Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 05 đến 11-11-2018)

Gia Bảo (tổng hợp từ TTXVN, chinhphu.vn)
22:06, ngày 13-11-2018

TCCSĐT - Với 447 phiếu tán thành, tương ứng tỷ lệ 92,16%, kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 08-11 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Trong đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Thủ tướng định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn 2021 - 2025.

Giai đoạn 2018 - 2020 tập trung xử lý các vướng mắc, thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã được ký kết; tiếp tục lựa chọn và chuẩn bị các dự án đầu tư công tốt (dựa trên hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính), sẽ giải ngân sau 2020 để đảm bảo sự liên tục, không bị sụt giảm đột ngột vốn đầu tư phát triển giai đoạn sau 2020. Tuy nhiên cần phải sàng lọc, lựa chọn các dự án tốt, hiệu quả để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo không vượt trần bội chi ngân sách và các chỉ tiêu an toàn nợ công do Quốc hội phê duyệt.

Tập trung sử dụng vốn vay vào một số lĩnh vực chủ chốt, các công trình trọng điểm thực sự quan trọng, có tác dụng lan tỏa rộng, có tính chất kết nối liên vùng, tạo động lực phát triển vùng, miền và cần thẩm định, đánh giá dự án một cách chặt chẽ, khách quan, minh bạch để tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay nước ngoài.

Chỉ sử dụng vốn vay nước ngoài cho các lĩnh vực/dự án mà vốn đầu tư công trong nước chưa đáp ứng được, khu vực tư nhân không có động lực để đầu tư do không có lợi nhuận hoặc một số lĩnh vực đặc thù cần Nhà nước đầu tư để kiểm soát và quản lý giá nhằm tạo thuận lợi phát triển các ngành kinh tế khác như cảng sông, cảng biển… Khuyến khích tư nhân tham gia cùng nhà nước đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng.

Nghiên cứu áp dụng cơ chế để doanh nghiệp vay nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ khác không cần bảo lãnh của Chính phủ để triển khai các chương trình, dự án lĩnh vực năng lượng tái tạo, ứng phó biến đổi khí hậu. Vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Nguyên tắc sử dụng viện trợ không hoàn lại, ưu tiên sử dụng để xóa đói giảm nghèo; các lĩnh vực xã hội; xây dựng chính sách phát triển thể chế và nguồn nhân lực; chuyển giao kiến thức và công nghệ; phòng, chống, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị các dự án kết cấu hạ tầng có kỹ thuật, công nghệ phức tạp, dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) hoặc đồng tài trợ cho các dự án sử dụng vốn vay ưu đãi nhằm làm tăng thành tố ưu đãi của các khoản vay.

Vốn vay ODA, ưu tiên sử dụng cho các chương trình, dự án trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hạ tầng giao thông thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp, có quy mô lớn, mang tính lan tỏa cao, có tính chất liên vùng, phù hợp quy hoạch, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế-xã hội của vùng, miền.

Vốn vay ưu đãi, ưu tiên sử dụng cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn, có khả năng tạo ra nguồn thu để trả nợ; các dự án vay về để cho vay lại.

Đối với một số chương trình, dự án quan trọng cần ưu tiên và không có khả năng tạo nguồn thu để trả nợ hoặc thuộc diện cấp phát khác, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định sử dụng vốn vay ưu đãi đối với từng trường hợp cụ thể.

Giai đoạn 2021 - 2025, sử dụng vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô. Cần có quá trình thẩm định, đánh giá chặt chẽ, khách quan, minh bạch thông qua xây dựng bộ tiêu chí đánh giá, lựa chọn dự án theo chuẩn mực quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Ưu tiên sử dụng cho các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội, trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, nhất là các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ trong trung và dài hạn để tăng cường năng lực trả nợ của quốc gia, ví dụ các dự án giải quyết nút thắt cơ bản về hạ tầng (giao thông, đô thị thông minh, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo…), phát triển nông nghiệp thông minh (thủy lợi, ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, điện khí hóa nông nghiệp…), kích thích các ngành hoặc hoạt động xuất khẩu, các dự án đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ.

Ưu tiên các dự án có tính chất hàng hóa công cộng, thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ, kỹ năng.

Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh xử lý nợ xấu

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và Quyết định số 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô) tiếp tục thực hiện một số nội dung nhằm đẩy mạnh xử lý nợ xấu.

Cụ thể, tổ chức tín dụng triển khai nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 05 ngày 17-9 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

Rà soát, cập nhật kế hoạch xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 chi tiết từng năm cho giai đoạn từ 14-8-2017 đến 15-8-2022, triển khai các phương án, giải pháp xử lý nợ xấu đảm bảo kết quả xử lý nợ xấu theo đúng lộ trình, kế hoạch đã đề ra.

Tiếp tục quán triệt chỉ đạo các bộ phận liên quan thực hiện rà soát, đánh giá cụ thể từng khoản nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 nhằm nhận diện đầy đủ thực trạng nợ xấu, đặc biệt là các khoản nợ xấu lớn, tài sản đảm bảo cho các khoản vay nợ này, khả năng thu hồi, nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi nợ xấu. Trên cơ sở đó, áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.

Cùng với đó, chủ động phối hợp tích cực với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đặc biệt là cơ quan công an, tòa án, thi hành án các cấp để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất trong khi thực hiện các thủ tục hành chính tại địa phương; thực hiện quyền thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42, đặc biệt trong trường hợp khách hành chây ỳ hoặc có thái độ không hợp tác; xử lý tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu có liên quan đến các vụ án đang được xử lý tại địa phương theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, phối hợp chặt chẽ với Công ty VAMC để thống nhất áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý các khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của các khoản nợ đã bán cho VAMC. Tích cực tìm kiến đối tác mua nợ đối với các khoản nợ đã bán cho VAMC và được VAMC ủy quyền bán nợ, đồng thời tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ trích lập dự phòng đối với nợ xấu đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt nhằm thực hiện tất toán trái phiếu trước hạn hoặc đúng thời hạn theo quy định. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng tại tổ chức tín dụng nhằm thực hiện có hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020, bảo đảm đúng lộ trình đề ra.

Thống đốc cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 cho Ngân hàng Nhà nước đầy đủ, đúng tiến độ theo quy định. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, tổ chức tín dụng báo cáo Ngân hàng Nhà nước và kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể.

Quốc hội thông qua chỉ tiêu GDP năm 2019 tăng từ 6,6 - 6,8%

Với 447 phiếu tán thành, tương ứng tỷ lệ 92,16%, kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 08-11 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2019. Trong đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.

Ngoài ra, Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Trước đó, làm rõ thêm ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%.

Lập luận chỉ tiêu về CPI, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.

Do vậy, Chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.

Nga và Trung Quốc nhất quán trong quan điểm về thương mại quốc tế

Nga và Trung Quốc nhất quán về cách tiếp cận trong việc giải quyết các vấn đề thương mại quốc tế.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra tuyên bố trên cuộc họp cấp thủ tướng Nga-Trung lần thứ 23 diễn ra tại Bắc Kinh ngày 07-11. Theo Thủ tướng Medvedev, Nga và Trung Quốc đều nhất trí rằng mọi bước đi trong lĩnh vực thương mại quốc tế cần phải nhằm thúc đẩy thương mại toàn cầu, trao đổi vốn đầu tư toàn cầu.

Về phần mình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc và Nga đều nhất trí rằng toàn cầu hóa nền kinh tế là xu thế không thể đảo ngược. Do đó, chính sách bảo hộ thương mại và cách tiếp cận đơn phương sẽ gây tổn hại đến hệ thống thương mại đa phương, nhất là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), cũng như gây thiệt hại lợi ích của Trung Quốc, Nga và nhiều nước khác trên thế giới. Theo ông, Trung Quốc và Nga sẵn sàng thúc đẩy đơn giản hóa thương mại, đầu tư và hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực.

Về quan hệ song phương, Thủ tướng Medvedev cho rằng thương mại hai nước đang phát triển tích cực.

Trong năm nay, kim ngạch thương mại Nga - Trung Quốc có triển vọng đạt mức 100 tỷ USD, tuy nhiên theo ông Medvedev, con số này có thể tăng gấp đôi nếu hai bên tích cực thúc đẩy hợp tác trong nhiều lĩnh vực như hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, hoàn thiện thương mại điện tử, hệ thống thanh toán.

Trong khi đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng phát triển quan hệ hợp tác-đầu tư với Nga trong lĩnh vực dầu khí. Theo ông Lý Khắc Cường, sự hỗn loạn trên thị trường dầu mỏ hiện nay sẽ gây tổn hại đến nền kinh tế thế giới.

Ông nhấn mạnh Trung Quốc và Nga là những nhà cung cấp cũng như tiêu thụ dầu khí lớn nhất thế giới. Do đó, Bắc Kinh sẵn sàng cùng với Moskva phát triển quan hệ hợp tác-đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Trung Quốc cũng có kế hoạch phối hợp với Nga thành lập một quỹ khoa học-sáng tạo chung để hỗ trợ hợp tác khoa học-kỹ thuật giữa hai nước và xác định các lĩnh vực phát triển triển vọng.

Theo số liệu của Trung Quốc, kim ngạch trao đổi thương mại giữa nước này với Nga trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 25,7%, lên 77,15 tỷ USD. Trong năm 2017, con số này tăng 20,8%, đạt 84,07 tỷ USD, cao hơn so với năm trước đó (đạt 69,52 tỷ USD).

Diễn đàn Davos 2019 định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên 4.0

Ngày 05-11, Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới, có trụ sở tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), đã thông báo về Hội nghị thường niên 2019 Diễn đàn Kinh tế Thế giới hay còn gọi là Diễn đàn Davos 2019.

Theo thông báo, Diễn đàn Davos sắp tới sẽ diễn ra từ ngày 22 đến 25-01-2019 tại Davos-Klosters (Thụy Sĩ). Chủ đề của Hội nghị Davos 2019 sẽ là “Toàn cầu hóa 4.0: Định hình kiến trúc toàn cầu trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

Người sáng lập và là Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, ông Klaus Schwab, cho rằng thế giới mới chỉ ở giai đoạn đầu của Toàn cầu hóa 4.0 và hoàn toàn không được chuẩn bị để ứng phó với quy mô của những thay đổi sắp tới.

Các nước vẫn đang tiếp tục giải quyết các vấn đề của toàn cầu hóa với một quan điểm lạc hậu, do đó thế giới phải xác định lại các quy trình và thể chế để có thể tận dụng được tốt hơn những cơ hội mới ở phía trước, đồng thời tránh được các xáo trộn.

Theo ông Klaus Schwab, bốn thay đổi diễn ra cùng lúc sẽ định hình lại toàn cầu hóa bao gồm chủ nghĩa đa phương không còn chi phối lãnh đạo kinh tế toàn cầu nữa, mà thay vào đó là chủ nghĩa đa nguyên; cân bằng quyền lực toàn cầu chuyển từ đơn cực sang đa cực; các thách thức sinh thái, trong đó có biến đổi khí hậu, đe dọa sự phát triển kinh tế xã hội; cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại các công nghệ với tốc độ và quy mô chưa từng có trong lịch sử.

Toàn cầu hóa đã mang lại tăng trưởng và phát triển ở cấp độ quốc tế, nhưng nó cũng đã tạo ra sự bất bình đẳng ngày càng giãn rộng. Đối với làn sóng toàn cầu hóa tiếp theo, "Toàn cầu hóa 4.0," các nhà lãnh đạo cần học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ, xây dựng xã hội hòa nhập hơn và bảo vệ tốt hơn những cộng đồng dễ bị tổn thương.

Để cải thiện đời sống cho con người trên toàn cầu, quản trị ở các cấp doanh nghiệp, chính phủ và toàn cầu phải thích nghi đầy đủ với bối cảnh kinh tế, chính trị, môi trường và xã hội mới này.

Diễn đàn Kinh tế thế giới 2019 sẽ quy tụ 3.000 nhà lãnh đạo từ mọi lĩnh vực xã hội, các đại diện hàng đầu của hơn 100 chính phủ và 1.000 doanh nghiệp.

Hội nghị sẽ bao gồm hơn 400 buổi làm việc của các chính phủ, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, xã hội dân sự, các cơ quan truyền thông, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực và thế hệ trẻ, đến từ khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh đó, hội nghị là cơ hội diễn ra các “đối thoại toàn cầu," với các khuyến nghị từ các đại diện tham dự hội nghị, các chuyên gia, tổ chức quốc tế trong đó có các thành viên Hội đồng quản trị Diễn đàn Kinh tế Thế giới./.