Tôn giáo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước
Sau hơn 20 năm đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, tôn giáo Việt Nam đã có những bước phát triển quan trọng.
1. Các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, da dạng
Ở khắp mọi miền của đất nước, đặc biệt là tại các thành phố, các trung tâm tôn giáo lớn như: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình, Tây Ninh, Cần Thơ…các sinh hoạt tôn giáo diễn ra khá sôi nổi, da dạng và phong phú; hoạt động của các thiết chế tôn giáo đã có những đóng góp nhất định trong việc tập hợp và vận động quần chúng theo đạo - một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết dân tộc - tham gia vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Các ngày lễ trọng, các lễ nghi, lễ hội tôn giáo được tổ chức ngày càng trang nghiêm, quy mô hơn trước và thu hút ngày càng đông đảo tín đồ tham dự. Nhiều sinh hoạt tôn giáo đã trở thành sinh hoạt văn hoá cộng đồng được đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia với tinh thần phấn khởi, yên tâm và tin tưởng. Các lễ hội như lễ Phật đản của Phật giáo, lễ Noel của Công giáo và đạo Tin Lành, lễ kỷ niệm ngày khai đạo của đạo Cao Đài, Phật giáo Hoà Hảo, tháng ăn chay Ramadan của Hồi giáo được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và đảm bảo an ninh trật tự.
Lễ hội của mọi tôn giáo đều trở thành hội lễ chung vui của toàn dân tộc, như Lễ hội Đền Hùng, lễ Noel, lễ hội La Vang. Đặc biệt lễ Phật đản của Phật giáo đã chính thức được UNESCO công nhận là một trong những lễ hội tôn giáo lớn của thế giới. Một số lễ hội mang tính thế tục được dư luận quan tâm đánh giá cao, như: Lễ cầu siêu cho những người đã hy sinh trong cuộc kháng chiến do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức năm 2005; Đại hội hành hương La Vang lần thứ 27 kết hợp “Năm Thánh thể” với quy mô lớn do Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức; Lễ kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Hội thánh do Tổng hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Bắc) tổ chức năm 2005…
2. Các tổ chức tôn giáo được củng cố, tăng cường
Việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển và bổ nhiệm các vị chức sắc, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo chức sắc tôn giáo được giải quyết nhanh chóng thuận tiện phù hợp Hiến chương, Điều lệ tôn giáo và quy định của pháp luật. Năm 2003, ở Việt Nam có khoảng 20 triệu tín đồ tôn giáo.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã qua 5 kỳ đại hội và ngày càng được củng cố từ trung ương đến địa phương. Cả nước có 9.038.064 người theo đạo Phật, chiếm 12% dân số. Tăng ni có 33.066 người (Bắc tông 21.606; Nam tông Khmer: 9.415; Khất sỹ:2.045); Chức sắc cao cấp có: 9.065, gồm 339 vị Hoà thượng; 5.021 vị Thượng toạ, Đại đức; 130 vị Ni trưởng; 3.575 vị Ni sư.
Hội đồng Giám mục Việt Nam đã qua 8 kỳ đại hội, số lượng tín đồ Thiên chúa giáo tiếp tục gia tăng, hiện có 5.803.445 người, chiếm 7,2% dân số cả nước. Có 3 Tổng giáo phận; 25 địa phận; 2.027 giáo xứ và 6.033 nhà thờ, nhà nguyện với 14.852 giáo sỹ (Hồng y: 1; Tổng giám mục: 3; Giám mục: 36; Linh mục: 2.410; Tu sỹ: 10.947).
Tổng hội Hội thánh Tin Lành miền Bắc có 6.370 tín đồ và 12 cơ sở thờ tự với 3 mục sư, 9 nhà truyền đạo. Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam) có 558.000 tín đồ và 279 cơ sở thờ tự với 205 mục sư và 430 mục sư nhiệm chức. Riêng Tin Lành ở các tỉnh Tây Nguyên có 263.514 tín đồ với 79 mục sư và mục sư nhiệm chức; 65 nhà truyền đạo và 380 truyền đạo tình nguyện. Đạo Cao Đài hiện có 2.276.978 tín đồ, 1.284 thánh thất với 7.104 giáo sỹ (Cửu trùng đài: 6.827; Hiệp thiên đài: 227). Phật giáo Hoà Hảo có 1.232.572 tín đồ, 522 cơ sở thờ tự với 534 giáo sỹ. Hồi giáo hiện có 64.991 tín đồ, 77 cơ sở thờ tự với 699 giáo sỹ.
Trong thời kỳ đổi mới đất nước, các tôn giáo ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác xây dựng, củng cố tổ chức, các giáo hội ngày càng hoàn thiện, ổn định, thống nhất; tín đồ, giáo sỹ các tôn giáo không ngừng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, góp phần xứng đáng trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tích cực vận động quần chúng có đạo tham gia cuộc vận động xoá đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, các hoạt động từ thiện …cùng toàn dân xây dựng cuộc sống mới vì lợi ích của đất nước và dân tộc.
3. Các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo được mở rộng
Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ba Học viện Phật giáo tại ba miền đất nước: Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh với trên 1.000 tăng ni sinh, hàng năm có hàng trăm tăng ni sinh tốt nghiệp; 4 lớp cao đẳng Phật học với tổng số trên 700 tăng ni sinh theo học; 30 trường Trung cấp Phật học với hơn 3.000 tăng ni sinh; 37 lớp sơ cấp với 2.500 tăng ni sinh và 2.500 chư tăng Khmer theo học tại các lớp sơ cấp Phật học ở Sóc Trăng, Trà Vinh, Kiên Giang. Hiện đang tập trung xây dựng Học viện Phật giáo Việt Nam tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại Thành phố Cần Thơ. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã cử trên 120 tăng ni sinh đi du học tại các nước Ấn Độ, Nhật Bản, Srilanka, Trung Quốc, Pháp, Ôt-xtrây-li-a, Mỹ, Đài Loan... Tính đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đào tạo được 15 tăng ni có trình độ Tiến sỹ Phật học, 20 tăng ni có trình độ Thạc sỹ, 750 tăng ni có trình độ cử nhân, 738 tăng ni đang theo học các lớp cao đẳng Phật học, 2.600 tăng ni đang theo học chương trình cơ bản Phật học.
Giáo hội Công giáo có 6 đại chủng viện với 1.044 chủng sinh, hàng năm được tăng số lượng và số lần chiêu sinh mỗi khoá.
Đạo Tin Lành có Viện Thánh kinh thần học tại Thành phố Hồ Chí Minh, thời gian qua đã đào tạo và bồi dưỡng cho 267 mục sư truyền đạo; chú trọng bồi dưỡng giáo lý cho các mục sư, nhà truyền đạo là người dân tộc thiểu số ở các tỉnh Gia Lai, Đắc Nông, Đắc Lắc, đã mở 3 lớp với 85 học viên và chuẩn bị mở 4 lớp khoảng 150 học viên. Đạo Hoà Hảo đã đào tạo và bồi dưỡng giáo lý, giáo lý hạnh đường cho 1.211 chức việc, đạo Cao Đài cho 1.285 chức sắc. Ban đại diện Cộng đồng Hồi giáo Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh An Giang đã tạo điều kiện cho một số tín đồ đi hành hương ở Thánh địa Mecca và thi đọc kinh Côran.
4. Việc in ấn kinh sách và xuất bản phẩm tôn giáo tăng cả số lượng và chất lượng
Riêng năm 2005, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp phép xuất bản 450 đầu kinh sách (với hơn 1 triệu bản in) và 60 loại xuất bản phẩm khác, tăng 26% so với năm 2004. Một loạt các bộ kinh sách Phật giáo quan trọng đã được dịch ra tiếng Việt, in ấn và phát hành rộng rãi. Tính đến nay, công tác in ấn Đại Tạng kinh Việt Nam đã hoàn tất, tổng cộng có 39 tập, trên 200.000 trang; đã xuất bản được 313 đầu sách kinh, luật, luận và sách Phật giáo. Phật giáo Tập văn của Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội ra số 51, mỗi kỳ từ 4.000 đến 10.000 bản với nội dung phong phú làm cơ sở nghiên cứu của tăng ni, phật tử và độc giả trong và ngoài nước. Báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh phát hành được 1.640.000 bản, không ngừng cải tiến về nội dung và hình thức. Hiện nay đã chuyển từ bán nguyệt san thành tuần báo, đã ra được 80 số. Tạp chí Nghiên cứu Phật học đã phát hành được gần 100 số.
Thời gian qua, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Cần Thơ… có nội dung gắn Phật giáo và những vấn đề cấp thiết của xã hội Việt Nam hiện nay như: Phật giáo với văn hóa dân tộc; giáo dục Phật giáo; đạo đức Phật giáo; Phật giáo hội nhập vào nền văn hóa dân tộc; Phật giáo thời đại mới - Cơ hội và thách thức; chuyên đề Phật giáo Nam tông Khmer; việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để dịch Kinh Phật…
5. Quan hệ quốc tế của các tôn giáo Việt Nam được mở rộng
Các tôn giáo ở Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ quốc tế nhằm tăng cường trao đổi thông tin, góp phần hiểu biết lẫn nhau, mở rộng giao lưu vì giáo lý của các tôn giáo, thể hiện tình đồng đạo của những người cùng chung đức tin và tinh thần yêu hoà bình, thiện chí hợp tác hữu nghị của nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới vì lợi ích của đất nước và của giáo hội, góp phần đấu tranh bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc, vu cáo của các thế lực xấu thiếu thiện chí với Việt Nam; tranh thủ được sự giúp đỡ đào tạo được đội ngũ tăng tài, giáo sĩ có trình độ cao. Các Giáo hội tôn giáo Việt Nam đã liên kết thân hữu với các Giáo hội tôn giáo các nước: Lào, Campuchia, Trung Quốc, Mianma, Sri Lanka, Triều Tiên, Mông Cổ, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Canađa, Pháp, Đức, Bỉ… Đã đón tiếp, làm việc với hàng trăm phái đoàn tôn giáo đến thăm hữu nghị Việt Nam để trao đổi, làm việc; tổ chức đi thăm hữu nghị một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Tây Âu và châu Âu; đã tham dự hàng chục hội nghị, hội thảo quốc tế về chuyên đề tôn giáo đạt kết quả tốt, góp phần tạo uy tín cho các Giáo hội tôn giáo Việt Nam trong nước và trên thế giới. Từ năm 1993 đến hết năm 2002, đã có 3.272 trường hợp giáo sỹ xuất cảnh (Công giáo 1.600 trường hợp, Phật giáo 1.303 trường hợp, Hồi giáo 228 trường hợp, Tin Lành 36 trường hợp, Cao Đài 15 trường hợp) đi học, tham dự hội nghị, hành hương, chữa bệnh, thăm thân, du lịch. Riêng năm 2005 đã có 159 cá nhân chức sắc, tu sỹ của các tôn giáo Việt Nam được đi học tập, dự hội nghị, hội thảo và tham gia các hoạt động tôn giáo ở nước ngoài. Việt Nam đã đón ba đoàn tôn giáo nước ngoài rất quan trọng như: đoàn do Thiền sư Thích Nhất Hạnh dẫn đầu cùng với 200 thiền sinh từ 30 quốc tịch khác nhau về thăm Việt Nam hơn 3 tháng; đoàn Uỷ ban tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ do Đại sứ lưu động J. Handford dẫn đầu thăm Việt Nam từ ngày 04 đến 09-3- 2005 và đoàn của Hồng y C. Sepe - Bộ trưởng Bộ truyền giáo Vatican; đón tiếp và giúp đỡ Đoàn Viện Can dự toàn cầu của Mỹ tìm hiểu về tình hình sinh hoạt đạo Tin Lành ở các tỉnh Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.
Các hoạt động quốc tế ngày càng được mở rộng và phát triển đã góp phần làm cho các nước hiểu rõ hơn về chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế cũng như pháp luật của Việt Nam về tôn giáo, tín ngưỡng, thúc đẩy Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thông qua quyết định đưa Việt Nam ra khỏi danh sách “các nước đặc biệt quan tâm” về tôn giáo (CPC); tăng cường công tác thông tin tôn giáo và thông tin đối ngoại góp phần tuyên truyền những thành tựu đổi mới ở trong nước nhằm quy tụ đồng bào, giáo dân ở nước ngoài hướng về xây dựng Tổ quốc; tranh thủ được sự ủng hộ, giúp đỡ của các Tổ chức tôn giáo phi chính phủ và các Tổ chức quốc tế.
6. Việc nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở thờ tự của các tôn giáo được chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng
Các thủ tục theo quy định của pháp luật góp phần làm tôn nghiêm các cơ sở thờ tự tại địa phương và tạo thêm mỹ quan cho xã hội. Thời gian qua, các cơ sở thờ tự trên cả nước đã được trùng tu, tôn tạo mới ngày càng nhiều nhờ sự đóng góp công đức của nhân dân và tín đồ tôn giáo thập phương, đặc biệt là được Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương nhiệt tình hỗ trợ kinh phí giúp xây dựng, sửa chữa.
Năm 2003, ở Việt Nam có khoảng 15.244 đền chùa Phật giáo, trong đó có 405 tự viện được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia; 5.456 nhà thờ, nhà nguyện Công giáo; 275 nhà thờ Tin Lành; 1.205 thánh thất Cao đài; 35 cơ sở thờ tự của đạo Hoà Hảo; 77 thánh đường Hồi giáo và hàng chục ngàn đình miếu, điện thờ. Năm 2003 đã có 425 cơ sở thờ tự được xây lại hoặc xây mới (217 của Phật giáo, 177 của Công giáo, 8 của Tin Lành và 23 của Cao Đài) và 294 cơ sở được sửa chữa, tu bổ. Trong năm 2004, có 165 cơ sở thờ tự được xây mới hoặc sửa chữa tu bổ. Năm 2005 có 242 cơ sở thờ tự được xây mới, 330 cơ sở thờ tự được nâng cấp sửa chữa.
7. Hoạt động từ thiện nhân đạo của các tổ chức, chức sắc, nhà tu hành tôn giáo rất đáng ghi nhận
Cả nước có 2.083 cơ sở hoạt động từ thiện, trong đó: Phật giáo có 1.076 cơ sở (126 Tuệ Tĩnh đường, nổi bật nhất là Tuệ Tĩnh đường ở TP. Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Cà Mau, Vĩnh Long, với 115 phòng thuốc chuẩn trị y học dân tộc hoạt động có hiệu quả, 950 lớp học tình thương với gần 20.000 người theo học); Công giáo có 1.007 cơ sở (93 cơ sở khám chữa bệnh; 787 lớp học, nhà trẻ, mẫu giáo; 127 cơ sở từ thiện khác).
Với tinh thần từ bi, cứu khổ của đạo Phật và đạo lý dân tộc “lá lành đùm lá rách”, tăng ni, phật tử cả nước đã quyên góp cứu trợ đồng bào các tỉnh bị lũ lụt, thăm viếng thương binh, bệnh binh. Các tăng ni, Phật tử trong cả nước còn nhiệt liệt hưởng ứng các phong trào ích nước lợi dân, đền ơn đáp nghĩa như mở trường học, xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ các chiến sỹ biên phòng, hải đảo, thăm viếng, uý lạo các thương binh, bệnh binh và các bệnh nhân nghèo khó tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão, ủng hộ quỹ bảo thọ, trợ cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học v.v. Đã xây dựng 12 trường tiểu học, mẫu giáo; ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa: 5 tỉ 400 triệu đồng; ủng hộ và nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng: 2 tỉ 250 triệu đồng; trợ cấp học bổng: 2 tỉ 430 triệu đồng; nuôi dạy trẻ em và các cụ già cô đơn 5 tỉ 500 triệu đồng; xây dựng đường xá, cầu cống: 5 tỉ 850 triệu đồng; cứu trợ cho đồng bào nghèo và bị thiên tai: 52 tỉ 554 triệu đồng; đóng góp quỹ xoá đói, giảm nghèo: 6 tỉ 351 triệu đồng.
Kế thừa và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “lương giáo đoàn kết, tín ngưỡng tự do”, trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định rõ các quan điểm, chính sách đối với tôn giáo, thể hiện thái độ tư duy đổi mới: tôn giáo là vấn đề còn tồn tại lâu dài; tín ngưỡng tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; đạo đức tôn giáo có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới; thừa nhận những giá trị văn hoá tinh thần trong tôn giáo; khuyến khích mọi người giữ gìn và phát huy đoàn kết tôn giáo, đoàn kết toàn dân tộc, tích cực đóng góp sức lực, trí tuệ vào công cuộc xây dựng xã hội mới; đồng thời tăng cường hợp tác giữa các tôn giáo Việt Nam với các tôn giáo các quốc gia khác trên thế giới vì mục tiêu hoà bình, phát triển và tiến bộ xã hội.
Những kết quả trên đây đã khẳng định: sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của các tín đồ, chức sắc và tổ chức tôn giáo Việt Nam trong những năm qua được các cấp, các ngành tạo điều kiện và đảm bảo đầy đủ, thuận lợi theo chính sách tôn giáo của Đảng và các quy định của pháp luật, được đông đảo đồng bào có đạo trong và ngoài nước đồng tình hưởng ứng, được nhiều chính phủ, các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Kết quả hoạt động của các tôn giáo cũng thể hiện một cách sinh động, cụ thể về chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  (17/05/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau  (17/05/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ Quân đội  (17/05/2007)
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tư cách người cán bộ Quân đội  (17/05/2007)
Kế thừa và phát huy dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội  (17/05/2007)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay