Bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại huyện Ba Chẽ
Ba Chẽ là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, có 8 đơn vị hành chính (gồm 7 xã và 1 thị trấn), với 66 thôn, khu phố; dân số hơn 23 nghìn người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ 80%. Địa bàn huyện là nơi hội tụ của 10 dân tộc với những đặc trưng văn hóa khác nhau, như Dao, Kinh, Sán Chay, Tày, Hoa, Sán Dìu; trong đó, dân tộc Dao chiếm tỷ lệ 45,2%, với 3 nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, Dao Lô Gang. Bên cạnh những nét văn hóa chung, mỗi nhóm người Dao lại có những bản sắc riêng, góp phần làm phong phú bức tranh văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện. Người Dao Thanh Phán thường cư trú ở vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ trong lành, nguồn đất và nguồn nước dồi dào. Ở huyện Ba Chẽ, người Dao Thanh Phán cư trú ở các thôn: Khe Giấy, Khe Nà, Bãi Liêu, Đồng Cầu (xã Lương Mông); Đồng Quánh (xã Minh Cầm); Đồng Dằm (xã Đạp Thanh); Khe Nà, Thành Công (xã Thanh Sơn); Nước Đừng, Tàu Tiên, Nam Kim, Pắc Cáy, Lang Cang, Khe Vang, Nà Bắp, Khe Mằn, Làng Cổng, Nà Làng, Khe Mười (xã Đồn Đạc).
Là địa phương tập trung đông đồng bào dân tộc Dao sinh sống, sở hữu một kho tàng văn hóa đa dạng, độc đáo, do vậy, việc nghiên cứu, xây dựng và tổ chức khôi phục, trình diễn các di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao luôn được huyện Ba Chẽ chú trọng nhằm ngăn chặn sự mai một văn hóa trước sự tác động hai mặt của quá trình phát triển, xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, phục vụ cho phát triển du lịch tại địa phương theo hướng bền vững và tạo nền tảng tinh thần cho sự phát triển bền vững của huyện.
Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Ba Chẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với đơn vị tư vấn tham mưu xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”; tổ chức Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”, với sự tham dự của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các nhà khoa học, chuyên gia đến từ Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ... Trên cơ sở khoa học về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và vật thể, khẳng định giá trị văn hóa quý giá của người Dao tại địa phương; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 3857/QĐ-UBND, ngày 13-9-2019, về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”.
Sau khi đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, huyện Ba Chẽ đã ban hành các văn bản tổ chức thực hiện như: Kế hoạch số 29/KH-UBND, ngày 24-2-2020, về khảo sát, sưu tầm tư liệu, biên dịch, biên soạn và xuất bản cuốn sách Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của người Dao ở huyện Ba Chẽ; Kế hoạch số 30/KH-UBND, ngày 24-2-2020, về tổ chức sưu tầm, biên soạn tài liệu truyền dạy lớp dân ca và dân vũ tại 2 nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán; Kế hoạch số 31/KH-UBND, ngày 24-2-2020, về tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu của nghề thủ công truyền thống tại 2 nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán ở huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh. Xây dựng các kế hoạch hằng năm về thực hiện, triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Xây dựng các kế hoạch tổ chức các lễ hội văn hóa, như lễ hội Bàn Vương lần thứ I - năm 2020, lễ hội Bàn Vương lần thứ II - năm 2022. Ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn tổ chức thực hiện việc bảo tồn, phục dựng các nghi lễ, các hoạt động truyền dạy nghề truyền thống, dân ca, dân vũ của người Dao trên địa bàn huyện.
Một số kết quả nổi bật
Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng bảo tồn văn hóa vật thể: Thực hiện lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu sinh hoạt cộng đồng dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh tại Quyết định số 57/QĐ-UBND ngày 15-1-2020, với tổng diện tích 12.954m2 (1,2954ha), bao gồm: khu nhà sinh hoạt cộng đồng; sân lễ hội, đài cấp sắc; khu khôi phục nhà cổ, trưng bày sản phẩm; khu nghỉ dưỡng homestay; lầu vọng cảnh; khu xưởng đóng thuyền; bến thuyền; khu bãi đỗ xe, dịch vụ; khu cây xanh, cảnh quan. Huyện đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư, xây dựng một số hạng mục: Miếu thờ Bàn Vương (ông tổ người Dao), là ngôi miếu thờ Bàn Vương duy nhất trong cả nước với kiến trúc truyền thống 1 tầng, 3 gian 4 mái, có diện tích xây dựng 33,2m2; khu nhà sinh hoạt cộng đồng dân tộc Dao, với kiến trúc theo kiểu nhà kho chứa thóc đặc trưng của người Dao và bài trí, trưng bày các tổ hợp ảnh, tượng thể hiện các đặc trưng về lao động sản xuất, phong tục, lễ hội, trang phục, gian bếp truyền thống,… của nhóm Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán, tổng kinh phí trên 15 tỷ đồng, với mong muốn đây sẽ trở thành không gian văn hóa dân tộc Dao và là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của người Dao cả nước, nơi tổ chức lễ hội Bàn Vương hằng năm vào ngày 1-4 âm lịch. Bên cạnh việc huy động các nguồn lực đầu tư, xây dựng các công trình mang tính biểu tượng của văn hóa dân tộc Dao, thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, người có uy tín, trưởng các dòng họ thực hiện tuyên truyền, vận động các hộ gia đình dân tộc Dao trên địa bàn huyện tổ chức giữ gìn các nhà truyền thống để phát triển du lịch (Nhà trình đất, nhà kê tảng, nhà nửa sàn, nửa đất…).
Thực hiện các hoạt động bảo tồn văn hóa phi vật thể của người Dao: Trên cơ sở đề án được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh phê duyệt, huyện Ba Chẽ triển khai thực hiện nhiều nội dung quan trọng trong việc phục dựng, duy trì văn hóa phi vật thể của người Dao trên địa bàn, bao gồm: Lớp múa mặt nạ ka đong của nhóm Dao Thanh Y; lớp phục dựng nghi lễ nhập đồng nhảy lửa của nhóm Dao Thanh Phán; trò diễn vật chày, trò diễn múa rùa của nhóm Dao Thanh Phán; lớp truyền dạy chế biến rượu ủ (tin bầu); lớp truyền dạy nghề chạm bạc; lớp truyền dạy thêu thổ cẩm của nhóm Dao Thanh Y; lớp truyền dạy thêu thổ cẩm của nhóm Dao Thanh Phán; lớp truyền dạy nghề chế tác mặt nạ gỗ và mặt nạ giấy của người Dao Thanh Y; lớp khôi phục, bảo tồn, trình diễn dân ca Dao Thanh Phán; lớp khôi phục, bảo tồn, trình diễn dân ca Dao Thanh Y; lớp khôi phục, bảo tồn, trình diễn dân vũ Dao. Qua đó, có hơn 300 lượt người được tham gia vào các hoạt động trên. Việc phục dựng các nghi lễ, hoạt động diễn xướng góp phần tạo thêm sự gắn kết cộng đồng, tạo động lực để đồng bào dân tộc Dao thi đua lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và bảo vệ tài nguyên văn hóa của dân tộc mình.
Việc bảo tồn một số loại hình văn hóa phi vật thể, khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, đưa văn hóa dân tộc Dao trở thành “bảo tàng sống” gắn với phát triển du lịch được quan tâm triển khai. Theo đó, cùng với việc duy trì tổ chức lễ hội Bàn Vương mang nét đặc sắc của đồng dân tộc Dao, huyện Ba Chẽ còn tổ chức nhiều lễ hội truyền thống (lễ hội Lồng Tồng, lễ tết Rằm tháng 7; phiên chợ Tết vùng cao…) với các nghi thức mang đậm bản sắc, phong tục của cộng đồng dân tộc Dao trên địa bàn huyện. Đặc biệt, trong dịp ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (ngày 18-11), các địa phương trên địa bàn huyện đều triển khai thực hiện các hoạt động văn hóa, văn nghệ gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc: tổ chức giao lưu hát pả dung (hát đối), múa rùa, múa ka đong của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y; tổ chức các hoạt động giao lưu, biểu diễn nghề truyền thống (đan giỏ tre, đan lồng, xúc, rổ…) góp phần bảo tồn và phát huy, giới thiệu, quảng bá những nét đẹp văn hóa tới du khách gần xa, tạo sản phẩm du lịch mới trên địa bàn huyện Ba Chẽ. Phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Quảng Ninh kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể thuộc các loại hình tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, lễ hội truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Trong đó, thu thập được từ các nghệ nhân một số tư liệu có liên quan như: sách làm Lễ Phùn Vòng, sách so tuổi đám cưới của người Dao Thanh Y và Dao Thanh Phán. Huyện cũng mời Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Quảng Ninh về nghiên cứu nhà ở truyền thống, trang phục dân tộc, lễ hội, nghi lễ lập bàn thờ cổ, lễ cấp sắc, cảnh sắc thiên nhiên, phong tục tập quán sản xuất nông nghiệp; phối hợp với Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện sưu tầm tại 8 xã, thị trấn về trang phục, đồ dùng sinh hoạt, công cụ sản xuất truyền thống của các dân tộc Dao, Sán Chay. Phục dựng, mở được 12 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 320 người về các nội dung: truyền dạy hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao; hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chay và hát Then đàn tính của dân tộc Tày...; thành lập được 2 câu lạc bộ hát đối, 2 câu lạc bộ thêu thổ cẩm của dân tộc Dao và 1 câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao với gần 150 thành viên tham gia sinh hoạt và tập luyện. Các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ gắn liền với bản sắc văn hóa, như hát pả dung (hát đối), thi các môn thể thao (đẩy gậy, đánh gụ, đi cà kheo) được duy trì thường xuyên. Đặc biệt, một số nghi lễ đặc trưng của người Dao, như nhảy lửa, múa rùa, các bài dân ca cổ, dân vũ đang từng bước được duy trì và phát triển.
Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Ba Chẽ duy trì tổ chức cho các em học sinh mặc trang phục dân tộc vào buổi chào cờ thứ 2 hằng tuần và vào các ngày lễ lớn, lễ kỷ niệm. Hoạt động dân ca, dân vũ của cộng đồng dân tộc Dao được duy trì tập luyện trong các nhà trường, được sự quan tâm của các thầy, cô giáo và học sinh, góp phần gìn giữ nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Dao. Duy trì việc tổ chức trình diễn trang phục dân tộc, thi gói bánh coóc mò, bánh gù, bánh chưng, đẩy gậy, kéo co, tung còn; tổ chức phiên chợ vùng cao thu hút đông đảo giáo viên, học sinh tham gia.
Huyện cũng quan tâm, tạo điều kiện cho các nghệ nhân dân gian thực hiện truyền dạy chữ Nôm Dao (tại xã Lương Mông, Đạp Thanh, Đồn Đạc); các nghi lễ, hoạt động diễn xướng mang tính đặc trưng, riêng có của đồng bào dân tộc Dao trên địa bàn (nghi lễ cấp sắc, múa hành hương, múa rồng, mùa hành triều…). Một số hủ tục trong đời sống nhân dân từng bước được bài trừ; bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được duy trì; việc cưới, việc tang được tổ chức tiết kiệm, phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc, không còn tình trạng tổ chức tang lễ dài ngày. Đặc biệt, đối với nghi lễ cấp sắc (lễ đặt tên âm cho người con trai đã trưởng thành), một nghi lễ vô cùng quan trọng của người Dao, công nhận người đàn ông chính thức, là con cháu Bàn Vương - thủy tổ của người Dao, trước kia diễn ra trong 3 ngày 3 đêm, ngày nay thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội nên giảm còn 2 ngày 1 đêm. Lễ cấp sắc thể hiện đặc trưng văn hóa, góp phần thắt chặt tình đoàn kết anh em, dòng họ, làng bản và duy trì truyền thống giáo dục trong cộng đồng người Dao.
Để ghi nhận sự đóng góp của các nghệ nhân dân gian, đồng thời để góp phần trao truyền cho thế hệ kế cận gìn giữ, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân gian trên địa bàn, huyện còn lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” đối với các nghệ nhân: Hà Xuân Tiến, dân tộc Dao Thanh Y, xã Nam Sơn; Triệu Thanh Xuân, dân tộc Dao Thanh Phán, xã Đồn Đạc; Đặng A Mản, dân tộc Dao Thanh Y, xã Nam Sơn.
Là địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng được Miếu Bàn Vương, nơi sinh hoạt tâm linh, tưởng nhớ đến ông tổ Bàn Vương của cộng đồng dân tộc Dao, huyện Ba Chẽ đã tổ chức thành công 2 kỳ lễ hội Bàn Vương, trong đó tái hiện được nghi thức “Hành trình vượt biển” của người Dao đến vùng đất mới để lập nghiệp; nghi lễ dâng lễ vật, cây đặc sản, con vật nuôi lên tổ Bàn Vương và chương trình giao lưu dân ca, dân vũ của cộng đồng dân tộc Dao đã trở thành sự kiện văn hóa lớn, thu hút được đông đảo sự tham gia của các nhánh, ngành Dao ở các tỉnh miền núi phía Bắc và nhiều dòng họ, làng bản có người Dao sinh sống tập trung trên địa bàn huyện Ba Chẽ và tỉnh Quảng Ninh về tham dự, tạo nên một hình ảnh riêng có, nổi bật, sắc màu. Đây cũng là cơ sở vững chắc để huyện Ba Chẽ tiếp tục xây dựng và đưa lễ hội Bàn Vương trở thành một lễ hội đặc trưng, tầm quy mô cấp tỉnh và khu vực.
Công tác quảng bá về văn hóa dân tộc Dao: Huyện Ba Chẽ đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Truyền thông và Văn hóa cùng các xã trên địa bàn phối hợp với các công ty lữ hành du lịch ở trong và ngoài tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, các nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc tổ chức quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Dao trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang du lịch, tổ chức cuộc thi ảnh nghệ thuật “Vẻ đẹp và mảnh đất, con người Ba Chẽ”, trong đó bản sắc văn hóa dân tộc Dao được các nghệ sĩ nhiếp ảnh ở trong và ngoài tỉnh Quảng Ninh quan tâm khai thác nhiều nhất. Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm truyền thống, như chạm bạc (vòng cổ, vòng đeo tay, vòng tai), thêu thổ cẩm (áo, túi đeo, ví, túi đựng máy tính…) tại các gian hàng hội chợ, trên facebook. Tổ chức quảng bá văn hóa dân tộc Dao tại các lễ hội, hội diễn, ngày hội văn hóa của vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, sự kiện văn hóa của tỉnh Quảng Ninh và khu vực miền núi phía Bắc, như nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, múa rồng, múa hành triều, trình diễn trang phục dân tộc Dao.
Bên cạnh kết quả đạt được, việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại huyện Ba Chẽ thời gian qua còn có những hạn chế: Công tác tuyên truyền bảo tồn và phát triển nghề truyền thống ở một số xã chưa được quan tâm thường xuyên. Sản phẩm thêu thổ cẩm, chạm bạc, ủ rượu truyền thống, mặt nạ gỗ ka đong chưa thành lập được các tổ hợp tác sản xuất, chưa được giới thiệu rộng rãi trên thị trường tiêu thụ và chưa phát triển được thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện; giá thành của các sản phẩm truyền thống so với giá thành trên thị trường rất cao nên khó khăn trong việc tiêu thụ, chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu thụ của địa phương vào các dịp lễ, tết. Việc thu hút các cá nhân, doanh nghiệp vào xây dựng homestay tại thôn Sơn Hải chưa thực hiện được nên chưa hấp dẫn du khách. Công tác xã hội hóa thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng” đã được thực hiện nhưng kết quả chưa cao.
Một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới
Để bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao tại huyện Ba Chẽ, một số nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là:
Một là, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng các kế hoạch thành phần thực hiện các danh mục theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Dao tại thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ gắn với phát triển du lịch cộng đồng”. Xây dựng kế hoạch thực hiện tiếp tục sưu tầm các hiện vật phục vụ trong nghi lễ tâm linh, vật dụng trong sinh hoạt của người dân tộc Dao trên địa bàn để phục vụ hoạt động bảo tồn và phát triển du lịch.
Hai là, chỉ đạo các xã phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện duy trì thường xuyên việc truyền dạy các nghi lễ múa mặt nạ ka đong, chạm bạc, làm mặt nạ giấy, chế tác mặt nạ gỗ gắn với việc thành lập các câu lạc bộ văn hóa phi vật thể, các tổ hợp tác hàng lưu niệm phục vụ du lịch.
Ba là, phát triển các đội văn nghệ dân gian để biểu diễn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc Dao trong các lễ hội, hoạt động giao lưu văn nghệ. Duy trì việc tổ chức lễ hội Bàn Vương tại nhà sinh hoạt văn hóa người Dao định kỳ 2 năm/lần gắn với phát triển các tuyến, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số, gắn với việc trình diễn, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc: lễ hội Bàn Vương, lễ đón tết Rằm tháng 7 âm lịch; lễ hội cầu mùa (của cộng đồng dân tộc Dao); lễ hội Lồng Tồng (dân tộc Tày); Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc Sán Chay (dân tộc Sán Chay) và Ngày hội văn hóa - thể thao dân tộc huyện Ba Chẽ.
Bốn là, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch, như chạm bạc, mặt nạ gỗ ka đong, thêu thổ cẩm, nghi lễ nhảy lửa, múa rùa, trò chơi vật chày, dân ca, dân vũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, tại các sự kiện văn hóa, du lịch của tỉnh Quảng Ninh và huyện Ba Chẽ. Thực hiện đơn đặt hàng với các doanh nghiệp du lịch ở trong và ngoài tỉnh về quảng bá “nghi lễ nhảy lửa” của người Dao ở huyện Ba Chẽ.
Năm là, thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào Bản văn hóa dân tộc Dao thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (xây dựng các homestay, phục dựng lại một số ngôi nhà cổ; đầu tư tái hiện lại một số nghề truyền thống của người dân tộc Dao…) để phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Sơn Hải./.
Huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) gìn giữ văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, xây dựng nông thôn mới  (30/09/2023)
Phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực phát triển nhanh và bền vững ở Quảng Ninh hiện nay  (30/09/2023)
Phát triển văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số  (30/09/2023)
Phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững  (30/09/2023)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Sự phát triển nhận thức của Đảng ta về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua gần 40 năm đổi mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm