TCCS - Những thành công của Giám đốc Nguyễn Tăng Cường gắn liền với Xí nghiệp cơ khí Quang Trung, Ninh Bình, trong 10 năm qua không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, mở một khả năng phát triển của ngành công nghiệp cơ khí chế tạo máy Việt Nam trong tương lai. Sản phẩm của Xí nghiệp đã có tiếng vang trong và ngoài nước, được khách hàng tin dùng, góp phần làm thay đổi tâm lý của người Việt Nam trong việc sử dụng hàng nội thay thế hàng ngoại với giá thành rẻ hơn, chỉ bằng 50% - 80% hàng ngoại nhập. Với  thành tích đó,  ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vào năm 2000 và giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học - Công nghệ năm 2011.

Xí nghiệp cơ khí Quang Trung mà tiền thân là Tổ hợp cơ khí Quang Trung có chức năng thiết kế, chế tạo các loại cần cẩu; các thiết bị cơ khí phi tiêu chuẩn, đúc thép công nghiệp đặc biệt; lắp đặt, kinh doanh xuất nhập khẩu thiết bị công nghiệp vừa và nhỏ.

Trước năm 1981, tình hình sản xuất - kinh doanh của Xí nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, máy móc, thiết bị sản xuất lạc hậu, chất lượng sản phẩm kém, quy mô sản xuất nhỏ, vẻn vẹn có 16 công nhân, sản xuất mang tính thời vụ, doanh thu chỉ đạt hơn 80 triệu đồng/năm. Sản xuất bị thua lỗ kéo dài, không có khả năng thanh toán công nợ, đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Trong cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt, giá cả vật tư không ổn định, thiết bị máy móc cũ, lạc hậu, tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ mới hạn chế, nên số phận của Xí nghiệp lại càng bấp bênh.

Được giao làm Giám đốc, đón làn gió đổi mới của Đảng cùng với sự ủng hộ, tạo mọi điều kiện của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các ban, ngành chức năng, ông Nguyễn Tăng Cường nắm bắt thời cơ, định hướng đúng, năng động, sáng tạo và quyết đoán trong sản xuất - kinh doanh, mạnh dạn đầu tư, nâng cấp Tổ hợp cơ khí Quang Trung thành Xí nghiệp cơ khí Quang Trung. Từ đó, nhà xưởng được xây dựng khang trang, mặt bằng sản xuất được mở rộng, máy móc thiết bị, lò luyện thép được đầu tư, người lao động nhiệt tình, năng động, sáng tạo, từng bước Xí nghiệp phát triển đi lên.

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo, quyết tâm đạt năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công tác cao, ông góp phần quan trọng vào sự phát triển của đơn vị, tỉnh và đất nước.

Là Anh hùng Lao động năm 2000, Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu năm 2006, ông không ngừng say mê, sáng tạo, hăng say trong lao động sản xuất; dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư khoa học và công nghệ vào lĩnh lực cơ khí - là lĩnh vực đang gặp khó khăn nhất của cả nước; làm thay đổi hẳn  nhận thức của khách hàng về sử dụng hàng nội, thay thế hàng nhập ngoại. Hệ thống máy móc cũ, lạc hậu được đổi mới bằng sự ra đời của các trung tâm gia công cơ khí công nghệ cao (gọi tắt là Trung tâm CNC). Cụ thể là các trung tâm CNC 3 trục, 4 trục, 5 trục,… 9 trục ra đời, để gia công sản phẩm cơ khí chính xác cao - ngành công nghiệp mũi nhọn về cơ khí chế tạo của cả nước; góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ công nhân viên nắm bắt, tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, lĩnh vực đầu tư đó đã đem lại hiệu quả. Sản phẩm của Xí nghiệp đã có tiếng vang lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp mũi nhọn, đưa ngành cơ khí công nghiệp tỉnh Ninh Bình từng bước phục hồi và phát triển, cùng với ngành cơ khí công nghiệp Việt Nam từng bước tiến lên. Chỉ trong 3 năm (2006 - 2008), Xí nghiệp đã có bước tiến (bước đi này lẽ ra phải mất từ 10 - 15 năm) làm thay đổi cả một chuỗi quy trình khoa học và công nghệ trong khâu chế tạo máy. 

Nhiều sản phẩm của Xí nghiệp như: chi tiết máy, bộ phận máy, hệ thống máy lần đầu tiên được chế tạo tại Việt Nam, chiếm một thị phần lớn trong nước, quốc tế. Đến nay, Xí nghiệp cơ khí Quang Trung có 9/12 chủng loại cẩu; tỷ lệ nội địa hóa đạt 90%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Sản phẩm của Xí nghiệp có mặt hầu hết tại các công trình trọng điểm quốc gia như: Thủy điện Sê San 3, Sê San 4, Bản Chát, Huội Quảng, Sông Tranh, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (VINASHIN), các Tổng Công ty Xi-măng, Hóa chất, Giấy Việt Nam.

Đặc biệt là ở Công trình Thủy điện Sơn La - công trình trọng điểm cấp quốc gia, công trình thủy điện thế kỷ Việt Nam với sản phẩm của xí nghiệp: “Cầu trục 1200/200/80/20T ” để nâng, hạ rô-to tuốc-bin có trọng luợng 1.200 tấn vào vị trí, đưa thủy điện Sơn La sớm đi vào hoạt động, khắc phục việc thiếu điện cho ngành điện Việt Nam. Các sản phẩm này có giá thành thấp, bằng 55% so với sản phẩm nhập từ  châu Âu, bằng 80% so với nhập từ Trung Quốc. Chất lượng sản phẩm tương đương hàng nhập ngoại. Đó là bước tiến nhảy vọt của Xí nghiệp cơ khí Quang Trung; đặc biệt trong thiết kế, chế tạo các loại cẩu hiện đại có sức nâng đến 1.500 tấn.

Nếu so với năm 2000, năm 2009, doanh thu tăng 1.065 lần; năng suất lao động tăng 142 lần; thu nhập bình quân tăng 5,5 lần; hoàn trả vốn vay là 1.302,315 tỉ đồng, nộp ngân sách nhà nước đạt 58,79 tỉ đồng. Vốn kinh doanh của doanh nghiệp luôn được bảo toàn, trong mười năm qua vốn sản xuất, kinh doanh tăng 1.899 tỉ đồng. Nguồn ngân sách của Xí nghiệp luôn tăng theo hằng năm. Giải quyết việc làm cho hơn 1.500 lao động, trong biên chế, với mức lương bình quân 4.500.000 đồng / người / tháng và giải quyết công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động khác theo thời vụ. Riêng năm 2011, giá trị sản xuất - kinh doanh của Xí nghiệp đạt 103,30% kế hoạch; giá trị sản lượng đạt hơn 3.000 tỉ đồng; nộp ngân sách đạt 101,05% so với kế hoạch; thu nhập bình quân là 5.139.000đồng/người/tháng.

Ông đi đầu trong công tác nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ mới, nỗ lực cải tiến kỹ thuật, công trình khoa học có giá trị đặc biệt, được ứng dụng trong sản xuất, đem lại hiệu quả cao về kinh tế - xã hội.

Với phương châm: “Đi tắt, đón đầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, giành thế cạnh tranh, đứng vững quá trình hội nhập”, ông quyết định đầu tư hơn 50 dây chuyền công nghệ cao, được đánh giá là Trung tâm gia công cơ khí hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Các dây chuyền khoa học và công nghệ hiện đại này được nhập khẩu từ các nước EU, G7 - nơi có nền khoa học và công nghệ cơ khí hiện đại. Việc sử dụng các thiết bị này là tiền đề then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng
và hiệu quả các sản phẩm của Xí nghiệp.


Bản thân ông và hơn 1.500 cán bộ công nhân viên, trong hơn 10 năm qua đã có hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hóa sản xuất, đặc biệt có hàng trăm sáng kiến khoa học - kỹ thuật cấp tỉnh, trong đó có 12 đề tài khoa học cấp Nhà nước có giá trị thực tiễn, giá trị khoa học và công nghệ cao. Các đề tài khoa học này được áp dụng vào thực tế ở Xí nghiệp (từ khâu nghiên cứu, thiết kế, tới chế tạo sản phẩm cuối cùng). Ông động viên và tạo điều kiện cho người lao động chủ động phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, làm tăng năng suất lao động... Ông đã chọn hướng đi đúng: Đầu tư thiết bị có công nghệ cao, mới, hiện đại của thế giới; đầu tư chiến lược con người đến tận mai sau; nghiên cứu thành công nhiều đề tài khoa học và công nghệ mới; sản phẩm có chất lượng tốt, tương đương hàng nhập ngoại, được khách hàng chấp nhận. Nổi bật là:

- Ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để chế tạo máy trục; đặc biệt là ứng dụng: “Dự ứng lực vào sản xuất kết cấu thép để chế tạo thành công các loại cẩu có sức nâng đến 1500 T”.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến làm thay đổi, sử dụng thiết bị điện, từ động cơ rô-to dây cuốn sang sử dụng động cơ rô-to lồng sóc, bằng cách sử dụng biến tần, bảo đảm động cơ khởi động êm, khả năng điều chỉnh tốc độ trơn, trượt vô cấp, hạn chế được dòng điện khởi động, có độ ổn định cao, tạo ra mô-men khởi động lớn, nâng cao tuổi thọ động cơ, chế độ làm việc ổn định. Sử dụng động cơ rô-to lồng sóc giảm được diện tích lắp đặt, trọng lượng của hệ thống bảo vệ. Đây là hệ thống điều khiển, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ hiện đại, phù hợp với điều kiện tại Việt Nam, giá thành chỉ bằng 60% hàng nhập ngoại.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến đã chế tạo thành công các loại hộp giảm tốc hành tinh (Visai): giảm 60% trọng lượng so với cùng chủng loại của Nga; tăng Mô-men xoắn gấp 3,5 lần, tiết kiệm không gian, giảm giá thành.

- Ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để chế tạo thành công Mâm xoay bằng công nghệ sẵn có, tiết kiệm được hàng trăm tỉ cho một sản phẩm. Định hướng phát triển này dẫn đến thành công chế tạo các loại cẩu có sức nâng đến 1500T cho Công trình Thủy điện Sơn La.

 Ông cùng các cộng sự đã thiết kế và chế tạo thành công một cẩu chân què có sức nâng 350 tấn để thử khô các cánh van cho Công trình Thủy điện Sơn La, rút ngắn tiến độ thi công 14 tháng, làm lợi cho công trình và đất nước 3.000 tỉ đồng và sớm đưa công trình vào khai thác phục vụ điện cho nền kinh tế của đất nước.

Ông đã cùng cán bộ kỹ sư, kỹ thuật đã khắc phục khó khăn, thiết kế, chế tạo, sửa chữa cho ngành dầu khí quốc gia Việt Nam một cần cẩu nổi có sức nâng 540T là một con tàu rải ống ngoài khơi. Trong lúc đất nước đang cần tăng sản lượng dầu khai thác, nếu đưa con tàu này ra nước ngoài sửa chữa phải mất 11 tháng, tốn hàng triệu USD. Nếu thuê tàu khác thì mất 300.000 USD/ngày. Ông cùng với cộng sự đã giải quyết việc này chỉ trong 2 tháng, sớm hơn dự kiến 9 tháng, làm lợi hàng trăm triệu USD cho ngành dầu khí và đất nước.

Ông là người chăm lo việc bồi dưỡng, đào tạo đồng nghiệp và thế hệ trẻ, trong việc hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho địa phương, cho ngành.

Để “đi tắt đón đầu, tiếp thu tiến bộ khoa học tiên tiến nhất thế giới để đưa vào sản xuất tại Xí nghiệp, làm ra những sản phẩm, có uy tín và chất lượng, giá cả cạnh tranh, phục vụ tận tình, chu đáo với khách hàng”, ông cùng cán bộ, công nhân viên nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, cho ra đời hàng trăm chiếc cẩu có chất lượng cao, mẫu mã đẹp tương đương hàng nhập ngoại, giá thành chỉ bằng 2/3 nhập khẩu, đạt tỷ lệ nội địa hóa đến 90%.

Ông đặc biệt quan tâm đến công tác đào tạo bồi dưỡng đồng nghiệp và thế hệ trẻ, tạo mọi điều kiện và cung cấp kinh phí cử hàng trăm cán bộ - kỹ sư học tập ở Xin-ga-po, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc….và hơn 300 cán bộ công nhân viên được chuyển giao công nghệ do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn tại đơn vị.  Đó là yếu tố quyết định sự thành công và phát triển của đơn vị.

Chăm lo đời sống mọi mặt cho cán bộ, công nhân viên, ông và Xí nghiệp đã xây dựng 320 căn hộ bán trả góp (theo tiêu chuẩn quốc gia), cùng với không gian cây xanh, công viên, nhà trẻ, bể bơi... nhằm thu hút người lao động có trình độ cao về khoa học, tay nghề, tạo cho họ gắn bó lâu dài với đơn vị.

Xí nghiệp luôn là đơn vị văn hóa trong 10 năm qua, với hơn 90% số gia đình cán bộ, công nhân viên được công nhận là gia đình văn hóa, góp phần xây dựng cơ quan văn hóa, làng xóm văn hóa; tích cực làm tốt các công tác xã hội, từ thiện; đóng góp nhiều tỉ đồng vào các quỹ Vì người nghèo, Xóa nhà tạm, Vì nạn nhân chất độc màu da cam; bảo đảm tốt quyền lợi, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nghiêm chỉnh chấp hành Quy chế Dân chủ tại doanh nghiệp và nơi cư trú./.