Bảo đảm quyền con người trong thực hiện chính sách xã hội ở Việt Nam
Thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển là mục tiêu trực tiếp của nhiệm kỳ 2006 – 2010, là một trong bốn thành tố trong chủ đề của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X.
Theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam: “những vấn đề xã hội bao gồm các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển của con người và xã hội như: dân số và nguồn nhân lực, lao động và việc làm, thu nhập và mức sống, giáo dục và y tế, đạo đức và văn hoá, những đảm bảo về an ninh và an toàn xã hội của đời sống cá nhân và cộng đồng”(1).
Thực hiện quyền con người trong giải quyết các vấn đề xã hội, một mặt, nhằm đảm bảo tôn trọng và thực hiện các quyền dân sự, chính trị như: quyền hôn nhân và gia đình; quyền hưởng tự do và an ninh cá nhân, và các quyền kinh tế xã hội cơ bản của mọi công dân, bao gồm: quyền lao động việc làm; quyền có mức sống thoả đáng; quyền được giáo dục; quyền được chăm sóc sức khoẻ; quyền được tham gia vào đời sống văn hoá và được hưởng thụ các giá trị văn hoá, tiến bộ của khoa học; quyền được hưởng an toàn xã hội, kể cả bảo hiểm xã hội. Mặt khác, thực hiện các vấn đề xã hội là chú trọng quan tâm đến quyền của những người có công với nước, trong đó đặc biệt phải kể đến những gia đình thương binh, liệt sỹ; đồng thời, tạo cơ hội bình đẳng, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội tiếp cận và hưởng thụ quyền, đó là nhóm những người sống ở vùng nông thôn nghèo; vùng dân tộc thiểu số; những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như người già yếu, cô đơn, người nhiễm HIV/AIDS, người khuyết tật, trong đó có người nhiễm chất độc da cam.
Quan điểm của Đảng tập trung giải quyết những vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội xuyên suốt trong 20 năm đổi mới vừa qua là sự thể hiện rõ nhất những nguyên tắc cơ bản và các chuẩn mực về quyền con người: tạo cơ hội bình đẳng cho mọi người cống hiến, tiếp cận và hưởng thụ quyền; mọi người trong khi hưởng thụ quyền phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng; Đảng và Nhà nước có trách nhiệm quan tâm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội như nhau, tức là mọi người đều bình đẳng; những người yếu thế được đặc biệt quan tâm hỗ trợ để có cơ hội cống hiến và hưởng thụ.
1. Những thành tựu đạt được trong giải quyết các vấn đề xã hội từ góc độ quyền con người
Thành tựu xóa đói, giảm nghèo đã góp phần quan trọng cho nhiều người thoát cảnh nghèo túng, có cơ hội tiếp cận và hưởng thụ quyền có mức sống tối thiểu và thoả đáng trong điều kiện có thể của một con người. Thành công của công tác xoá đói, giảm nghèo còn có ý nghĩa quan trọng là tạo ra tiền đề vật chất cho việc bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội
- Quyền về lao động việc làm. Trong 5 năm qua, Việt Nam đã đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền về lao động việc làm của công dân. Nhà nước đã tạo việc làm cho 7,5 triệu lao động, đưa tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm xuống còn 5,3%; tăng thời gian sử dụng lao động ở nông thôn lên 80,6%; đưa thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5,7 triệu đồng năm 2000 lên trên 10 triệu đồng năm 2005; đời sống của các tầng lớp nhân dân không ngừng được cải thiện(2).
- Quyền được giáo dục. Trong 20 năm qua, giáo dục và đào tạo tiếp tục được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đầu tư cho phát triển. Riêng năm 2005, chi cho giáo dục đạt 18% tổng chi ngân sách, số học sinh đi học bậc tiểu học đạt 97,5%; có 31 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập trung học cơ sở; số học sinh trung học chuyên nghiệp tăng 15,1%/năm; dạy nghề dài hạn tăng 12%/năm; sinh viên đại học và cao đẳng tăng 8,4%/năm.
Cùng với giáo dục, khoa học và công nghệ được đầu tư nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới có chất lượng cao, được ứng dụng thiết thực vào cuộc sống của người dân, phục vụ sản xuất; khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp nhiều luận cứ khoa học xác đáng cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế và xã hội. Nói cách khác, sự phát triển của khoa học công nghệ, khoa học xã hội đã tạo tiền đề cho việc thực hiện quyền được tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hoá, tiến bộ khoa học của mọi công dân.
- Quyền được hưởng thụ các giá trị văn hoá. Trong những năm qua, hoạt động văn hoá, thông tin, báo chí, thể dục thể thao...đã góp phần nâng cao đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân. Hoạt động báo chí, phát thanh, truyền hình được đổi mới về nội dung, tăng quy mô, mở rộng phạm vi tới vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và nước ngoài. Đến năm 2005, Việt Nam đã có 650 cơ quan báo chí, với 713 ấn phẩm, 70 tờ báo điện tử và hàng trăm trang tin điện tử; phát thanh và truyền hình đã phủ sóng trên 80% lãnh thổ. Hoạt động thể dục, thể thao được quan tâm đầu tư phát triển, trong đó đặc biệt phải kể đến sự quan tâm đầu tư cho thể dục, thể thao của người khuyết tật, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội thể thao của người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ hai.
- Quyền được chăm sóc sức khỏe. Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, coi đây là nhiệm vụ quan trọng liên quan đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Trong những năm qua, mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở được củng cố và phát triển. Hầu hết các xã, phường trong cả nước đã có trạm y tế, trong đó có trên 65% số trạm có bác sĩ. Chế độ khám, chữa bệnh cho người nghèo (trong đó có người khuyết tật), bảo hiểm y tế có bước phát triển. Đã triển khai chế độ khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Đặc biệt là đã ngăn chặn có hiệu quả và khắc phục nhanh một số dịch bệnh mới như SARS, cúm gia cầm; đẩy mạnh phòng chống HIV/AIDS trên cơ sở chú trọng bảo đảm quyền con người của những người có HIV/AIDS, coi đây là biện pháp hữu hiệu của công tác phòng chống căn bệnh thế kỷ này.
Thành tựu trong việc tôn trọng và bảo đảm quyền được chăm sóc sức khoẻ của mọi người dân được thể hiện rõ nhất là: tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được nâng từ 67,8 tuổi năm 2000 lên 71,5 tuổi năm 2005.
- Quyền được sống trong môi trường trong sạch. Thời kỳ đổi mới cũng là thời kỳ Việt Nam quan tâm chú trọng đến quyền được sống trong môi trường trong sạch - một trong những quyền phát triển quan trọng của con người. Trong những năm qua, công tác bảo vệ môi trường được quan tâm và đạt được những kết quả bước đầu. Hoạt động điều tra cơ bản về môi trường được duy trì, việc ngăn ngừa và khắc phục ô nhiễm môi trường có tiến bộ; đã ban hành được một số chính sách về bảo vệ môi trường.
Những thành tựu trên cho thấy Đảng đã chỉ đạo, lãnh đạo, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội tiếp cận, hưởng thụ các quyền cơ bản về dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá, và đặc biệt, phải kể đến quyền phát triển. Vì thế, Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá có chỉ số phát triển con người năm 2003 là 0,704, xếp thứ 108 trong tổng số 177 nước, xếp hạng cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước kém phát triển (0,518) và xấp xỉ mức các nước có thu nhập trung bình (0,774)(3).
2. Những yếu kém trong việc thực hiện các vấn đề xã hội
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Đảng ta cũng khẳng định: “Cơ chế, chính sách về văn hoá – xã hội chậm đổi mới; nhiều vấn đề bức xúc chưa được giải quyết tốt” (4). Nhiều bất cập trong việc tổ chức thực hiện chính sách xã hội hoá giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, dẫn đến bệnh thành tích trong giáo dục, tình trạng tái mù, tái nghèo còn diễn ra ở nhiều nơi gây bức xúc cho xã hội và giảm niềm tin của quần chúng đối với Đảng và Nhà nước. Kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa vững chắc, chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp; khoa học công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; hoạt động báo chí, xuất bản, biểu diễn nghệ thuật còn có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, chạy theo lợi ích vật chất đơn thuần; quản lý nhà nước về lĩnh vực giáo dục, y tế, thể thao, về quá trình thực hiện các chính sách xã hội còn yếu kém; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng; tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí vẫn là quốc nạn, gây nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.
Dưới góc độ quyền con người, còn nhiều công dân chưa có cơ hội tiếp cận các chính sách ưu đãi của Nhà nước, trong đó phải kể đến gần 20% dân số (khoảng 15 triệu) là người nghèo với 1870 xã trong diện nghèo và đặc biệt khó khăn(5). Người nghèo chưa có cơ hội để tiếp cận và hưởng thụ quyền có mức sống thoả đáng, quyền lao động việc làm, quyền giáo dục, đặc biệt là quyền được chăm sóc sức khoẻ. Đến năm 2000, cả nước mới chỉ có 51,91% số xã có bác sĩ và mới có 9/61 tỉnh chiếm 14,75% số tỉnh đạt 3 chỉ tiêu của Nghị quyết 37/CP về y tế (có 40% xã có bác sĩ, 100% xã có y sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh và 100% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động)(6); khoảng cách chênh lệch về phát triển và thu nhập giữa các vùng và các nhóm dân cư còn lớn, bất bình đẳng giới vẫn còn, diễn biến về HIV/AIDS phức tạp... Quy chiếu với mức chuẩn nghèo mới thì Việt Nam vẫn còn 4,6 triệu hộ thuộc diện nghèo vào cuối năm 2005.
Những tồn tại yếu kém trên là do nhiều nguyên nhân, theo đánh giá của Đảng tại Đại hội X, chủ yếu là các nguyên nhân chủ quan:
Một là, “tư duy của Đảng trên một số lĩnh vực chậm đổi mới. Một số vấn đề ở tầm quan điểm, chủ trương lớn chưa được làm rõ nên chưa đạt được sự thống nhất cao về nhận thức và thiếu dứt khoát trong hoặch định chính sách, chỉ đạo điều hành, như: các vấn đề sở hữu và các thành phần kinh tế... đổi mới chính sách, cơ chế quản lý giáo dục, y tế, văn hoá; đổi mới tổ chức hoạt động của hệ thống chính trị”.
Hai là, “sự chỉ đạo tổ chức thực hiện chưa tốt. Chưa chỉ đạo tập trung và tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt,.. Tình trạng nói nhiều, làm ít, làm không đến nơi, đến chốn diễn ra ở nhiều nơi. Hiệu lực quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực... còn thấp. Công tác kiểm tra, thanh tra hiệu lực còn thấp”.
Ba là, một bộ phận cán bộ, đảng viên, kể cả một số cán bộ chủ chốt, yếu kém về phẩm chất và năng lực” (7).
Để khắc phục những yếu kém trong giải quyết các vấn đề xã hội, Đại hội X của Đảng đã đề ra mục tiêu tổng quát cho giải quyết các vấn đề xã hội trong 5 năm tới là “thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại” với chỉ tiêu định hướng đến năm 2010 nhằm đảm bảo thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người trên các lĩnh vực:
- Quyền lao động việc làm và quyền có mức sống thoả đáng “tạo việc làm cho 8 triệu lao động, tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị dưới 5%. Tỉ lệ hộ nghèo (theo chuẩn mới) giảm xuống còn 10 – 11%(8).
- Quyền giáo dục, hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; giáo dục đại học và cao đẳng đạt 200 sinh viên/10.000 dân; lao động đã qua đào tạo chiếm 40% tổng lao động xã hội.
- Quyền được chăm sóc sức khoẻ, đạt tỷ lệ bác sĩ 7 người/10.000 dân. Tuổi thọ trung bình của dân số Việt Nam đạt 72 tuổi. Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi là 16‰ trẻ đẻ sống; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm xuống dưới 20%; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản dưới 60 trên 100.000 trẻ đẻ sống.
- Quyền được sống trong môi trường trong sạch, đưa tỷ lệ che phủ rừng lên 42-43%. Có 95% dân cư thành thị và 75% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch. 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm, xử lý chất thải; trên 50% các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường; 80% chất thải nguy hại, 90% chất thải rắn thông thường, 100% chất thải y tế được thu gom và xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường(9).
Đại hội X của Đảng đã khẳng định quyết tâm tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, văn hoá, giáo dục khoa học và công nghệ, bởi vì “...xã hội, văn hoá là những lĩnh vực thể hiện rõ nhất bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Để các chủ trương, mục tiêu định hướng trên của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hộiđi vào cuộc sống, Ðảng và Nhà nước ta tiếp tục nỗ lực thực hiện xóa đói, giảm nghèo, phát triển y tế, giáo dục, ưu tiên phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Thủ tướng Chính phủ vừa thông qua khoản đầu tư từ 60 nghìn đến 62 nghìn tỉ đồng trong năm năm tới (2006 - 2010)(10) để tạo bước đột phá trong công tác xóa đói,giảm nghèo.
Với những nỗ lực mới, chúng ta tin tưởng rằng, đất nước sẽ phát triển nhanh và bền vững hơn, từng bước nâng cao mức sống cho các tầng lớp nhân dân, thể hiện tính ưu việt của Nhà nước xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu quan điểm của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội dưới góc độ quyền con người hiện nay, một mặt, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn định hướng lãnh đạo của Đảng, mục tiêu của Đảng là đưa nước ta phát triển, hội nhập; tạo tiền đề vật chất vững vàng cho việc giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của xã hội, tôn trọng và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền cơ bản của con người. Mặt khác, giúp chúng ta có luận cứ khoa học để sẵn sàng đối thoại với những ai còn nghi ngờ, băn khoăn về mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản; phản bác, đấu tranh lại những luận điệu vu cáo Đảng và Nhà nước Việt Nam vi phạm nhân quyền, dân chủ.
(2)Sđd, tr 23-24
(3) Sđd, tr 21-23
(4)Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 15.
(5) Phạm Phan Dũng, Hoàn thiện chính sách tín dụng xoá đói giảm nghèo, htt://www.mof.gov.vn, 2007, tr 6
(7) Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, Trang 33 -34.
(8)Sách đd, trang 23
(9)Ban Tư tưởng – Văn hoá Trung ương, Chuyên đề nghiên cứu Nghị quyết Đại hội X của Đảng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, trang 54 -55.
(10) Một thành tựu đáng tự hào của nước ta về phát triển con người, https://www.mofa.gov.vn/,
Bảo vệ an ninh văn hóa trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế  (17/05/2007)
Tôn giáo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước  (17/05/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  (17/05/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  (17/05/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ Quân đội  (17/05/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay