rút lui đến hàng trăm kilômét và đã cùng với quân Pathet Lào kiểm soát được Thượng Lào.
Trong quá trình diễn ra chiến dịch, nhiều báo, tạp chí đã không ngớt lời ca ngợi tinh thần chiến đấu của liên quân Việt - Lào và chỉ trích quân Pháp. Tờ Thế giới số ra ngày 14-5-1953 viết: “Với phần đông các vị chỉ huy và phần lớn quân đội, tinh thần binh lính rất rệu rã. Điều đó đã dẫn đến thất bại trong từng ngày”. Sau này, tướng Nava trong cuốn Hồi ký: “Thời điểm của những sự thật”, đã viết những lời bi đát vào thời điểm khi liên quân Việt - Lào tiến công: “Thất bại chiến tranh đã đến tình trạng hoặc là chúng ta thua cuộc sau một đại bại về quân sự, hoặc là chúng ta rã rời, “bị xé tả tơi’, điều mà thống chế Đờ Gioăng lo ngại nhất”[2].
Đến đây, tình huống chiến dịch đã thay đổi. Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: tinh thần địch mệt mỏi, sút kém, đường rút lui dài trên 200 kilômét, quân Pháp lại thoát ly khỏi công sự nên ta có điều kiện đánh tiêu diệt. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm lúc này là phải truy kích thật nhanh, thật mạnh. Bộ Chỉ huy ra lệnh tổ chức những đơn vị gọn, nhẹ, nhanh chóng đuổi kịp tiêu diệt địch, không cho chúng chạy thoát về Cánh Đồng Chum.
Tin tức của chiến dịch được các phóng viên kịp thời chuyển tải về Pháp, Mỹ và các nước phương Tây. Phóng viên người Pháp Luyxiêng Bôda gửi một bức điện cho báo Nước Pháp Buổi chiều tháng 5-1953 bình luận: “Chúng ta phòng ngự đơn thuần sẽ khiến cho đối phương tràn khắp rừng núi, từ sông Hồng đến Mê Công. Tình trạng này khiến chúng ta còn bị hao người, tốn của trong khi rút lui. Những thiệt hại này so với những trận đánh lớn có kém gì đâu”.
Tất thảy những diễn biến tư tưởng của những người đang đứng bên kia chiến tuyến đều đặt hy vọng vào Sầm Nưa. Bởi, giá trị của Sầm Nưa không chỉ đơn thuần là ở địa thế chiến lược đối với Pháp. Nhưng, cũng chẳng thể giữ nổi nên đến ngày 15-4-1953, trước sức tiến công mạnh mẽ của liên quân Việt - Lào, địch chống cự yếu ớt và nhanh chóng tan rã.
Lúc này, Bộ Chỉ huy Pháp ở Hà Nội mất liên lạc với Manpơlát, viên trung tá chỉ huy Phân khu Sầm Nưa, họ chỉ còn cách theo dõi bằng máy bay, đội hình đang rút chạy về phía Cánh Đồng Chum. Trước thất bại diễn ra quá nhanh chóng và bất ngờ, tướng Sa Lăng vội vã gửi Bộ trưởng Quan hệ với các Quốc gia liên hiệp bức thư biện minh rằng: “ Những sự kiện tháng 4, tháng 5 vừa qua chỉ rõ sự cấp bách của giải pháp này mà sự yếu kém về vận tải bằng không lực đã ngăn cản việc thực hiện, trước sự tấn công vừa rồi của Việt Minh”.[3]
Không phải Chính phủ Pháp và giới quân sự không có kế hoạch bảo vệ Thượng Lào, bởi họ đã xác định: “Không bảo vệ Thượng Lào tức là chấp nhận một thảm họa chung trong vòng vài tháng tới” và “Xét về mặt chính trị, quyết định không bảo vệ Thượng Lào cũng là một điều rất nghiêm trọng”. Nhưng rồi thực tế thiếu quân, khan hiếm về tài chính, trang bị, sự thay thế chỉ huy liên tiếp, tinh thần binh lính mệt mỏi, mất sức chiến đấu đã làm cho đối phương không còn thiết gì đến việc tiến công nữa.
Đến ngày 3-5-1953, Chiến dịch Thượng Lào kết thúc đã làm hệ thống bố trí quân Pháp - Việt (ngụy) co lại một cách nguy hiểm. Trên chiến trường Bắc Đông Dương, lực lượng cơ động của Pháp bị căng mỏng và phân tán, buộc địch phải làm nhiệm vụ đóng giữ những vị trí chiến lược. Kế hoạch nhằm giành lại quyền chủ động chiến lược của viên chỉ huy Đờ Lát, được tướng Sa Lăng dốc sức thực hiện, đến đây coi như đã thất bại. Khi trở về Pháp, tướng Sa Lăng đã trả lời phỏng vấn một số báo Pháp, Mỹ và phải thú nhận: “Sau chiến dịch mùa Xuân năm 1953, Việt Minh đã kiểm soát gần hết, trừ vùng kế quân chủ lực của họ lại càng mạnh mẽ, đầy khí thế hơn bao giờ hết vì chiến dịch vừa qua chưa làm họ sứt mẻ gì nhiều”.
Sau khi Chiến dịch Thượng Lào kết thúc, các nhà quân sự, sách báo Pháp và phương Tây đưa ra nhiều bình luận về nguyên nhân dẫn đến thất bại. Nguyên nhân thứ nhất được đưa ra là việc nắm tin tức tình báo của đối phương rất hạn chế. Bởi vậy, khi chiến dịch bắt đầu, đối phương gần như bất ngờ hoàn toàn. Báo cáo của Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương số 675/FO/TS tháng 5-1953 nêu rõ: “Ta không có điều kiện đánh giá đúng đắn lực lượng quân địch. Tình trạng thiếu tin tức tình báo về địch ngược lại hẳn với tình trạng tiết lộ bí mật phổ biến trong chúng ta là một trong những nhân tố tai hại nhất của cuộc chiến tranh này. Kẻ địch nắm rất chắc mọi ý đồ của chúng ta và giữ bí mật gần như tuyệt đối về các ý đồ của họ”. Chỉ đến khi chiến dịch đã diễn ra, phía Pháp mới phần nào có được những thông tin ít ỏi về các cuộc chuyển quân của chủ lực Việt Minh… có được những tin tức ấy là hầu như duy nhất là do giải được một số mật mã của đối phương. Đúng như tướng Nava sau này đã khẳng định: “Chỉ cần Việt Minh thay đổi mật mã là chúng ta thiếu tin tức, ít nhất cũng một thời gian”[4].
Nguyên nhân thứ hai mà giới quân sự của Pháp ở Đông Dương cũng như chính quốc đều có nhận xét rằng, Việt Minh có một bộ máy chỉ đạo chiến tranh hoàn chỉnh: “Về tổ chức cơ quan quân sự, ông Giáp có một Bộ Tham mưu đúng với chức năng của nó”. Trong cuốn “Lời thú nhận muộn mằn”, tác giả Marcel Bigeard, tướng 3 sao của quân đội Pháp, người nhiều năm tham chiến trên chiến trường Đông Dương với cương vị chỉ huy Tiểu đoàn dù số 6 đã viết: “Tướng Giáp vẫn cứ vững vàng ở vị trí của ông ta, sắp sửa tiếp tục đánh bại các vị tướng của chúng tôi trước khi có trận truy kích”[5].
Bên cạnh Bộ Chỉ huy ấy, là sự lớn mạnh nhanh chóng của liên quân Việt - Lào. Vị Tổng Chỉ huy Sa Lăng với những bản báo cáo của ông gửi Bộ Quốc phòng và Chính phủ Pháp ở thời điểm này đã có nhiều trang đánh giá về lực lượng của đối phương. Trong cuốn Hồi ký “Việt Minh - địch thủ của tôi”, Sa Lăng mô tả “ Đối thủ đã tăng gấp ba lần sức mạnh hỏa lực và số lượng các đơn vị chính quy” và “Quân đội Việt Minh là một bộ đội lục quân tuyệt vời… một công cụ chiến đấu không có gì có thể so sánh được… một đối thủ đáng sợ”. Còn tướng Cônhi thì ca ngợi tinh thần chiến đấu của quân đội đối phương: Tôi thấy những người lính Việt Minh, những người lính Pathét Lào không chỉ sử dụng thành thạo vũ khí được trang bị mà họ còn có một tinh thần chiến đấu rất dũng cảm, bất kể trong thời tiết xấu đến mức nào.
Tướng Sa Lăng, tướng Đờ Gioăng và Bộ Tham mưu Pháp cùng có nhận định giống nhau. Sau khi chiến dịch thất bại họ đổ lỗi cho nhau và đưa ra nguyên nhân vì quân số không được bổ sung, binh lính chỉ được huấn luyện ở vùng đồng bằng chứ không có kinh nghiệm chiến đấu ở vùng rừng núi.
Nguyên nhân thứ ba đưa đến thất bại của Pháp tại Thượng Lào là do phía Pháp không có Bộ Chỉ huy thống nhất, quân số ít, trang bị thiếu, tinh thần binh lính mệt mỏi. Trong báo cáo gửi Chính phủ Pháp ngày 25-2-1953, tướng Sa Lăng đã thể hiện sự thật đáng lo ngại: “Tổng số quân Pháp làm nòng cốt bị giảm, khối quân cơ động không hề thay đổi. Vì vậy, khoảng cách giữa hai bên ngày càng rõ rệt và ta ở vào thế ngày càng yếu kém hơn”[6].
Ngoài Hồi ký của các tướng lĩnh, các tài liệu mật thì các báo của Pháp và phương Tây cũng tập trung bình luận về nguyên nhân thất bại của chiến dịch Thượng Lào. Báo Lơphigarô, báo Nhân đạo, ra tháng 4 và tháng 5-1953 còn nhấn mạnh rằng: Quân, dân Việt Nam và Quân đội Pathét Lào có mục đích chiến đấu rõ ràng, đường lối kháng chiến nhất quán và tinh thần chiến đấu cao. Điều đó dẫn đến những bất lợi về quân sự cho Pháp, và cũng là một nguyên nhân dẫn đến thất bại thảm hại trong chiến dịch Thượng Lào.
Báo Thế giới, báo Mỹ Diễn đàn thông tin quốc tế, Báo Pháp tờ Paress được đăng tải trong các ngày 14, 15, 16-5-1953 có chung nhận định rằng: Trong lúc đối phương đang trên đà phát triển không ngừng thì quân viễn chinh Pháp không được tăng cường với nhịp độ mà các vị Tổng tư lệnh đã đề nghị. Chính quốc không thỏa mãn yêu cầu của các vị đó, trước hết vì lý do tài chính. Và rồi họ thốt ra rằng: Chúng ta có sức mạnh hơn hẳn địch là máy bay, pháo binh và cơ giới nhưng các binh chủng này cũng có nhược điểm là nặng nề, không phù hợp với chiến trường Đông Dương. Bộ binh Pháp đã có một thời kỳ chế ngự hẳn đối phương song hiện nay thì rõ ràng kém họ. Bởi vậy, thất bại của quân đội Pháp đã được chính các tướng lĩnh của họ nhận định từ khi chiến dịch sắp xảy ra.
Chiến thắng Thượng Lào đã lùi xa hơn nửa thế kỷ và đã có biết bao sách, báo đề cập đến trên những bình diện và góc độ khác nhau, trong đó có không ít tác phẩm được viết ra từ chính những nhân vật chóp bu trong Chính phủ và quân đội Pháp đã từng chỉ đạo, chỉ huy cuộc chiến ở Đông Dương. Lời thú nhận của họ tuy có muộn mằn song nó đã giúp cho chúng ta có cái nhìn ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn về ý nghĩa, tầm vóc cũng như nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào./.
[1] Tài liệu Mật Bộ Quốc phòng Pháp từ 1952 - 1954, Lưu Thông tấn xã Việt Nam
[2] Hen ri Nava rre, Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vé rités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội, 2004, tr. 410, 411
Hen ri Nava rre, Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vé rités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội, 2004, tr. 49
[3] Jules Roy, Trận Điện Biên Phủ, Bùi Đình Kế dịch, VLSQSVN xuất bản, Hà Nội, 1994, tr.12
[4] Hen ri Nava rre, Thời điểm của những sự thật (Le temps Des Vé rités), Nguyễn Huy Cầu dịch, Nxb CAND, Hà Nội, 2004, tr.62, 63
[5] Marcel Bigeard, Lời thú nhận muộn mằn, Ngô Bình Lâm và Phạm Xuân Phương dịch, Nxb Hà Nội, 2004, tr.159
[6] Tư liệu mật Bộ Quốc phòng Pháp, lưu tại Cục Lưu trữ - Văn phòng Trung ương Đảng Việt Nam
Philippines phê chuẩn hiệp ước quân sự với Australia  (26/07/2012)
Người xây dựng và làm rạng danh một thương hiệu ngành cơ khí nước nhà  (26/07/2012)
Công tác kiểm tra, giám sát góp phần bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong Đảng ở Long An  (26/07/2012)
An sinh xã hội 25 năm đổi mới: Thành tựu và vấn đề đặt ra  (26/07/2012)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên