Việc phân tích, trình bày quan điểm của C.Mác về văn hóa với tư cách là phương thức hoạt động sống đặc thù của con người để tạo dựng nền tảng tinh thần cho sự phát triển xã hội “theo các quy luật của cái đẹp” là việc làm vừa có ý nghĩa lý luận, vừa có ý nghĩa thực tiễn quan trọng.

Với quan điểm duy vật lịch sử, C.Mác đã đi đến kết luận: sản xuất vật chất là cơ sở, nền tảng, là yếu tố quyết định sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội, của lịch sử nhân loại. Không chỉ thế, C.Mác còn đưa ra quan điểm duy vật về văn hóa và đi đến kết luận quan trọng về vai trò cơ sở, nền tảng tinh thần của văn hóa đối với sự tồn tại, vận động và phát triển của xã hội, của lịch sử nhân loại.

C.Mác coi văn hóa là toàn bộ những thành quả được tạo ra nhờ hoạt động lao động sáng tạo của con người - hoạt động sản xuất vật chất và tái sản xuất ra đời sống hiện thực của con người(1). Khi coi “giới tự nhiên thứ hai” với tư cách là “tác phẩm”, “thực tại” của con người - giới tự nhiên được con người cải biến, nhân hóa, mang ý nghĩa và nội dung con người là văn hóa, C.Mác đã đồng nhất văn hóa với phương thức hoạt động sống đặc thù, phương thức hoạt động sống riêng có của con người. Đó là phương thức mà con người sử dụng lao động sáng tạo của mình để biến đổi và cải tạo giới tự nhiên, “vận dụng bản chất cố hữu của mình” để cải tạo hiện thực khách quan, “nhào nặn”, “xây dựng” thực tại khách quan cho chính mình “theo các quy luật của cái đẹp”(2).

Như vậy, trong quan niệm của C.Mác, văn hóa là cái phản ánh tính đặc thù của hoạt động con người và sự tồn tại, vận động, phát triển cùng với tính đặc thù như vậy của con người trong thế giới. Văn hóa chỉ xuất hiện khi con người ý thức rõ ràng về đời sống xã hội của họ, về hoạt động tự do, hoạt động lao động sáng tạo để không những cải tạo và biến đổi tự nhiên vì sự tồn tại, phát triển của chính mình, vì cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn của chính mình, mà còn để “làm cho bản thân hoạt động sinh sống của mình trở thành đối tượng của ý chí và của ý thức của mình”(3). Nói cách khác, văn hóa là cái phản ánh việc con người tự ý thức về vai trò độc lập của mình, về khả năng và năng lực sáng tạo của mình trong việc cải tạo và biến đổi tự nhiên.

Trong quan niệm của C.Mác, chủ thể sáng tạo văn hóa là con người. Con người sử dụng văn hóa đó để phát triển năng lực của mình trong quá trình cải tạo và biến đổi tự nhiên, đồng thời cải tạo chính bản thân mình. Trong quá trình cải tạo tự nhiên, xã hội và chính mình, con người ngày càng ý thức một cách rõ ràng hơn sức mạnh xã hội của lao động và ý thức đầy đủ hơn khả năng, năng lực sáng tạo mang bản chất người của mình - sáng tạo văn hóa, tái sản xuất ra giới tự nhiên, “xây dựng” giới tự nhiên cho chính mình “theo các quy luật của cái đẹp”. Bằng hoạt động lao động sáng tạo đó và với chính sự tồn tại, phát triển của mình trong thế giới hiện thực, con người đã tự xác định cho mình cái ranh giới để phân biệt phương thức hoạt động sống của mình với phương thức hoạt động sinh tồn của loài vật.

Theo đó, trong quan niệm của C.Mác, văn hóa là cái thể hiện sự giải phóng và tự giải phóng con người khỏi sự ràng buộc, thống trị với một sức mạnh bí ẩn của thế giới tự nhiên và thế giới thần thánh mà con người tưởng tượng ra do sự bất lực của mình trước giới tự nhiên đầy bí ẩn. Văn hóa là cái ghi nhận lĩnh vực hiện thực được quy định không phải bởi tính thiết yếu tự nhiên và sự tiên định của thượng đế hay một đấng sáng thế nào đó, mà bởi hoạt động lao động sáng tạo của con người với tư cách là một thực thể độc lập, có ý thức, có năng lực tư duy và khả năng lao động sáng tạo.

Như vậy, theo quan niệm của C.Mác, thế giới văn hóa là thế giới con người, do con người tạo ra cho chính mình - thế giới mà trong đó, “con người nhân đôi mình không chỉ về mặt trí tuệ như xảy ra trong ý thức nữa, mà còn nhân đôi mình một cách hiện thực, một cách tích cực”, để rồi “ngắm nhìn bản thân mình trong thế giới do mình sáng tạo ra”(4). Con người sáng tạo ra thế giới văn hóa cho mình bằng hoạt động có ý thức và hơn nữa, đó là hoạt động có ý thức một cách tích cực, sáng tạo. Do vậy, khi nói tới văn hóa không phải là nói tới cái thế giới sự vật và các tư tưởng tự nó, mà là nói tới con người đã tạo ra nó. Song, sự phát triển của con người lại chính là kết quả của quá trình hoạt động có ý thức, của quá trình lao động sáng tạo của bản thân con người và do vậy, khi nói tới văn hóa là nói tới hoạt động có ý thức, hoạt động lao động sáng tạo của con người và kết quả của hoạt động đó. Cũng do vậy, qua hình thức văn hóa của vật thể, chúng ta có thể phán xét về con người đã tạo ra các vật thể văn hóa đó, về những đặc trưng, tính chất của thời đại đã sản sinh ra chúng, về trình độ phát triển trí tuệ, đạo đức, thẩm mỹ của con người trong một thời đại lịch sử nào đó.

Không chỉ thế, quan niệm của C.Mác về văn hóa còn cho thấy, văn hóa là cái thể hiện sức mạnh xã hội của hoạt động lao động sản xuất của con người. Hoạt động lao động sản xuất tạo ra toàn bộ sự phong phú, đa dạng cho tồn tại của con người, hình thành mối quan hệ của con người với thế giới tự nhiên xung quanh và quan hệ của con người với con người trong cộng đồng xã hội - chính là cội nguồn của văn hóa. Song, nội dung của văn hóa không chỉ thể hiện ở đó, mà còn thể hiện ở sự phát triển của bản thân con người, ở sự phát triển và hoàn thiện của con người cả về thể xác lẫn tâm hồn, cả về đạo đức lẫn năng lực trí tuệ và trình độ thẩm mỹ. Do vậy, trong quan niệm của C.Mác, văn hóa với tư cách là phương thức hoạt động sống đặc thù của con người cần được hiểu là, hoạt động đó không chỉ là hoạt động lao động sản xuất nhằm tạo ra những vật phẩm thiết yếu cho cuộc sống con người, mà còn là hoạt động tinh thần, hoạt động giáo dục và khai sáng theo nghĩa rộng nhất của từ này, để tạo nên những sản phẩm tinh thần cho con người. Nói cách khác, văn hóa chính là cái làm nên nền tảng tinh thần của xã hội, ghi nhận tầm cao và chiều sâu phát triển của cộng đồng xã hội, tạo ra hệ các giá trị nhân đạo, nhân văn cho một cộng đồng xã hội và kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất trong quan hệ giữa con người với con người, với xã hội và với tự nhiên.

Song song với điều đó, C.Mác còn quan niệm: văn hóa là lĩnh vực hoạt động mà nhờ đó, con người sản xuất và tái sản xuất ra bản thân mình với tư cách là một thực thể xã hội. Đó là hoạt động của con người nhằm tạo ra một hệ thống giá trị mang tính định hướng cho sự phát triển ý thức con người và cho lối ứng xử của con người trong cộng đồng xã hội. Với hệ thống giá trị định hướng này, mỗi nền văn hóa trở thành một hệ thống biểu tượng bao hàm trong đó các khuôn mẫu ứng xử xã hội của con người. Đó còn là hoạt động của con người nhằm tạo ra một hệ thống những thể chế mà qua đó, những giá trị cao đẹp, mang tính định hướng được giữ gìn, lưu truyền và phổ biến trong cộng đồng xã hội, trở thành tài sản của mỗi người, của tất cả mọi mgười trong cộng đồng xã hội ấy và làm nên truyền thống văn hóa cho một cộng đồng xã hội.

Coi văn hóa là phương thức hoạt động sống đặc thù của con người - hoạt động lao động sản xuất và hoạt động tinh thần, C.Mác còn chỉ rõ, hai phương thức hoạt động nền tảng này của con người tồn tại không tách rời nhau mà gắn bó, thống nhất với nhau trong một chỉnh thể văn hóa để tạo nên và tái tạo nên con người với tư cách là một thực thể sinh học - xã hội. Bằng những hoạt động nền tảng này, con người tạo nên nền văn hóa của mình, sống trong nền văn hóa đó và làm cho nền văn hóa đó ngày một phát triển, hoàn thiện, vì cuộc sống ngày càng cao đẹp của mình, vì một xã hội nhân đạo, nhân văn, công bằng, dân chủ. Đồng thời, thông qua kết quả của những hoạt động nền tảng đó, con người phán xét toàn bộ lịch sử sinh thành và phát triển của nhân loại, thẩm định hệ thống những giá trị con người - những giá trị định hướng cho hoạt động con người, xác định cả nội hàm lẫn ngoại diên của hệ thống những giá trị ấy và thể hiện chúng qua nền văn hóa của mình. Nhờ đó, kết quả hoạt động của con người trong các lĩnh vực kinh kế, chính trị, khoa học, v.v. cũng được phản ánh trong nền văn hóa nhân loại và trở thành yếu tố cấu thành nền văn hóa ấy khi chúng mang ý nghĩa và nội dung con người, thể hiện bản chất con người.

Như vậy, trong quan niệm của C.Mác, văn hóa không chỉ đóng vai trò là cơ sở, nền tảng tinh thần của xã hội, của lịch sử nhân loại, mà còn là lĩnh vực luôn có ảnh hưởng, tác động đến tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại, đến sự phát triển xã hội. Trong sự tác động và ảnh hưởng đó, văn hóa không chỉ tác động, ảnh hưởng đến nguyên nhân sinh ra nó - đến tồn tại xã hội, đến quá trình sản xuất vật chất của con người, mà còn góp phần quyết định phương thức vận động và phát triển của lịch sử nhân loại, của xã hội loài người. Văn hóa còn đem lại cho con người sự điều chỉnh và định hướng hoạt động của mình và qua đó, điều tiết quá trình sản xuất vật chất, điều tiết sự phát triển xã hội, trở thành nguồn lực nội sinh cho sự phát triển xã hội bền vững - phát triển vì mục tiêu nhân văn, vì giá trị nhân đạo.

*

* *

Kế thừa, tiếp thu và phát triển sáng tạo học thuyết Mác, trong đó có cả quan niệm của C.Mác về văn hóa và vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa văn hóa như sau: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”(5). Coi văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người đã sáng tạo ra vì sự sống còn, vì cuộc sống ngày một cao đẹp của chính con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xác định văn hóa là cơ sở, nền tảng tinh thần của xã hội. Với quan điểm đó, ngay khi chúng ta mới bắt tay vào công việc xây dựng xã hội mới, Người đã khẳng định: để biến một xã hội dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao, chúng ta phải phát triển đồng thời cả kinh tế lẫn văn hóa, lấy phát triển văn hóa là cơ sở để phát triển kinh tế. Phát triển văn hóa phải nhằm mục đích nâng cao đời sống tinh thần cho quần chúng nhân dân lao động, “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng”(6). Để phát triển văn hóa với tầm vóc và ý nghĩa lớn lao đó, theo Người, chúng ta cần “xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới là cán bộ mới” cho công cuộc xây dựng đất nước, đồng thời phải “phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”(7).

Khẳng định tầm chiến lược trong tư tưởng ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với quan niệm của C.Mác về văn hóa và vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa, lấy đó làm cơ sở lý luận cho việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Đảng ta đưa ra chủ trương, đường lối và khẳng định quyết tâm xây dựng nền văn hóa đó, để tạo ra một đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú, đa dạng. Xác định chăm lo văn hóa là chăm lo củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, giải quyết tốt mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội là cơ sở cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời coi văn hóa vừa là kết quả, vừa là động lực của sự phát triển kinh tế, trong suốt tiến trình đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã lấy phát triển văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững và xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.

Nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mà Đảng ta chủ trương xây dựng và phát triển là “nền văn hóa yêu nước và tiến bộ”, với nội dung cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, với mục tiêu tất cả vì con người, vì tự do, hạnh phúc và sự phát triển phong phú, toàn diện cho mỗi con người Việt Nam trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bản sắc dân tộc cần được giữ gìn, phát huy của nền văn hóa ấy là những giá trị bền vững, những tinh hoa được vun đắp qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đó là lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc; tinh thần cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình - làng xã - Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động, biết hy sinh vì sự nghiệp dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Đó còn là sự tế nhị trong giao tiếp và giản dị trong đời sống.

Đảng ta đã chỉ rõ, quá trình xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cũng chính là quá trình thực hiện các chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người; đồng thời, coi đây là “khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta”(8).

Thật vậy, trong sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trên cơ sở nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác- Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tầm quan trọng hàng đầu và ý nghĩa lớn lao của văn hóa, vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa đối với sự phát triển xã hội bền vững là điều luôn cần được khẳng định. Thực tiễn của hơn 20 năm đổi mới đất nước đã cho chúng ta thấy, văn hóa, bản sắc dân tộc của văn hóa ngày càng thể hiện rõ là động lực không thể thiếu cho sự phát triển xã hội vì mục tiêu nhân văn, vì giá trị nhân đạo, vì con người với cuộc sống đích thực con người. Mục tiêu đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta thực hiện thành công sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế nhanh với việc cải thiện đời sống nhân dân, phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với tư cách là năng lực nội sinh. Nói cách khác, phát triển văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giải quyết đúng đắn và hợp lý mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa trong quá trình phát triển chính là cơ sở, nền tảng cho sự phát triển lâu bền, sự phát triển không chỉ vì thế hệ chúng ta hôm nay, mà còn vì tương lai dân tộc ta mai sau, vì tiềm năng sáng tạo của con người Việt Nam. Do vậy, để phát triển văn hóa với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển, như Đảng ta đã khẳng định, chúng ta cần “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế - xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”(9).
 
 

* PGS, TS, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Triết học
(1), (2) Xem: C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t 42, tr 136 - 137
(3) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t 42, tr 136
(4) C.Mác và Ph.Ăng-ghen: Sđd, t 42, tr 137
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 3, tr 431
(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t 10, tr 59
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr 173
(8) Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr 11
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 106