THAM LUẬN HỘI THẢO: Phát huy vai trò của các loại hình truyền thông trong giới thiệu, quảng bá những giá trị khác biệt, nổi trội của mảnh đất và con người Quảng Ninh
Những giá trị khác biệt, nổi trội của mảnh đất và con người Quảng Ninh
Quảng Ninh có nhiều điểm khác biệt so với các tỉnh, thành phố khác: (1) là tỉnh duy nhất có đường biên giới cả trên bộ, trên biển với Trung Quốc, quốc gia đông dân nhất thế giới; (2) Có Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và những đặc sắc của Vịnh Bái Tử Long cùng với hơn 500 di tích danh lam thắng cảnh đã được công nhận; (3) Có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, với trữ lượng than đá chiếm hơn 90% cả nước và lớn nhất Đông Nam Á; (4) Xã hội, con người là nơi hội tụ, giao thoa, thống nhất trong đa dạng của nền văn minh sông Hồng với truyền thống quật cường, yêu nước và cách mạng hào hùng; nơi hình thành ngành công nghiệp đầu tiên và cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với di sản tinh thần quý báu “kỷ luật và đồng tâm”; (5) Nơi nhà vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, lên núi hóa Phật, để lại thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang bản sắc riêng của Phật giáo Việt Nam với tư tưởng hòa nhập đạo pháp với dân tộc và đoàn kết các tôn giáo.
Quảng Ninh có vị trí trọng yếu về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc; có 13 huyện, thị xã, thành phố; 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố. Trong những năm qua, tăng trưởng kinh tế của tỉnh luôn duy trì ở mức cao so với bình quân chung cả nước. Thu nội địa luôn đứng trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu toàn quốc. Quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được duy trì ổn định; công tác đối ngoại tiếp tục được tăng cường, mở rộng, giữ vững hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác cùng phát triển. Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương mạnh dạn, tiên phong trong triển khai thực hiện thí điểm nhiều mô hình trên các lĩnh vực, được truyền thông, báo chí quan tâm phản ánh.
Hệ thống báo chí truyền thông tại Quảng Ninh trước ngày 2-1-2019 gồm 3 cơ quan: Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh; Báo Quảng Ninh, Báo Hạ Long. Đến ngày 2-1-2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Quyết định số 1276-QĐ/TU, thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh trên cơ sở hợp nhất về tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND tỉnh.
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 47 cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành và các địa phương khác cử văn phòng đại diện, phóng viên thường trú với hơn 110 nhà báo, phóng viên (có 24 văn phòng đại diện với 76 người, 23 cơ quan báo chí cử phóng viên thường trú với 24 người); 10 cơ quan báo chí cử phóng viên chuyên trách với 13 phóng viên. Đây là đội ngũ phóng viên, nhà báo được đào tạo bài bản, gắn bó với đồng bào, nhân dân Quảng Ninh chặt chẽ, là đầu mối quan trọng trong việc tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè, du khách, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu triển khai chương trình hợp tác truyền thông với một số cơ quan báo chí Trung ương, bộ, ngành. Theo đó, n từ năm 2018 đến nay, tỉnh duy trì chương trình hợp tác truyền thông với trên dưới 30 cơ quan báo chí/năm(1) nhằm đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá hình ảnh Quảng Ninh đến với du khách, bạn bè, nhà đầu tư trong và ngoài nước; đồng thời hỗ trợ tỉnh phản bác kịp thời, hiệu quả các thông tin sai trái trên môi trường mạng.
Về hệ thống thông tin cơ sở: Từ năm 2019 đến nay, 13/13 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh đã thành lập trung tâm truyền thông văn hóa cấp huyện trên cơ sở hợp nhất Đài Phát thanh Truyền hình cấp huyện với Trung tâm Văn hóa - Thể thao, góp phần hoàn thiện chính sách phát triển hệ thống cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện trên địa bàn, giúp các cơ quan, đơn vị liên quan và các huyện, thị xã, thành phố có cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện hằng năm; chủ động trong việc bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện.
Hệ thống cổng thông tin điện tử của tỉnh gồm 5 cổng thành phần cấp 1 gồm: Cổng chính, tiếng Anh, tiếng Trung, Du lịch, Doanh nghiệp); 59 cổng thông tin điện tử thành phần cấp 2 gồm: Các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội; 127 cổng thông tin điện tử thành phần cấp 3 gồm: Các xã, phường, thị trấn thuộc 12 huyện, thị xã, thành phố (đã nhận tài khoản quản trị, vận hành) và 26 trang thông tin điện tử liên kết; hơn 50 trang thông tin điện tử tổng hợp được Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định cấp phép.
Từ tháng 6-2017, tỉnh Quảng Ninh sử dụng mạng xã hội như một kênh truyền thông chính thống để tuyên truyền chủ trương, chính sách. Cụ thể, trên mạng xã hội Facebook, tỉnh đã thiết lập hệ thống trang fanpage chính thống lấy tên là DDCI Quảng Ninh; trang fanpage của các sở có tên như: DDCI Thông tin và Truyền thông; DDCI Du lịch; DDCI Văn hóa và Thể thao…; trang fanpage của các địa phương có tên như: DDCI Cô Tô; DDCI Quảng Yên…Riêng Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh có các trang, kênh thông tin trên mạng xã hội gồm: Fanpage QMG - Tin tức Quảng Ninh 24/7; QMG - Quang Ninh Media Group (tiếng Anh), Fanpage tiếng Trung trên mạng xã hội Weibo; Kênh Quảng Ninh TV trên mạng xã hội Youtube.
Từ cuối năm 2018, tỉnh Quảng Ninh bắt đầu đưa kênh xalo Chính quyền điện tử Quảng Ninh để tuyên truyền chủ trương, chính sách và kết nối với nhân dân. Đến nay, kênh zalo Chính quyền điện tử Quảng Ninh đã kết nối đến hơn 981.900 tài khoản zalo của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Tỉnh Quảng Ninh đặc biệt coi trọng công tác truyền thông quảng bá, luôn xác định công tác truyền thông phải đi trước một bước. Theo đó, cùng với nhiều kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tỉnh đã ban hành những kế hoạch, chiến lược thông tin với mục tiêu trung tâm là đẩy mạnh thông tin, truyền thông về Quảng Ninh trong thời kỳ mới. Trong đó, nổi lên xuyên suốt là định hướng xây dựng một hình ảnh, thương hiệu Quảng Ninh phát triển mạnh về kinh tế, du lịch, văn hóa, giàu có và phong phú nguồn tài nguyên tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên và môi trường; một Quảng Ninh có nền quốc phòng - an ninh bảo đảm, là điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, mến khách; có khả năng thu hút đầu tư của doanh nghiệp; tăng sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; quản lý, duy trì thông tin trên các phương tiện báo chí truyền thông, mạng xã hội, thông tin cơ sở theo đúng quy định.
Theo chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông luôn bám sát định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương để triển khai công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức. Một trong những giải pháp đầu tiên được Quảng Ninh thực hiện tích cực là truyền thông chủ động, lan tỏa các thông tin tích cực. Trước các sự kiện lớn hoặc các chủ trương, chính sách sắp ban hành có tác động lớn đến xã hội, công tác tuyên truyền được thực hiện từ sớm, theo lộ trình cụ thể; sử dụng đồng bộ hạ tầng báo chí trong tỉnh, các cơ quan báo chí hợp tác truyền thông, báo chí thường trú trên địa bàn; hệ thống thông tin cơ sở, các trang, các kênh mạng xã hội do tỉnh quản lý, vận hành để thông tin và nắm bắt dư luận. Công tác cung cấp thông tin cho báo chí và hệ thống thông tin cơ sở được sở duy trì hằng tuần, hằng ngày, theo từng sự kiện; đồng thời đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Sở Thông tin và Truyền thông, các tài khoản mạng xã hội do Sở quản lý. Ngoài ra, Sở Thông tin và Truyền thông còn chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông các bộ, ngành Trung ương để triển khai các phóng sự, chuyên đề, chuyên trang nhằm giới thiệu, quảng bá những giá trị khác biệt, nổi trội của mảnh đất và con người Quảng Ninh, cũng như những kết quả nổi bật của tỉnh trong xây dựng kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh trật tự.
Cùng với đó, Quảng Ninh là một trong những địa phương luôn chủ động trong công tác cung cấp thông tin cho báo chí. Công tác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí được Quảng Ninh thực hiện nghiêm túc và bài bản. Từ năm 2017, trên cơ sở bám sát Nghị định số 09/2017/NĐ-CP, ngày 9-2-2017, của Chính phủ, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 02/2017/QĐ-UBND, ngày 4-8-2017, Quy định về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, phân công trách nhiệm cụ thể cho người phát ngôn trong việc cung cấp thông tin cho báo chí. Đến nay, 100% số cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đã cử người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo đúng quy định. Định kỳ hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông thực hiện việc rà soát danh sách người phát ngôn của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh, cung cấp công khai cho các cơ quan báo chí dễ tiếp cận, khai thác thông tin chính thống.
Để đạt được những kết quả nổi bật như trên, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện quyết liệt và đồng bộ các giải pháp , cụ thể như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên tất cả các hạ tầng truyền thông của báo chí tỉnh, cơ quan báo chí các bộ, ngành có hợp tác, đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú, phóng viên chuyên trách tại tỉnh và hệ thống thông tin cơ sở của tỉnh, bảo đảm chuyển tải chính xác, đầy đủ và kịp thời các thông tin tới người dân và xã hội.
Các thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, các quan điểm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, các thông tin về giới thiệu quảng bá, cũng như thông tin đính chính, lên án các thông tin sai lệch, tin giả được chuyển tải chính xác và kịp thời tới người dân, góp phần hỗ trợ thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời, cung cấp phản hồi cho các cơ quan quản lý nhà nước điều chỉnh các chế độ, chính sách một cách hiệu quả. Công tác tuyên truyền được triển khai chủ động, đồng bộ, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, góp phần giúp bạn bè trong nước, quốc tế và các đối tác hiểu đúng, ghi nhận, đánh giá cao về các chính sách, giá trị khác biệt, nổi bật của tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung.
Hai là, các phương thức truyền thông được tiến hành đa dạng, trên nhiều nền tảng phương tiện.
Bên cạnh các phương thức truyền thống, trong thời gian gần đây, việc sử dụng các phương tiện hiện đại, phi truyền thống như truyền thông qua tin nhắn SMS, truyền thông trên các loại hình mạng xã hội và các ứng dụng khác trên nền tảng internet… cũng được tỉnh Quảng Ninh quan tâm, chú trọng. Với ưu thế của mạng xã hội nhanh chóng kết nối mọi người, việc sử dụng mạng xã hội để truyền thông có ưu điểm nổi bật là cập nhật nhanh chóng thông tin đến được với mọi người nhanh hơn, rộng rãi hơn. Quảng Ninh cũng đã sử dụng đồng bộ hệ thống cổng thông tin điện tử (từ cấp tỉnh đến cấp xã), mạng xã hội bao gồm: các trang fanpage DDCI trên mạng xã hội Facebook, các tài khoản zalo do các sở, ngành, địa phương quản trị như một công cụ quan trọng để vừa cung cấp thông tin, tuyền thông đến người dân, vừa tiếp nhận các ý kiến tương tác, phản hồi của người dân.
Ba là, truyền thông hiệu quả đã góp phần quan trọng làm giảm ảnh hưởng của các thông tin giả, thông tin sai sự thật.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, nhất là công nghệ internet, mang lại những thời cơ, thuận lợi, song đồng thời cũng thúc đẩy sự phát triển của vấn nạn tin giả, tin không đầy đủ, thiếu kiểm chứng, gây mất ổn định đời sống và tâm lý của người dân. Việc truyền thông nhanh chóng, kịp thời và chính xác các thông tin đã góp phần rất lớn để hạn chế ảnh hưởng của các thông tin xấu độc, ổn định dư luận xã hội.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, công tác truyền thông, quảng bá cần đi trước, đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, hình thức truyền thông nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư, khách du lịch; qua đó giúp các cơ quan quản lý nhà nước nhận biết, nắm bắt các vấn đề, các nhu cầu xã hội để hình thành chính sách phù hợp với thực tiễn, tạo sự đồng thuận để mang lại hiệu quả tốt nhất cho khâu thực thi./.
-------------------------
(1) Năm 2018 hợp tác truyền thông với 39 cơ quan báo chí; năm 2019 hợp tác với 32 cơ quan báo chí; năm 2020 hợp tác với 26 cơ quan báo chí; năm 2021 hợp tác với 28 cơ quan báo chí, năm 2022 hợp tác truyền thông với 27 cơ quan báo chí.
Phát huy giá trị văn hóa trong mô hình OCOP ở các vùng, miền, dân tộc trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh  (30/09/2023)
THAM LUẬN HỘI THẢO: Quảng Ninh phát triển du lịch trên nền tảng các di sản văn hóa  (30/09/2023)
Phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” - linh hồn của văn hóa công nhân mỏ, văn hóa người dân đất mỏ trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp  (30/09/2023)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm