TCCSĐT- Ngày 24-7 vừa qua, với 17 phiếu thuận và 1 phiếu chống, Thượng viện Philippines đã phê chuẩn thỏa thuận hợp tác quân sự với Australia. Hiệp ước quân sự này được hai nước ký kết từ năm 2007, có nghĩa là từ thời chính phủ tiền nhiệm của chính phủ hiện tại ở cả Philippines lẫn Australia. Trong suốt thời gian qua, Hiệp ước này chưa được Quốc hội Philippines thông qua bởi có sự bất đồng quan điểm sâu sắc về cách hiểu và vận dụng trên thực tế.
Hiến pháp Philippines không cho phép quân đội nước ngoài đồn trú lâu dài trên lãnh thổ nước này. Song Hiệp ước mới đây đã xử lý về nguyên tắc vấn đề tư cách và quy chế pháp lý của binh lính Philippines đến Australia và binh lính Australia đến Philippines. Theo đó, những binh sỹ này chịu sự điều chỉnh của pháp luật nước mà họ hiện diện chứ không phải quốc gia cử đi. Việc Hiệp ước này có hiệu lực làm cho hai nước có thể triển khai thực hiện những dự định và kế hoạch hợp tác quân sự cần đến việc nước này cử binh lính đến nước kia, đặc biệt trong hợp tác về đào tạo và huấn luyện quân đội, thăm hỏi lẫn nhau hoặc tập trận chung.

Hiệp ước này không phải thỏa thuận hợp tác quân sự duy nhất đã được ký kết và thực hiện giữa Manila và Sydney. Australia cũng không phải là quốc gia đầu tiên ký kết thỏa thuận như thế với Philippines. Năm 1995, hai nước đã ký kết thỏa thuận sơ bộ về hợp tác quân sự và quốc phòng giữa Philippines và Australia. Năm 1998, Philippines và Mỹ đã ký kết thỏa thuận tương tự. Tuy nhiên, thỏa thuận này có ý nghĩa thời sự và chính trị - an ninh đặc biệt đối với Philippines và khu vực bởi thời gian qua quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc căng thẳng và trắc trở hơn do Trung Quốc tăng cường hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ của các nước ở Biển Đông. Chính vì thế, hiệp ước này được chính giới ở Philippines đánh giá rất cao.

Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Ponce Enrile cho rằng, Hiệp ước này "không chỉ mở đường cho Philippines cải thiện những cơ chế quốc phòng mà còn thúc đẩy mối quan hệ đã có từ nhiều thập kỷ nay với Australia". Trong một tuyên bố, Người phát ngôn của Tổng thống Philippines , ông Edwin Lacierda đã ngợi ca quyết định của Thượng viện: "Thượng viện đã có bước đi quan trọng nhằm tăng cường an ninh quốc gia và khu vực khi thông qua Hiệp ước về quy chế của lực lượng quân đội thăm lẫn nhau giữa Philippines và Australia" và coi đó là "hành động có ý nghĩa lịch sử" của Thượng viện. Bộ Ngoại giao Philippines cũng hoan nghênh quyết định nói trên của Thượng viện, coi hiệp ước này là "dấu mốc mới trong quan hệ giữa Philippines và Australia".

Quân đội Philippines cũng có phản ứng tương tự. Người phát ngôn của Quân đội Philippines, Đại tá Amulfo Marcelo Burgos phát biểu rằng: "Australia là đồng minh then chốt ở khu vực. Hiệp ước này có lợi cho cả hai nước. Hiệp ước này sẽ tiếp tục thúc đẩy các mối quan hệ song phương và sẽ tăng cường trình độ và khả năng của binh lính Philippines ". Ông M.Borgos còn cho rằng, việc ký kết hiệp ước này sẽ tăng cường quan hệ song phương với Australia theo hướng cả hai nước cùng đóng góp vào việc duy trì hoà bình và ổn định ở khu vực.

Với thỏa thuận này, Philippines đã gây dựng được cơ sở pháp lý để có được với Mỹ và Australia khuôn khổ và thực chất hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh như Mỹ, Hàn Quốc và Nhật bản đã gây dựng nên với nhau, cho dù mục tiêu và mức độ có khác. Nó cũng là bước đi đầu tiên rất quan trọng để Philippines vận động và thuyết phục Australia ủng hộ lập trường quan điểm của Philippines cũng như hậu thuẫn thiết thực Philippines khi cần thiết về chính trị, quân sự và an ninh ở khu vực nói chung và trong cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với Trung Quốc nói riêng. Giống như các thỏa thuận về hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh với Mỹ, hiệp định này không có nghĩa là Australia cam kết tham gia bảo vệ an ninh cho Philippines . Và chắc chắn Trung Quốc không thể không lưu tâm đến điều đó./.