Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất và người Quảng Ninh

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT                                                 
Học viện Báo chí và Tuyên truyền
21:11, ngày 30-09-2023

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đúc kết cuộc đời mình: Tôi yêu đồng bào ở miền Bắc cũng như yêu đồng bào ở miền Nam. Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi[1]. Với con người ấy, nơi nào trên đất Việt Nam cũng là quê hương, người dân nơi đâu cũng là ruột thịt. Đất và người Quảng Ninh không nằm ngoài quy luật ấy. Việc hồi tưởng lại những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đất và người Quảng Ninh không chỉ góp phần tô thắm lịch sử của vùng đất ấy mà còn khích lệ, thúc đẩy các thế hệ nơi đây chung tay xây dựng Quảng Ninh giàu đẹp như mong muốn của vị lãnh tụ Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

Là một dân tộc “vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, mỗi địa danh trên mảnh đất Việt Nam đều là những “trầm tích” văn hóa, lịch sử. Quảng Ninh, xét theo góc độ lịch sử, kinh tế hay văn hóa, đều là “địa linh”, đóng vai trò quan trọng trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Sông Bạch Đằng ở nơi đó gắn liền với ba cuộc thủy chiến đã trở thành niềm tự hào của người dân Việt Nam trong công cuộc chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ca ngợi địa danh ấy: “Mênh mông một dải Bạch Đằng/ Nghìn thu soi rạng giống dòng quang vinh”[2].

Cảng Vân Đồn của huyện Vân Đồn từng là một thương cảng lớn của Đại Việt, tồn tại từ giữa thế kỷ 12 đến cuối thế kỷ 18. Vùng đất Đông Triều vốn là nơi phát tích của nhà Trần - một triều đại phong kiến lẫy lừng. Núi Yên Tử của thành phố Uông Bí là nơi ra đời Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Quảng Ninh có vịnh Hạ Long - một di sản thiên nhiên thế giới đã được UNESCO công nhận. Đó còn là xứ sở của “vàng đen” và đội ngũ công nhân mỏ giàu truyền thống cách mạng. Thiết tưởng, ít có vùng đất nào hội tụ nhiều tiềm năng to lớn như thế. Là một người am hiểu lịch sử, địa lý dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho vùng đất Quảng Ninh sự quan tâm sâu sắc với những minh chứng sống động.

Thứ nhất, địa danh Quảng Ninh đã được Hồ Chí Minh quan tâm từ khi còn hoạt động quốc tế.

Sinh ra ở xứ Nghệ, điều kiện sinh sống của gia đình đã làm người thanh niên Nguyễn Tất Thành gắn bó nhiều với các địa danh phương Nam như Huế, Quy Nhơn - Bình Định, Phan Thiết, Sài Gòn… Quảng Ninh nằm ở vùng Đông Bắc của Tổ quốc nên trước khi rời Việt Nam ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành chưa có cơ hội đặt chân đến vùng đất này. Trong suốt quá trình tìm đường cứu nước, Tổ quốc đau thương luôn hiện diện trong trái tim Người. Khi đã trở thành người cộng sản, được phân công theo dõi phong trào cách mạng ở Đông Nam Á, Nguyễn Ái Quốc rất quan tâm đến phong trào công nhân ở Việt Nam. Vào đầu thế kỷ XX, công nhân ở Việt Nam chủ yếu là công nhân mỏ và công nhân đồn điền nên Nguyễn Ái Quốc đã rất chú ý đến vùng đất mỏ Quảng Ninh. Từ năm 1924, trong Tham luận tại Đại hội lần thứ III Quốc tế Công hội đỏ, Nguyễn Ái Quốc đã báo cáo: Ở Đông Dương còn có những xí nghiệp tương đối lớn:… khu mỏ vịnh Hạ Long có 4.000 công nhân[3]. Cũng trong giai đoạn này, để tố cáo chính sách vơ vét của thực dân Pháp ở Đông Dương, trong bài Đời sống kinh tế Đông Dương, Nguyễn Ái Quốc đã viết: Năm 1920, 63 công ty khai thác 19 mỏ được 7.000.000 tạ than đá trị giá 45.000.000 phrăng. Riêng mỏ than Hạ Long đã cung cấp được 5.500.000 tạ… Phải nói rằng hầm mỏ ở Đông Dương được khai thác rất tồi. Người Pháp không dám bỏ vào đó một số vốn lớn, và họ chỉ vơ vét những cái gì dễ vơ vét, như một kẻ vội khoắng sạch những cái gì tiện tay để chuồn đi cho nhanh[4]. Ẩn trong sự tố cáo đó là sự thương cảm đối với đời sống lầm than của những người công nhân mỏ. Trong Báo cáo về Hội nghị cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ viết vào khoảng năm 1930, Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đến lò đúc kẽm Quảng Yên[5] và việc “công nhân mỏ than Cẩm Phả” tiến hành đình công[6]. Sau này, khi đã rời Liên Xô về hoạt động ở Trung Quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục theo dõi phong trào công nhân ở Quảng Ninh. Trong Báo cáo của Việt Nam gửi Quốc tế Cộng sản viết vào tháng 7 năm 1939, địa danh “Uông Bí” được Người nhắc đến hai lần khi thống kê phong trào đấu tranh đòi tăng lương của công nhân mỏ[7]. Trong điều kiện bôn ba xứ người, thông tin rất hạn hẹp, việc các địa danh của tỉnh Quảng Ninh được Nguyễn Ái Quốc nhiều lần nhắc đến đã thể hiện sự quan tâm của Người đến vùng đất Quảng Ninh và sự theo dõi sát sao phong trào công nhân trong nước.

Thứ hai, Quảng Ninh là một trong những tỉnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm nhiều nhất.

Sau Cách mạng Tháng Tám, trong bối cảnh “thù trong, giặc ngoài”, Chủ tịch Hồ Chí Minh phải đấu trí với thực dân Pháp đang có âm mưu cướp nước ta một lần nữa. Ngày 24-3-1946, Người đi bằng thuỷ phi cơ Catalina từ sân bay Gia Lâm đến vịnh Hạ Long để hội đàm với Cao ủy Pháp tại Đông Dương - Đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu trên tuần dương hạm Esmille Bertin. Lần đầu tiên đặt chân đến một danh lam thắng cảnh của tỉnh Quảng Ninh để giải quyết những vấn đề hệ trọng trong hoàn cảnh vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Người không có điều kiện đi thăm nhân dân và các địa điểm khác trên đất liền của tỉnh Quảng Ninh. Với quyết tâm giữ gìn, bảo vệ non sông gấm vóc, trong đó có Quảng Ninh, Người đã tuyên bố với đại diện của đối phương: Nếu Đô đốc (tức Georges Thierry d’Argenlieu - tác giả chú thích), muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi[8].

Sau khi miền Bắc được giải phóng, với tinh thần sâu sát thực tiễn, tại cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 30-12-1967, Người nói: Tôi đề nghị các vị Bộ trưởng nên luyện cho mình có đôi chân hay đi, đôi mắt hay nhìn, cái óc hay nghĩ, không nên chỉ ngồi ở bàn giấy, theo kiểu “đạo nhân phòng thủ”[9]. Là người luôn “nói đi đôi với làm”, chỉ từ ngày 15-10-1954 (sau khi Người về Thủ đô Hà Nội) đến ngày 12-8-1969 (thời điểm Người bắt đầu lâm bệnh và sau đó qua đời), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 923 lần đi đến các địa phương. Quảng Ninh chính là một trong những địa phương có vinh dự được Hồ Chí Minh đến thăm nhiều nhất. Việc đối chiếu giữa bộ sách Hồ Chí Minh biên niên tiểu sửHồ Chí Minh toàn tập đã đưa ra kết quả như sau: Từ năm 1957 đến năm 1965, Hồ Chí Minh đã tám lần đến thăm các địa bàn khác nhau thuộc tỉnh Quảng Ninh.

Lần thứ nhất: Từ ngày 3 đến ngày 5 tháng 10 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi thăm Vịnh Hạ Long, cùng tham gia đánh cá với bà con ngư dân và có buổi nói chuyện với nhân dân Hòn Gai vào ngày 4-10-1957. Người đã chỉ rõ những công việc cụ thể mà từng giai cấp, cộng đồng nhân dân cần thực hiện để xây dựng quê hương giàu đẹp. Đặc biệt, Người căn dặn cán bộ: Cán bộ Đảng, cán bộ chính quyền không phải làm quan cách mạng, ăn trên ngồi trốc. Cán bộ Đảng cũng như cán bộ chính quyền, ngay cả Bác là cán bộ cao nhất đều là đày tớ của nhân dân, phải hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, phải cần, kiệm, liêm, chính. Muốn thế phải gần gũi nhân dân, khuyến khích nhân dân, lãnh đạo nhân dân[10]. Người đã động viên cán bộ và nhân dân: Hồng Quảng là nơi rừng vàng bể bạc rất là phong phú, Hồng Quảng có nhân dân rất là cần cù, có rất nhiều thuận lợi, nếu mà Đảng, chính quyền, công đoàn, thanh niên, mặt trận công tác tốt, nhân dân đoàn kết tốt thì Hồng Quảng nhất định có thể thành một địa phương kiểu mẫu[11].

Lần thứ hai: Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Quảng Ninh từ ngày 29 đến ngày 31 tháng 3 năm 1959. Trong chuyến đi này, Người đã đi thị sát một số đảo trên vịnh Hạ Long, đến thăm công trường Đèo Nai, Cẩm Phả, đảo Tuần Châu, gặp gỡ cán bộ Khu ủy Hồng Quảng và đến cảng Hải quan Bãi Cháy, thăm trận đại pháo của Đại đội 34 trên đảo Hòn Rồng[12].

Lần thứ ba: Từ ngày 19 đến ngày 20 tháng 2 năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm tỉnh Hải Ninh (cũ) - mảnh đất địa đầu thuộc vùng Đông Bắc của Tổ quốc. Tại đây, Người đi thăm một trường học, một hợp tác xã nông nghiệp ở xã Đoan Tĩnh (của người Hán), thăm xưởng gốm Móng Cái và một số cơ sở sản xuất của tỉnh. Trong buổi nói chuyện với đông đảo cán bộ, nhân dân địa phương tại sân vận động Móng Cái, Người đã căn dặn phải tổ chức tốt các hợp tác xã, phải đoàn kết các dân tộc, đoàn kết Việt - Trung và cán bộ lãnh đạo phải xứng đáng là người đày tớ trung thành của nhân dân, người cán bộ tốt của Đảng và Chính phủ[13]. Người cũng nhắc nhở địa phương làm tốt hơn nữa công tác phát triển Đảng trong lực lượng công nhân, phụ nữ và đồng bào các dân tộc thiểu số.

Lần thứ tư: Ngày 6-3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) đi thăm Hải Phòng và vịnh Hạ Long. Khi gặp gỡ các cán bộ và chiến sĩ hải quân, Người đã nói: Bờ biển ta có vị trí rất quan trọng… Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa kia của tổ tiên[14]. Đáng lưu ý là, chuyến đi này của Người chưa được thống kê trong sách báo, tài liệu về các lần đến thăm Quảng Ninh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Lần thứ năm: Ngày 9-5-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm đảo Cô Tô - phần đất biên ải của tỉnh Quảng Ninh. Khi nói chuyện với cán bộ, bộ đội và nhân dân trên đảo, Người đã căn dặn mỗi người phải nhận thức rõ và làm đúng nghĩa vụ của người chủ nước nhà; cán bộ phải chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân. Đồng cảm với khó khăn của những người đang sống giữa trùng khơi sóng gió, Hồ Chủ tịch đã nói: Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ[15].

Lần thứ sáu: Ngày 22-1-1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với anh hùng G.Titốp về thăm Hồng Quảng. Nói chuyện trong buổi mít-tinh chào mừng của nhân dân địa phương, Người kêu gọi cán bộ, nhân dân tích cực tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm và hứa sẽ đề nghị với đồng chí G.Titốp tặng danh hiệu “Titốp” cho những tổ đội, đơn vị, xí nghiệp nào hoàn thành vượt mức kế hoạch[16].  

Lần thứ bảy: Ngày 13-11-1962, Người về thăm căn cứ hải quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh). Người đã căn dặn các chiến sĩ: Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho đất nước[17].

Lần thứ tám: Ngày 2-2-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Quảng Ninh sau khi khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh đã được hợp nhất. Khi nói chuyện với đồng bào và cán bộ của tỉnh, Người nhắc nhở nhân dân phải đưa hợp tác xã từ bậc thấp lên bậc cao, đẩy mạnh công tác thủy lợi, chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thủy sản, tăng cường vỡ hoang, phát động phong trào Tết trồng cây. Người yêu cầu cán bộ phải chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và công nhân[18]. Cũng trong chuyến đi này, Người có cuộc gặp gỡ với cán bộ, công nhân nhà máy điện Uông Bí và mỏ than Vàng Danh. Người nhấn mạnh: Nhà máy điện Uông Bí và mỏ Vàng Danh đều là những xí nghiệp vào loại to và hiện đại nhất của nước ta. Than và điện rất cần cho công nghiệp và nông nghiệp. Các cô, các chú hãy ra sức làm cho nhiều, nhanh, tốt, rẻ[19].

Ngoài các chuyến đi trên, trong cuốn sách Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh xuất bản năm 2007 còn nói về lần đến Quảng Ninh của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào ngày 23-11-1963. Tuy nhiên, bộ sách Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử không ghi lại sự kiện này; trong Hồ Chí Minh toàn tập cũng không có bài phát biểu nào nhân chuyến đi này. Cuốn sách Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh chỉ có hai bức ảnh Người chụp ở Tuần Châu (năm 1959, Người đã ghé thăm Tuần Châu) mà không có bài nói, sự kiện nào đi kèm. Vì vậy, thông tin về chuyến đi này cần được kiểm chứng thêm. Nhìn lại, từ năm 1945 đến năm 1965, ít nhất đã có chín lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm tỉnh Quảng Ninh. So với quê hương, nơi “chôn nhau, cắt rốn” của Người nhưng Người chỉ về thăm quê được hai lần (năm 1957 và năm 1961) thì Quảng Ninh là một địa phương đã nhận được sự quan tâm, ưu ái rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thứ ba, từng bước phát triển của tỉnh Quảng Ninh luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm theo dõi, khích lệ, động viên và chỉ đạo kịp thời.

Năm 1951, khi Quảng Yên còn là vùng địch tạm chiếm, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân đối với bộ đội trong một chiến dịch quân sự đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận: Trong Chiến dịch đường số 18, đồng bào đã hết lòng giúp công, giúp của, giúp đỡ bộ đội, săn sóc thương binh. Nhờ vậy mà bộ đội ta đã giết được nhiều giặc, thu được nhiều thắng lợi. Tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi đồng bào và khuyên đồng bào ra sức tham gia kháng chiến, cố gắng hơn nữa để chúng ta tiến đến những thắng lợi mới[20].

Khi thực dân Pháp ra sức bắt lính trong vùng chúng tạm chiếm nhằm thi hành chính sách “Dùng người Việt đánh người Việt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh kịp thời tố cáo tội ác của chúng đối với đồng bào Quảng Yên: Lâu nay chúng bắt ép thanh niên đi ngụy binh làm bia đỡ đạn cho chúng. Nay chúng bắt ép cả phụ nữ làm ngụy binh! Tại một số xã ở Quảng Yên, chúng vây bắt mỗi thôn 10 phụ nữ từ 18 đến 25 tuổi, dù đã có con, chúng cũng cứ bắt. Chị em nào chống lại, thì chúng đánh đập tàn nhẫn, bỏ tù rồi dụ dỗ… Âm mưu này rất thâm độc. Trực tiếp là giày vò phụ nữ ta, gián tiếp là phá hoại nòi giống ta[21].

Sau thắng lợi ở Điện Biên Phủ, ngay khi quân Pháp rút lui theo thỏa thuận của hiệp định Giơ-ne-vơ (tháng 7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thư gửi đồng bào Hồng Quảng, trong đó có viết: Sau 8 năm chiến đấu, đồng bào Hồng Gai, Quảng Yên lại được sống tự do… Tôi thay mặt Chính phủ thân ái gửi lời thăm hỏi đồng bào[22]. Bên cạnh việc động viên các giai cấp, tầng lớp nhân dân tích cực khôi phục lại đời sống, Người cũng tuyên bố các chính sách của Chính phủ như tự do tín ngưỡng, bảo vệ tính mạng, tài sản của ngoại kiều để dân chúng yên lòng.

Ngày 30-10-1963, khi sát nhập khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân đặt tên cho tỉnh là Quảng Ninh với hàm nghĩa sâu xa: “Quảng” là rộng lớn, “Ninh” là yên vui; Quảng Ninh là vùng đất rộng lớn và yên vui. Tên gọi đó chứa đựng tình cảm, mong muốn tốt lành của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất và người Quảng Ninh.

Để xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dõi theo tình hình phát triển mọi mặt của tỉnh. Về phương diện sản xuất, trong bài viết Phải kiên quyết chống giặc hạn đăng trên báo Nhân dân ngày 9-10-1966, Người biểu dương tỉnh Quảng Ninh vì cứu được 6.000 héc-ta lúa. Ngày 24-3-1967, Người gửi điện khen công nhân và cán bộ mỏ than Thống Nhất, Quảng Ninh về việc hoàn thành tốt kế hoạch quý I/1967. Về phương diện chiến đấu, khi nghe tin quân và dân Quảng Ninh bắn rơi 100 máy bay Mỹ, ngày 19-8-1966, Người đã gửi thư khen ngợi. Tổng kết thành tựu chống Mỹ ở hai miền Nam Bắc (ngày 1-9-1966), Người đã nhắc đến Quảng Ninh và gọi Quảng Ninh là một trong năm “kiện tướng” diệt máy bay Mỹ[23]. Khi kêu gọi cán bộ, nhân dân tích cực tăng gia sản xuất và thực hành tiệt kiệm, Người đã biểu dương xã viên Hợp tác xã Việt Tiến, tỉnh Quảng Ninh vì việc tự nguyện ăn độn nửa khoai, nửa gạo để dành nhiều thóc bán cho Nhà nước, chi viện cho chiến trường miền Nam. Mọi sự nỗ lực của cán bộ, nhân dân trong tỉnh đều được Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi nhận và động viên kịp thời.

Mong muốn tỉnh Quảng Ninh ngày càng phát triển hơn nữa, căn cứ vào tình hình, thời điểm cụ thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn chỉ ra những khuyết điểm mà tỉnh cần khắc phục, như công tác thủy lợi, chăn nuôi còn kém; chưa làm tốt công tác bảo vệ rừng; chất lượng than còn thấp; công tác bảo hộ lao động chưa cao… Khi nói về công tác phát triển Đảng, Người đã phê bình địa phương là ít kết nạp công nhân, phụ nữ, đồng bào dân tộc[24]. Người đưa ra dẫn chứng cụ thể: Ở Hồng Gai hơn một vạn công nhân nam nữ mà chỉ có 78 đảng viên trực tiếp sản xuất, như thế là ít lắm… Hơn một vạn công nhân sao lại không có mấy trăm người đủ tư cách làm đảng viên. Vì sao có ít thế? Có phải là việc vào Đảng khó khăn như việc đi lên thiên đường, hay anh em quan niệm đảng viên là thần thánh không?[25. Từ thực tế đó, Người căn dặn các tổ chức Đảng phải dựa vào quần chúng để làm tốt công tác phát triển Đảng.

Việc cập nhật số liệu, tình hình và đưa ra những chỉ đạo kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho cán bộ, nhân dân Quảng Ninh ngày càng hăng hái phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.

Thứ tư, đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam trước hết là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, trong đó, công nhân mỏ là lực lượng nòng cốt. Tỉnh Quảng Ninh là xứ sở của “vàng đen” nên đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước. Vì thế, đội ngũ công nhân mỏ Quảng Ninh nhận được từ Chủ tịch Hồ Chí Minh sự quan tâm đặc biệt. Ngay lần về thăm Hồng Quảng lần đầu vào năm 1957, Người đã khẳng định: Nói đến Hồng Quảng chủ yếu là nói đến xí nghiệp, là mỏ than, là giai cấp công nhân, cho nên trước hết tôi nói với anh chị em công nhân[26]. Người đã căn dặn công nhân mỏ phải ra sức giữ gìn của công, kỷ luật lao động, an toàn lao động để xứng đáng với vị thế người chủ và vị thế tiên phong của giai cấp công nhân.

Là người luôn quan tâm đến sức khỏe, sinh mạng của người công nhân mỏ, trong lần về thăm công trường Đèo Nai, Cẩm Phả, Người lại nói đến vấn đề an toàn lao động. Người nhấn mạnh: Một công nhân bất kỳ nam hay nữ đều rất quý báu, chẳng những quý cho gia đình các cô, các chú mà còn quý cho Đảng, Chính phủ và nhân dân nữa. Nếu để xảy ra tai nạn là thiệt chung cho bản thân, gia đình, cho Đảng, Chính phủ và nhân dân. Người bị nạn không đi làm được, gia đình sẽ gặp khó khăn, sức lao động của nhân dân do vậy cũng kém sút. Vì thế chúng ta phải hết sức bảo vệ an toàn lao động, bảo vệ tính mạng người công nhân[27]. Để nâng cao ý thức, trách nhiệm làm chủ của đội ngũ công nhân mỏ, Người ân cần giải thích: Nếu trước đây khu mỏ là của thực dân Pháp thì nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng… Bây giờ chúng ta làm cho mình, cho nhân dân và cho con cháu chúng ta nữa[28]. Do đó, công nhân mỏ phải hăng hái thi đua, cải tiến cách thức quản lý xí nghiệp để nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng sản phẩm.

Trong lần về thăm Quảng Ninh lần cuối cùng, ngày 2-2-1965, Người nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của ngành than khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, số lượng nhà máy ngày càng nhiều lên. Vì thế, cần phải có nhiều than để cung cấp cho các nhà máy đó. Chúng ta cũng cần xuất khẩu nhiều than để mua thêm máy móc và nguyên liệu đặng phát triển kinh tế xã hội chủ nghĩa nhanh chóng hơn nữa, do đó mà nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân[29]. Để khích lệ đội ngũ công nhân mỏ, Người đã tặng cờ luân lưu cho cả ngành than.

Theo dõi sát sao tình hình sản xuất của công nhân mỏ Quảng Ninh, ngày 7-9-1968, Người viết Thư khen công nhân và cán bộ mỏ than cọc 6 vì đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu lượng than cả năm 1968. Người căn dặn công nhân và cán bộ cố gắng, nỗ lực nhiều hơn để thu được nhiều thành tích hơn nữa.

Ngày 15-11-1968, do tình hình sức khỏe sút kém, không thể về thăm Quảng Ninh, Người đã tiếp cán bộ, công nhân ngành than tại Phủ Chủ tịch. Sau khi chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến suy giảm sản lượng than trong thời gian qua là do công tác quản lý và tổ chức kém, Người căn dặn anh chị em phải thật thà tự phê bình và phê bình, sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu đưa mức sản xuất than lên vì sản xuất than cũng như đánh giặc, phải có nhiệt tình cách mạng, tinh thần yêu nước và làm chủ xí nghiệp. Người cũng chỉ ra rằng công nhân phải tham gia quản lý, cán bộ phải tham gia lao động, phải chống tham ô, lãng phí, đẩy mạnh thi đua yêu nước và chăm lo đời sống vật chất và văn hóa của công nhân[30].

Luôn quan tâm đến tình hình sản xuất than ở Quảng Ninh, trong những ngày cuối đời, Người đã đọc và lưu tài liệu bài “Bước đi của ngành khoan Hà Tu” đăng trên báo Quảng Ninh ra ngày 26-7-1969 và bài “Công nhân vùng mỏ Quảng Ninh phấn đấu hoàn thành thắng lợi kế hoạch quý III” đăng trên báo Nhân dân ra ngày 30-7-1969. Hai bài báo này hiện vẫn đang được trưng bày tại ngôi nhà 67 - nơi Người từng dưỡng bệnh và qua đời.

Thứ năm, đảo Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh là nơi duy nhất trong cả nước được dựng tượng Hồ Chí Minh khi Người còn sống.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nổi bật ở đức khiêm nhường. Là vị anh hùng giải phóng dân tộc, là người đứng đầu Đảng và Nhà nước, là người đã làm rạng rỡ dân tộc ta và non sông đất nước ta nhưng Người luôn khẳng định nhân dân mới là chủ, mới có quyền, còn mình chỉ là đày tớ của dân. Người cũng luôn nói về dân với sự hàm ơn, rằng “dân rất tốt”. Người luôn trân trọng, nâng niu mọi sự đóng góp, hy sinh của người khác nhưng lại quên đi sự hy sinh, cống hiến của chính mình. Với quan niệm “Tượng đài vững chắc nhất là ở lòng dân”, Người đều từ chối khi các địa phương muốn dựng tượng hay xây dựng nhà lưu niệm về Người. Người từng nói với các nghệ sĩ: Các chú hãy nặn tượng tập thể bộ đội, nhân dân, thanh niên, thiếu nhi anh hùng. Không có nhân dân thì không có Bác[31]. Việc Người cho phép cán bộ, nhân dân đảo Cô Tô dựng tượng mình trên đảo là trường hợp duy nhất với mục đích khẳng định chủ quyền biển, đảo Việt Nam ở một vùng biển chiến lược và động viên nhân dân nơi “đầu sóng, ngọn gió”. Đây là vinh dự rất lớn mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho đất và người Quảng Ninh.

Là một địa danh có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời lại được thiên nhiên ưu đãi ban tặng “vàng xanh” là kỳ quan thiên nhiên thế giới và “vàng đen” trong lòng đất, Quảng Ninh có nhiều ưu thế để phát triển kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, nguồn tài nguyên quý nhất, vô tận nhất vẫn là con người. Để thực hiện lời dặn của Người về việc xây dựng Quảng Ninh thành một tỉnh giàu mạnh[32], Quảng Ninh cần đẩy mạnh hơn nữa sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đổi mới hệ thống chính trị, phát triển văn hóa, du lịch. Tất cả các công việc đó có thành công hay không, đều do nhân tố con người, do công tác cán bộ quyết định. Những kỷ niệm sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh với đất và người Quảng Ninh chính là động lực tinh thần to lớn để Quảng Ninh tiếp tục có bước tiến đột phá, quyết tâm đổi mới, xây dựng tỉnh giàu mạnh./.

-------------------------

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 674
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 261
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. 312- 313
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr. 380
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 624
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 626.
[7] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 3, tr. 173, 176
[8] Võ Nguyên Giáp: Những chặng đường lịch sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr. 454
[9] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, t. 10, tr. 131
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 113
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 117
[12] Xem Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t. 7, tr. 200 - 201
[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 484
[14] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t. 8, tr. 36
[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 130
[16] Xem: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, t. 8, tr. 144
[17] Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng: Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sđd, t. 8, tr. 241
[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 478
[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 480
[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 74
[21] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 404
[22] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 427
[23] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 156
[24] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 486
[25] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr. 116
[26] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr. 109
[27] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 142
[28] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 142
[29] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr. 476
[30] Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, t.10, tr. 234
[31] Lư Huy Nguyên (sưu tầm, biên soạn): Bác Hồ với văn nghệ sĩ, Nxb. Văn học, 1995, tr. 357
[32] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 474