Nhân tố kinh tế và một số vấn đề về chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Trần Đăng Bộ Đại tá, TS, Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự, Bộ Quốc phòng
14:16, ngày 22-12-2011
TCCSĐT- Tiềm lực quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại..., trong đó yếu tố kinh tế đóng vai trò quyết định. Trong tình hình hiện nay, để tăng cường tiềm lực quốc phòng, chúng ta vừa phải đẩy mạnh phát triển kinh tế để thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống nhân dân, vừa phải tạo ra tiềm lực kinh tế quân sự mạnh theo hướng bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nhu cầu quốc phòng và khả năng của nền kinh tế.   
1- Chủ nghĩa Mác - Lê-nin không chỉ khẳng định trình độ phát triển sản xuất, xét đến cùng, là nhân tố quyết định sự phát triển xã hội, mà còn nhấn mạnh vai trò của nó trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiềm lực kinh tế là cốt vật chất của tiềm lực kinh tế quân sự, là nhân tố trực tiếp quyết định quy mô, tổ chức biên chế lực lượng vũ trang, phương thức tiến hành chiến tranh và nghệ thuật quân sự. Từ sự luận giải “vũ trang, biên chế, tổ chức, chiến lược, chiến thuật phụ thuộc trước hết vào trình độ mà sản xuất đạt được trong từng trường hợp”; thắng lợi của bạo lực là dựa vào việc sản xuất vũ khí và chính việc sản xuất vũ khí lại dựa vào sản xuất nói chung, dựa vào thế lực kinh tế, vào tình trạng kinh tế và những phương tiện vật chất mà bạo lực nắm sẵn trong tay, Ph. Ăng-ghen kết luận: Không có gì lại phụ thuộc vào những tiền đề kinh tế hơn là chính ngay quân đội và hạm đội. Phát triển luận điểm đó trong thời đại chiến tranh đế quốc và cách mạng vô sản, V.I. Lê-nin cho rằng, trong chiến tranh hiện đại, “tổ chức kinh tế có một ý nghĩa quyết định"(1).

Trước nguy cơ chiến tranh xâm lược, V.I. Lê-nin cho rằng, nếu không chuẩn bị đầy đủ về kinh tế thì việc tiến hành cuộc chiến tranh hiện đại chống chủ nghĩa đế quốc là điều không thể làm được. Vì thế, Người yêu cầu: “Cuộc chiến tranh cách mạng này cần được chuẩn bị lâu dài, nghiêm túc, bắt đầu phát triển kinh tế…”(2). Như vậy, trong tư duy và nhận thức của V.I. Lê-nin, mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và chiến tranh; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được hình thành trên cơ sở lý luận và thực tiễn cách mạng vô sản, trong đó Người luôn coi trọng và nhấn mạnh vai trò của kinh tế. Trong nhiều trường hợp, V.I. Lê-nin khẳng định kinh tế có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, và theo đó, chuẩn bị quốc phòng phải được “bắt đầu phát triển kinh tế”. Với nhận thức đúng đắn, cùng thực tiễn cách mạng phong phú, V.I. Lê-nin không chỉ lãnh đạo thành công việc khôi phục, phát triển kinh tế nước Nga mà còn bảo đảm tốt nhu cầu kinh tế cho chiến tranh vệ quốc, củng cố quốc phòng, xây dựng Hồng quân vững mạnh, đập tan chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc câu kết với bọn phản động trong nước, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới.

2- Quán triệt quan điểm nói trên của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và sớm nhận thức đúng vai trò của kinh tế và tiềm lực kinh tế quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, nên trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân thực hiện kết hợp chiến đấu với sản xuất, vừa đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất. Với đường lối kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc; kháng chiến có thắng lợi thì kiến quốc mới thành công; kiến quốc có chắc thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi, nên ngay trong điều kiện chiến tranh, chúng ta không chỉ xây dựng nhiều cơ sở sản xuất quốc phòng để tự sản xuất phương tiện chiến tranh phục vụ trực tiếp cho kháng chiến, mà còn huy động tối đa tiềm lực kinh tế đất nước cho tăng cường sức mạnh quốc phòng, xây dựng quân đội, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, kinh tế và quốc phòng tuy là hai công việc thuộc hai lĩnh vực nhưng không mâu thuẫn, đối lập nhau, mà giữa chúng có mối quan hệ chặt chẽ và thống nhất biện chứng, trong đó kinh tế giữ vai trò quyết định, bởi có “cung cấp đủ súng đạn, đủ cơm áo cho bộ đội, thì bộ đội mới đánh thắng trận”. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, quân đội ta cần tập trung xây dựng các đại đoàn chủ lực mạnh để mở các chiến dịch nhằm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường, thì mọi nguồn lực cho nhu cầu kháng chiến sẽ khó đáp ứng nếu chỉ dựa vào sự huy động đóng góp của nhân dân. Vấn đề cấp bách đặt ra là phải xây dựng, phát triển kinh tế dưới sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp, tập trung của Nhà nước nhằm tạo ra bước phát triển nhảy vọt về khả năng bảo đảm kinh tế cho kháng chiến. Thực hiện chủ trương này, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người, mọi ngành phải nhận thức rõ tình hình, nhiệm vụ, chống mọi lệch lạc, như chỉ coi trọng xây dựng kinh tế mà xem thường xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, hoặc chỉ thấy nhiệm vụ xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng mà không thấy ý nghĩa sống còn của phát triển kinh tế. Theo Người, để kháng chiến trường kỳ, “quân đội phải đủ súng, quân và dân phải đủ ăn, đủ mặc”. Người kêu gọi ngành công nghiệp chế nhiều vũ khí, dụng cụ, sản phẩm để đánh giặc và để cung cấp cho nhân dân; ngành nông nghiệp trồng nhiều lúa, nhiều màu, nhiều bông, để quân và dân đủ ăn, đủ mặc, sẵn sàng tiếp tế cho quân đội. Nhờ đẩy mạnh tăng gia sản xuất, kết hợp chiến đấu với sản xuất, vừa đánh giặc, vừa tăng gia sản xuất, chúng ta không những nhanh chóng dập tắt nạn đói, từng bước ổn định đời sống, mà còn động viên được mọi nguồn lực cho kháng chiến.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cách mạng giải phóng dân tộc. Để bảo đảm kinh tế cho kháng chiến ở miền Nam, bảo vệ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, Hội nghị Trung ương 11, khóa III của Đảng xác định: Phải tiếp tục xây dựng miền Bắc, kết hợp chặt chẽ xây dựng kinh tế và tăng cường quốc phòng, ra sức động viên lực lượng của miền Bắc chi viện cho miền Nam; kịp thời chuyển hướng nền kinh tế và tăng cường lực lượng quốc phòng cho kịp với sự phát triển của tình hình mới. Trong quá trình đó, phải tích cực phát triển kinh tế theo từng vùng chiến lược, làm cho từng vùng có khả năng tự giải quyết phần lớn nhu cầu ăn, mặc, ở, học, bảo vệ sức khỏe, tiêu dùng thiết yếu, phục vụ sản xuất, xây dựng và chiến đấu. Nhờ thực hiện có hiệu quả chủ trương này, dù bị chiến tranh phá hoại của Mỹ tàn phá nặng nề, nhưng nền kinh tế miền Bắc đã thể hiện sức mạnh ưu việt, không chỉ đứng vững mà còn phát triển về nhiều mặt; cơ bản khắc phục được khó khăn, thiếu thốn và yếu kém về vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật quân sự, vừa đáp ứng yêu cầu đánh thắng chiến tranh phá hoại, bảo vệ miền Bắc, vừa chi viện với mức độ ngày càng cao cho tiền tuyến lớn; xây dựng và tăng cường tiềm lực mọi mặt, góp phần ổn định đời sống, làm tròn nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Thành công đó “là một việc hiếm có trong lịch sử chiến tranh, một sự cố gắng vượt bậc, một thành tích kỳ diệu của nhân dân ta, Đảng ta và Nhà nước ta”(3).

Như vậy, vấn đề chuẩn bị tiềm lực kinh tế, nhất là tiềm lực kinh tế quân sự để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức và đặt ra ngay từ đầu của quá trình cách mạng và được xác định là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế trong mọi thời kỳ. Theo đó, dù trong điều kiện chiến tranh hay hòa bình, chúng ta luôn chủ động chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sự nhất quán đó được khẳng định trong các văn kiện của Đảng càng cho thấy sự đúng đắn của nhận thức và giải quyết hài hòa, linh hoạt mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.

Mặc dù thành tựu của sự nghiệp đổi mới đã tạo thêm thế và lực mới để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được tiến hành trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch đang đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” nhằm thủ tiêu chế độ chính trị và xóa bỏ thành quả cách mạng nước ta. Vì thế, nhiệm vụ chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự trong tình hình hiện nay được đặt ra một cách trực tiếp và thường xuyên hơn.

Tiềm lực quốc phòng là sức mạnh tổng hợp của các yếu tố văn hóa, chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại... Vì thế, để tạo thế và lực mới cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tại Đại hội XI, Đảng ta chủ trương: Phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với tăng cường sức mạnh quốc phòng - an ninh. Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng - an ninh, quốc phòng - an ninh với kinh tế trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và trên từng địa bàn, trong đó, “phát triển kinh tế là trung tâm, là một trong những nhân tố quan trọng bảo vệ Tổ quốc"(4). Đó là một thành tựu mới của Đảng ta về lý luận bảo vệ Tổ quốc. Điều đó cho thấy, chúng ta không chỉ nhận thức toàn diện, sâu sắc, biện chứng hơn mối quan hệ giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà còn nhận thức đúng hơn vai trò của nhân tố kinh tế và chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt thời kỳ quá độ; là con đường tất yếu để nước ta thoát nghèo và nguy cơ tụt hậu, giữ vững ổn định xã hội. Đó cũng là tiền đề để nâng cao tiềm lực kinh tế quân sự và tăng cường sức mạnh quốc phòng. Muốn có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh, chúng ta phải vừa đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vừa hoàn thiện các yếu tố của chủ nghĩa xã hội với từng bước tích lũy tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là khoa học và công nghệ quân sự, trình độ tác chiến của lực lượng vũ trang, để khi cần có thể nhanh chóng huy động và chuyển hóa thành thực lực quốc phòng.

3- Từ những vấn đề nêu trên, chúng ta nhận thấy, chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng ta đều coi trọng và nhấn mạnh vai trò của kinh tế, nhất là tiềm lực kinh tế quân sự trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, để đất nước không bị động, bất ngờ, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống chiến tranh, việc chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự cần được nhận thức từ những vấn đề sau:

Một là, chỉ có thể chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự trên cơ sở nền kinh tế độc lập, tự chủ, và chỉ có nền kinh tế độc lập, tự chủ mới giúp chúng ta chủ động xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật của tiềm lực kinh tế quân sự. Tiềm lực kinh tế quân sự mạnh là yếu tố quyết định sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, muốn có tiềm lực kinh tế quân sự mạnh, phải dựa trên nền tảng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Vì vậy, phải từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng.

Hai là, chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự thời bình là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật. Trong điều kiện còn giai cấp và đấu tranh giai cấp, còn mưu đồ xâm lược, nhất là khi cuộc chạy đua vũ trang mới đang hình thành, thì chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự thời bình, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu quốc phòng khi cần thiết là nhiệm vụ cơ bản, thường xuyên, có tính quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.

Ba là, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là phương thức hiệu quả để chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự. Kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại là nghệ thuật liên kết các nhân tố không đồng nhất, những hoạt động tuân theo các quy luật khác nhau nhằm tạo thế, lực, thời để giữ vững hòa bình, mở rộng hợp tác, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước. Đó còn là sự kết hợp các lực lượng, cả nội lực và ngoại lực, cả vũ trang và phi vũ trang để chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự. Vì vậy, để chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự phải kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Bốn là, quá trình chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự phải nằm trong sự hài hòa giữa yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Một trong những yếu tố để phát triển bền vững là quá trình phát triển kinh tế phải thực hiện đồng thời yêu cầu kinh tế và quốc phòng, lồng ghép yêu cầu quốc phòng vào hoạt động kinh tế. Vì vậy, khi phát triển kinh tế phải thực hiện cả hai yêu cầu, đưa yêu cầu quốc phòng thành nhu cầu tất yếu của kinh tế, sao cho vừa phục vụ đời sống xã hội, vừa có lợi cho quốc phòng, sẵn sàng huy động cho quốc phòng khi cần thiết.

Năm là, từng bước xây dựng tiềm lực kinh tế quân sự ngay trong chiến lược và chính sách phát triển các ngành kinh tế trọng yếu. Để mỗi bước phát triển kinh tế là điều kiện tăng cường tiềm lực kinh tế quân sự thì trong chiến lược và chính sách phát triển các ngành kinh tế trọng yếu, nhất là các ngành liên quan đến sản xuất quân sự và công nghiệp quốc phòng, phải có ý thức chủ động tạo ra tiềm lực kinh tế quân sự và bố trí tiềm lực kinh tế quân sự ấy trong thế chiến lược hợp lý để vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa tăng cường sức mạnh quốc phòng. Do đó, chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự phải lựa chọn hình thức, biện pháp phù hợp với thực lực của nền kinh tế, giảm bớt chi phí cho nền kinh tế.

Để thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong khi đặt lên hàng đầu nhiệm vụ phát triển kinh tế, chúng ta không coi nhẹ nhiệm vụ chuẩn bị tiềm lực kinh tế quân sự để “chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch và sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống"(5). Với ý nghĩa đó, trong tình hình hiện nay, chúng ta vừa phải đẩy mạnh phát triển kinh tế để thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống nhân dân, vừa phải tạo ra tiềm lực kinh tế quân sự mạnh theo hướng bảo đảm cân đối, hài hòa giữa nhu cầu quốc phòng và khả năng của nền kinh tế. Đó là yêu cầu cấp thiết, góp phần bảo đảm cho đất nước phát triển bền vững./.

-------------------------------------------

(1) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1976, t. 34, tr. 260

(2) V.I. Lê-nin: Sđd, t. 35, tr. 481

(3) Lê Duẩn: Giai cấp công nhân Việt Nam và liên minh công nông, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 506, 507

(4) Tô Huy Rứa: Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Cộng sản điện tử, cập nhật ngày 29-12-2008

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội , 2011, tr. 233