TCCSĐT - Ngày 16-4-2011, sau các cuộc đàm phán giữa Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tư pháp của các nước EU tại Luc-xăm-bua về cách thức đối với dòng người tị nạn từ Bắc Phi tràn sang châu Âu, ông Rô-bec-tô Ma-rô-ni, Bộ trưởng Bộ Nội vụ I-ta-li-a đã phải cay đắng tuyên bố: I-ta-li-a đang đơn độc.

Vừa qua, sau các làn sóng “cách mạng” ở Bắc Phi, dòng người tị nạn đang ồ ạt “đổ bộ” vào I-ta-li-a. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ diễn ra ở I-ta-li-a. Vì thế, Nghị viện châu Âu vừa ra lời kêu gọi Hội đồng châu Âu không được từ chối quyền của những người tị nạn bất hợp pháp từ Bắc Phi cập bến bờ biển châu Âu và cần phải giúp đỡ họ về mặt kinh tế. Tuyên bố là thế, nhưng hiện nay chỉ có mỗi mình I-ta-li-a phải đối mặt với làn sóng người di tản đến từ Bắc Phi.

Trong bài trả lời phỏng vấn báo “Tiếng nói nước Nga”, Tổng Biên tập báo “Gazzetta del Sud” của I-ta-li-a, ông Me-xi-na Li-nô Mô-gan-te, khi đề cập đến chủ đề này đưa ra nhận xét rằng tình hình người tị nạn từ Bắc Phi đã vượt khỏi sự kiểm soát. Theo Công ước về quyền của người tị nạn, những đối tượng này có thể nhận được quy chế thích hợp ở EU nếu người tị nạn chứng minh được rằng họ đang bị truy đuổi ở tổ quốc họ vì những lý do chính trị, hoặc di tản khỏi quê hương xứ sở do xung đột quân sự. Điều luật này có hiệu lực đối với tất cả các nước EU chứ không chỉ riêng đối với I-ta-li-a.

Vừa qua, Chính phủ I-ta-li-a đã quyết định cấp thị thực tạm thời cho những người tị nạn từ Li-bi và Tuy-ni-di để họ có thể tự do đi lại trong khu vực Sen-ghen. Nhờ thế, những người tị nạn sẽ được tự do đi tới nhiều nước châu Âu sau khi đã nhập cảnh I-ta-li-a. Ngay lập tức, I-ta-li-a đã nhận được lời đe doạ đóng cửa biên giới với Đức, Áo, Pháp và Bỉ. Tình hình này không chỉ chứng tỏ sự thiếu đoàn kết trong khuôn khổ các nước EU mà còn chứng tỏ các quốc gia trong liên minh này đang áp dụng tiêu chuẩn nước đôi.

Ngày 18-4-2011, Pháp chính thức đóng cửa biên giới với I-ta-li-a để ngăn không cho các phương tiện vận tải tới từ I-ta-li-a nhằm ngăn chặn dòng người tị nạn tràn từ Bắc Phi sang. Theo các nhà chức trách I-ta-li-a, bằng hành động đó, Pháp đã hạn chế quyền của những người nhập cư được tự do đi lại trên lãnh thổ các nước tham gia Hiệp định Sen-gen, theo đó, những người nhận được giấy phép nhập cư vào một nước EU nào đó có quyền tự do đi lại trên lãnh thổ các nước khác trong liên minh. Trước đó, Chính phủ I-ta-li-a đã cấp giấy phép cho những người nhập cư đến từ Bắc Phi và họ có quyền tự do đi lại tới các nước tham gia Hiệp định Sen-gen.

Giám đốc Trung tâm Hội đồng của Đức về chính sách đối ngoại, ông A-lếch-xăng-đơ Ra, đã đưa ra lời bình như sau:"Trong tình hình hiện nay, dĩ nhiên, người I-ta-li-a cảm thấy ngay rằng họ đang bị các nước khác trong EU bỏ mặc. Hàng ngày, đã có nhiều ngàn người tị nạn “đổ bộ” vào các nước EU. Nếu tình hình ở Li-bi không được sớm ổn định và xuất hiện thêm những bất ổn mới ở Ai-cập, An-giê-ri và Ma-rốc, thì số người di tản ồ ạt “đổ bộ” sang châu Âu sẽ lên tới hàng trăm nghìn người, thậm chí đến nửa triệu người. Theo Công ước về quyền của người tị nạn, tất nhiên các nước EU không thể bỏ mặc họ”.

Bình luận về tình hình này, ông Pi-e An-dri Đuy-môn, lãnh đạo nhóm thanh niên trong "Liên minh vì phong trào nhân dân" của Pháp, đánh giá tình hình từ góc độ của người tị nạn, của EU và I-ta-li-a. Đối với người tị nạn, tình hình hiện nay là cực kỳ phức tạp. Đối với các nước EU, tình hình sẽ phức tạp hơn vì họ phải sẵn sàng bảo đảm cho những người tị nạn tất cả những gì cần thiết để có một cuộc sống xứng đáng. Đây chính là vấn đề khó khăn chủ yếu và cũng là thách thức quá lớn đối với EU.

Còn đối với I-ta-li-a, Trung tâm tiếp nhận người tị nạn trên đảo Lăm-pe-nu của nước này với dân số chỉ vẻn vẹn 5.000 người không thể đảm đương được việc giải quyết nơi ăn chốn ở cho dòng người ngày một gia tăng bởi cơ sở vật chất của họ chỉ có thể đủ cho 850 người nhưng số người tị nạn đã lên tới hàng ngàn người. Chỉ tính riêng trong thời gian diễn ra các cuộc bạo động chính trị ở Tuy-ni-di, từ bờ biển Bắc Phi đã có tới 8.000 người tị nạn đổ bộ lên bờ biển I-ta-li-a.

Do đó, theo ông Pi-e An-dri Đuy-môn, các nước EU cần áp dụng các biện pháp khẩn cấp đặc biệt để giúp đỡ các nước thành viên phải đối mặt với làn sóng người tị nạn như tạo ra một khoản viện trợ đặc biệt để vừa quản lý được dòng người tị nạn vừa giúp đỡ họ bởi những người tị nạn là những người bị mất nhiều nhất và hoàn toàn vô tội trước các sự kiện ở Bắc Phi.

Đến giờ phút này, mọi giải pháp của EU nhằm hóa giải thảm họa nhân đạo liên quan tới dòng người tị nạn từ Bắc Phi tràn sang châu Âu cũng chỉ mới dừng lại ở giai đoạn ý định, bởi chính các nước EU cũng đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn từ cuộc khủng hoảng kinh tế và thảm họa nợ công. Vì thế, lời kêu gọi của Nghị viện châu Âu giải quyết vấn đề nhân đạo và bảo vệ những ai đã cập bờ biển châu Âu, trước hết là I-ta-li-a và Man-ta, vẫn chỉ giống như là lời kêu cứu vô vọng./.