TCCS - Trong lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, Thừa Thiên Huế luôn được Đảng và Nhà nước tin tưởng giao phó trọng trách hiểm khó và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bước vào công cuộc đổi mới, tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống "tiến công - nổi dậy - anh dũng - kiên cường”, phấn đấu xây dựng địa phương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, giàu về kinh tế, phát triển về văn hóa, khoa học - công nghệ và vững mạnh về quốc phòng, an ninh.

Kết luận số 48-KL/TW, ngày 25-5-2009, của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng, phát triển Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020, xác định: “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch; khoa học - công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam châu Á...”. Định hướng đó của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ghi nhận những kết quả đạt được khả quan của Thừa Thiên Huế trong thời gian qua, đồng thời khẳng định vai trò, vị thế và những đóng góp quan trọng của tỉnh vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung nói riêng, cả nước nói chung.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, 5 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế nỗ lực vượt khó vươn lên, huy động tối đa các nguồn lực, khai thác có hiệu quả các lợi thế, tiềm năng tạo nên những chuyển biến tích cực trên tất cả các lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua của Thừa Thiên Huế ước đạt 12%/năm. Riêng năm 2009 đạt 11,2%, năm 2010 ước đạt trên 12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,18%) và tương đương mức bình quân chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành dịch vụ tăng từ 43,6% lên 46,5%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 34,8% lên 38,2%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 21,6% còn 15,2%%, nhưng vẫn tăng về giá trị tuyệt đối. Năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng nhanh, từ vị trí 40 lên 14 so với toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.150 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 18,3%/năm, năm 2010 phấn đấu thu đạt trên 3.000 tỉ đồng, tăng 10% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và được xếp thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đến với Thừa Thiên Huế hôm nay, có thể cảm nhận được bức tranh sinh động về kinh tế - xã hội. Đó là thành phố Huế - đô thị loại 1, Di sản văn hóa thế giới vừa mang nét đẹp cổ kính, vừa mang dáng dấp hiện đại, đã và đang được đầu tư theo hướng khai thác các lợi thế về du lịch, dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục,... đóng vai trò hạt nhân đô thị hóa lan tỏa và kết nối với các đô thị vệ tinh. Hạ tầng giao thông từng bước xóa bỏ sự chia cắt vùng miền trong tỉnh, tạo ra động lực phát triển giữa nông thôn và thành thị. Năng lực sản xuất mới hình thành và mở ra tương lai gần tăng trưởng đột phá: phía bắc, có các khu công nghiệp Phong Điền, Tứ Hạ, xi-măng Đồng Lâm; phía nam có khu công nghiệp Phú Bài, khu kinh tế đô thị Chân Mây - Lăng Cô sôi động và bãi biển Lăng Cô nổi tiếng thế giới; phía tây đã hình thành mạng lưới công nghiệp thủy điện Tả Trạch, Hương Điền, Bình Điền, A Lưới, xi-măng Nam Đông; phía đông phát triển mạnh khai thác, nuôi trồng thủy sản và đang triển khai đề án vùng kinh tế tổng hợp Tam Giang - Cầu Hai. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân cùng các hoạt động văn hóa - xã hội khác phát triển toàn diện: Trung tâm y tế chuyên sâu ngày càng hoàn thiện; Đại học Huế ngày càng phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao, liên doanh, liên kết quốc tế ngày càng mở rộng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 7%. Đời sống nhân dân trong tỉnh, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở hai huyện vùng cao Nam Đông, A Lưới ngày càng được cải thiện, thu nhập của người dân tăng bình quân 20%/năm.

Nhìn lại nhiệm kỳ qua, tuy gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng tỉnh đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu cơ bản. Để hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, tạo đà triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 48 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, xây dựng Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Thừa Thiên Huế tiếp tục phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường, huy động mọi nguồn lực sẵn có, đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban, ngành Trung ương và sự phối hợp, ủng hộ, động viên tích cực của các địa phương, các tổ chức quốc tế và đồng bào trong cả nước. Trước mắt, tỉnh tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

1 - Nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, nhanh và bền vững, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả. ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kinh tế tri thức. Trong đó, phát triển các ngành dịch vụ du lịch, bưu chính - viễn thông, thương mại, du lịch, ngân hàng, tài chính, giao thông, bảo hiểm và các dịch vụ có giá trị tăng cao; phấn đấu tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ bình quân trên 13%/năm trong 5 năm tới. Phát triển công nghiệp và xây dựng theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường, phấn đấu đạt giá trị tăng bình quân 16%/năm. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng bền vững gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn, đồng thời ổn định tăng trưởng GDP ngành nông - lâm - ngư nghiệp với nhịp độ trên 3%.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng gò đồi miền núi. Tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai và vùng biển trở thành vùng kinh tế tổng hợp, trong đó phát triển du lịch và thủy sản thành những ngành kinh tế mũi nhọn, tạo được sự thay đổi đáng kể cho vùng đầm phá, ven biển có kinh tế phát triển mạnh của cả nước vào năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua của Thừa Thiên Huế ước đạt 12%/năm. Riêng năm 2009 đạt 11,2%, năm 2010 ước đạt trên 12%, cao hơn mức bình quân chung cả nước (6,18%) và tương đương mức bình quân chung của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; các ngành dịch vụ tăng từ 43,6% lên 46,5%, công nghiệp - xây dựng tăng từ 34,8% lên 38,2%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 21,6% còn 15,2%%, nhưng vẫn tăng về giá trị tuyệt đối. Năng lực cạnh tranh của tỉnh tăng nhanh, từ vị trí 40 lên 14 so với toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 1.150 USD. Thu ngân sách tăng bình quân 18,3%/năm, năm 2010 phấn đấu thu đạt trên 3.000 tỉ đồng, tăng 10% so với chỉ tiêu Chính phủ giao và được xếp thứ hai trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

2
- Tập trung rà soát và hoàn thiện quy hoạch kinh tế tổng thể và quy hoạch chi tiết về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh và từng khu vực. Nâng cao chất lượng quy hoạch không gian lãnh thổ theo hướng tạo các đô thị gắn kết với nhau và gắn với các khu vực nông thôn bằng bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ theo xu hướng khai thác hiệu quả quỹ đất, hệ thống giao thông, điểm dân cư và các khu công nghiệp tập trung, qua đó, tạo nền tảng để xây dựng tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Tập trung đầu tư xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng kinh tế, bao gồm: rà soát, bổ sung và thực hiện đúng quy hoạch, xây dựng Huế thành đô thị hạt nhân của thành phố trực thuộc Trung ương, gắn với quy hoạch các đô thị động lực, đô thị vệ tinh như Chân Mây - Lăng Cô, thị xã Hương Thủy, tập trung quy hoạch, đầu tư cho thị trấn Thuận An, Hương Trà sớm trở thành thị xã và nâng cấp các thị trấn, thị tứ trong toàn tỉnh. Mặt khác, tập trung hoàn thiện hệ thống giao thông gắn kết các trung tâm phát triển kinh tế, các vùng kinh tế của tỉnh; hoàn thiện hệ thống thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm điều tiết tốt các nguồn nước, hạn chế lũ lụt, ngăn mặn, giữ ngọt và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phòng, chống cháy rừng và các ngành kinh tế khác; hoàn thiện hệ thống cấp nước, cấp điện và vệ sinh môi trường. Đồng thời, đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ giữa các vùng, miền, nhất là các vùng, địa bàn quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của từng vùng.

3 - Đổi mới, phát triển mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, góp phần hình thành và phát triển kinh tế tri thức: Trước hết, tập trung xây dựng trung tâm giáo dục - đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Trong đó, chú trọng phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của vùng đất học. Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục, đào tạo và xây dựng Đại học Huế thành đại học quốc gia trước năm 2015, là trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu đào tạo đại học và sau đại học cho khu vực miền Trung và cả nước. Thứ hai, huy động các nguồn lực để xây dựng tỉnh xứng tầm là trung tâm khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam á, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật để từng bước phát triển công nghiệp công nghệ cao. Nghiên cứu, lựa chọn ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ cho các ngành công nghiệp, dịch vụ chủ lực và có lợi thế cạnh tranh. Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ quan nghiên cứu khoa học ở Trung ương, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học. Mở rộng hình thức liên kết giữa các cơ sở sản xuất với cơ quan nghiên cứu ứng dụng khoa học và các trường đại học nhằm đưa khoa học vào thực tế cuộc sống, bắt kịp đà phát triển của cả nước và trên thế giới. Thứ ba, xây dựng đồng bộ trung tâm y tế chuyên sâu, sớm trở thành thương hiệu quốc tế, gắn với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, đồng thời quan tâm gắn phát triển kinh tế bền vững với bảo vệ môi trường. Trong đó, tiếp tục nâng cao chất lượng kỹ thuật cao của Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường đại học Y Dược Huế xứng tầm là trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao cho cả vùng và cả nước. Hoàn thành, đưa vào sử dụng các bệnh viện đa khoa, nâng cấp hoạt động các trung tâm y tế chuyên sâu; hiện đại hóa Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thành Trung tâm y tế dự phòng khu vực Bắc miền Trung; đẩy nhanh tiến độ xây dựng bệnh viện quốc tế.

4 - Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, trong đó tập trung nghiên cứu, từng bước hoàn thiện bản sắc văn hóa Huế, đặc trưng văn hóa Huế để xây dựng Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc của Việt Nam (văn hóa vật thể, phi vật thể, văn hóa truyền thống, văn hóa lịch sử, cách mạng, cốt cách, con người xứ Huế), xem đây là lợi thế so sánh lâu dài để phát triển Huế, làm cho Huế ngày càng đẹp hơn, góp phần xứng đáng để thúc đẩy các ngành du lịch, dịch vụ phát triển. Đưa văn hóa Huế thấm sâu vào phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nếp sống văn hóa đô thị, văn hóa công sở, văn hóa ở khu dân cư; chấn chỉnh môi trường, cảnh quan văn hóa ở các khu di tích, điểm tham quan du lịch.

Xây dựng đồng bộ thiết chế văn hóa các cấp. Mở rộng và tăng cường hiệu quả hợp tác, giao lưu về văn hóa. Thông qua nâng cao chất lượng và hiệu quả của các kỳ Festival và các hoạt động đối ngoại để tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, nhất là Nhã nhạc cung đình, quần thể di tích Cố đô Huế, vịnh đẹp Lăng Cô, xây dựng hoàn chỉnh mô hình thành phố Huế - thành phố Festival của Việt Nam.

5 - Tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển mạnh các loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, gắn với phát triển nhanh các loại thị trường, nhất là thị trường bất động sản, thị trường hàng hóa, dịch vụ và xuất khẩu. Mặt khác, chú trọng đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước. Sử dụng hiệu quả các nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình, dự án thiết yếu nhằm thu hút đầu tư và đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân. Tiếp tục thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp, làng nghề.

6 - Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Giải quyết tốt các vấn đề lao động và việc làm; thực hiện giảm nghèo bền vững; đồng thời làm tốt công tác chăm sóc người có công với cách mạng và các đối tượng chính sách. Đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo, ưu tiên tập trung đầu tư cho các xã nghèo, gắn giảm nghèo với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm để bảo đảm giảm nghèo bền vững.

7 - Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xác định công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ then chốt, trọng tâm; tập trung làm tốt công tác tư tưởng kết hợp chặt chẽ với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; tiếp tục đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ, đảng viên, đồng thời, chuẩn bị tốt nhân sự cho Đại hội Đảng bộ tỉnh và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nguồn nhân lực khi tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương./.