Từ Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững" - Những vấn đề đặt ra và giải pháp cho thành phố Cẩm Phả trong thời gian tới
Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, về "Xây dựng văn hóa con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa là một trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững, là nhân tố phát huy sức mạnh tổng hợp, là động lực của quá trình phát triển. Thời gian qua, thành phố Cẩm Phả đã tập trung định hướng, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Cẩm Phả thời kỳ mới đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững mang đặc trưng của văn hóa giai cấp công nhân mỏ “Đức độ - Tài năng - Khỏe đẹp - Nghĩa tình” và truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” của giai cấp công nhân vùng mỏ.
Thành phố năng động
Cẩm Phả được biết đến là một thành phố công nghiệp than - điện, là cái nôi của giai cấp công nhân vùng mỏ, với truyền thống đoàn kết, kỷ luật và đồng tâm; là 1 trong 4 thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí chiến lược quan trọng thuộc vùng động lực phát triển miền Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Quảng Ninh với diện tích 486,5km2, phía bắc giáp huyện Ba Chẽ và huyện Tiên Yên, phía đông giáp huyện Vân Đồn, phía tây giáp thành phố Hạ Long, phía nam giáp vịnh Bắc Bộ; được chia thành 16 đơn vị hành chính (13 phường và 3 xã), 174 thôn, khu phố với dân số hơn 200.000 người, có 14 dân tộc anh em cùng sinh sống chủ yếu là dân tộc Kinh chiếm 94,94% còn lại là các dân tộc khác.
Cẩm Phả là thành phố công nghiệp lớn nhất tỉnh Quảng Ninh, trung tâm kết nối giữa thành phố Hạ Long và Khu kinh tế Vân Đồn với nhiều tiềm năng, lợi thế nổi trội, khác biệt: (1) Là trung tâm lớn nhất cả nước về khai thác, chế biến và tiêu thụ than, có 19 mỏ chiếm hơn 70% trữ lượng than sạch của tỉnh Quảng Ninh; (2) Với 73km đường biển, cảng Con Ong - Hòn Nét (gồm 44 điểm neo đậu, tiếp nhận tàu trọng tải đến 65.000 tấn) và Cảng nước sâu Cửa Ông (đón được tàu 50.000 tấn ra vào thuận lợi); (3) Vịnh Bái Tử Long đẹp như một bức tranh thủy mặc, phong phú về địa chất, địa mạo, đa dạng về sinh học (bao gồm hàng trăm hòn đảo lớn nhỏ trong đó có nhiều đảo đất); (4) Nguồn nước khoáng quý hiếm, bao gồm nguồn nước khoáng đóng chai và nguồn khoáng nóng phục vụ trị liệu; (5) Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông - Cặp Tiên; Cụm di tích lịch sử gắn với sự kiện lịch sử cuộc tổng bãi công của hơn 3 vạn thợ mỏ ngày 12-11-1936 (gồm các công trình: Quảng trường 12-11, Khu di tích Vũng Đục, Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm lưu niệm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959).
Trong những năm qua, tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội của thành phố Cẩm Phả có những bước phát triển vững chắc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân (GRDP) đạt trên 13%/năm; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố 10 năm qua trung bình đạt trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm, năm 2022 đạt cao nhất với trên 20.000 tỷ đồng. Công tác lập, điều chỉnh quy hoạch được quan tâm đầu tư, thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư chiến lược nghiên cứu, triển khai các dự án trọng điểm, động lực trên địa bàn, tạo ra triển vọng mới về phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, đô thị chất lượng cao, đặc biệt là sự hình thành của các dự án lớn như: Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cụm Nhiệt điện Mông Dương, Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh, Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt, Khu đô thị du lịch - dịch vụ Bái Tử Long, Công viên trung tâm thành phố... Công tác cải tạo, phục hồi môi trường được quan tâm đặc biệt, đã chấm dứt vận tải than trên quốc lộ 18, chấm dứt đổ thải tại các bãi thải phía Nam thành phố; 100% nước thải mỏ đã được đầu tư xử lý. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao; trình độ dân trí và mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân được nâng lên rõ rệt, các hoạt động giáo dục, y tế, thể dục thể thao, sáng tác và biểu diễn văn hoá - nghệ thuật đã phát triển sâu rộng từ thành phố đến cơ sở. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, ổn định.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU trong cuộc sống
Để lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy Cẩm Phả đã ban hành Chương trình hành động số 24-CTr/TU, ngày 1-6-2018, đưa nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Trong 5 năm qua, thành phố đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người; văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao; quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Chỉ đạo các chi, đảng, bộ trực thuộc, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội của thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện, tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, nhân dân đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống. Chỉ đạo tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh, thành phố về xây dựng và phát triển văn hóa, con người; đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng và triển khai sâu rộng Bộ Quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân Cẩm Phả”. Cùng với đó, Ban Thường vụ Thành ủy Cẩm Phả đã ban hành các nghị quyết chuyên đề về công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người như: Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 12-8-2021, về “Xây dựng thành phố Cẩm Phả cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và trở thành đô thị loại I vào năm 2030”; Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 18-11-2022, về “Phát triển và nâng cao phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”; xây dựng đề án và ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 14-12-2022, về “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến 2025, tầm nhìn đến 2030”…
Nhờ đó, công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản và di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn thành phố Cẩm Phả được tăng cường. Hiện nay, trên địa bàn thành phố hiện có 24 di tích, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt, 3 di tích cấp quốc gia; 5 di tích cấp tỉnh và 15 di tích đã được kiểm kê phân loại. Đã đầu tư trên 300 tỷ đồng triển khai các dự án trong quy hoạch chi tiết đối với Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Cửa Ông; đầu tư trên 15 tỷ tu bổ Đền Cả (tại phường Cẩm Đông); phối hợp với các đơn vị ngành than tu bổ di tích Địa điểm Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai năm 1959... Quan tâm, phục dựng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số như: Hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu, hát chèo cổ, rao tổ tôm điếm, têm trầu cánh phượng... Cùng với đó, thành phố đã tổ chức nhiều các hoạt động gắn với tuyên truyền, triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TU, ngày 20-5-2019, về “Tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục truyền thống và lịch sử Đảng bộ địa phương trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2020 - 2025”; đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương. Đến nay, 100% trường tiểu học, THCS, THPT đã đưa nội dung giáo dục văn hóa, lịch sử địa phương vào chương trình học tập, ngoại khóa,... góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử địa phương đối với thế hệ trẻ thành phố Cẩm Phả.
Thành phố đặc biệt quan tâm nâng cấp, cải tạo, hoàn thiện, phát huy hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ thành phố đến phường, xã từng đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, vui chơi, giải trí, thể dục thể thao của các tầng lớp nhân dân (như nâng cấp, cải tạo, mở rộng nhà văn hóa Công nhân; Quảng trường 12/11; Sân vận động Cẩm Phả, công viên cây xanh trung tâm thành phố...). Hoạt động của thư viện, nhà truyền thống của thành phố đã được quan tâm đầu tư và nâng cao chất lượng hoạt động; tại các trường tiểu học và THCS trên địa bàn được trang cấp đầy đủ các loại sách, tài liệu, báo, tranh ảnh phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi của học sinh.
Đồng thời, Thành phố đã tổ chức nhiều trại sáng tác văn học nghệ thuật, tổ chức cuộc thi “Ảnh đẹp Cẩm Phả” với 371 tác phẩm của 51 tác giả thuộc 09 tỉnh, thành trên cả nước; biên soạn và chuẩn bị xuất bản Cuốn sách “Cẩm Phả - Đất và Người”, “Cẩm Phả trong tôi”… Các tác phẩm văn học, nghệ thuật đã góp quảng bá, giới thiệu về văn hóa, con người Cẩm Phả, Quảng Ninh với bạn bè trong và ngoài nước. Các phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn thành phố Cẩm Phả được lan tỏa sâu, rộng và phát huy hiệu quả; tạo sự đồng thuận trong nhân dân, được các cơ quan, đơn vị, tổ chức hưởng ứng mạnh mẽ. Cẩm Phả luôn là địa phương đi đầu toàn tỉnh về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TU, cán bộ và nhân dân thành phố Cẩm Phả đã có nhiều chuyển biến tích cực về tư tưởng, nhận thức đầy đủ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Các thiết chế văn hóa được đầu tư và phát triển, phong trào thi đua yêu nước, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao và các nét đẹp văn hóa truyền thống được quan tâm giữ gìn, phá huy. Thành phố đã xây dựng và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chuyên đề về văn hóa, con người tạo nên những nét đặc trưng riêng trong đa dạng những nét đẹp chung của con người Việt Nam và hun đúc, bảo tồn, phát huy truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm”;“ Hội tụ văn hóa thợ mỏ - Lan tỏa tình người vùng than”, từ đó xuất hiện những điển hình tiên tiến trong học tập, lao động sản xuất, góp phần tích cực xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, thành phố Cẩm Phả phát triển bền vững.
Để văn hóa thực sự là trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, thành phố Cẩm Phả tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ chiến lược, đó là: (1) Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ của công tác xây dựng Đảng trên cơ sở nguyên tắc lấy chi bộ và đảng viên làm trung tâm; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, thống nhất; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, lấy người dân, tổ chức và doanh nghiệp là mục tiêu phục vụ; phát huy khối đại đoàn kết toàn dân, khơi thông mọi nguồn lực để xây dựng và phát triển Thành phố. (2) Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững và đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đáp ứng cơ bản tiêu chí đô thị loại I vào năm 2025 và trở thành đô thị loại I vào năm 2030; kết nối và liên kết vùng với thành phố Hạ Long, khu kinh tế Vân Đồn, thành phố Móng Cái, thành phố Lạng Sơn và hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc; xây dựng hạ tầng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Tập trung cải cách hành chính; cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, giữ chân và thu hút các nhà đầu tư chiến lược, tạo sự phát triển đột phá. (3) Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảman sinh xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân; xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người Cẩm Phả đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, gắn với triển khai thực hiện Bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là công dân Cẩm Phả”.
Để xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa, con người Cẩm Phả đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, thành phố xác định tập trung thực hiện một số nội dung sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh quán triệt, triển khai, lan tỏa sâu rông, hiệu quả trong cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân Nghị quyết 11-NQ/TU, ngày 9-3-2018, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững” gắn với thực hiện các Nghị quyết số 25-NQ/TU, ngày 18-11-2022, của Thành ủy Cẩm Phả, về “Phát triển và nâng cao phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”, Nghị quyết số 28-NQ/TU, ngày 14-12-2022, của Thành ủy Cẩm Phả, về “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di tích và danh thắng trên địa bàn thành phố Cẩm Phả đến 2025, tầm nhìn đến 2030”.
Hai là, tập trung thực hiện và phát huy Bộ nhận diện thương hiệu của Thành phố Cẩm Phả mà trọng tâm là Bộ quy tắc ứng xử “Tự hào là Công dân Thành phố Cẩm Phả”; tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ khẩu hiệu “Hội tụ văn hóa Thợ mỏ - Lan tỏa tình người vùng than” nhằm xây dựng văn hóa, con người Cẩm Phả mang nét đặc trưng của con người Quảng Ninh “Năng động - Sáng tạo - Hào sảng - Lành mạnh - Văn minh - Thân thiện”.
Ba là, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước các lĩnh vực; quản lý, khai thác có hiệu quả các thiết chế văn hóa; bảo tồn, giữ gìn phát huy và kết nối các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá và giao lưu với các địa phương trong và ngoài Thành phố. Duy trì tổ chức các hoạt động văn hóa - thể thao truyền thống: Giải bóng đá nam Cup Bái Tử Long, Đội Bóng đá nữ. Đánh giá và tiếp tục hoàn thiện hạ tầng để mở cửa trở lại hoạt động Phố đi bộ “Phố đêm thợ mỏ” nhằm tăng cường việc lưu thông, mua bán hàng hóa, mở rộng các điểm giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP của các phường, xã, doanh nghiệp trên địa bàn, gắn với phát triển kinh tế ban đêm của thành phố và liên kết với các tuor, tuyến du lịch của các địa phương Vân Đồn, Hạ Long, Móng Cái, Tiên Yên, góp phần giới thiệu văn hóa và con người Cẩm Phả.
Bốn là, phối hợp chặt chẽ với ngành than để phát huy các thiết chế văn hóa, thể thao và các phong trào văn hóa thể thao của công nhân ngành than - điện trên địa bàn.
Năm là, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Hội văn học nghệ thuật, Chi hội văn nghệ dân gian, CLB hưu trí Bái Tử Long, Chi hội Báo Cảm Phả và các tổ chức xã hội khác trong việc vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tích cực vào các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước của địa phương, cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, cộng đồng dân cư và Nhân dân đối với việc tổ chức và quản lý hoạt động văn hóa trên địa bàn; chủ động ngăn chặn các sản phẩm văn hoá độc hại, phản động, ngoài luồng xâm nhập vào địa bàn. Tăng cường tuyên truyền, biểu dương gương “Người tốt - Việc tốt” với phương châm "lấy cái đẹp - dẹp cái xấu", lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Sáu là, quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí cán bộ lãnh đạo quản lý lĩnh vực văn hóa; xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ cán bộ văn hóa các cấp từ thành phố đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Sử dụng hiệu quả, công khai, minh bạch nguồn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên bảo tồn văn hóa truyền thống, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Bảy là, tiếp tục thực hiện và tạo sự chuyển biến tích cực hơn nữa trong thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ và kỷ niệm các ngày truyền thống theo tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW, của Bộ Chính trị, gắn với việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW, về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phong trào “Xây dựng Thành phố Cẩm Phả - Thành phố Triệu đóa hoa hồng”; đẩy mạnh công tác an sinh xã hội và các phong trào thi đua yêu nước trên địa bàn gắn với xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững./.
Phát triển du lịch Yên Tử theo hướng bền vững  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm